Tham gia lớp học có 40 học viên đến từ các xã, phường, thị trấn trong tỉnh, gồm: xã Gia Huynh, thị trấn Lạc Tánh (huyện Tánh Linh); xã Tân Đức (huyện Hàm Tân); xã Hàm Cần (huyện Hàm Thuận Nam); thị trấn Lương Sơn, xã Hòa Thắng, Sông Bình, Phan Lâm (huyện Bắc Bình); xã Chí Công, Vĩnh Hảo (huyện Tuy Phong) phường Đức Long, xã Tiến Thành, Tiến Lợi (thành phố Phan Thiết) và cán bộ Chi cục Phát triển nông thôn Bình Thuận. Nội dung chương trình lớp học gồm 06 chuyên đề: chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng về di dân nông thôn; quy hoạch bố trí dân cư; công tác tài chính trong bố trí dân cư; lập kế hoạch bố trí dân cư; giám sát, đánh giá dự án đầu tư bố trí dân cư; một số quy định về bồi thường giải phóng mặt bằng; nghe báo cáo thực tế; đi nghiên cứu thực tế; thảo luận và viết thu hoạch.
Ghi nhận qua bản thu hoạch của học viên cho thấy, học viên đã thể hiện rõ hiểu biết về công tác bố trí dân cư; đánh giá đúng thực trạng công tác bố trí dân cư ở các địa phương; trong đó, nêu rõ thuận lợi, như: có chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, hướng dẫn của các bộ, ngành chức năng; đội ngũ cán bộ công chức ở cơ sở ngày càng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; nhận thức của người dân từng bước được nâng cao. Bên cạnh đó, công tác bố trí dân cư ở một số địa phương trong tỉnh còn không ít khó khăn. Trước hết là việc hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho công tác di dân còn thấp so với nhu cầu thực tế; công tác điều tra, khảo sát, bố trí tái định cư chưa đảm bảo đủ các điều kiện về quỹ đất, đường giao thông, điện, nước sinh hoạt, trường học, trạm y tế…; phong tục, tập quán sinh hoạt và sản xuất của nhân dân, đặc biệt là của đồng bào dân tộc thiểu số chậm thích nghi nơi ở mới; công tác quy hoạch, kế hoạch được xây dựng nhưng chậm phê duyệt ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện…
Để công tác bố trí dân cư thật sự đi vào chiều sâu và có hiệu quả, trong thời gian tới cần tập trung thực hiện một số giải pháp sau:
Thứ nhất, tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức cho nhân dân về vị trí, vai trò của công tác bố trí dân cư trong quá trình ổn định, nâng cao đời sống và xây dựng nông thôn mới, nhằm tạo sự đồng thuận trong nhân dân.
Thứ hai, tranh thủ thu hút các chương trình, dự án của các tổ chức trong và ngoài địa phương; huy động các nguồn lực trong nhân dân, tranh thủ các nguồn vốn ngân sách từ trung ương, tỉnh, huyện.
Thứ ba, thực hiện lồng ghép hợp lý và hiệu quả các nguồn vốn của các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình, dự án hỗ trợ có mục tiêu trên từng địa bàn, gồm chương trình giảm nghèo, chương trình quốc gia về việc làm, chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, chương trình 134, 135, …
Thứ tư, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết nơi định cư mới; chú trọng công tác khuyến nông, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật giúp người dân phát triển sản xuất, ổn định đời sống nơi tái định cư, có như vậy việc bố trí dân cư mới ổn định, bền vững.
Thứ năm, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị tham gia xây dựng, thực hiện kế hoạch bố trí dân cư theo chủ trương của Đảng và Nhà nước
Có thể nói, việc tổ chức Lớp Bồi dưỡng tập huấn chương trình Bố trí dân cư cho cán bộ, công chức cấp cơ sở là rất thiết thực và bổ ích, không chỉ giúp cán bộ, công chức nâng cao nhận thức, mà còn góp phần quan trọng vào việc thực hiện công tác bố trí dân cư phù hợp với thực tế từng địa phương trong tỉnh./.
Nguyễn Thị Thủy
Trường Chính trị