Vấn đề Xây dựng Đảng về đạo đức trong mối quan hệ với chính trị, tư tưởng và tổ chức của Đảng

Xây dựng Đảng về “đạo đức” không phải là vấn đề mới, đến bây giờ chúng ta mới làm, mà xây dựng đạo đức cách mạng đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta quan tâm giáo dục, rèn luyện ngay từ những ngày đầu thành lập và trong suốt quá trình xây dựng Đảng, nhất là trong giai đoạn toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh đạo đức cách mạng là gốc, là nền tảng của người cách mạng.Nhờ có cái gốc, cái nền tảng đó mà Đảng ta đã đủ sức tập hợp đoàn kết dân tộc, xây dựng khối đại đoàn kết thống nhất về ý chí và hành động để hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội.Cũng nhờ vào nó mà biết bao người con Việt Nam dám hi sinh mình vì độc lập, tự do của Tổ quốc, trong những thời khắc ngặt nghèo của lịch sử, nhờ giữ được cái gốc, cái nền tảng đó mà Đảng ta thẳng thắn tự nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật đặt lợi ích của quần chúng nhân dân, đặt vận mệnh của dân tộc lên trên mà tự đổi mới, mà tự chỉnh đốn để ngày càng lớn mạnh, quyết tâm lãnh đạo sự nghiệp đổi mới toàn diện, đưa đất nước tiến lên giành những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử. Tuy vậy, có những “sự thật” mà Đảng ta đã “nhìn thẳng”, đã “nói rõ” từ rất lâu, nhưng qua thời gian dài, đến nay Đảng vẫn chưa khắc phục được, chưa sửa được. Như Nghị quyết Đại hội XII chỉ rõ: “Tình trạng tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng với biểu hiện ngày càng tinh vi, phức tạp, gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước. Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi; có mặt, có bộ phận còn diễn biến phức tạp hơn; một số rất ít cán bộ, đảng viên bị phần tử xấu lợi dụng lôi kéo, kích động, xúi giục, mua chuộc đã có tư tưởng, việc làm chống đối Đảng, Nhà nước”[1]… Thực trạng ấy đã khẳng định cái gốc, cái nền tảng của Đảng đang bị lung lay; lòng tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ bị giảm sút. Thực trạng ấy đang đe dọa tới sinh mệnh của Đảng và sự tồn vong của chế độ như Đảng đã cảnh báo. Do đó, việc xây dựng Đảng về đạo đức trở thành giải pháp cơ bản quan trọng nhất để xây dựng sức mạnh nội sinh của Đảng, của cách mạng. Đại hội XII nhấn mạnh “Tăng cường rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng” cho cán bộ, đảng viên, “chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, thực dụng”, “tập trung thực hiện mục tiêu: “Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức”[2]. Đây là sự thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng trong việc đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, cục bộ, bè phái, “lợi ích nhóm”, nói không đi đôi với làm; đồng thời, tiếp tục khẳng định quan điểm của Đảng về xây dựng đội ngũ cán bộ của hệ thống chính trị là “coi trọng cả đức và tài, trong đó đức là gốc” như Bác Hồ đã dạy.

Trong mục tiêu xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, Đảng ta chủ yếu nhấn mạnh xây dựng trên ba mặt: “chính trị, tư tưởng và tổ chức”. Chính vì vậy, việc đặt “đạo đức” ở vị trí “ngang hàng”, cùng với “chính trị, tư tưởng và tổ chức” cấu thành mục tiêu xây dựng Đảng là một sự bổ sung quan trọng, sự đổi mới tư duy về xây dựng Đảng. Sự bổ sung này đã đáp ứng kịp thời những đòi hỏi bức thiết của công tác xây dựng Đảng trong điều kiện Đảng cầm quyền, bảo đảm cho Đảng hoàn thành tốt những trọng trách, yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới của cách mạng. “Đạo đức” trở thành một trong những “vấn đề cốt tử” quyết định sức sống, sức chiến đấu của Đảng, đồng thời nó giữ một vai trò hết sức quan trọng trong mối quan hệ gắn bó hữu cơ với các vấn đề còn lại: chính trị, tư tưởng và tổ chức. Cụ thể là:

