Từ sau năm 1954 đến năm 1975, Nhân dân Việt Nam phải chống kẻ thù là một đế quốc mạnh vào bậc nhất trên thế giới, có tiềm lực kinh tế và quân sự, có bộ máy ngoại giao to lớn và nhiều mưu kế hiểm độc. Trước tình hình đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã luôn bình tĩnh, chủ động đề ra đường lối đối ngoại độc lập và sáng tạo; đã xử lí đúng đắn, hài hòa nhiều mối quan hệ phức tạp... Đây là một trong những yếu tố quan trọng nhất trong việc động viên sự đoàn kết ủng hộ quốc tế đối với cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ của Nhân dân ta. Kết quả của đường lối quốc tế đúng đắn đó là Việt Nam đã mở rộng sự đoàn kết với các nước láng giềng, bè bạn khắp thế giới. Đó là liên minh với Lào và Camphuchia trên cơ sở Đông Dương là một chiến trường. Tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của các nước xã hội chủ nghĩa, những người yêu chuộng hòa bình trên thế giới, kể cả nhân dân tiến bộ của Mỹ - trong lịch sử nước Mỹ chưa từng có một phong trào đấu tranh rộng rãi và mạnh mẽ nào của nhân dân Mỹ đòi chính quyền Mỹ chấm dứt cuộc chiến tranh tàn bạo ở một nước nhỏ bé, như đối với Việt Nam.
Đồng thời, Đảng ta nhận thức rõ cách mạng mỗi nước trước hết phải chịu trách nhiệm đối với vận mệnh của dân tộc mình. Kinh nghiệm lịch sử của cách mạng nước ta chỉ rõ rằng, có phát huy được mọi tiềm năng, trí tuệ và sức mạnh bằng nội lực của dân tộc, khi đó mới có điều kiện tiếp nhận và sử dụng tốt sự giúp đỡ của quốc tế, khai thác có hiệu quả sức mạnh của thời đại. Khi nào tinh thần độc lập tự chủ trong nước được phát huy, thì cách mạng có sáng tạo. Trong cách mạng giải phóng dân tộc, Đảng ta nêu cao tinh thần “đem sức ta mà giải phóng cho ta”; đặc biệt, trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ, cứu nước, chúng ta luôn thấm nhuần chân lý “không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Đảng ta cũng luôn kiên trì nguyên tắc và linh hoạt về sách lược để giữ vững độc lập, tự chủ về đường lối và hoạt động đối ngoại trong đấu tranh ngoại giao với đế quốc Mỹ, từ những năm 1968, Đảng đã chủ trương mở rộng mặt trận đấu tranh ngoại giao và cục diện “vừa đánh vừa đàm”; trong đàm phán trực tiếp với Mỹ, không dao động, không chịu sức ép của Mỹ trên chiến trường, trên bàn hội nghị. Chính vì biết nêu cao tinh thần độc lập tự chủ trong việc hoạch định và hoàn chỉnh đường lối, chính sách cũng như trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo kháng chiến, chỉ đạo thực hiện chính sách đối ngoại, đấu tranh ngoại giao, đồng thời thực hiện kiên trì đoàn kết quốc tế với tinh thần trong sáng, không vụ lợi, không thiên vị, bè phái, cho nên Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta đã tranh thủ được sự ủng hộ quốc tế ngày càng rộng lớn. Từ thành công của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 cho đến thắng lợi của cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ cứu nước – năm 1975, vừa là kết quả của việc phát huy sức mạnh toàn dân tộc, vừa là kết quả của sức mạnh đoàn kết quốc tế.
Từ khi ra đời đến nay, Đảng ta luôn đặt cách mạng Việt Nam trong sự vận động, phát triển của các trào lưu cách mạng của thời đại, kết hợp đúng đắn nhân tố dân tộc và nhân tố quốc tế. Trong thời kỳ đổi mới, Đảng ta đã mở ra bước phát triển mới trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và quan hệ quốc tế. Từ chỗ bị bao vây, cấm vận ngặt nghèo, đến nay, Việt Nam là bạn và đối tác tin cậy, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển bền vững nhằm giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tạo điều kiện thuận lợi cho công cuộc đổi mới.
Những đổi thay kỳ diệu của đất nước từ ngày thống nhất đến nay, đã chứng tỏ những giá trị to lớn của Đại thắng mùa Xuân 1975 không ngừng được giữ gìn và phát huy. Trong sự nghiệp đổi mới đất nước, bài học về đoàn kết quốc tế và kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; sức mạnh trong nước với sức mạnh quốc tế từ cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đã và đang được Đảng ta vận dụng linh hoạt, sáng tạo vào điều kiện, hoàn cảnh mới để tiếp tục gặt hái lập nên những thắng lợi mới, đó là:
Thứ nhất, phải luôn đặt cách mạng Việt Nam trong xu thế chung của thời đại, kết hợp lợi ích của quốc gia với lợi ích chung của nhân dân các nước.
