Tin mới nhất

Xã Đa Mi - Tiềm năng cho phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao kết hợp với du lịch sinh thái

Đa Mi là một xã vùng cao thuộc huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận, được thành lập năm 2002, có diện tích 14.538 ha, với 5.373 nhân khẩu. Khí hậu quanh năm mát mẽ, diện tích rừng tự nhiên lớn với nhiều khu vực mang vẻ đẹp tiềm ẩn. Đây là điều kiện để xã Đa Mi phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao kết hợp với du lịch sinh thái.

Khi mới thành lập xã Đa Mi rất khó khăn vì là một xã vùng cao, giao thông không thuận lợi, các điều kiện sinh hoạt không đảm bảo,  nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy, sự đoàn kết của chính quyền và toàn thể nhân dân xã đã xây dựng nên một Đa Mi hoàn toàn khác so với khi mới thành lập. Tình hình kinh tế - xã hội đã có những chuyển biến tích cực, đời sống nhân dân được cải thiện khá đáng kể, cơ sở hạ tầng của xã được đầu tư khá đồng bộ nhất là giao thông, trường học, trạm y tế, điện, nước sinh hoạt... Với thế mạnh về điều kiện tự nhiên, khí hậu và thổ nhưỡng tốt, địa phương đã từng bước hướng dẫn, quy hoạch để nhân dân  trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao như: sầu riêng, cà phê, điều,… với tổng diện tích các loại cây trồng trên địa bàn 2.307 ha. Bên cạnh đó, đã thử nghiệm thành công một số giống cây mới như: Sầu riêng Ri 6, Sầu riêng Monthong Thái Lan, Măng cụt ghép... đã thích nghi phát triển với quy mô lớn.  Ngoài ra, địa phương còn trồng các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao khác như: bơ, mít, xoài,… và các loại cây ngắn ngày phù hợp với điều kiện của địa phương như: bắp, mì, đậu... góp phần làm cho nền kinh tế nông nghiệp của xã phát triển.

Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường, Đa Mi đã có sự manh nha trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Điều này không những giúp cho người dân tận dụng được mọi tiềm năng, thế mạnh của thổ nhưỡng, khí hậu mà thiên nhiên đã ban tặng cho Đa Mi mà còn là nền tảng cho người dân đầu tư ứng dụng các công nghệ khoa học kỹ thuật vào sản xuất như: lai tạo giống mới, sản xuất nông nghiệp trong nhà màng, công nghệ tưới của Israel và các kỹ thuật chăm sóc nông nghiệp tiên tiến khác để nâng cao chất lượng sản phẩm.

Với lợi thế về điều kiện nguồn nước tự nhiên không quá lạnh cũng không quá nóng, tại xã đã có một cơ sở nuôi cá tầm theo quy trình tiêu chuẩn quốc tế GLOBAL GAP, rộng hơn 14.000 m2 lồng bè với sản lượng hàng trăm tấn cá thương phẩm mỗi năm. Công ty Cổ phần Tầm Long Đa Mi được thành lập năm 2008, là đơn vị chuyên sản xuất cá tầm tại lòng hồ thủy điện Hàm Thuận - Đa Mi. Hiện nay ngoài xuất khẩu, cá tầm Đa Mi còn cung ứng cho nhiều nơi trên toàn quốc. Song song với đó, người dân trong xã tiếp tục phát triển đa dạng các loại con nuôi như bò, dê, heo, các loại gia súc, gia cầm,… cùng với các mô hình nuôi heo đen, heo lai, cừu,… góp phần ổn định thu nhập của nhân dân và đây cũng là một mô hình để tham quan, du lịch.

Thiên nhiên không chỉ ban tặng cho xã Đa Mi các điều kiện cần thiết để phát triển kinh tế nông nghiệp mà còn ban tặng những cảnh vật tự nhiên như: Thác 9 tầng, con thác lớn nằm giữa rừng già thuộc Khu bảo tồn Hàm Thuận - Đa Mi. Đây cũng chính là thác mẹ, để sau khi đổ xuống dưới thấp, nước của Thác 9 tầng tiếp tục hình thành Thác Sương mù, Thác Mưa bay, Thác Gấu… Ngoài ra, ở Đa Mi còn có hồ Đa Mi, hồ Hàm Thuận - Đa Mi và vô số cù lao ở giữa hồ. Đây là điều kiện lý tưởng để phát triển du lịch sinh thái, đưa con người hòa mình vào tự nhiên, sống trong khung cảnh của thiên nhiên hoang dã. Có thể thấy với điều kiện tự nhiên như hiện nay thì Đa Mi có tiềm năng rất lớn trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao cũng như các thắng cảnh tự nhiên và nhân tạo để phát triển kinh tế nhưng vẫn còn tồn tại rất nhiều khó khăn như: thời tiết có lúc diễn biến thất thường dẫn đến sạt lỡ tắc nghẽn giao thông; các sản phẩm nông nghiệp giá cả còn bấp bênh… Các cơ sở thu mua chưa đủ sức bao tiêu sản phẩm cho người dân; các hoạt động du lịch chưa được tổ chức bài bản… Đặc biệt, trình độ của người dân chưa đáp ứng được yêu cầu trong ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao và kết hợp với du lịch sinh thái. Mặc dù còn rất nhiều khó khăn, nhưng nhận thấy tiềm năng về du lịch của địa phương, vừa qua UBND xã Đa Mi đã có Kế hoạch số 59-/KH/ĐU về thực hiện Nghị quyết số 09 của Tỉnh ủy Bình Thuận (khóa XIII) về phát triển du lịch đến năm 2020, nhấn mạnh đến việc khai thác các nguồn lực để phát triển du lịch tại Đa Mi.

Thiết nghĩ, thời gian đến lãnh đạo xã Đa Mi cần phải có những chỉ đạo quyết liệt hơn, kịp thời hơn, triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế nông nghiệp và du lịch. Mặt khác, nên tổ chức và quảng bá loại hình du lịch tổng hợp nói trên, với sự kỳ thú sẵn có của thiên nhiên, sự mới lạ, cũng như khai thác yếu tố phiêu lưu, khám phá về địa phương… sẽ là lực hấp dẫn để du khách ham thích du lịch muốn khám phá thiên nhiên tìm tới, nhất là giới trẻ. Thực hiện được các giải pháp trên Đa Mi xứng đáng là điểm sáng về phát phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và kết hợp du lịch sinh thái của huyện Hàm Thuận Bắc nói riêng và tỉnh Bình Thuận nói chung./.


Các tin khác

Kết quả điểm

Tài liệu tuyên truyền

Hướng dẫn tra cứu thư viện số