Về chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam suy cho cùng là vì mục tiêu độc lập của dân tộc và chủ nghĩa xã hội, kiên định với đường lối đổi mới. Trên cơ sở nền tảng tư tưởng của Đảng là chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh để vận dụng và phát triển phù hợp phấn đấu vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ công bằng, văn minh”. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định, mục đích cao nhất của Đảng Lao động Việt Nam nói gọn gồm tám chữ là: “Đoàn kết toàn dân, phụng sự Tổ quốc”. Muốn phụng sự Tổ quốc Đảng cần phải có đường lối, chính sách phù hợp với quy luật khách quan và đặc điểm của Việt Nam, tạo bước đột phá để phát triển. Mỗi cán bộ, đảng viên của Đảng phải giữ vững vai trò tiên phong, gương mẫu; phải nêu cao bản lĩnh chính trị, lý tưởng chính trị “Trung với nước, hiếu với dân”. Và đó cũng chính là phẩm chất đạo đức hàng đầu của những chiến sĩ cộng sản chân chính. Nói đến xây dựng Đảng về chính trị hiện nay không thể không nói đến xây dựng văn hóa trong Đảng. Mà xây dựng Đảng về đạo đức lại chính là cốt lõi của xây dựng Đảng về văn hóa, trong đó nổi bật là văn hóa chính trị, văn hóa đạo đức, văn hóa ứng xử trong Đảng Cộng sản cầm quyền. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng đưa yếu tố đạo đức vào trong chính trị, gắn liền chính trị với đạo đức và văn hóa khi xác định “Đảng là đạo đức, là văn minh”. Người còn nhấn mạnh: chính trị cốt ở đoàn kết và thanh khiết, thanh khiết từ việc nhỏ tới việc lớn. Vì vậy, đội ngũ cán bộ, đảng viên, phải rèn đủ cả bốn đức: cần - kiệm - liêm - chính, phải đủ cả bốn đức mới là người hoàn toàn, thiếu một đức thì không thành người. Chính đạo đức đã làm cho chính trị, nhất là quyền lực thấm nhuần tinh thần nhân văn, bảo đảm cho chính trị và quyền lực chính trị không bị tha hóa, nhất là trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế.

Về công tác tư tưởng của Đảng chủ yếu để nhằm phục vụ yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng. Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về tư tưởng, không thể không quan tâm đến xây dựng đạo đức nhất là tư tưởng đạo đức và hành vi đạo đức của mỗi cán bộ, đảng viên. Đạo đức sẽ làm cho tư tưởng (mà hạt nhân là lý luận) trở nên trong sáng, khách quan, nhất quán, “quang minh chính đại”, vì vậy mà thông qua công tác tư tưởng sẽ đưa lại cho đội ngũ cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân niềm tin, đức tin và sự tuân thủ, làm theo, hành động theo chính trị của Đảng, nhất là chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, cương lĩnh, đường lối lãnh đạo của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nếu như trong Đảng, đạo đức yếu kém, suy đồi dễ dẫn tư tưởng tới chủ nghĩa cơ hội thực dụng, dễ dao động chao đảo, từ bỏ nguyên tắc, phai nhạt lý tưởng, tự đánh mất hoặc phản bội lại niềm tin, đức tin của chính mình đối với lý tưởng, mục tiêu của Đảng, của cách mạng. Những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên mà Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XII chỉ ra như: “phai nhạt lý tưởng cách mạng; dao động, giảm sút niềm tin”, hoài nghi, thiếu tin tưởng vào chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, xã rời tôn chỉ, mục đích của Đảng, lười học tập lý luận, nói và viết không đúng với quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nói không đi đôi với làm; hứa nhiều làm ít; nói một đàng, làm một nẻo, không chấp hành nghiêm các nguyên tắc của tổ chức Đảng; sa sút ý chí phấn đấu, thiếu trách nhiệm, không còn ý thức hết lòng vì nước, vì dân”[3]… suy cho cùng là do suy thoái về đạo đức, lối sống; do không giữ được “đạo” trung, hiếu; do đánh mất “tứ đức”: cần, kiệm, liêm, chính để rơi vào chủ nghĩa cá nhân, ích kỷ, thực dụng, quan liêu, vô cảm…

