Thực trạng thực hiện Luật Hoà giải, đối thoại tại Toà án ở Việt Nam hiện nay

Trên cơ sở đánh giá thực trạng thực hiện Luật Hoà giải, đối thoại tại Toà án năm 2020 trong thời gian qua, bài viết bước đầu đề xuất một số giải pháp nhằm đảm bảo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án 2020 được thực hiện nghiêm minh trong đời sống xã hội; phát huy vai trò, hiệu quả trong giải quyết tranh chấp, mang lại những kết quả tích cực nhất.

Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ IX vào ngày 16/6/2020, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc tạo ra một khung pháp lý về việc giải quyết tranh chấp thông qua phương thức hòa giải và đối thoại tại Tòa án. Từ ngày 01/01/2021, Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án chính thức có hiệu lực thi hành, góp phần quan trọng trong việc cụ thể hóa mô hình giải quyết tranh chấp tại tòa án, đồng thời làm giảm áp lực cho hệ thống Tòa án nhân dân tại Việt Nam. Tuy nhiên, việc thực thi Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án trong thực tiễn đã bộc lộ một số hạn chế, vướng mắc. Thực trạng đó đòi hỏi việc nghiên cứu, phân tích và đề xuất các giải pháp nhằm đảm bảo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án năm 2020 được triển khai toàn diện, thực hiện nghiêm minh trong đời sống xã hội; phát huy vai trò, hiệu quả trong giải quyết tranh chấp.

Thực trạng thực hiện Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.

Qua 3 năm triển khai thực hiện, Luật Hoà giải, đối thoại tại Toà án đã đạt được một số kết quả sau:

Về công tác chỉ đạo triển khai thi hành luật

Công tác triển khai thi hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án đã được thực hiện một cách cẩn trọng và tích cực sau khi luật có hiệu lực. Theo đó, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án kèm theo Quyết định số 187/QĐ-TANDTC ngày 17/7/2020, đồng thời ban hành Quyết định số 267/QĐ-TANDTC ngày 25/9/2020 để thành lập Ban Chỉ đạo triển khai thi hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Bên cạnh đó, các cấp tòa án trong nước đã được chỉ đạo, quán triệt sát sao trong công tác thi hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án như Hội nghị triển khai công tác Tòa án nhân dân hàng năm, Hội nghị giải đáp trực tuyến... Tòa án nhân dân tối cao đã chỉ đạo tăng cường công tác hòa giải tại Tòa án nhân dân, phát động phong trào thi đua “Nâng cao số lượng, chất lượng, hiệu quả hòa giải vụ án dân sự đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp”[1].

Về công tác xây dựng các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành luật

Theo báo cáo của Toà án nhân dân tối cao:[2] Tính đến 2024, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết thi hành Luật đã được ban hành tương đối đầy đủ, gồm: 01 Nghị định số 16/2021/NĐ-CP ngày 03/3/2021 của Chính phủ; 04 Thông tư của Tòa án nhân dân tối cao (Thông tư số 02/2020/TT-TANDTC ngày 16-11-2020, Thông tư số 03/2020/TT-TANDTC ngày 16-11-2020, Thông tư 01/2023/TT-TANDTC ngày 09/3/2023); 01 Thông tư số 92/2020/TT-BTC ngày 13-11-2020 của Bộ Tài chính (Tòa án nhân dân tối cao phối hợp trong việc ban hành Thông tư này); 01 Chỉ thị số 02/2022/CT-CA ngày 14/3/2022 của Tòa án nhân dân tối cao về tăng cường công tác hòa giải, đối thoại theo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án kèm theo Hướng dẫn quy trình hòa giải, đối thoại; 01 giải đáp nghiệp vụ số 01/2021/GĐ-TANDTC của Tòa án nhân dân tối cao về hòa giải, đối thoại tại Tòa án; 01 Quyết định số 454/QĐ-TANDTC ngày 15-12-2020 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao ban hành hệ thống sổ nghiệp vụ và biểu mẫu thống kê về hòa giải, đối thoại tại Tòa án; 01 Đề án trang bị cơ sở vật chất cho hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án của Tòa án nhân dân tối cao và khoảng 15 công văn, quyết định về việc triển khai thi hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.

