Tin mới nhất

Bẫy thu nhập trung bình - những vấn đề đặt ra đối với Việt Nam hiện nay

Trong lịch sử phát triển, kinh tế của các quốc gia trải qua một quá trình kéo dài từ thu nhập thấp (nước nghèo) đến thu nhập cao (nước giàu). Đây là một quá trình phức hợp bao gồm nhiều giai đoạn từ các hoạt động năng suất thấp (đặc trưng là nông nghiệp) sang các hoạt động năng suất cao hơn (công nghiệp và dịch vụ), từ tích lũy vốn đến công nghiệp hóa và chế tạo sản phẩm sử dụng các phương pháp sản xuất mới. Sự chuyển tiếp của một nền kinh tế từ vị thế thu nhập thấp lên thu nhập trung bình là một bước nhảy vọt lớn hướng tới vị thế thu nhập cao hơn và cuối cùng là bắt kịp với những nước giàu nhất.

Nền kinh tế Việt Nam đã có những bước tiến mạnh mẽ trong những năm vừa qua và đạt được những thành tựu đáng kể, thể hiện rõ nhất qua tăng trưởng nhanh gắn liền với giảm tỷ lệ nghèo. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển mạnh mẽ đó, nhiều hạn chế của nền kinh tế chúng ta đang bộc lộ như hiệu quả đầu tư chưa cao, phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại chưa đạt yêu cầu, chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo chưa thực sự là động lực để nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Một thực tế đang diễn ra một bộ phận các nước đã có thể vượt qua được hàng rào thu nhập trung bình trong một giai đoạn dài nhưng vẫn chưa có khả năng để bước vào nhóm có thu nhập cao, trong khi một số nước khác đã làm được điều đó chỉ trong một thời gian ngắn. Nhiều nghiên cứu cho rằng các nước không thể chuyển tiếp lên ngưỡng thu nhập cao đang rơi vào “bẫy thu nhập trung bình”. Khái niệm “bẫy thu nhập trung bình” được Ngân hàng Thế giới (WorldBank) lần đầu đưa ra trong báo cáo “Đông Á phục hưng – ý tưởng phát triển kinh tế” năm 2007. Nó dùng để chỉ tình trạng một quốc gia mặc dù đã thoát nghèo, gia nhập vào nhóm nước có thu nhập trung bình nhưng mất nhiều thập kỷ vẫn không trở thành quốc gia phát triển.

Năm 2020, Ngân hàng Thế giới phân loại nhóm nền kinh tế thu nhập thấp có GDP bình quân đầu người ở dưới mức 1.035 USD; nhóm nền kinh tế có thu nhập trung bình thấp sở hữu mức GDP bình quân đầu người từ 1.036 USD - 4.045 USD; các nền kinh tế thu nhập trung bình cao có mức GDP bình quân đầu người từ 4.046 USD - 12.535 USD và nhóm nền kinh tế thu nhập cao có GDP bình quân đầu người trên 12.536 USD. Theo mức phân loại này của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam được xếp trong nhóm các nền kinh tế có mức thu nhập trung bình thấp. Việt Nam chính thức thoát ngưỡng thu nhập thấp vào năm 2009 khi mức GDP bình quân đầu người đạt 1.160 USD. Kể từ thời điểm đó đến nay, chỉ tiêu này vẫn tăng hàng năm nhưng luôn nằm trong giới hạn thu nhập trung bình thấp. Giai đoạn 2011 - 2020, nước ta liên tiếp đạt mức thu nhập bình quân đầu người năm sau cao hơn năm trước. Trong giai đoạn này, thu nhập bình quân của Việt Nam tăng từ 1.928 USD (năm 2011) lên 2.556 USD (năm 2015) và tăng lên 3.498 USD năm 2020.

Năm 2020, đại dịch COVID – 19 đã gây ra những ảnh hưởng toàn diện, sâu rộng đến tất cả các quốc gia trên thế giới và hiện nay vẫn còn diễn biến phức tạp. Nền kinh tế Việt Nam đã hội nhập quốc tế sâu rộng và chịu nhiều tác động, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Năm 2020, quy mô nền kinh tế Việt Nam đạt khoảng 343 tỷ USD, đứng trong tốp 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới và đứng thứ tư ASEAN; đáng chú ý, GDP bình quân đầu người ước đạt 3.498 USD. Tốc độ tăng GDP năm 2020 thấp hơn nhiều so với mức tăng của năm 2019 (đạt 7,02%). Các hoạt động sản xuất, kinh doanh của Việt Nam chỉ cố gắng ở mức duy trì hoạt động, động lực tăng trưởng phải dựa nhiều vào vốn.

