Vai trò động lực của Kinh tế tư nhân

Một trong những thành tố của chủ đề Đại hội XII là “đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới”. Đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới còn được hiểu là đổi mới mạnh mẽ từ tư duy đến hành động.

Đã đến lúc dứt khoát từ bỏ những nếp nghĩ cũ, từ bỏ cách hành xử theo lối mòn để đi trên con đường đổi mới. Những đột phá về tư duy đổi mới xuất hiện trong dự thảo văn kiện trình Đại hội Đảng XII. Đây quả thật là những cánh én đầu mùa báo hiệu một thời kỳ phát triển mới đang đến với đất nước ta. Định hướng đúng chắc chắn sẽ dẫn đến thành công. Tất nhiên, chúng ta hiểu, những khó khăn, thử thách trên con đường biến kinh tế tư nhân trở thành động lực quả thật còn không phải là ít.

Coi trọng kinh tế tư nhân là một nội dung mới trong Dự thảo Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng cộng sản Việt Nam. Đóng góp ý kiến về vấn đề này, nhiều doanh nghiệp, chuyên gia cho rằng doanh nghiệp tư nhân rất cần môi trường bình đẳng để có động lực đóng góp cho đất nước. Nếu năm 2000, khối kinh tế tư nhân đóng góp tổng vốn đầu tư 22,9%, thì hiện nay khu vực kinh tế tư nhân đang có khoảng 500.000 doanh nghiệp, chiếm gần 90% số doanh nghiệp cả nước. Hàng năm, khu vực kinh tế tư nhân đóng góp gần 50% GDP và giải quyết tới 90% việc làm cho người lao động. Mặc dù chiếm số lượng đông đảo, song các doanh nghiệp thuộc khu vực tư nhân chủ yếu có quy mô vừa và nhỏ, năng lực cạnh tranh thấp, sản phẩm chất lượng chưa cao, năng lực quản trị còn nhiều hạn chế... Bên cạnh đó, một số chính sách khi áp dụng xa rời thực tế, chưa phù hợp với cơ chế thị trường, thậm chí còn kìm hãm doanh nghiệp, vẫn tồn tại tình trạng đối xử thiếu công bằng giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân. Với lực lượng hùng hậu, phủ khắp mọi miền đất nước, hiện khối doanh nghiệp tư nhân đang được xem là một trong những động lực quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong những năm gần đây. Hàng năm khu vực này góp phần tăng kim ngạch xuất khẩu, thu ngân sách, đồng thời tham gia giải quyết có hiệu quả các vấn đề xã hội như tạo việc làm, xóa đói, giảm nghèo…

Việc Đảng Cộng sản Việt Nam coi trọng kinh tế tư nhân, coi kinh tế tư nhân là động lực của sự nghiệp phát triển đất nước là hoàn toàn đúng đắn: “Cần khẳng định vai trò động lực của khu vực kinh tế tư nhân, vì khu vực kinh tế tư nhân là khu vực của toàn dân. Hãy tin vào nhân dân, hãy tin vào sự nghiệp làm kinh tế của nhân dân. Nhà nước hãy đóng vai trò như nhà nước kiến tạo, nhà nước hỗ trợ và đóng vai trò là hậu phương vững chắc của nhân dân, cho sự nghiệp làm ăn kinh tế của toàn dân”. Tiếp tục coi trọng vai trò của khu vực kinh tế tư nhân như trong Dự thảo Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII, sẽ tạo thêm động lực để khu vực kinh tế này tiếp tục phát triển.

Vậy đâu là lực đẩy cho cỗ xe đổi mới đất nước tiếp tục lăn bánh. Lực đẩy cho công cuộc đổi mới trước hết là ước vọng của trên 90 triệu người dân Việt Nam đang có cuộc sống ngày một khấm khá hơn, đang được hưởng các quyền tự do ngày một nhiều hơn. Sau đó, áp lực của hội nhập, của những cam kết quốc tế cũng là một nguồn lực đẩy rất quan trọng. Một nguồn lực đẩy khác cũng quan trọng không kém là sự dấn thân của những nhà lãnh đạo có tư duy cải cách ở trong Đảng và Nhà nước ta.

Ngày hôm nay đi từ thành thị đến nông thôn, ai cũng thấy sau 30 năm đổi mới bộ mặt đất nước đã có những đổi thay, có ý nghĩa lịch sử. Tuy nhiên, nhìn vào các khó khăn, hạn chế và trong so sánh với các nước xung quanh, chúng ta nhận ra rằng động lực mà những cải cách trước đây tạo ra đã không còn đủ mạnh để thúc đẩy phát triển. Đã đến lúc chúng ta cần có thêm động lực bằng việc “đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới”. Trong đó, cần đẩy mạnh đổi mới hệ thống chính trị đồng bộ với đổi mới kinh tế, đưa năng lực và hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị lên ngang tầm nhiệm vụ và thời đại. Đổi mới chính trị ở đây không phải là từ bỏ mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, mà là làm cho chủ nghĩa xã hội được nhận thức đúng đắn, sâu sắc hơn và được xây dựng có hiệu quả hơn trên nền tảng khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.

Qua dự thảo Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, vị thế của kinh tế tư nhân ở nước ta đã có một bước tiến dài. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng đề nghị Đảng, Nhà nước cần phải có các cơ chế, chính sách, nhất là các chính sách giúp cho các doanh nghiệp tư nhân được thuận lợi hơn trong việc tiếp cận với các nguồn vốn, khoa học và công nghệ, xúc tiến thương mại và các dịch vụ trong các lĩnh vực thuế, hải quan... Có như vậy, khu vực kinh tế tư nhân mới thực sự là động lực quan trọng của quá trình phát triển./.


Các tin khác