Tin mới nhất

Vững niềm tin vào Đại hội XIII của Đảng

Kết thúc nhiệm kỳ Đại hội XII với những thách thức không nhỏ, từ thiên tai, dịch bệnh, nhưng Đảng ta đã vững tay chèo, tạo nên một niềm tin vững chắc trong Nhân dân, rằng đất nước ta sẽ trở thành 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Bước vào Đại hội XIII là sự bùng phát trở lại của đại dịch Covid 19 nhưng Nhân dân càng tin tưởng hơn, kỳ vọng hơn ở nhiệm kỳ Đại hội XIII lần này, là Đại hội của Đoàn kết, Dân chủ, Kỷ cương, Sáng tạo và Phát triển.

Đại hội đã tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới, thực hiện đồng bộ đổi mới về kinh tế và chính trị, hoàn thiện thể chế để thực hiện thắng lợi đường lối chiến lược phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm; xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, trong đó coi trọng công tác tổ chức và cán bộ; phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, bảo vệ trọn vẹn lợi ích quốc gia, dân tộc. Đại hội đã tiến hành tổng kết lý luận và thực tiễn sau 35 năm đổi mới, trong đó có 30 năm thực hiện Cương lĩnh năm 1991 và Cương lĩnh bổ sung phát triển năm 2011với những thành tựu, hạn chế và bài học kinh nghiệm. Đại hội XIII của Đảng với những quyết sách mang tầm chiến lược trên sẽ mở ra một thời kỳ phát triển mới.

Khi đã có đường lối và chiến lược phát triển đúng đắn thì một trong nhiều vấn đề quyết định thành công của nhiệm kỳ mới là vai trò của cán bộ và công tác cán bộ. Điều này thể hiện rất rõ qua sự quy hoạch cán bộ chiến lược cấp Trung ương; theo đó, quy trình công tác cán bộ được thực hiện theo 5 bước, bảo đảm dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch - một Đại hội của sự chuyển giao thế hệ rất rõ nét. Đại hội XIII đặc biệt nhấn mạnh công tác cán bộ, một nhiệm vụ then chốt trong công tác xây dựng Đảng, thực hiện sự phát triển toàn diện, đồng bộ, sâu sắc và hiện thực chiến lược công tác cán bộ trong thời kỳ mới. Điều đó đặt ra những vấn đề lớn trong học tập, rèn luyện của mỗi cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý; sự giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng và quản lý cán bộ của Đảng và trách nhiệm lớn lao của các cơ quan, cá nhân trực tiếp làm công tác cán bộ. Giải quyết tốt các vấn đề trên sẽ xây dựng được đội ngũ cán bộ xứng đáng với trọng trách mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó.

Trong xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh của con người Việt Nam, Đại hội cũng nhấn mạnh đến việc tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với việc giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới. Trong đổi mới đồng bộ về kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa, an ninh-quốc phòng, bảo vệ môi trường và hội nhập quốc tế, Đại hội xác định tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu xây dựng một nền kinh tế thị trường hiện đại theo định hướng xã hội chủ nghĩa; trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến vấn đề đột phá về thể chế để hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường và làm cho nền kinh tế nước nhà thích ứng với nhu cầu phát triển của thời đại. Việt Nam không chỉ có chú trọng kinh tế thị trường, gần đây còn đề cập đến phát triển kinh tế số, kinh tế gắn với môi trường, kinh tế phát triển bền vững, hài hòa giữa lợi ích cá nhân, tập thể và xã hội, trong đó đặc biệt chú trọng phát triển kinh tế Nhà nước như một vai trò xương sống, cốt lõi, nhưng cũng đồng thời phát triển mạnh mẽ kinh tế tư nhân.

Đối với vấn đề quốc phòng và an ninh, Đại hội nhấn mạnh việc phát huy cao nhất sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị kết hợp với sức mạnh thời đại, tranh thủ tối đa sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, Nhân dân, chế độ xã hội chủ nghĩa, nền văn hóa và lợi ích quốc gia – dân tộc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị, an ninh quốc gia, an ninh con người; xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh để phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị và toàn dân, trong đó Quân đội nhân dân và Công an nhân dân là nòng cốt. Kiên quyết đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu và hoạt động chống phá của các thế lực thù địch. Chú trọng an ninh, an toàn là một trong những yếu tố hàng đầu trong cuộc sống của  người dân.

Trong vấn đề xây dựng Đảng, Đại hội nhấn mạnh phải tiếp tục xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; không chỉ Đảng trong sạch, vững mạnh mà cả hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Muốn vậy, Đảng phải quan tâm, đổi mới sự lãnh chỉ đạo một cách toàn diện để đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Rõ ràng, Đại hội XIII như là một thông điệp, là tiếng nói, lời hứa, mệnh lệnh từ trái tim của Đảng trước Nhân dân về đường lối chính trị của mình và cũng là điều Đảng gửi gắm niềm tin trong Nhân dân, biến những đường lối, chủ trương của Đại hội XIII đi vào cuộc sống để thỏa ước nguyện ý Đảng - lòng dân./.


Các tin khác

Kết quả điểm

Tài liệu tuyên truyền

Hướng dẫn tra cứu thư viện số