Tin mới nhất

TÌM HIỂU KHÁI NIỆM VÀ CÁC QUYỀN CƠ BẢN CỦA TRẺ EM THEO CÔNG ƯỚC QUỐC TẾ VỀ QUYỀN TRẺ EM CỦA LIÊN HIỆP QUỐC

  • /
  • 29.5.2013 - 8:15

Công ước quốc tế về Quyền trẻ em của Liên Hợp Quốc năm 1989 xác định trẻ em là người dưới 18 tuổi. Tuy nhiên, Công ước cũng thừa nhận pháp luật của quốc gia có thể quy định độ tuổi của trẻ em thấp hơn phù hợp với điều kiện cụ thể của quốc gia.

Hiện nay, quan niệm về trẻ em ở các nước không giống nhau: chẳng hạn ở Anh, Úc, Ai Xơ Len quan niệm những người duới 18 tuổi là trẻ em; ở Singapore: dưới 14 tuổi; ở Philíppin là dưới 18 tuổi hoặc trên 18 tuổi nhưng mất năng lực hành vi dân sự và không tự  sống độc lập… Ở Việt Nam, theo quy định tại điều 1 của Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004, thì “trẻ em là công dân Việt Nam dưới 16 tuổi”. 

Tính đến nay, Việt Nam đã tham gia ký kết và phê chuẩn một số văn bản pháp luật quốc tế liên quan đến trẻ em. Trong đó, quan trọng nhất là Công ước của Liên Hợp Quốc về quyền trẻ em.

Công ước quốc tế về quyền trẻ em được Uỷ ban Liên hợp quốc về nhân quyền bắt đầu soạn thảo từ năm 1979 và được hoàn chỉnh sau 10 năm sửa đổi và điều chỉnh với sự đóng góp tích cực có hiệu quả của nhiều nước và nhiều tổ chức quốc tế. Ngày 20/11/1989 Công ước đã được đại hội đồng Liên hợp quốc chính thức thông qua và mở cho các nước ký ngày 26/01/1990. Công ước có hiệu lực và là luật quốc tế về quyền trẻ em từ 02/9/1990. Việt Nam là nước thứ hai trên thế giới và là nước đầu tiên ở Châu Á ký Công ước này vào tháng 20/02/1990. Công ước là văn kiện quan trọng trong hệ thống điều ước quốc tế về quyền con người, đề cập đến các quyền con người riêng biệt của trẻ em.

Nội dung cơ bản của Công ước đề cập đến các quyền của trẻ em trên các lĩnh vực dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội và văn hoá; các nguyên tắc cơ bản, như bảo đảm sự sống còn và phát triển của trẻ em; không phân biệt đối xử; lợi ích tốt nhất dành cho trẻ em và tôn trọng ý kiến của trẻ em. Trong đó, các quyền được thể hiện thành 04 nhóm:

Thứ nhất, quyền được sống:

Quyền được sống của trẻ trước hết là quyền được ăn, mặc, ở; quyền được đăng ký ngay lập tức sau khi sinh ra và quyền ngay từ khi ra đời có họ tên, có quốc tịch, và trong chừng mực có thể, quyền biết được cha mẹ mình và được cha mẹ mình chăm sóc; quyền được giữ gìn bản sắc của mình, kể cả quốc tịch, họ tên và các quan hệ gia đình, nơi nào trẻ em bị tước đoạt một cách phi pháp một vài hoặc tất cả yếu tố cấu thành bản sắc của nó thì các quốc gia thành viên phải giúp đỡ và bảo vệ thích hợp, nhằm nhanh chóng khôi phục lại bản sắc cho trẻ em đó; quyền được sống với cha, mẹ, không bị buộc phải cách ly cha mẹ, trừ trường hợp những nhà chức trách có thẩm quyền chịu sự xem xét của pháp luật quyết rằng sự cách ly là cần thiết cho những lợi ích tốt nhất của trẻ; quyền được nhận làm con nuôi ở một nước khác cũng như được hưởng những sự bảo vệ và điều kiện tương đương với những quy định hiện hành đối với chế độ con nuôi ở trong nước; quyền được hưởng mức độ cao nhất có thể có về sức khỏe và các phương tiện chữa bệnh và phục hồi sức khỏe; đối với trẻ em khuyết tật, Công ước quy định chúng phải được hưởng một cuộc sống trọn vẹn và tử tế trong những điều kiện đảm bảo phẩm giá, thúc đẩy khả năng tự lực và tạo điều kiện dễ dàng để trẻ em tham gia tích cực vào cộng đồng.

