Vai trò quyết định của người cầm quân trong chiến thắng Điện Biên Phủ

Lịch sử dân tộc Việt Nam mãi ghi nhớ sự kiện ngày 07 tháng 5 năm 1954, khi lá cờ chiến thắng của Quân đội nhân dân Việt Nam tung bay trên nóc hầm tướng De Castries, mở ra con đường đi đến kí kết Hiệp định Giơ ne vơ, kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ giành thắng lợi đó là sự tổng hòa của nhiều yếu tố, trong đó không thể không kể đến vai trò quan trọng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi được Chủ tịch Hồ Chí Minh giao toàn quyền quyết định “Tướng quân tại ngoại, trao cho chú toàn quyền quyết định rồi báo cáo sau” và “trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng, chắc thắng mới đánh. Không chắc thắng không đánh”. Và thực tế lịch sử đã cho thấy, Đại tướng đã có một quyết định rất khó khăn nhưng rất quan trọng vào thời điểm cần thiết, để đưa đến một chiến thắng vẻ vang cho dân tộc Việt Nam.

Trong lịch sử, ngày 13 tháng 3 năm 1954 là ngày mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ, bắt đầu chuỗi ngày “năm mươi sáu ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt”. Nhưng để đi đến quyết định đó, ít ai biết được rằng vị Tổng tư lệnh quân đội nhân dân Việt Nam đã có những lo lắng, những phân tích sâu sắc và nắm chắc tình hình để có sự thay đổi, quyết định sáng suốt, đảm bảo nguyên tắc “đánh chắc thắng”, làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, làm nức lòng nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới.

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, phương án ban đầu của chiến dịch được đưa ra là “đánh nhanh, thắng nhanh” trong hai đêm ba ngày. Ngày quyết định để tấn công vào tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ lúc đầu dự định là ngày 20 tháng 01 năm 1954, mọi vấn đề phải được chuẩn bị tức tốc và có hiệu quả để kịp thời gian. Từng đoàn xe thồ, từng đoàn người tấp nập ngày đêm tải lương thực ra chiến trường, những đoàn ô tô vận tải, xe kéo pháo cũng rì rầm liên tục, những khẩu đại bác được các chiến sĩ ngày đêm kéo vào trận địa, số khác vẫn cặm cụi phá đá, mở đường… tất cả đều dồn hết tâm sức để chuẩn bị cho ngày nổ súng như dự định, trong họ như có một sự háo hức và niềm tin đến kỳ lạ. Nhưng việc kéo pháo không đơn giản, gần đến ngày nổ súng nhiều pháo vẫn chưa đến được nơi quy định, thời gian nổ súng được lui lại vào ngày 25 tháng 01 năm 1954 để ta có thêm thời gian chuẩn bị. Sau nhiều ngày chật vật, cuối cùng các khẩu pháo cũng đã được đặt yên ở vị trí chiến đấu. Tuy nhiên, với vai trò của người cầm quân có toàn quyền quyết định, Đại tướng đã hết sức cân nhắc, suy nghĩ về tình hình thực tế và những lời Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn, Đại tướng thấy các khó khăn hiện ra rất rõ đối với quân đội ta khi nổ súng vào thời điểm đó, đặc biệt là bộ đội ta từ trước đến nay mới chỉ quen tác chiến ban đêm, ở những địa hình dễ ẩn náu, còn ở địa hình bằng phẳng, tấn công vào ban ngày, nhất là kẻ địch có ưu thế về máy bay, xe tăng, pháo binh yểm trợ thì bộ đội ta chưa có kinh nghiệm.

Phải làm sao? Phải giải quyết như thế nào khi các pháo đã vào vị trí, các đơn vị đều đã có mặt chờ lệnh xuất phát, tinh thần chuẩn bị của các chiến sĩ đã lên cao, nếu hoãn trận đánh một lần nữa sẽ ảnh hưởng như thế nào đến tâm lý, tinh thần bộ đội ta trong khi phương án “đánh nhanh, thắng nhanh” đã được triển khai và thống nhất trong Đảng ủy, Bộ Chỉ huy chiến dịch và cả các cố vấn Trung Quốc? Sau nhiều trăn trở, cân nhắc, với vai trò của người toàn quyền quyết định, Đại tướng thấy rằng ta phải chuyển từ phương án “đánh nhanh, thắng nhanh” sang phương án “đánh chắc, tiến chắc” để có thêm thời gian chuẩn bị, đảm bảo trận đánh chắc thắng và vị Tổng tư lệnh đã đi đến một quyết định sáng suốt: hoãn cuộc tấn công! Ngay sau đó, Đảng ủy mặt trận được triệu tập để thảo luận về sự thay đổi phương châm tác chiến và đều được mọi người nhất trí. Đồng nghĩa với việc hoãn cuộc tấn công thì các đơn vị cũng được lệnh lui về điểm tập kết và kéo pháo ra. Việc kéo pháo vào trận địa đã khó, kéo pháo ra lại càng khó khăn vất vả hơn bội phần, nhưng với một niềm tin tất thắng, các đơn vị đã nỗ lực khắc phục khó khăn hoàn thành nhiệm vụ.

Có thể nói, đó là một quyết định hết sức khó khăn nhưng dũng cảm, một quyết định lịch sử đúng thời điểm đã đem đến chiến thắng cho quân đội ta. Chính Đại tướng sau này có nói “đây chính là quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời cầm quân của tôi”. Chiến dịch Điện Biên Phủ được chuẩn bị lại theo phương án mới, bắt đầu nổ súng vào ngày 13 tháng 3 và kết thúc thắng lợi vào ngày 07 tháng 5 năm 1954, tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm mạnh nhất ở Đông Dương với hệ thống công sự kiên cố và hỏa lực mạnh. Quyết định chuyển từ phương án “đánh nhanh, thắng nhanh” sang phương án “đánh chắc, tiến chắc” là công lao to lớn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Chiến thắng lịch sử Điện Biên phủ đã lùi xa 65 năm, vị Đại tướng anh hùng của dân tộc Việt Nam cũng không còn sống để chứng kiến những đổi thay của đất nước. Nhưng những giá trị của chiến dịch và công lao của Đại tướng vẫn còn đọng mãi với thời gian, với sự trường tồn của dân tộc Việt, thể hiện ý chí sắt đá của con người Việt Nam./.


Các tin khác