Tuy nhiên, cách thức tăng trưởng kinh tế của nước ta cũng bộc lộ những khiếm khuyết khiến cho mức tăng trưởng biến động, không ổn định. Trong quy mô tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam, vốn đóng vai trò rất quan trọng. Việt Nam đã huy động được lượng vốn đầu tư khá lớn kể từ khi thực hiện chính sách mở cửa. Mặc dù vốn đầu tư tăng lên nhưng hiệu quả đầu tư còn thấp, biểu hiện ở chỉ số ICOR khá cao trong các giai đoạn phát triển: 2011 - 2015 là 6,25; năm 2016 là 6,42; năm 2017 giảm xuống 6,11; 5,97 năm 2018; năm 2019 đạt 6,07. Bình quân giai đoạn 2016 - 2019 hệ số ICOR đạt 6,13, thấp hơn so với hệ số 6,25 của giai đoạn 2011 - 2015. Riêng năm 2020, do ảnh hưởng tiêu cực của dịch CCOVID – 19, hoạt động sản xuất kinh doanh của nền kinh tế bị đình trệ, các dự án công trình hoàn thành đưa vào sử dụng chưa phát huy được năng lực nên ICOR năm 2020 đạt 14,28; bình quân giai đoạn 2016 - 2020 hệ số ICOR đạt 7,04.

Tăng trưởng của Việt Nam trong những năm vừa qua chủ yếu dựa vào tăng vốn, ít dựa vào gia tăng hiệu quả sử dụng lao động và vốn thông qua ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ, kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất, chế tạo và quản lý. Quy mô vốn luôn là yếu tố có tỷ trọng đóng góp vào tăng trưởng nhiều nhất, trong khi đó năng suất bình quân tổng hợp của vốn và lao động (TFP) lại thường xuyên là yếu tố có tỷ trọng đóng góp nhỏ nhất. Mức đóng góp của các nhân tố đầu vào cho tăng trưởng kinh tế cho thấy tăng trưởng Việt Nam đã phụ thuộc quá nhiều vào vốn vật chất để tăng trưởng. Điều này dẫn đến hệ quả là: để tăng trưởng nền kinh tế Việt Nam cần rất nhiều vốn đầu tư, khiến tín dụng tăng theo. Nhưng do nền kinh tế kém hiệu quả nên kết cục tất yếu là lạm phát cao, lãi suất cho vay cũng rất cao, thâm hụt ngân sách và thâm hụt thương mại lớn. Mức độ ổn định kinh tế vĩ mô của nền kinh tế trở nên thiếu vững chắc, môi trường kinh doanh không ổn định.

Cơ cấu kinh tế ngành, vùng bước đầu tác động tích cực lên năng suất lao động, nhất là trong khu vực nông nghiệp, từng bước có sự gắn kết trong không gian phát triển hợp lý hơn giữa các ngành, vùng kinh tế. Tuy nhiên, chưa tạo chuyển biến rõ nét về hiệu quả sử dụng nguồn lực của các ngành và vùng kinh tế. Cơ cấu lại ngành nông nghiệp chưa tạo chuyển biến mạnh về tổ chức sản xuất, vẫn chủ yếu là kinh tế hộ nhỏ lẻ; năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh của một số loại nông sản chưa cao. Cơ cấu lại ngành công nghiệp còn chậm, nhất là trong việc phát triển một số ngành công nghiệp ưu tiên như cơ khí chế tạo, công nghiệp phụ trợ...

Chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế. Tính đến hết năm 2020, lực lượng lao động trong độ tuổi lao động ước tính là 55,1 triệu người, tăng 563,8 nghìn người so với năm trước. Lao động đã qua đào tạo từ trình độ “Sơ cấp” trở lên năm 2020 chiếm 24,1%. Có thể thấy nước ta có lực lượng lao động trẻ dồi dào nhưng trình độ tay nghề và chuyên môn kỹ thuật thấp, chưa đáp ứng cho định hướng phát triển đất nước và hội nhập quốc tế. Bên cạnh đó, các chương trình giáo dục đào tạo, đặc biệt đào tạo nghề vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Tình trạng thất nghiệp cao trong thanh niên, đặc biệt là những người tốt nghiệp ở các trường đại học, cao đẳng là vấn đề đáng báo động.