Về công tác tuyên truyền, phổ biến luật và các văn bản hướng dẫn thi hành

Tòa án nhân dân tối cao đã tổ chức nhiều hoạt động để tuyên truyền Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án như: Ban hành Kế hoạch tuyên truyền; tổ chức Hội nghị triển khai thi hành Luật; tuyên truyền thông qua các đợt tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ Hòa giải viên, Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án; phát hành cuốn thông tin khoa học xét xử và cuốn hỏi đáp về Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án; đăng tải Luật, các văn bản quy định chi tiết và các văn bản triển khai thi hành Luật trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án nhân dân tối cao; Báo Công lý phối hợp với Truyền hình Quốc hội tổ chức Tọa đàm về Luật, Tạp chí Tòa án nhân dân có mục “Diễn đàn về Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án” để đăng tải các bài viết về công tác hòa giải, đối thoại tại Tòa án...

Các Tòa án nhân dân địa phương có cách tuyên truyền hay, sáng tạo như in và phát hành cuốn Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án để phát cho các đối tượng là Hòa giải viên, Thẩm phán và các sở, ban, ngành ở địa phương; tổ chức thành công cuộc thi “Kỹ năng Thẩm phán và Hòa giải viên trong áp dụng thực hiện Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án”; phối hợp với Đài phát thanh-truyền hình tỉnh thực hiện phóng sự tuyên truyền về công tác thi hành Luật ở Tòa án nhân dân tỉnh và các đơn vị Tòa án nhân dân cấp huyện thuộc tỉnh.

Về tuyển chọn, bồi dưỡng, bổ nhiệm và hoạt động của Hòa giải viên

Từ khi Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án có hiệu lực đến nay, Tòa án nhân dân tối cao đã tổ chức các đợt bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải, đối thoại và cấp chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải, đối thoại tại Tòa án để bổ nhiệm Hòa giải viên. Ngoài ra, Tòa án nhân dân tối cao đã tổ chức một số đợt bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên sâu cho Hòa giải viên theo vùng miền và theo yêu cầu của Tòa án địa phương. Tính đến ngày 20/12/2023, các Tòa án đã bổ nhiệm được hơn 3.000 Hòa giải viên[3]. Các Hòa giải viên được tuyển chọn, bổ nhiệm theo đúng quy định, là những người có trình độ, hiểu biết pháp luật, có kinh nghiệm tiến hành hòa giải, đối thoại, có chuyên môn trong lĩnh vực công tác, hiểu biết về phong tục tập quán và có uy tín trong cộng đồng dân cư, các Hòa giải viên đều rất nhiệt huyết, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao.

Về kết quả hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án

Tính đến tháng 01/2024, đã có 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương triển khai thi hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, trong đó hầu hết các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đều triển khai thực hiện ở cả hai cấp xét xử. Sau 3 năm đi vào thực tiễn triển khai, Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án đã đạt được những kết quả nhất định:

Trong năm 2021 (tính đến ngày 30/9/2021):[4] Số vụ việc Toà án nhận được là 229.887; Số vụ việc đã đưa ra hoà giải, đối thoại là 28.004; Số vụ việc hoà giải, đối thoại thành là 10.430.

Trong năm 2022:[5] Số vụ việc Toà án nhận được là 371.165; Số vụ việc đã đưa ra hoà giải, đối thoại là 117.443; Số vụ việc hoà giải, đối thoại thành là 72.955

Trong năm 2023:[6] Số vụ việc Toà án nhận được là 299.834; Số vụ việc đã đưa ra hoà giải, đối thoại là 119.058; Số vụ việc hoà giải, đối thoại thành là 63.030.

