“Quốc Triều Hình Luật”[2] (hay còn gọi là Luật hình triều Lê) được xây dựng, bổ sung, hoàn chỉnh trong thời Lê sơ và được Lê Thánh Tông ban hành vào năm 1483 trong thời gian ông lấy niên hiệu là Hồng Đức nên còn có tên gọi khác là “Luật Hồng Đức”, là một trong những bộ luật quan trọng nhất của Việt Nam thời kỳ Phong kiến, thời kỳ đất nước ta đạt đến đỉnh cao của chế độ phong kiến tập quyền. Để đáp ứng nhu cầu phát triển của chế độ Trung ương tập quyền, hoạt động lập pháp của nhà Lê được đẩy mạnh nhằm xác lập sự thống trị của mình. Bộ Quốc Triều Hình Luật ra đời trong hoàn cảnh đó, bao gồm 6 quyển, 722 điều:
+ Quyển 1 có 2 chương: Danh lệ (49 điều), Vệ cấm (47 điều)
+ Quyển 2 có 2 chương: Vi chế (144 điều), Quân chính (43 điều)
+ Quyển 3 có 3 chương: Hộ hôn (58 điều), Điền sản (59 điều), Thông gian (10 điều)
+ Quyển 4 có 2 chương: Đạo tặc (54 điều), Đấu tụng (50 điều)
+ Quyển 5 có 2 chương: Trá ngụy (38 điều), Tạp luật (92 điều)
+ Quyển 6 có 2 chương: Bộ vong (13 điều), Đoán ngục (65 điều)
Những giá trị trong Quốc Triều Hình Luật thể hiện ở nhiều khía cạnh khác nhau, bao trùm lên tất cả các lĩnh vực kinh tế và xã hội. Tuy nhiên, trong bài viết này chỉ đề cập đến địa vị pháp lí của người phụ nữ ở xã hội Phong kiến đương thời mà thôi. Trên cơ sở đề cao hệ tư tưởng Nho giáo, Bộ luật này đã mặc nhiên thừa nhận những quyền và nghĩa vụ vợ chồng do Nho giáo và tục lệ đặt ra nhằm mục đích bảo vệ tuyệt đối chế độ gia tộc phụ quyền: thiên về quyền lợi pháp lý của người chồng, bảo vệ quyền lợi của người chồng với tư cách là gia trưởng. Rõ ràng, gia đình phụ quyền gia trưởng – hạt nhân, nền tảng của xã hội phong kiến, được nhà nước bảo vệ với nhiều đặc quyền của người đàn ông. Nhà nghiên cứu Insun Yu đã đánh giá: “Chính trong bộ luật nhà Lê, quan niệm, Nho giáo về mối quan hệ vợ chồng đã được đề cao đến tột bậc về phương diện pháp lý đối với người Việt Nam …”[3]. Tuy vậy, bộ “Quốc Triều Hình Luật” đã đạt được giá trị và thành tựu nổi bật, có những đặc điểm tiến bộ và ưu thế hơn hẳn các bộ luật trước, đặc biệt là sự quan tâm nhiều đến địa vị của người phụ nữ, quan tâm đến quyền lợi của họ, cho họ một sự bình đẳng tương đối đối với đàn ông trong một xã hội mà người chồng trong gia đình được xem như là “trụ cột”. Đó chính là yếu tố góp phần làm nên sự đặc biệt và tiến bộ đi trước thời đại của bộ luật này. Trong bộ luật đã có nhiều điều liên quan, khẳng định, thừa nhận đến địa vị pháp lý của người phụ nữ - một điều hiếm thấy trong các bộ luật Phong kiến trước kia.
