Tin mới nhất

Phát huy dân chủ đại diện trong bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026

Tại khoản 2, Điều 2 của Hiến pháp năm 2013 ghi nhận: “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về Nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức”. Dân chủ xã hội chủ nghĩa là bản chất của chế độ chính trị do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, với nội hàm quan trọng nhất là tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về Nhân dân, nhưng Nhân dân không trực tiếp thực thi quyền lực Nhà nước mà ủy quyền thành lập nên cơ quan đại biểu của Nhân dân đó là Quốc hội và Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp qua cơ chế bầu cử theo nhiệm kỳ bằng hình thức thực hiện quyền lực Nhà nước thông qua dân chủ đại diện.

Năm 2021, đất nước ta kỷ niệm 75 năm ngày Tổng tuyển cử đầu tiên, cũng là dịp đất nước chuẩn bị cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021- 2026 dự kiến tổ chức vào ngày 23 tháng 5 năm 2021. Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 là cuộc vận động chính trị quan trọng nhằm phát huy dân chủ sâu rộng trong mọi tầng lớp Nhân dân để tiếp tục xây dựng, củng cố và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.

Trải qua 75 năm hình thành và phát triển với 14 khóa, Quốc hội Việt Nam xứng đáng là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, hoạt động ngày càng chất lượng, quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước, góp phần to lớn vào quá trình xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước, được Nhân dân cử tri cả nước đồng lòng ủng hộ, tín nhiệm.

Điều 6 Hiến pháp năm 2013 ghi nhận: “Nhân dân thực hiện quyền lực Nhà nước bằng dân chủ trực tiếp, bằng dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, Hội đồng nhân dân và thông qua các cơ quan khác của Nhà nước”. Như vậy, dân chủ đại diện là cơ chế hình thành nên các cơ quan quyền lực Nhà nước từ trung ương đến địa phương thể hiện thông qua cuộc bầu cử định kỳ (5 năm 1 lần) để thay mặt cho Nhân dân quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước và địa phương. Bằng cơ chế này, Nhân dân sáng suốt lựa chọn những người tiêu biểu, thật sự có đức, có tài, xứng đáng là đại biểu dân cử, đại diện cho tiếng nói, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của cử tri. Đồng thời, thông qua cơ quan đại biểu của mình để bãi nhiệm những đại diện không còn xứng đáng với tư cách đại diện của Nhân dân ra khỏi bộ máy Nhà nước.  Do đó, có thể nói: “Nếu quyền bầu cử của Nhân dân được thực hiện một cách nghiêm túc, thì cho dù Nhà nước cùng các quan chức của nó có độc tài đến đâu chăng nữa cũng bị ngăn chặn một cách thích đáng bằng các nhiệm kỳ hữu hạn của chúng”[1]. Vì vậy, phát huy tốt dân chủ đại diện có ý nghĩa hết sức quan trọng trong quá trình thành lập nên cơ quan quyền lực Nhà nước.

Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đang đến gần. Đây, là cơ hội để Nhân dân thực hiện quyền lực Nhà nước thông qua dân chủ đại diện bằng việc lựa chọn, bầu ra những người tiêu biểu về đức, tài, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân trong Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ mới được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân.  Trong suốt quá trình tổ chức bầu cử, việc lựa chọn, giới thiệu người ứng cử và việc tự ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp, cũng như việc tổ chức hiệp thương giới thiệu người ra ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp cần phát huy dân chủ bảo đảm đúng theo quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND năm 2015; Chỉ thị 45-CT/TW ngày 20/6/2020 về lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 của Ban Chấp hành Trung ương  nêu rõ: “Chúng ta kiên quyết không giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp những người không xứng đáng, không đủ tiêu chuẩn, nhất là những người sa sút về phẩm chất đạo đức, tham nhũng, chạy chức, chạy quyền, xu nịnh, kiêu ngạo, quan liêu, gây mất đoàn kết, ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng, Nhà nước”; Nghị quyết liên tịch số 09/2021/NQLT-UBTVQH-CP-ĐCTUBTWMTTQVN ngày 15/01/2021 hướng dẫn quy trình hiệp thương, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 do Ủy ban Thường vụ Quốc hội - Chính phủ - Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ban hành… là thiết thực nhằm phát huy tốt dân chủ đại diện, quyền làm chủ của Nhân dân trong công tác bầu cử được hiến định tại Điều 27 Hiến pháp năm 2013: “Công dân đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử, đủ hai mươi mốt tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp”. Đây, là quyền hiến định của công dân, không ai có quyền cản trở và  Nhà nước phải bảo đảm các điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện đầy đủ quyền ứng cử, bầu cử theo quy định của pháp luật.

Trong điều kiện ở Việt Nam hiện nay, để phát huy tốt quyền dân chủ đại diện của Nhân dân trong quá trình bầu cử cần đảm bảo vai trò lãnh đạo của Đảng đối với công tác bầu cử là rất cần thiết, nhằm bảo đảm sự thống nhất trong công tác bầu cử; góp phần lựa chọn những đại biểu xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân trong Quốc hội và HĐND các cấp, bảo đảm đủ tiêu chuẩn, đủ số lượng, có cơ cấu hợp lý. Đồng thời, nêu cao tinh thần đấu tranh chống lại các thế lực thù địch, phần tử phản động, cơ hội chính trị ra sức chống phá nền dân chủ ở nước ta trước, trong và sau cuộc bầu cử.

Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 diễn ra trong bối cảnh toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đang tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Trên khắp mọi miền đất nước, người dân háo hức chuẩn bị cho ngày bầu cử dự kiến diễn ra vào ngày 23/5/2021 với niềm tin tưởng và tự hào chính đáng, đó thực sự là ngày hội của toàn dân. Tin rằng, thông qua việc phát huy tốt dân chủ đại diện để mỗi cử tri phát huy hết trách nhiệm của mình, thật sự sáng suốt để lựa chọn bầu những người đủ đức, đủ tài vào cơ quan đại biểu của Nhân dân ở trung ương và địa phương./.


[1] Nguyễn Đăng Dung, Chế ước quyền lực nhà nước, Nxb. Đà Nẵng, 2008, tr.179.


Các tin khác

Kết quả điểm

Tài liệu tuyên truyền

Hướng dẫn tra cứu thư viện số