Thứ hai, quyền được phát triển:

Công ước thừa nhận quyền của trẻ em được học hành, phát triển tối đa về nhân cách, tài năng, các khả năng về tinh thần và thể chất. Trẻ em có quyền được sống trong một cuộc sống có trách nhiệm trong xã hội tự do, theo tinh thần hiểu biết, hòa bình, khoan dung, sự bình đẳng giữa nam và nữ. Trẻ em có quyền được nghỉ ngơi và tiêu khiển, được vui chơi và tham gia các hoạt động giải trí phù hợp với lứa tuổi và được tự do tham gia các sinh hoạt văn hóa và nghệ thuật để phát triển.

Thứ ba, quyền được bảo vệ:

Công ước quy định trẻ em phải được bảo vệ cả trước và sau khi sinh. Quyền được bảo vệ của trẻ em được xác định như sau:

Trẻ em không bị mang ra nước ngoài bất hợp pháp. Trẻ em phải được bảo vệ khỏi mọi hình thức bạo lực về thể xác hoặc tinh thần. Trẻ em có quyền được hưởng sự bảo vệ và giúp đỡ đặc biệt của nhà nước trong những trường hợp bị tạm thời hay vĩnh viễn bị tước mất môi trường gia đình của mình hoặc vì những lợi ích tốt nhất của chính bản thân mình mà không được phép tiếp tục ở trong môi trường ấy. Trẻ em được bảo vệ khỏi sự bóc lột về kinh tế, khỏi những công việc gây nguy hiểm hoặc ảnh hưởng đến việc học hành của trẻ, hoặc có hại đối với sức khoẻ, tinh thần, đạo đức hay xã hội của trẻ em.

Trẻ em được bảo vệ khỏi việc bị sử dụng vào việc sản xuất và buôn bán bất hợp pháp các chất ma tuý và an thần. Trẻ em được bảo vệ chống lại mọi hình thức bóc lột cũng như lạm dụng về tình dục. Chống bắt cóc, buôn bán trẻ em vì bất kỳ lý do hay hình thức nào. Chống tra tấn, đối xử tàn ác, làm mất phẩm giá của trẻ em; trẻ em sẽ không bị xử án tử hình hay chung thân; không bị tước quyền tự do, không bị bắt bớ, giam giữ hoặc bỏ tù một cách bất hợp pháp hoặc tuỳ tiện. Trẻ em dưới 15 tuổi không trực tiếp tham gia chiến sự, không vào hàng ngũ lực lượng vũ trang. Khi bị phạm tội, trẻ em được đối xử theo cách thức riêng.

Thứ tư, quyền được tham gia, phát biểu đối với các vấn đề có liên quan:

Công ước thừa nhận trẻ em có quyền tự do bày tỏ ý kiến, tự do tư tưởng, tự do tín ngưỡng và tự do tôn giáo, tự do kết giao và tự do hội họp hòa bình, tự do tìm kiếm, nhận và phổ biến mọi loại thông tin tư tưởng, không kể biên giới dưới bất kỳ hình thức nào. Trẻ em có quyền được tham gia phát biểu về các vấn đề có liên quan. Các quốc gia phải tạo điều kiện, cơ hội cho trẻ em nói lên ý kiến của mình và những ý kiến đó phải được coi trọng. Không một trẻ em nào phải chịu sự can thiệp tuỳ tiện hay bất hợp pháp vào việc riêng tư của mình, gia đình, nhà cửa, thư tín cũng như những sự công kích bất hợp pháp vào danh dự và thanh danh của trẻ.

Sau khi tham gia ký kết, nội dung các vấn đề liên quan đến trẻ em, quyền của trẻ em được đề cập trong Công ước quốc tế về quyền trẻ em đã được nội luật hoá trong hệ thống pháp luật của Việt Nam. Điều đó khẳng định việc thực hiện cam kết của Nhà nước ta trước cộng đồng quốc tế./.

                                                                          Thuận Bích


  • |
  • 7520
  • |

Các tin khác

Kết quả điểm

Tài liệu tuyên truyền

Hướng dẫn tra cứu thư viện số