Nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của việc thực hiện công tác dân số, trong thời gian qua, Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường phối hợp cùng với Ban Chấp hành công đoàn quan tâm chú trọng đến công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản trên và xem đây là một bộ phận của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng trong cán bộ, công chức viên chức. Nhà trường đã tổ chức họp cơ quan phổ biến các văn bản liên quan đến việc thực hiện Pháp lệnh Dân số như: Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Bảo vệ và chăm sóc, giáo dục trẻ em, công tác phòng chống HIV/AIDS và các văn bản pháp luật về chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình. Công đoàn cơ sở cũng đã phối hợp cùng Ban Giám hiệu nhà trường tổ chức cuộc thi “Tìm hiểu kiến thức pháp luật về hôn nhân và gia đình, pháp luật về chống bạo lực trong gia đình” cho cán bộ, công chức, viên chức và học viên 02 lớp Trung cấp LLCT-HC hệ tập trung khóa 14 và khóa 15.
Bên cạnh các hoạt động nêu trên, gắn việc thực hiện công tác dân số, chăm sóc SKSS - KHHGĐ với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, từ năm 2009 đến nay, nhà trường đã phối hợp với Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh Bình Thuận đưa nội dung chương trình giảng dạy về dân số - KHHGĐ dạy cho các lớp hệ Trung cấp lý luận chính trị - hành chính và lớp Bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước chương trình chuyên viên với 1.533 học viên; ngoài ra, nhà trường đã đưa chuyên đề “Giới và bình đẳng giới” thành bài giảng trong chương trình học tập cho các lớp Trung cấp lý luận chính trị - hành chính. Qua đó, đã góp phần nâng cao nhận thức công tác dân số cho đội ngũ giảng viên, viên chức và học viên.
Nhìn chung, công tác tuyên truyên, phổ biến, giáo dục pháp luật về Dân số và các văn bản pháp luật liên quan của đơn vị thực hiện nghiêm túc, mang lại nhiều kết quả tích cực, góp phần nâng cao nhận thức và thực hiện đúng pháp luật trong đội ngũ cán bộ, viên chức và học viên của trường. Việc thực hiện công tác này có mặt thuận lợi là người làm công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về Dân số có kiến thức chuyên môn đảm bảo; đối tượng được tuyên truyền có trình độ nhận thức tương đối đồng đều. Tuy nhiên, Hội đồng phổ biến giáo dục pháp luật của trường hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm, chưa được tham gia các lớp tập huấn về cách thức tổ chức, nên đôi khi còn lúng túng trong công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật tại trường. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đôi lúc còn chậm, chưa thực hiện đúng kế hoạch; hơn nữa lịch giảng dạy khá dày, đội ngũ giảng viên đi công tác tại các huyện thường xuyên nên khó tập trung đông đủ.
Trong thời gian tới, để việc tuyên truyền công tác dân số được củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động, Công đoàn cơ sở cùng với Ban giám hiệu nhà trường cần: Tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục các văn bản liên quan; thường xuyên quan hệ chặt chẽ hơn với cơ quan chức năng là Sở Tư pháp, Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật của tỉnh, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh. Đồng thời để hoạt động này được duy trì thường xuyên, UBND tỉnh cần có chế độ, chính sách đãi ngộ đối với những người làm công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật để khuyến khích, động viên; có như vậy công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về Pháp lệnh dân số mới đảm bảo chất lượng và đạt hiệu quả tốt hơn./.
Văn Thị Thanh Hà