Việc thừa nhận, bảo vệ quyền lợi phụ nữ trong xã hội Triều Lê là một điều trọng đại, tức là với những quy định khắt khe của Nho giáo, người phụ nữ “tam tòng tứ đức” được mặc định, thì việc có những quy định được coi là cách tân bảo vệ quyền lợi, nhân phẩm người phụ nữ là một việc đòi hỏi tầm nhìn rộng lớn, tư tưởng bình đẳng đối với thành phần được mặc nhiên là yếu thế trong xã hội: phụ nữ. Trong quyển 3 - Hộ hôn (58 điều) có một số điều luật quy định: "Phàm chồng đã bỏ lửng vợ năm tháng không đi lại (vợ được trình với quan sở tại và quan xã làm chứng) thì mất vợ. Nếu vợ đã có con thì hạn một năm. Vì việc quan đi xa thì không theo luật này. Nếu đã bỏ vợ mà lại ngăn cản người khác lấy vợ của mình thì phải tội biếm (đ.308)". Điều 320: “Mãn tang chồng nhưng người vợ thủ tiết, nếu ngoài ông bà, cha mẹ, kẻ nào khác gả ép người phụ nữ đó thì bị biếm[4] và buộc phải ly dị. Trả người đàn bà về chồng cũ…” hoặc quy định tại Điều 338: “những nhà quyền thế mà ức hiếp để cưới con gái lương dân thì xử phạt, biếm hay đồ[5]”. Hay tại điều 402: “quyền rũ con giái chưa có chồng thì xử như tội gian dâm thường; người con gái (bị quyến rũ) không phải tội”. Điều 403 và Điều 404 Bộ Luật Hồng Đức quy định xử rất nặng đối với những trường hợp xâm phạm thân thể, tiết hạnh của người phụ nữ, kẻ nào “hiếp dâm thì xử lưu[6] hay chết. Phải nộp tiền tạ tội hơn một bậc đối với tiền tạ tội gian dâm thường. Nếu gây thương tích cho người đàn bà thì xử nặng hơn một bậc đánh người bị thương. Nếu làm chết người đàn bà thì điền sản kẻ phạm tội phải giao cho nhà người bị chết” ; “gian dâm với con gái nhỏ 12 tuổi trở xuống, dù nó thuận tình thì vẫn xử như tội hiếp dâm”.
Luật này còn quy định: Vợ chồng có nghĩa vụ phải chung sống tại một nơi và phải có trách nhiệm với nhau (các điều 321 và 308, 309), không được ngược đãi vợ (điều 482), nghĩa vụ chung thủy (điều 401, 405), nghĩa vụ để tang nhau (các điều 2, 7). Điều 309 buộc người chồng phải tôn trọng thứ bậc của người vợ trong gia đình: “Ai lấy nàng hầu lên làm vợ thì xử tội phạt, vì quá say đắm nàng hầu mà thờ ơ với vợ thì xử tội biếm (phải có vợ thưa thì mới bắt tội)”, hoặc khi người chồng vượt quá quyền của mình, vô phép đối với nhạc phụ, nhạc mẫu thì không những là bất hiếu mà còn bất nghĩa đối với vợ, người vợ có quyền xin ly hôn: “Nếu con rể lấy chuyện phi lý mà mắng nhiếc cha, mẹ vợ, đem việc thưa quan sẽ cho ly dị…” (Điều 333).
Một số điều quy định như trên là một bước tiến khá căn bản trong việc cải thiện địa vị của người phụ nữ trong xã hội phong kiến. Vai trò của người phụ nữ đã được đề cao hơn rất nhiều so với các bộ luật đương thời trong khu vực. Trong một số trường hợp cụ thể, quyền lợi của người phụ nữ cũng được ưu tiên bảo vệ như: khi đã đính hôn nhưng người con trai chẳng may bị ác tật, phạm tội hay phá sản thì người con gái vẫn có quyền khước từ trả lại đồ sính lễ, người con trai không có quyền đòi lại của. Người phụ nữ, người vợ còn có quyền được hưởng tài sản sau khi ly hôn, đó là các trường hợp: Ly hôn không do lỗi của người vợ và khi hai vợ chồng không có con thì vợ chồng mỗi người có quyền sở hữu số tài sản ruộng đất riêng của mình có trước thời kỳ hôn nhân và và 1/2 số tài sản ruộng đất do hai vợ, chồng tạo nên trong thời kỳ hôn nhân. Khi người chồng chết, người vợ được xếp vào hàng thừa kế thứ nhất và có quyền giữ nguyên quyền sở hữu cá nhân đối với tài sản riêng của mình và 1/2 số tài sản do vợ, chồng tạo ra trong thời kỳ hôn nhân. (Quyền được sở hữu tài sản riêng, quyền đồng sở hữu đối với tài sản chung của hai vợ chồng). Một điều đặc biệt của Bộ Luật Hồng Đức là quyền được chia gia tài của con gái cũng ngang bằng với con trai (Điều 388); Không có con trai cũng không có nghĩa là không có người thừa tự, vì Điều 391 quy định: trong trường hợp gia đình không có con trai thì con gái cũng có quyền thừa kế hương hoả.
