Tin mới nhất

Hồ Chí Minh với Cách mạng tháng Tám - Lời tiên đoán hay sự tính toán thiên tài

Cuối năm 1941 đầu năm 1942, có một tác phẩm được ra đời trong đó nơi trang giấy cuối cùng có dòng chữ được gạch chân một cách cẩn thận “Việt Nam độc lập - 1945” đó là tập thơ Lịch sử nước ta của Chủ tịch Hồ Chí Minh. 

Khi ấy Cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp có hỏi Người rằng “…tại sao không sớm hơn, không muộn hơn, mà phải là lúc này?” Người chỉ trả lời “để mà xem...”[1]

Câu nói “để mà xem” vô cùng ngắn gọn nhưng lại là lời khẳng định một cách chắc chắn nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Lật lại thời gian trước đó, năm 1939 chiến tranh thế giới thứ hai nổ ra, tình hình thế giới có nhiều biến động phức tạp. Khi đó, trong nước đầu năm 1941 đồng chí Nguyễn Ái Quốc bí mật trở về lãnh đạo cách mạng Việt Nam sau hơn 30 năm ra đi tìm đường cứu nước. Tháng 5/1941 Người chủ trì hội nghị trung ương 8. Trong hội nghị Người nêu rõ nhiệm vụ hiện nay là giải phóng dân tộc, đem lại hòa bình, tự do, hạnh phúc cho nhân dân.

Tình hình trong nước và thế giới như thế, vậy tại sao người lại khẳng định “Việt Nam độc lập - 1945”. Đây không chỉ là lời tiên đoán mà còn là sự tính toán thiên tài của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc.

Thứ nhất:  Về sự lãnh đạo tài tình, đúng đắn xuyên suốt trong đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam từ khi thành lập Đảng 2/1930 đến năm 1945 mà Người đã dự đoán là Việt Nam giành được độc lập.

Thứ hai: Về sự chuẩn bị lực lượng cách mạng một cách có nền móng, từ người nông dân đến người trí thức, từ trang bị vũ khí sơ khai như tầm vong, gậy, gộc… đến lực lượng trang bị vũ trang được thành lập vào tháng 12/1944 và từ khởi nghĩa từng phần tiến lên tổng khởi nghĩa. Để rồi vào tháng 8/1945 nhân dân nổi dậy dứng lên giành chính quyền thành công từ tay Pháp - Nhật.

Thứ ba: Sự tính toán thời cơ, nhận xét, đánh giá tình hình cách mạng thế giới, trong nước đúng đắn đến mức thiên tài.

Về tình hình thế giới, cuối tháng 9/1940 trước khi lên đường về nước đồng chí Nguyễn Ái Quốc có nhận định với những nhà hoạt động cách mạng Việt Nam rằng: “Đồng minh sẽ thắng. Pháp, Nhật ở Đông dương chóng chầy sẽ bắn nhau. Việt Nam giành độc lập”. Đến tháng  gần cuối năm 1940 khi cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ chưa xảy ra Người nói rằng hiện nay thời cơ chưa chin muồi để khởi nghĩa giành chính quyền. Đến tháng 10/1944 trong thư gửi đồng bào toàn quốc Người viết: “…Cơ hội cho dân tộc ta giải phóng chỉ ở trong một năm hoặc một năm rưỡi nữa. thời cơ gấp rút, ta phải làm nhanh...”

Thật vậy, năm 1945 nhận định tình hình thế giới và trong nước có nhiều biến động. Nhật Bản đầu hàng quân đồng minh vô điều kiện, trong nước chính quyền Trần Trọng Kim hoang mang lo sợ đến cực độ. Lúc này Người nói rằng đây là “thời cơ vàng” - là cơ hội ngàn năm có một, nếu không lúc này thì sẽ không có nữa bao giờ.

Đáp lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân ta đồng loạt xuống đường đứng lên nổi dậy giành chính quyền. Chỉ trong thời gian chưa đầy hai tuần chúng ta đã giành được chính quyền về tay nhân dân.Cách mạng Tháng Tám thành công rực rỡ, ngày 02/9/1945 tại Quảng trường Ba Đình lịch sử Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Cách mạng Tháng Tám đã mở ra một kỷ nguyên, một bước ngoặt lịch sử của cách mạng Việt Nam, và là tiền đề cho hai cuộc chiến thắng thần kỳ: Chiến thắng Điện Biên Phủ 5/1954 và chiến thắng mùa xuân năm 1975 giải phóng hoàn toàn, thống nhất đất nước.

Lời tiên đoán “Việt Nam độc lập - 1945” đã thành sự thật. Sự tính toán thiên tài được toát ra từ lời tiên đoán ấy. Ngày nay, để giữ vững những thành quả mà cha ông ta đã hy sinh biết bao xương máu để đạt được, thế hệ chúng ta và mai sau phải cùng nhau tích cực thi đua yêu nước, hăng say xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam ngày càng vững mạnh tươi đẹp./.

 


[1] Trích Những chặng đường lịch sử - Võ Nguyên Giáp, trang 46


Các tin khác

Kết quả điểm

Tài liệu tuyên truyền

Hướng dẫn tra cứu thư viện số