Như vậy, sau 35 năm đổi mới với nhiều chính sách ưu tiên, ưu đãi, khoa học, công nghệ của Việt Nam đã được nhiều thành tựu đáng kể. Tuy nhiên, đánh giá một cách khách quan, trình độ khoa học, công nghệ hiện tại vẫn chưa thể đáp ứng được cho các yêu cầu tăng trưởng và phát triển bền vững. Trình độ khoa học, công nghệ quốc gia nhìn chung còn khoảng cách so với nhóm đầu khu vực. Hiệu quả nghiên cứu khoa học, công nghệ và ứng dụng kết quả nghiên cứu chưa cao. Năng lực hấp thụ công nghệ, đổi mới công nghệ, đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp trong nước còn nhiều hạn chế.

Cách tăng trưởng của Việt Nam trong thời gian qua có thể khẳng định là tăng trưởng chủ yếu theo chiều rộng, dẫn tới khi hiệu quả sử dụng vốn ngày một giảm. Nguồn nhân lực chất lượng thấp, một nền công nghệ lạc hậu, Việt Nam có thể nào duy trì được mức tăng trưởng hiện tại, từ đó cũng không thể tăng mức thu nhập bình quân đầu người, từ đó sẽ vùng vẫy mãi trong mức thu nhập trung bình. Bởi vậy, nếu không có sự thay đổi nhanh chóng, kịp thời trong thời gian tới, việc sập bẫy thu nhập trung bình là tương lai được dự báo trước. Để thoát ra khỏi “bẫy thu nhập trung bình”, Việt Nam phải thực hiện đồng bộ cùng lúc các biện pháp, chính sách vi mô, vĩ mô hướng đến trọng tâm phát triển nguồn nhân lực và khoa học, công nghệ để đạt được mục tiêu được đưa ra trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII: “Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: Là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao”[1]. Cụ thể:

Thứ nhất, tăng cường đầu tư cho giáo dục – đào tạo nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Thứ hai, tăng cường đầu tư nhằm nâng cao trình độ khoa học – công nghệ, năng suất lao động và hiệu quả sử dụng vốn./.

Thứ ba, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư từ Ngân sách; tăng cường và nâng cao hiệu quả các chính sách khuyến khích đầu trong nước nhằm thu hút vốn đầu tư của khu vực tư nhân; tăng cường thu hút, sử dụng hiệu quả nguồn vốn ngoài nước, cụ thể là FDI và ODA.

Thứ tư, thay đổi tư duy về mô hình tăng trưởng kinh tế, cần quán triệt quan điểm thực hiện tăng trưởng kinh tế dựa trên nền tảng coi trọng chất lượng.

Như vậy, bẫy thu nhập trung bình đối với nền kinh tế Việt Nam, cũng giống như nhiều nền kinh tế khác đang giăng sẵn chờ con mồi sập bẫy. Tránh bẫy là vấn đề cần được giải quyết kịp thời nếu chúng ta không muốn mãi mãi được gọi là nước đang phát triển. Và để làm tốt điều đó, cần có sự chung sức, đồng lòng của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta trong việc thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, sớm đưa đất nước ta phát triển theo khát vọng hùng cường./.


Tài liệu tham khảo:

1. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII.

2. Tổng cục thống kê Việt Nam: https://www.gso.gov.vn

3. Triển vọng tích cực kinh tế Việt Nam 2020 - 2021, https://nhandan.com.vn

4. Việt Nam nằm trong nhóm các nền kinh tế có mức thu nhập trung bình thấp, https://doanhnhan.vn

5. Vượt  qua “bẫy thu nhập trung bình” – thách thức đối với Việt Nam, http://tapchitaichinh.vn

[1]. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2021, tập 2, trang 326.


Các tin khác

Kết quả điểm

Tài liệu tuyên truyền

Hướng dẫn tra cứu thư viện số