Thông qua các số liệu nêu trên đã phản ánh tổng quát về tình hình hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án, trong đó: Năm 2021 là năm có số lượng vụ việc được đưa ra hòa giải đối thoại và có số vụ việc được hòa giải, đối thoại thành ít nhất; năm 2022 đạt được kết quả tích cực nhất, khi có tỷ lệ Số vụ việc hòa giải, đối thoại thành/Số vụ việc đã đưa ra hòa giải, đối thoại cao nhất. Tuy nhiên, xét về tổng thể cả ba tiêu chí (Số vụ việc Toà án nhận được, Số vụ việc đã đưa ra hoà giải, đối thoại, Số vụ việc hoà giải, đối thoại thành ) thì năm 2023 là năm có kết quả tốt nhất trong hòa giải, đối thoại khi số lượng vụ việc Toà án nhận được giảm, số vụ việc đưa ra hòa giải, đối thoại tăng, đồng thời số vụ việc hòa giải, đối thoại thành có tỷ lệ cao (63.030/119.058), chiếm xấp xỉ 53%.

Những vướng mắc trong triển khai thực hiện Luật

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực thi Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án trong thực tiễn đã bộc lộ một số hạn chế, vướng mắc.

Về cơ sở vật chất phục vụ công tác hòa giải tại Tòa án

Hiện đa số các cuộc hòa giải, đối thoại được tổ chức ở Tòa án với không gian nhỏ và cơ sở vật chất vẫn còn thiếu sót. Các phòng hòa giải thường được trưng dụng từ phòng họp, phòng tiếp dân hay thiếu sót về trang thiết bị làm việc như máy tính, máy in, tủ đựng tài liệu bởi chủ yếu là thiết bị làm việc cũ, sẵn có tại Tòa án, thường được sử dụng chung gây ảnh hưởng đến công tác hòa giải. Đồng thời, chưa có hướng dẫn cụ thể về kinh phí đảm bảo cho việc lắp đặt trang thiết bị cho phòng hòa giải và phòng làm việc của Hòa giải viên.

Về Hoà giải viên

Dù đã tăng cường số lượng Hòa giải viên, nhưng vấn đề về quá tải vẫn xảy ra do số lượng vụ việc ngày càng tăng. Số lượng Hòa giải viên hiện nay (tính đến ngày 20/12/2023, các Tòa án đã bổ nhiệm được hơn 3.000 Hòa giải viên) vẫn thấp hơn nhiều so với yêu cầu. Nguyên nhân là do nguồn tuyển chọn Hòa giải viên còn hạn chế, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa; nhân sự không đủ tiêu chuẩn; thiếu chứng chỉ bồi dưỡng và sự từ chối tham gia của một số người đạt tiêu chuẩn. Hơn nữa, trình độ và kỹ năng của Hòa giải viên không đồng đều, gây khó khăn trong việc giải quyết tranh chấp.

Về phía đương sự

Do chưa nhận thức đầy đủ ý nghĩa của Luật Hoà giải, đối thoại tại Toà án, đương sự, đặc biệt là bị đơn thường có thái độ không hợp tác như không nhận giấy mời, không đến tham gia hòa giải, đối thoại, không có mặt tại nơi cư trú, không cung cấp tài liệu, chứng cứ theo yêu cầu của Hòa giải viên, khi tham gia hòa giải, đối thoại thì không có ý kiến, không có thiện chí hòa giải, đối thoại… Khi tiến hành đối thoại các khiếu kiện hành chính thì người bị kiện là đại diện các cơ quan nhà nước đều có văn bản đề nghị vắng mặt hoặc nhiều lần vắng mặt nên Hòa giải viên không tổ chức được phiên đối thoại, kéo dài thời gian đối thoại tạo tâm lý không tốt cho người khởi kiện.

