Tin mới nhất

COVID-19: nỗi đau, trăn trở và quyết tâm

COVID-19, bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona được phát hiện lần đầu tiên tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc vào tháng 12/2019. Đến 08h00 ngày 24/02, thế giới ghi nhận 78.996 ca nhiễm COVID-19, số người tử vong là 2.470, xảy ra ở 32 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Ngày 01/02/2020, Thủ Tướng Chính phủ công bố dịch truyền nhiễm tại Việt Nam. Đến nay, có 16 ca dương tính, đã điều trị khỏi và xuất viện 15 trường hợp. Các tỉnh có người mắc COVID-19: Vĩnh Phúc (11), T.P Hồ Chí Minh (03), Khánh Hòa (01), Thanh Hóa (01).

Bình Thuận đã giám sát và theo dõi 150 trường hợp, kết quả tất cả đều là âm tính.

Nỗi đau

Mỗi ngày, COVID-19 cướp đi mạng sống của trên 100 người trên thế giới, nhiều người nguy kịch, nhiều người nhiễm mới, chưa ai có thể khẳng định chắc chắn khi nào có thể chặn đứng được COVID-19. Việc tìm ra nguyên nhân, nguồn lây bệnh, thuốc điều trị vẫn đang được các nhà khoa học nghiên cứu. Hàng ngày, nhiều gia đình mất đi người thân; các nhân viên y tế cùng sát cánh chiến đấu với bệnh nhân, nhưng cũng đã không ít nhân viên y tế bị mắc bệnh, qua đời.

Trăn trở

COVID-19 làm ảnh hưởng đến tất cả các hoạt động của toàn cầu nói chung, của Việt Nam nói riêng. Đơn cử như Thành phố Hồ Chí Minh, Giám đốc Sở Tài chính Phạm Thị Hồng Hà cho biết do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh COVID-19, hoạt động bất động sản và đầu tư vốn cá nhân có dấu hiệu sụt giảm. Điều này gây tác động đến tình hình kinh tế và sản xuất kinh doanh ở các doanh nghiệp, các nguồn thu giảm và mức tăng trưởng thấp so với cùng kỳ. Chẳng hạn như thuế thu nhập doanh nghiệp 2 tháng đầu năm tuy tăng 1,25% so với cùng kỳ nhưng đây là mức tăng trưởng thấp nhất trong vòng 3 năm qua.Thuế giá trị gia tăng giảm 1,46% so với cùng kỳ, trong đó thuế giá trị gia tăng khu vực đầu tư nước ngoài tăng 5,02%, các khu vực còn lại đều giảm so với cùng kỳ (khu vực doanh nghiệp nhà nước trung ương giảm 10,8% và khu vực nhà nước địa phương giảm 6,06%, khu vực ngoài quốc doanh giảm 3,13% so với cùng kỳ).

Lo lắng về dịch bệnh, đã có không ít người kỳ thị với người dân ở địa phương là tâm dịch. Những ngày qua, đã có không ít biểu hiện trong cộng đồng thể hiện sự xa lánh, kỳ thị với người dân Vĩnh Phúc: 1 khách sạn ở Hà Nội treo biển “không chào đón khách đến từ Vĩnh Phúc”, 1 bệnh viện bị tố không tiếp nhận sản phụ chỉ vì là người Vĩnh Phúc…Nhiều người cho rằng đó là hành động để bảo vệ bản thân khỏi bệnh COVID -19 khi tỉnh Vĩnh Phúc đang bị coi là “ổ dịch” của cả nước.Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết: "Khi chúng ta càng kỳ thị, quá trình chống dịch càng kém hiệu quả".Ông Cấp phân tích, việc chúng ta kỳ thị sẽ khiến một số bệnh nhân nghi có bệnh không dám đi khám vì sợ bị cộng đồng xa lánh, xua đuổi. Thậm chí, một số trường hợp có bệnh sẽ cố tình giấu bệnh khiến dịch càng dễ lan rộng. Song cũng có trường hợp người dân đang bị cách lý, theo dõi tại địa phương tự ý di chuyển làm cho công tác phòng, chống dịch gặp khó khăn.

Nhiều hoạt động ghim hàng, tăng giá khẩu trang, nước rửa tay…trục lợi từ dịch cũng được các cơ quan chức năng xử lý.

