Tin mới nhất

Vai trò của quyết định hành chính trong hoạt động quản lý hành chính nhà nước

Quyết định là một cách thức thể hiện ý chí của nhà quản lý hay của một nhóm người nhằm bắt buộc mọi người có liên quan phải tuân theo. Trong hoạt động quản lý, các nhà quản lý thường đưa ra rất nhiều “Quyết định” và có thể hiểu đó là “Quyết định quản lý”. 

Quyết định quản lý hành chính nhà nước được hiểu là quyết định của cơ quan hành chính nhà nước (CQHCNN) hoặc người có thẩm quyền trong CQHCNN nhằm giải quyết các vấn đề thuộc nội dung hoạt động quản lý hành chính nhà nước của CQHCNN. Trong hoạt động quản lý hành chính nhà nước, quyết định hành chính (QĐHC) có vai trò đặc biệt quan trọng nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội. Vai trò đặc biệt quan trọng của QĐH được thể hiện ở những điểm căn bản sau đây:

Một là, QĐHC được sử dụng để cụ thể hóa, chi tiết hóa các quy định của pháp luật (Luật, Pháp lệnh, Nghị quyết của cơ quan quyền lực nhà nước; quyết định của cơ quan nhà nước cấp trên) đặc biệt là cụ thể hóa các quyền và nghĩa vụ của công dân trong lĩnh vực hành chính, là phương tiện đảm bảo, bảo vệ các quyền con người, quyền công dân được ghi nhận trong Hiến pháp bằng con đường hành chính. Trong thực tiễn, nhiều Luật, Pháp lệnh và các văn bản văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) khác mới chỉ dừng lại ở việc quy định các vấn đề còn khá chung chung, không thể thực hiện được ngay mà đòi hỏi phải được chi tiết hóa, cụ thể hóa. Mặt khác, về mặt khách quan, VBQPPL của cơ quan nhà nước cao nhất thường điều chỉnh những quan hệ xã hội cơ bản nhất, quan trọng nhất đối với những quan hệ xã hội nhất định. Các văn bản đó dù có cụ thể đến đâu cũng không thể điều chỉnh một cách chi tiết và đầy đủ tất cả các quan hệ xã hội. Do đó, đòi hỏi phải ban hành QĐHC để quy định chi tiết việc thi hành. Bên cạnh việc ban hành các QĐHC để cụ thể hóa, chi tiết hóa việc thi hành Luật, tùy theo thẩm quyền của CQHCNN mà có thể ban hành các QĐHC để hướng dẫn thực hiện văn bản QPPL của cơ quan nhà nước cấp trên.

Hai là, QĐHC là cơ sở pháp lý để xác định địa vị pháp lý của các CQHCNN, (Chính Phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND các cấp…). Đồng thời là cơ sở pháp lý để thực hiện các nhiệm vụ, chức năng hành chính nhà nước, đảm bảo pháp chế và kỷ luật hành chính, tạo ra hành lang pháp lý cho việc thực hiện các hoạt động điều hành cụ thể của các CQHCNN và các đơn vị, tổ chức trực thuộc.Chẳng hạn, các Nghị định của Chính phủ quy định về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ, cơ quan ngang Bộ, quy định nhiệm vụ, quyền hạn của UBND, các cơ quan chuyên môn thuộc UBND trong các lĩnh vực quản lý chuyên ngành mà Luật hay Pháp lệnh chưa quy định điều chỉnh.

Ba là, QĐHC tạo nền tảng, cơ sở của sự điều chỉnh pháp luật đối với hoạt động quản lý hành chính nhà nước trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.Đó chính là cơ sở cho việc ban hành các quyết định hành chính cá biệt để giải quyết những vấn đề cụ thể phát sinh trong hoạt động quản lý hành chính nhà nước như điều động, bổ nhiệm, luân chuyển, khen thưởng, kỷ luật, tuyển dụng cán bộ, công chức.

Có thể khẳng định QĐHC có vai trò quan trong trong hoạt động quản lý nhà nước. Vì vậy, để nâng cao chất lượng của các QĐHC do CQHCNN ban hành, thiết nghĩ cần hợp nhất Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân năm 2004 thành một Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật để tránh sự chồng chéo trong các quy định về thẩm quyền cũng như trình tự, thủ tục, hình thức văn bản. Trong đó cần tạo ra cơ chế đảm bảo quyền tự chủ, sáng tạo của các CQHCNN đặc biệt là CQHCNN ở địa phương trong việc ban hành các QĐHC. Đây cũng là một đòi hỏi khách quan phù hợp với tiến trình cải cách hành chính giai đoạn hiện nay./.


Các tin khác

Kết quả điểm

Tài liệu tuyên truyền

Hướng dẫn tra cứu thư viện số