Về sự phối hợp trong hòa giải, đối thoại của các cơ quan khác

Trong quá trình hoà giải, đối thoại, Hòa giải viên cần có đủ thông tin và tài liệu để đưa ra phương án hòa giải, đối thoại. Có nhiều tài liệu Hòa giải viên phải phối hợp với các cơ quan liên quan để thu thập hồ sơ và ý kiến, nhưng chưa có quy định cụ thể về thời gian phản hồi từ các cơ quan khi được yêu cầu bởi Tòa án hay Hòa giải viên, dẫn đến tình trạng trì hoãn trong việc thu thập thông tin. Có Tòa án phối hợp với các cơ quan liên quan trong quá trình hòa giải, đối thoại đối với các tranh chấp về đất đai cần sự tham khảo ý kiến của cơ quan quản lý đất đai tại địa phương nhưng các cơ quan chuyên môn của Ủy ban nhân dân chậm trả lời.

Về vướng mắc trong việc áp dụng quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án

Quá trình thực hiện Luật Hoà giải, đối thoại tại Toà án còn gặp một số vướng mắc trong việc áp dụng quy định của Luật, đó là:

- Thời hạn hòa giải đối thoại ngắn:[7] “Thời hạn hòa giải, đối thoại là 20 ngày kể từ ngày Hòa giải viên được chỉ định; đối với vụ việc phức tạp, thời hạn này có thể được kéo dài nhưng không quá 30 ngày”, chưa đảm bảo đối với vụ việc phức tạp trong các trường hợp như: cần chờ ý kiến của cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan chuyên môn trong một số lĩnh vực đang tranh chấp; cần thời gian để xác minh địa chỉ liên lạc và thông tin của các bên…Đối với các trường hợp này, Hòa giải viên phải kết thúc quá trình hòa giải, đối thoại theo đúng thời hạn dẫn đến kết quả hòa giải, đối thoại không thành ảnh hưởng tâm lý của người khởi kiện ngại tiến hành hòa giải, đối thoại.

- Luật chỉ quy định việc gửi Thông báo chuyển vụ việc sang hòa giải, đối thoại và Quyết định chỉ định Hòa giải viên cho người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định chỉ định Hòa giải viên[8]. Do đó, xảy ra trường hợp người bị kiện, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan không biết người khởi kiện yêu cầu gì, hồ sơ tài liệu gồm những gì để quyết định việc đồng ý hay không đồng ý hòa giải, đối thoại.

- Ngoài ra, còn các số khó khăn, vướng mắc khác như: Một số Hòa giải viên do tuổi cao chỉ đủ sức khỏe để làm việc tại trụ sở Tòa án; Hòa giải viên là Luật sư còn ngần ngại trong việc hòa giải, đối thoại vì nếu nhận hòa giải, đối thoại thì không được bảo vệ cho đương sự trong vụ án đó; Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án mới có hiệu lực pháp luật nên Hòa giải viên khi tiến hành các hoạt động hòa giải, đối thoại theo Luật này còn lúng túng…

Một số giải pháp:

Để đảm bảo Luật Hoà giải, đối thoại tại Toà án đảm bảo được thực hiện nghiêm minh trong đời sống xã hội; phát huy vai trò, ý nghĩa, hiệu quả trong giải quyết tranh chấp cần thực hiện một số giải pháp sau:

Thứ nhất, Toà án nhân dân tối cao cần cấp kinh phí để các địa phương bố trí, sắp xếp phòng Hoà giải, đối thoại, phòng làm việc của Hòa giải viên đúng tiêu chuẩn, quy định; đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cần thiết phục vụ cho công tác hòa giải, đối thoại tại Tòa án như: máy tính, máy in, bàn làm việc, tủ đựng tài liệu...

