Thực hiện Chương trình hành động số 19-NQ/TU, ngày 22/9/2008 của Tỉnh ủy (khóa XI) thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về “Xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, từ năm 2008 -2014, Trường Chính trị tỉnh Bình Thuận đã tích cực góp phần làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho đội ngũ trí thức tỉnh nhà.
1. Kết quả đào tạo lý luận chính trị từ năm 2008 - 2014
Trường Chính trị tỉnh Bình Thuận đã mở 43 lớp lý luận chính trị - hành chính với 3.687 học viên (02 tiến sĩ, 02 chuyên khoa II, 50 thạc sĩ, 20 chuyên khoa I, 2501 đại học), cụ thể:
+ 04 lớp cao cấp lý luận chính trị - hành chính với 457 học viên (02 tiến sĩ, 02 chuyên khoa II, 27 thạc sĩ, 10 chuyên khoa I: 416 đại học).
+ 39 lớp trung cấp lý luận chính trị - hành chính với 3.230 học viên (23 thạc sĩ, 10 chuyên khoa I: 2.085 đại học).
Nội dung chương trình giảng dạy gồm: Những vấn đề cơ bản về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; Những vấn đề cơ bản về Đảng Cộng sản và lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam; Những vấn đề cơ bản về hệ thống chính trị, nhà nước, pháp luật và quản lý hành chính nhà nước; Đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam về các lĩnh vực của đời sống xã hội; Kỹ năng lãnh đạo, quản lý và nghiệp vụ công tác Đảng, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể nhân dân; Tình hình, nhiệm vụ của địa phương (hoặc ngành). Ngoài ra, học viên còn được nghe một số buổi báo cáo thực tế về tình hình của địa phương; được thực hành một số kỹ năng cần thiết để xử lý tình huống trong hoạt động quản lý, lãnh đạo; đi thực tế cuối khóa theo qui định và viết tiểu luận cuối khóa hoặc thi tốt nghiệp cuối khóa.
Trong quá trình giảng dạy, giảng viên đã lồng ghép chuyên đề học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh vào các bài giảng trong Phần Tư tưởng Hồ Chí Minh; tuyên truyền các quan điểm, chủ trương của Đảng về hệ thống lý luận chính trị của Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta trong giai đoạn hiện nay; các chính sách, pháp luật của Nhà nước và của tỉnh về kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng - an ninh…
Hiện nay, tất cả các giờ giảng của giảng viên đều sử dụng thiết bị hiện đại, hầu hết áp dụng phương pháp giảng dạy tích cực. Đội ngũ giảng viên luôn tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy, tự nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm, tham gia các lớp tập huấn bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ ở Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh để nâng cao chất lượng giảng dạy tại trường.
Kết quả xếp loại học tập cuối khóa: Trong tổng số 43 lớp với 3.687 học viên, đã đào tạo xong 33 lớp với 2.826 học viên, tính trung bình chung kết quả học tập có 380 học viên xếp loại giỏi, chiếm tỷ lệ 13,44%; 1.995 học viên xếp loại khá, chiếm tỷ lệ 70,59% và 451 học viên xếp loại trung bình, chiếm tỷ lệ 15,95%. Còn 10 lớp với 816 học viên nhà trường đang tiếp tục đào tạo.
2. Hạn chế, tồn tại
Một số chuyên ngành còn thiếu giảng viên, đã ảnh hưởng đến tiến độ mở lớp, nhu cầu đào tạo lý luận chính trị vẫn vượt khả năng đáp ứng của Trường.
Một số giảng viên của trường tuổi nghề còn trẻ, am hiểu thực tiễn chưa nhiều, do đó chất lượng giảng dạy còn hạn chế.
Công tác quản lý học viên, chủ yếu là học viên các lớp mở tại các huyện, thị xã, thành phố vẫn còn bất cập.
Vẫn còn một bộ phận học viên chưa xác định đúng đắn tinh thần, thái độ trong quá trình học tập, xem học lý luận chính trị là điều bị bắt buộc, chưa xuất phát từ nhu cầu tự thân.
3. Phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian đến
Ban Giám hiệu Trường Chính trị tỉnh Bình Thuận tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ chuyên viên làm nhiệm vụ tập sự giảng viên để phấn đấu trở thành giảng viên.
Cử giảng viên tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng; tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Học viện Hành chính để nâng cao trình độ giảng dạy.
Tăng cường công tác nghiên cứu thực tế, nghiên cứu khoa học cho đội ngũ giảng viên phục vụ yêu cầu giảng dạy, gắn lý luận với thực tiễn và làm tốt công tác tuyên truyền đối với các lớp do trường đảm nhận.
Thực hiện tốt công tác phối hợp, rà soát đội ngũ giảng viên kiêm chức để bổ sung, tăng cường đội ngũ giảng viên kiêm chức phục vụ yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của trường./.