Trong khi đó, thông tin xấu, độc về COVID-19 lan tràn, làm người dân hoang mang, ảnh hưởng đến an ninh trật tự. Một số cá nhân do thiếu hiểu biết, chủ yếu đưa thông tin để câu like, câu view; một số cá nhân khác lợi dụng vấn đề chống dịch để cố tính phá hoại an ninh chính trị của Việt Nam. Đơn cử như ở Cần Thơ (quyết định xử phạt hành chính C.T.N.H. (29 tuổi, ngụ phường Hưng Phú, quận Cái Răng) số tiền 10 triệu đồng về hành vi “Cung cấp nội dung thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tính của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân”; Bình Phước (quyết định xử phạt hành chính đối với chị Trần Thị Trúc C. và anh Bùi Chiến T. (mỗi người 5 triệu đồng) về hành vi cung cấp, trao đổi, truyền đưa, hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác; Đồng Nai (quyết định xử phạt hành chính Võ Lâm Tuấn , 23 tuổi, ngụ huyện Tân Phú, tạm trú huyện Trảng Bom 12,5 triệu đồng về việc đăng thông tin giả, sai lệch về dịch bệnh COVID-19). Tại Bình Thuận, liên quan đến thông tin thất thiệt được đưa lên mạng xã hội về 6 người nước ngoài nhiễm virus Corona đang điều trị cách ly tại BìnhThuận gây hoang mang dư luận,  Công an TP. Phan Thiết cho biết, đã xác định được người tung tin là bà Nguyễn Thị Liên Dung, sinh năm 1987, trú tại phường Phú Tài, TP.Phan Thiết... Thậm chí, tỉnh Quảng Ngãi có đến 10 đối tượng tung tin giả về COVID-19.

Quyết tâm

Với quyết tâm “chống dịch như chống giặc”, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã chỉ đạo cả hệ thống chính trị vào cuộc. Đặc biệt, lực lượng quân đội đóng vai trò quan trọng trong công tác phòng, chống dịch. Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona được thành lập. Các bệnh viện dã chiến được khẩn trương xây dựng và đưa vào hoạt động; công tác cách ly, theo dõi cũng như công tác điều trị đối với bệnh nhân dương tính được đặc biệt quan tâm, chia sẻ kinh nghiệm. Bước đầu, công tác phòng, chống dịch ở Việt Nam được tổ chức y tế thế giới (WHO) đánh giá rất tốt. Đặc biệt, không chỉ ở tuyến trung ương, tuyến tỉnh mà tuyến huyện cũng chữa khỏi bệnh cho những người bị nhiễm COVID -19. Công tác tuyên truyền được quan tâm, các thông tin về dịch được đăng tải công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Bên cạnh đó, Bộ Y tế thường xuyên đăng thông tin nhắc nhở người dân về cách phòng tránh bệnh dịch. Học sinh, sinh viên các cấp trong cả nước tạm thời được nghỉ học đến cuối tháng 02/2020. Những hoạt động tập trung đông người luôn được khuyến cáo cân nhắc. Khu vực biên giới, các sân bay… được rà soát kỹ lưỡng.

Trong hoàn cảnh khó khăn, tình người luôn tỏa sáng. Đó là những hoạt động chung tay “giải cứu” nông sản, đặc biệt là dưa hấu, thanh long khi hàng hóa chưa được thông thương; là việc phát khẩu trang miễn phí; là hành động hiến máu để phục vụ công tác chống dịch…

Tình hình dịch vẫn còn diễn biến bất thường, do vậy không được chủ quan.Với tinh thần chống dịch nhưng không lơ là các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Việt Nam tính đến công tác tiếp nhận lao động nước ngoài quay trở lại Việt Nam làm việc; công tác kiểm soát đường biên giới, kiểm soát xuất nhập cảnh; tiếp tục thực hiện tổ chức sàng lọc, theo dõi giám sát sức khoẻ, cách ly y tế… Hơn lúc nào hết, toàn dân Việt Nam phải đoàn kết chung tay chống dịch, vì cuộc sống của mỗi người, mỗi gia đình và cộng đồng./.


Các tin khác

Kết quả điểm

Tài liệu tuyên truyền

Hướng dẫn tra cứu thư viện số