Xác định cách mạng Việt Nam là một bộ phận không thể tách rời của cách mạng vô sản thế giới. Vì vậy, Đảng ta đã, đang và sẽ luôn nắm vững và vận dụng nhuần nhuyễn quan điểm đoàn kết quốc tế, tranh thủ sự đồng tình ủng hộ và giúp đỡ của quốc tế, phối hợp với hoạt động cách mạng nước ta với hoạt động của các lực lượng hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, tiến bộ xã hội trên thế giới chống lại kẻ thù chung, xây dựng đất nước. Thực tiễn lịch sử cách mạng Việt Nam đã chứng minh rằng, Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhân dân Việt Nam không chỉ tranh thủ sự ủng hộ to lớn của quốc tế mà còn có những đóng góp xứng đáng vào các phong trào cách mạng và tiến bộ trên toàn thế giới. Trong tình hình hiện nay, đòi hỏi Đảng ta phải có những chủ trương đúng đắn, sáng tạo trong việc nắm bắt cơ hội, vượt qua thử thách, đẩy lùi nguy cơ, để vừa nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, vừa giữ vững bản sắc dân tộc, giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa.
Thứ hai, phát huy nội lực là yếu tố quyết định; ngoại lực là yếu tố quan trọng, chỉ có tác dụng và hiệu quả khi sức mạnh bên trong được chuẩn bị kịp thời, đầy đủ.
Thực tiễn cho thấy, chỉ có trên cơ sở phát huy sức mạnh của nội lực, chúng ta mới có thể khai thác và sử dụng có hiệu quả sự ủng hộ giúp đỡ từ bên ngoài, tận dụng được sức mạnh của thời đại. Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, vai trò quyết định của sức mạnh nội lực được biểu hiện không chỉ bảo đảm cho sự bền vững của Tổ quốc mà còn tạo điều kiện tranh thủ kết hợp tốt nhất sức mạnh của ngoại lực, hạn chế những khó khăn, nhân lên những thuận lợi do xu thế chung của thời đại tạo ra.
Đồng thời, để khơi dậy và phát huy tối đa nội lực, nâng cao ý chí tự cường dân tộc, trong chính sách đại đoàn kết, phải chú ý phát huy tính năng động của mỗi người, mỗi bộ phận để mọi việc từ lãnh đạo, quản lý, đến sản xuất kinh doanh, học tập và lao động đều có năng suất, chất lượng, hiệu quả ngày càng cao; phải khắc phục được những tiêu cực của kinh tế thị trường, đặc biệt là tâm lý chạy theo đồng tiền, cạnh tranh không lành mạnh làm phai nhạt truyền thống đoàn kết, tình nghĩa tương thân, tương ái của dân tộc và của Đảng.
Thứ ba, đa phương hoá, đa dạng hoá quan hệ đối ngoại trên nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi, tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.
Việt Nam nằm ở vị trí địa lý - chính trị với tài nguyên, môi trường, dân số có tiềm năng về nhiều mặt, đặc điểm đó tạo ra những thuận lợi cho xây dựng và phát triển đất nước, nhưng cũng đặt ra cho nước ta trở thành địa bàn tranh chấp, xung đột lợi ích giữa các nước lớn và các nước trong khu vực. Do đó đòi hỏi chúng ta phải khéo xử lý các mối quan hệ, chủ động hội nhập quốc tế, thực hiện đa phương hoá, đa dạng hoá các mối quan hệ, mở rộng quan hệ hợp tác và phát triển với tất cả các nước có chế độ chính trị xã hội và con đường phát triển khác nhau; quan hệ trên tất cả các lĩnh vực: chính trị, kinh tế, văn hoá, khoa học kỹ thuật... dựa trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, sẵn sàng giải quyết các tranh chấp bằng thương lượng hoà bình… nhằm giữ vững hòa bình, độc lập và thực hiện nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi.
Bốn mươi sáu năm trôi qua, thắng lợi của cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ cứu nước mãi mãi là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam, là thiên anh hùng ca vĩ đại nhất trong lịch sử dân tộc Việt Nam, một sự kiện lịch sử có tầm vóc quốc tế lớn lao và tính thời đại sâu sắc, là “một trong những chiến công oanh liệt nhất của loài người” , “một trong những sự kiện vĩ đại nhất trong lịch sử hiện đại, sau thắng lợi của Cách mạng tháng mười Nga”[1] . Vì vậy, việc nhận thức đúng và đầy đủ giá trị lý luận và giá trị thực tiễn của các bài học kinh nghiệm nói chung và bài học về đoàn kết quốc tế, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, là vấn đề rất quan trọng, góp phần tạo ra sức mạnh tổng hợp to lớn, đưa Việt Nam vững bước trên con đường độc lập dân tộc và CNXH, đẩy mạnh CNH, HĐH và hội nhập quốc tế./.
[1] Lời phát biểu của Chủ tịch CuBa Phiden Catxtơrô trong cuốn Thế giới ca ngợi thắng lợi vĩ đại của nhân dân ta, NXB Sự thật, H, 1977, tr83.