Hướng về ngày gia đình Việt Nam 28/6

Gia đình là tế bào của xã hội. Gia đình góp phần quan trọng cho sự phát triển chung về mọi mặt của toàn xã hội, cùng với xã hội xây dựng môi trường sống và hoàn thiện con người.

Ngày 04/5/2001 Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 72/2001/QĐ-TTG về việc chọn ngày 28/6 hàng năm là Ngày Gia đình Việt Nam. Việc làm này nhằm thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Quan tâm đến gia đình là đúng vì nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt hơn, hạt nhân của xã hội là gia đình. Đây là dịp để mỗi cá nhân, gia đình, cơ quan, đoàn thể cùng đề cao trách nhiệm trong việc chăm lo xây dựng gia đình, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong sự phát triển của gia đình để mỗi gia đình Việt Nam thực sự là tổ ấm của mỗi người và là tế bào lành mạnh của xã hội.

Chủ đề của Ngày Gia đình Việt Nam năm 2019 là: “Giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa ứng xử tốt đẹp trong gia đình”. Đây là chủ đề có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh của xã hội hiện đại với hàng loạt những vấn đề xã hội đã và đang nảy sinh ngày càng phức tạp, len lỏi vào từng gia đình làm ảnh hưởng không nhỏ đến các giá trị tốt đẹp trong văn hóa ứng xử gia đình. Hưởng ứng chủ đề ngày gia đình Việt Nam năm 2019, chúng ta cùng ôn lại những giá trị truyền thống của văn hóa ứng xử trong gia đình Việt Nam để cùng giữ gìn và phát huy văn hóa gia đình, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Những nét đẹp ứng xử trong gia đình đã hình thành nên nhiều giá trị văn hoá mang tính truyền thống của người Việt như: Sự hoà thuận, chung thuỷ, tình nghĩa, lòng yêu thương và hy sinh cho con cái, tôn trọng và hiếu đễ với cha mẹ, anh em. Nhiều gia đình Việt Nam xưa nhờ biết duy trì lối ứng xử có văn hoá đã tạo ra nền nếp, kỷ cương để mọi người cùng noi theo. Chính gia đạo, gia lễ, gia phong là cái gốc của gia đình, giữ cho con người Việt Nam, gia đình và xã hội Việt Nam một sức sống mãnh liệt.

Gia đạo: là đạo đức của gia đình như đạo hiếu, đạo ông bà, đạo cha con, đạo vợ chồng, đạo anh em; là cha hiền con hiếu, anh nhường em nhịn, vợ chồng yêu thương nhau, việc học tập lấy tâm, tri, năng làm gốc…

 Gia phong: được hiểu là thói nhà, tập quán và giáo dục trong gia tộc, nền nếp riêng của một gia đình. Cốt lõi của gia phong truyền thống luôn hướng tới tinh thần trọng gốc nguồn, khuyến khích lòng hiếu thảo, phụng dưỡng cha mẹ, thờ kính tổ tiên, coi trọng gia đình, thủy chung tình nghĩa.

Gia lễ: là những nghi lễ, tập tục, cung cách ăn nói, đi đứng, ứng xử trở thành truyền thống, được cha ông chọn lựa qua nhiều thế hệ, con cháu cần noi theo.

Nhờ những giá trị văn hoá đó mà gia đình truyền thống Việt Nam trở thành hạt nhân quan trọng bậc nhất của xã hội phong kiến Việt Nam. Trục quan hệ dọc Gia đình - Làng xã - Tổ quốc, với gia đình là nền tảng luôn là một liên kết bền vững của văn hoá Việt Nam, tạo nên sức mạnh tiềm tàng của dân tộc hơn bốn ngàn năm văn hiến. Việc gìn giữ gia đạo, gia phong, gia lễ là động lực tinh thần to lớn trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.

Nước ta đang thực hiện quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế trong xu hướng toàn cầu hóa. Sự giao lưu mở cửa hội nhập đã đem đến cho gia đình Việt Nam nhiều cơ hội. Gia đình Việt Nam có điều kiện phát triển kinh tế, giao lưu hội nhập với các nền văn hóa tiên tiến, văn minh của các nước. Thời kỳ này, dù văn hóa ứng xử đã có rất nhiều thay đổi so với ngày xưa, nhưng những khuôn phép của mỗi gia đình vẫn là sự duy trì giá trị ứng xử gia đình truyền thống và áp dụng linh hoạt cái mới trong thời kỳ mới. Đảng ta đã xác định: Xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Trên tinh thần đó, Đảng và Nhà nước đã ban hành Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, Chỉ thị số 49/CT-TW, ngày 21/2/2005 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, Nghị quyết số 11-NQ/TW, ngày 27-4-2007 của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Luật Bảo vệ, Chăm sóc và Giáo dục trẻ em, Luật Phòng chống bạo lực gia đình và các luật khác có liên quan đến gia đình… điều này đã thể hiện sự quan tâm của Đảng đối với việc xây dựng văn hóa, xây dựng gia đình.

Để hát huy vai trò của gia đình là hạt nhân của xã hội thiết nghĩ: phải không ngừng thực hiện chủ trương tuyên truyền tầm quan trọng giữ gìn các giá trị chuẩn mực văn hóa gia đình Việt Nam trong giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội hiện nay, ý thức được xây dựng gia đình hạnh phúc không chỉ là việc riêng của mỗi nhà mà còn là trách nhiệm của cả xã hội; cần khắc phục những ảnh hưởng của yếu tố tiêu cực của nền kinh tế thị trường đến các giá trị trong quan hệ gia đình để có những chuẩn mực ứng xử sao cho phù hợp; cần phải dựa trên những chuẩn mực cao nhất về tính nhân đạo trong việc định hướng sự phát triển của gia đình và các mối quan hệ gia đình. Xây dựng gia đình no ấm, hạnh phúc, bình đẳng, tiến bộ tạo nên sức mạnh của gia đình đối với công cuộc xây dựng và phát triển đất nước./.

 


Các tin khác