Tin mới nhất

Cảm nhận về chuyến đi nghiên cứu thực tế tại các tỉnh miền Tây

Tổ chức các chuyến đi nghiên cứu thực tế là hoạt động không thể thiếu, mang ý nghĩa thiết thực đối với  các cán bộ, giảng viên Trường Chính trị tỉnh Bình Thuận. 

Mục đích của các chuyến đi thực tế nhằm nghiên cứu, tìm hiểu các di tích lịch sử, mô hình hoạt động của các tổ chức kinh tế - xã hội có hiệu quả ở tỉnh bạn, nâng cao thực tiễn cho đội ngũ cán bộ, giảng viên; đồng thời, thắt chặt tình đoàn kết, giao lưu, học hỏi kinh nghiệm công tác giữa các trường chính trị. Trường Chính trị tỉnh Bình thuận đã cử đoàn cán bộ, giảng viên gồm 9 thành viên do đồng chí Lê Trung Quân, phó Hiệu trưởng làm Trưởng Đoàn đi nghiên cứu thực tế tại các tỉnh miền Tây, cụ thể tại Tp. Cần Thơ, tỉnh Hậu Giang và tỉnh Trà Vinh.

5h sáng ngày 19/4/2017, đoàn chúng tôi xuất phát tại Trường, mỗi thành viên trong đoàn vừa hào hứng và xen lẫn những cảm xúc khác nhau khi xe bắt đầu lăn bánh, bắt đầu một cuộc hành trình kéo dài 3 ngày về các tỉnh miền Tây sông nước hữu tình. Khoảng 2h trưa, đoàn chúng tôi đã có mặt tại Tp.Cần Thơ. Trên chặng đường đi, đoàn chúng tôi có ghé tham quan Làng du lịch Mỹ Khánh. Đây là một điểm du lịch sinh thái không chỉ nổi tiếng của Tp. Cần Thơ mà cả khu vực miền Tây Nam Bộ. Đoàn chúng tôi cảm thấy vô cùng thú vị, mọi cảm giác mệt mỏi trên chuyến hành trình dường như tan biến khi hoà mình trong không gian yên tĩnh với những vườn cây trái trĩu nặng... Tại đây, chúng tôi cũng ghé thăm khu nhà cổ Nam Bộ đã có tuổi đời gần 100 năm tuổi, tìm hiểu không gian sống, sinh hoạt của những của những người có địa vị trong xã hội cũ.

Tầm khoảng 4h chiều, chúng tôi lên xe để đến chỗ nghỉ ngơi. Đoàn chúng tôi vô cùng cảm ơn Trường Chính trị Tp.Cần Thơ đã tạo điều kiện thuận lợi, sắp xếp chỗ nghỉ ngơi với lòng nhiệt thành, chu đáo. Tối cùng ngày, đoàn chúng tôi cùng một số thành viên trường bạn đã có một bữa cơm tối ấm áp, thân mật, cùng nhau trò chuyện, chia sẻ kinh nghiệm công tác. Sau khi ăn tối xong, đoàn chúng tôi đã đi bộ đến Công viên Ninh Kiều, trước đây gọi là Bến Ninh Kiều. Đây là một bến nước và là địa danh du lịch, văn hóa của Tp. Cần Thơ hình thành từ thế kỷ 19. Tại đây, chúng tôi cùng một số thành viên trường bạn ngồi trên du thuyền Ninh Kiều thưởng thức những tiết mục văn nghệ, đờn ca tài tử - một nét văn hoá đặc sắc ở vùng sông nước.

4h sáng ngày 20/4/2017, đoàn chúng tôi đã thức dậy từ rất sớm để chuẩn bị cho một ngày thực tế đầy ý nghĩa, điểm đến tiếp theo là Chợ nổi Cái Răng. Chợ Cái Răng thường họp khá sớm, vì thế khoảng 4h30 sáng, chúng tôi cùng 2 thành viên trường bạn ngồi trên thuyền từ Bến Ninh Kiều để đến Chợ nổi Cái Răng. Thuyền chạy khoảng 20 phút là tới nơi, trước mắt chúng tôi tấp nập tàu thuyền xuôi ngược, chở đầy những sản vật vùng đồng bằng sông nước Cửu Long. Ngồi trên thuyền vào buổi sáng sớm, riêng cá nhân tôi cảm nhận được cuộc sống giản dị và bình yên, tâm hồn tôi rộng mở và khoáng đạt hơn, cuộc sống nơi đây thật khác biệt. Đoàn chúng tôi đã mua vài ký xoài được rao bán trên ghe để về làm quà cho các Khoa ở Trường. Cũng buổi sáng hôm ấy, một lần nữa chúng tôi lại có dịp ngồi ăn cùng trường bạn, lại là những nụ cười thân thiện, lại là sự tiếp đón rất nhiệt tình.