Thứ hai, Tòa án nhân dân các cấp cần phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục Luật Hòa giải, đối thoại tại Toà án, đặc biệt là ở các địa phương ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa để các quy định của Luật tới mọi tầng lớp nhân dân; giúp người dân hiểu rõ hơn về các quy định và ý nghĩa của mô hình hòa giải và đối thoại tại Toà án, tạo điều kiện cho Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án được trở nên phổ biến và trở thành một phương thức giải quyết mâu thuẫn và tranh chấp đơn giản, hiệu quả, tối ưu nhất.

Thứ ba, tổ chức các khóa tập huấn, bồi dưỡng, trao đổi kinh nghiệm định kỳ hàng năm nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng hòa giải, đối thoại cho các Hòa giải viên. Các cơ quan chuyên môn cùng phối hợp tạo lập một diễn đàn riêng dành cho các Hòa giải viên nhằm giúp các Hòa giải viên có thể giao lưu, kết nối, trao đổi giải quyết những vướng mắc khó khăn gặp phải trong thực tế và giúp các Hòa giải viên kịp thời nắm bắt những văn bản quy phạm pháp luật mới.

Thứ tư, tiếp tục xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, sửa đổi, bổ sung những quy định còn vướng mắc, chưa phù hợp; ban hành văn bản hướng dẫn trong việc quản lý và chế độ hoạt động của Hòa giải viên; giải đáp những vướng mắc của các Tòa án địa phương về hòa giải, đối thoại; ban hành quy chế hòa giải, đối thoại tại Tòa án, các biểu mẫu phục vụ cho hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án gồm: Quyết định công nhận kết quả hòa giải, đối thoại thành; Thông báo chuyển vụ việc sang thủ tục tố tụng; Quyết định phân công Thẩm phán phụ trách hòa giải, đối thoại;…

Thứ năm, đối với các Tòa án cấp huyện ở vùng sâu, vùng xa, miền núi chưa bổ nhiệm được Hòa giải viên hoặc còn thiếu so với định biên thì đề nghị xem xét cho Tòa án nhân dân cấp tỉnh tuyển chọn, bổ nhiệm bổ sung đối với cả trường hợp chuyên môn khác có kinh nghiệm trong lĩnh vực công tác… mà chưa có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ để đáp ứng nhiệm vụ công tác trước mắt (các trường hợp này Tòa án nhân dân cấp tỉnh sẽ cử tham gia lớp bồi dưỡng nghiệp vụ khi Tòa án nhân dân tối cao tổ chức).

Thứ sáu, xây dựng ban hành quy chế phối hợp trong hoà giải, đối thoại giữa Toà án và các cơ quan liên quan trong thu thập thông tin, tài liệu của Hoà giải viên, đảm bảo yêu cầu thu thập thông tin, tài liệu của Hoà giải viên để hoà giải, đối thoại giải quyết vụ án; quy chế phối hợp giữa Tòa án phối hợp với các cơ quan liên quan trong quá trình hòa giải, đối thoại đối với các tranh chấp về đất đai cần sự tham khảo ý kiến của cơ quan quản lý đất đai tại địa phương.


(1): Báo cáo Số 04/BC-TANDTC ngày 06 tháng 01 năm 2022 của Toà án nhân dân tối cáo Tình hình triển khai thi hành Luật Hoà giải, đối thoại tại Toà án.  

 (2): Báo cáo Số 04/BC-TANDTC ngày 06 tháng 01 năm 2022 của Toà án nhân dân tối cáo Tình hình triển khai thi hành Luật Hoà giải, đối thoại tại Toà án.  

(3): Báo cáo tổng kết công tác ngành Tòa án năm 2023.

(4): Báo cáo tổng kết công tác ngành Tòa án năm 2021.

(5): Báo cáo tổng kết công tác ngành Tòa án năm 2022.

(6): Báo cáo tổng kết công tác ngành Tòa án năm 2023.

(7): Điều 20, Luật Hoà giải, đối thoại tại Toà án năm 2020.

(8): Khoản 3, Điều 17, Luật Hoà giải, đối thoại tại Toà án.


Các tin khác