Trong lĩnh vực thừa kế cho thấy người vợ có quyền quản lý tài sản của gia đình (khi chồng chết) và họ có quyền thừa kế như nam giới. Cụ thể: thứ nhất, khi cha mẹ còn sống, không phát sinh các quan hệ về thừa kế nhằm bảo vệ và duy trì sự trường tồn của gia đình, dòng họ. Thứ hai, là các quan hệ thừa kế theo di chúc (các điều 354, 388) và thừa kế không di chúc (thừa kế theo luật) với các điều 374-377, 380, 388. Đây là một điểm tiến bộ không thể thấy ở các bộ luật Phong kiến khác. Thứ ba, bộ luật đã phân định về nguồn gốc tài sản của vợ chồng, gồm có: tài sản riêng của mỗi người và tài sản chung của cả hai vợ chồng. Việc phân định này góp phần xác định việc phân chia thừa kế cho các con khi cha mẹ đã chết hoặc chia tài sản cho bên còn sống nếu một trong hai vợ hoặc chồng chết trước.
Ngoài địa vị pháp lí tiến bộ dành cho phụ nữ như nêu trên, Quốc Triều Hình Luật còn được thể hiện rõ tính nhân văn đối với phụ nữ trong quan niệm thực thi về hình phạt:
Ngũ hình: được quy định tại điều 1 và bao gồm xuy[7], trượng[8], đồ, lưu, tử. Xuy (đánh bằng roi) có 5 bậc: 10, 20, 30, 40, 50 roi, có thể kèm phạt tiền và biếm chức, áp dụng cả cho nam và nữ. Trượng (đánh bằng gậy) cũng có 5 bậc: 60, 70, 80, 90 và 100 trượng, chỉ áp dụng cho nam. Dịch đinh kèm 80 trượng cho nam và dịch phụ kèm 50 roi cho nữ. Dịch đinh/dịch phụ có nhiều hạng là: Thuộc đinh: phục dịch ở các viện (dành cho quan chức có tội) Quân đinh: phục dịch ở các sảnh. Khao đinh: phục dịch ở trong trại lính. Xã đinh: phục dịch ở các xã (dành cho thường dân nam có tội). Thứ phụ: phục dịch công việc ở làng (dành cho thường dân nữ có tội). Viên phụ: làm các công việc trong vườn (dành cho vợ các quan chức). Tang thất phụ: phục dịch ở các nơi nuôi tằm, nếu phạm tội nặng Tượng phường binh (quét dọn chuồng voi kèm 80 trượng và thích 2 chữ vào mặt) cho nam và xuy thất tỳ (nấu cơm nuôi quân kèm 50 roi và thích 2 chữ vào cổ) cho nữ. Chủng điền binh (lính lao động ở đồn điền của nhà nước kèm 80 trượng và thích vào cổ 4 chữ, phải đeo xiềng) cho nam và thung thất tỳ (xay thóc giã gạo trong các kho thóc thuế của nhà nước kèm 50 roi và thích vào cổ 4 chữ) cho nữ.
Qua đó đã cho chúng ta thấy hình phạt cho phạm nhân nữ bao giờ cũng thấp hơn, nhẹ hơn so với phạm nhân nam, không dùng hình phạt “trượng” hay “thích vào mặt” đối với phạm nhân nữ. Như vậy nếu không có cái nhìn vượt tầm thời đại, không có tính nhân văn, không xuất phát từ lòng yêu thương con người sâu sắc, không quan tâm đến đời sống xã hội…, thì sẽ không thể cho ra đời những quy định vượt giới hạn của định kiến trong xã hội Phong kiến lúc bấy giờ.