Tạm biệt Tp. Cần Thơ, 10h sáng cùng ngày, đoàn chúng tôi tiếp tục hành trình đi nghiên cứu thực tế tại tỉnh Hậu Giang. Lần này, chúng tôi đã ghé thăm Trường Chính trị tỉnh Hậu Giang. Các thành viên trường bạn đã đón tiếp chúng tôi với sự niềm nở, chu đáo. Nhờ sự hướng dẫn tận tình của trường bạn, đoàn chúng tôi đã đến thăm Di tích lịch sử Chiến thắng Chương Thiện (phường V, thành phố Vị Thanh). Đây là di tích lịch sử duy nhất ở Hậu Giang được xếp hạng là Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt. Trước đây, di tích này có tên gọi là Di tích Chiến thắng 75 lượt tiểu đoàn địch của quân và dân Khu 9. Chiến thắng Chương Thiện đã tạo tiền đề cho sự chuyển hướng của cách mạng miền Nam, tiến tới Cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 đại thắng. Đoàn chúng tôi đã xem nhiều hình ảnh, tư liệu lịch sử quý giá được lưu giữ tại đây, xem phim tài liệu, tìm hiểu về truyền thống đấu tranh cách mạng của ông cha ta trong cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc.

Sau đó, đoàn chúng tôi đến thăm Khu Lưu niệm Trù Mật Vị thanh - Hỏa Lựu - di tích tội ác Mỹ Diệm tàn sát đồng bào. Di tích này toạ lạc tại số 8, đường Hồ Xuân Hương, phường 1, thành phố Vị Thanh, đã được Bộ Văn hoá, Thông tin (Nay là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia vào năm 1997. “Khu trù mật” là một trại tập trung khổng lồ, một cứ điểm đánh phá cách mạng toàn diện và triệt để. Người dân sống trong” khu trù mật” bị theo dõi, kiểm soát hết sức gắt gao từ khâu ra vào, đi lại đến cả ăn ở và thu nhập. Tại Khu Lưu niệm, đoàn chúng tôi được xem các hiện vật trưng bày, nghe thuyết trình về Khu Lưu niệm. Càng xem, càng nghe, chúng tôi càng tự hào về truyền thống đấu tranh anh dũng của người dân nơi đây. Trưa hôm ấy, trước khi xe đi chuyển đến tỉnh Trà Vinh, đoàn chúng tôi được trường bạn mời bữa cơm với các món đặc sản như cá lóc nướng, khóm Cầu Đúc, bún cá, cá thác lác chiên sả... Vừa ăn cơm, chúng tôi vừa hỏi han nhau về công việc, cùng nhau chia sẻ những khó khăn trong công tác giảng dạy. Khoảng 3h chiều, đoàn chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình đến tỉnh Trà Vinh. Trên đường đi, ấn tượng khó phai mờ trong lòng chúng tôi là những hàng dừa xanh, là những kênh, rạch, là những cánh đồng lúa… thật yên bình. Tối hôm ấy, chúng tôi nghỉ ngơi tại Trường Chính tỉnh Trà Vinh và ăn cơm tại trường.  