Về đạo đức cũng góp phần rất quan trọng trong củng cố sức mạnh của tổ chức, giữ cho tổ chức sự thống nhất ý chí và hành động, trong sạch và vững mạnh. Chính vì đạo đức trong Đảng bị suy giảm đã kéo theo tình trạng mất đoàn kết, chia rẽ, bè phái, cục bộ, vi phạm dân chủ và nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng, kèn cựa địa vị, thói hám danh lợi chức quyền… làm suy yếu tổ chức, làm tổn thương đến quan hệ đồng chí trong Đảng, uy tín thanh danh của Đảng trong con mắt đánh giá của người dân. Hay nói cách khác, không có bảo đảm đạo đức thì tổ chức đảng không thể trong sạch, vững mạnh, không có sức chiến đấu. Sự suy thoái đạo đức sẽ làm cho Đảng vừa mất đi khả năng miễn dịch trước những độc tố mà kẻ thù tiêm nhiễm vào, vừa dẫn tới hệ quả là quá trình “tự chuyển hóa”, “tự suy thoái” trong Đảng (với 9 biểu hiện của nó như Nghị quyết Trung ướng bốn Khóa XII đã chỉ ra) gắn liền với đó là sự yếu kém, rệu rã, thậm chí sụp đổ về tổ chức. Thực tế và kinh nghiệm đã cho thấy, không một đảng cầm quyền nào có thể đứng vững được khi suy thoái về đạo đức, lối sống diễn ra trong đảng, nhất là ở những cơ quan lãnh đạo và người lãnh đạo. Do vậy, để xây dựng Đảng vững mạnh về đạo đức, điều cốt yếu, quan trọng nhất trong giai đoạn hiện nay chúng ta phải thực hiện là:

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục và xác định vị trí, vai trò là “gốc”, là “nền tảng” của đạo đức cách mạng trong công tác xây dựng Đảng, trong việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cá nhân, đạo đức công vụ của cán bộ, đảng viên và xây dựng đạo đức xã hội. Đạo đức phải thực sự trở thành ngọn cờ lý luận tiên phong, ăn sâu, thấm nhuần trong toàn Đảng, một sức mạnh vô địch để lấn át mọi biểu hiện suy thoái cả về tư tưởng, chính trị, đạo đức lối sống và “tự diễn biến”, “tự suy thoái”. Trong mối quan hệ giữa những vấn đề côt tử của công tác xây dựng Đảng, đạo đức phải góp phần quan trọng làm cho tư tưởng, chính trị, tổ chức trở nên trong sáng, khách quan, khoa học, “trở thành chân lý sáng ngời”. Chân lý đó chính là “mọi lợi ích là của dân, vì dân và do dân, vì cộng đồng và vì toàn dân tộc”.

Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Xác định rõ, đó là công việc thường xuyên của các tổ chức đảng, các cấp chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội, địa phương, đơn vị và mỗi cá nhân cán bộ, đảng viên. Việc học tập và làm theo ngày càng phải đi vào chiều sâu, cần phải chuyển từ ý thức đạo đức sang hành động đạo đức; các nội dung làm theo phải cụ thể hóa bằng những hành động cụ thể, thiết thực, hiệu quả. Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh phải thực sự trở thành một nhu cầu văn hóa, trở thành lẽ sống, niềm tin đối với toàn Đảng, toàn dân. - Xây dựng Đảng về đạo đức từ việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh phải gắn với giải quyết những vấn đề cấp bách trong công tác xây dựng Đảng; chống 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ mà Nghị quyết Trung ương 4, Khóa XI, Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII của Đảng đã chỉ ra. Mỗi tổ chức đảng, các cấp chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội, địa phương, đơn vị và mỗi cán bộ, đảng viên nhất thiết phải “điểm mặt, chỉ tên” được các biểu hiện “suy thoái” cụ thể, không chung chung, trừu tượng, nữa vời để từ đó có giải pháp, biện pháp khắc phục, sửa chữa phù hợp, hiệu quả. - Trong công tác xây dựng Đảng, coi trọng giáo dục chính trị, tư tưởng, kết hợp chặt chẽ giữa xây và chống, lấy nhiệm vụ xây làm chính, chiến lược lâu dài, đồng thời lấy chống làm nhiệm vụ quan trọng, cấp bách trước mặt; thực hiện nghiêm cơ chế kiểm tra, giám sát, kiểm soát của tổ chức đảng, giám sát và phản biện xã hội của mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và của nhân dân về phẩm chất đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên; coi trọng công tác cán bộ, xác định đó là nhiệm vụ “then chốt” của “then chốt”, từ đó đổi mới các khâu của công tác cán bộ, đảm bảo dân chủ, công khai, minh bạch, đúng quy trình để lựa chọn đúng người có đức, có tài./.


[1]Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, H.2016. tr185

[2]Đảng Cộng sản Việt Nam: Sđd , tr 202

[3]Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XII


Các tin khác