Như vậy, khi xây dựng nhà nước pháp quyền của chúng ta thì những bài học trị nước bằng pháp luật kết hợp với văn hóa khoan dung, tinh thần nhân văn của người Việt Nam, trong đó không thể không nói đến Quốc Triều Hình Luật. Do đó, có thể nói bộ Quốc Triều Hình Luật hay luật Hồng Đức là văn bản pháp lý bậc nhất, là đỉnh cao của thành tựu pháp luật Việt Nam so với các triều đại trước đó, đặc biệt là những quy định đối với phụ nữ, bởi những giá trị tiến bộ của nó vượt trước thời đại, và mang tính nhân đạo, nhân văn sâu sắc của người Việt. Ngày nay, trong tiến trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân, thì việc nghiên cứu, tiếp thu những giá trị nhân văn, tiến bộ của Quốc Triều Hình Luật có vai trò và ý nghĩa sâu sắc nhằm phát huy những truyền thống văn hóa pháp lý tốt đẹp của một dân tộc trải qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, luôn là điều cần thiết và bổ ích để đảm bảo ổn định xã hội, vì lợi ích của đất nước, của Nhân dân nói chung và sự tiến bộ, bình đẳng của phụ nữ nói riêng.
Trong bài phát biểu tại Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XII diễn ra từ ngày 07/03/2017 – 09/03/2017 tại Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Xây dựng trong toàn xã hội thái độ tôn trọng, tôn vinh, bảo vệ phụ nữ; phong cách ứng xử văn minh, văn hóa đối với phụ nữ. Chú trọng tuyên truyền gương phụ nữ điển hình tiên tiến; phê phán, đấu tranh chống tư tưởng coi thường phụ nữ, các hành vi phân biệt đối xử, xâm hại, xúc phạm nhân phẩm phụ nữ”. Trong xu thế hội nhập và phát triển của đất nước, tiếp nối truyền thống cách mạng của các thế hệ đi trước, phụ nữ Việt Nam ngày nay đang tiếp tục có vai trò, khẳng định vị trí của mình và đóng góp quan trọng vào công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nâng cao địa vị phụ nữ, thúc đẩy bình đẳng giới trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. đồng thời những định hướng về nữ quyền, bình đẳng giới…, đã được thể chế hóa trong Hiến pháp, Luật bình đẳng giới và nhiều văn bản trong hệ thống pháp luật Việt Nam.
Ở nước ta, trong tiến trình lịch sử luôn có sự hy sinh, đóng góp vô cùng to lớn của nhiều thế hệ phụ nữ, họ đã có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước ngàn năm văn hiến, tạo dựng nên truyền thống, bản sắc của người Việt nói chung và truyền thống của phụ nữ Việt Nam “anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” nói riêng. Người phụ nữ không chỉ chăm lo cho gia đình về vật chất mà còn là người thắp lên ngọn lửa tình yêu, niềm tin, ước mơ hi vọng cho mỗi thành viên trong gia đình, là người biết lấy các giá trị bền vững của gia đình làm nền tảng để tiếp nhận những giá trị mới cho gia đình phát triển hơn và hạnh phúc hơn như lời Bác Hồ của chúng ta từng nói: "Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ"[9]./.
[1] Khoa Luật Đại học Quốc gia, Giáo trình Lý luận chung về Nhà nước và Pháp luật – NXB Đại học Quốc gia Hà Nội 2001, tr. 242.
[2] “Quốc triều hình luật”, NXB Pháp lý, Hà Nội 1991. (Bài viết sử dụng nhiều dẫn chứng trích nguyên văn từ các điều trong Bộ luật này).
[3] Insun Yu: “Luật và xã hội Việt Nam thế kỷ XVII, XVIII” – NXB Khoa học Xã hội Hà Nội 1994, tr. 113
[4] Biếm: giáng chức. “Quốc triều hình luật”, NXB Pháp lý, Hà Nội 1991. tr. 33
[5] Đồ: đồ hình, tội giam cấm bắt làm việc khổ sai. sđd. tr. 33
[6] Lưu: đày người có tội đi nơi xa. sđd. tr. 33
[7] Xuy: đánh roi. sđd. tr. 33
[8] Trượng: làm bằng cây song lớn, không róc bỏ những mấu mắc. sđd. tr. 29
[9] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 7, tr. 340