Sáng ngày 21/4/2017, đoàn chúng tôi đã ghé tham quan Ao Bà Om, hay còn gọi là Ao Vuông, là một thắng cảnh độc đáo và nổi tiếng ở tỉnh Trà Vinh, cách trung tâm thành phố Trà Vinh khoảng 7 km dọc theo quốc lộ 53 về phía Tây Nam. Ao Bà Om được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia vào năm 1994. Nơi đây có hồ nước to, xung quanh bao bọc bởi hàng trăm cây cổ thụ rợp bóng mát, không gian rất thanh bình, yên tĩnh. Kế tiếp, đoàn chúng tôi đi sâu vào bên trong để đến Bảo tàng văn hóa dân tộc Khmer nằm trong quần thể Khu di tích Ao Bà Om. Bảo tàng trưng bày hàng trăm hiện vật, là nơi lưu giữ nhiều hiện vật phản ánh lịch sử hình thành và văn hóa tinh thần cũng như đời sống vật chất của đồng bào dân tộc Khmer trong tỉnh cũng như khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Ở đây trưng bày từ các nông cụ truyền thống của người Khmer đến các loại trang phục truyền thống của người Khmer, các nhạc cụ truyền thống, đạo cụ, mặt nạ… Thuyết trình viên đã giới thiệu rất chi tiết, giúp chúng tôi hiểu được sâu hơn những giá trị văn hóa to lớn mà cộng đồng người dân tộc Khmer đã gìn giữ và phát huy từ nhiều thế kỷ nay.

Khoảng 1 tiếng sau, đoàn chúng tôi tiếp tục ghé tham quan Chùa Hang -  một trong những ngôi chùa cổ của người Khmer thuộc khóm 3, thị trấn Châu Thành, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh. Chùa Hang giữ vai trò quan trọng trong đời sống tâm linh của người Khmer; là nơi giáo dục đạo đức và bảo tồn các giá trị truyền thống văn hóa, nghệ thuật người Khmer. Gọi là Chùa Hang vì kiến trúc chùa được xây dựng giống như một cái hang. Ấn tượng nhất đối với tôi khi vào trong chùa là xung quanh có rất nhiều cây cổ thụ bao bọc và có rất nhiều loài chim cư ngụ, đặc biệt là con cò. Trong chùa có một xưởng thủ công điêu khắc bằng gỗ. Chúng tôi đã dịp tận mắt chiêm ngưỡng những tác phẩm điêu khắc vô cùng sắc sảo như hình con chim đại bàng, chim bồ câu, tượng Phật Di Lặc…

Ngày thứ ba sắp trôi qua, và trước khi kết thúc chuyến đi thực tế, đoàn chúng tôi đã di chuyển khoảng 5 km về hướng Bắc, ghé thăm Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh - di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia, tọa lạc ở ấp Vĩnh Hội, xã Long Đức, thành phố Trà Vinh. Tại đây, chúng tôi đã thắp hương tưởng niệm Bác, trong lòng đầy xúc động và đến xem mô hình nhà sàn Bác Hồ, được xây dựng trong khuôn viên khu di tích lịch sử đền thờ Bác Hồ. Mô hình nhà sàn này mang một ý nghĩa lớn lao, thỏa lòng mong ước của người dân Trà Vinh chưa có điều kiện ra thủ đô Hà Nội thăm nhà sàn, nơi làm việc của Bác... Trưa hôm ấy, sau khi tham quan một số địa điểm của tỉnh Trà Vinh, trước khi chia tay các thành viên của trường bạn, chúng tôi đã ngồi lại với nhau ăn một buổi cơm trưa, giao lưu với nhau trong không khí  vui vẻ giữa cái nắng của vùng miền Tây nghĩa tình.

Có quá nhiều ấn tượng và có quá nhiều kỷ niệm trong chuyến đi thực tế này, khó có thể gói gọn những cảm nhận chiều sâu về cảnh vật, về con người miền Tây sông nước trong vài trang giấy. Chúng tôi sẽ lưu giữ nó trong tim mỗi chúng tôi, để mỗi khi nhớ lại, cảm xúc vẫn còn vẹn tròn. Đoàn chúng tôi vô cùng biết ơn Trường Chính trị TP.Cần Thơ, Trường Chính trị tỉnh Hậu Giang, Trường Chính trị tỉnh Trà Vinh đã tạo mọi điều kiện giúp đỡ cho đoàn có được chuyến đi đầy ý nghĩa này.

Thông qua chuyến đi này, đoàn chúng tôi học hỏi thêm được rất nhiều kiến thức. Tạm biệt miền Tây, tạm biệt những con người chân thành, giản dị và hiếu khách. Đoàn chúng tôi về đến Phan Thiết khoảng 10h tối. Một chuyến đi an toàn, đầy ý nghĩa./.


Các tin khác

Kết quả điểm

Tài liệu tuyên truyền

Hướng dẫn tra cứu thư viện số