Mãi đến năm 1991, lần đầu tiên Trường Đảng tỉnh Thuận Hải tổ chức hội thảo khoa học kỷ niệm 15 năm thành lập trường với chủ đề: “15 năm hoạt động, trưởng thành và phương hướng đổi mới”. Đến năm 1997 nhà trường phối hợp với Đảng ủy Dân chính Đảng và Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức hội thảo kỷ niệm 80 năm cách mạng tháng 10 Nga với chủ đề: “Ý nghĩa cách mạng tháng 10 Nga 1917” và cũng vào dịp này lần đầu tiên Trường Chính trị tỉnh Bình Thuận phát hành số nội san đặc biệt kỷ niệm ngày nhà giáo Việt Nam 20/11/1997. Năm 1999 phối hợp với Đảng ủy Dân chính Đảng tổ chức hội thảo: “Ý nghĩa của Tuyên ngôn Đảng Cộng sản”.
Ngày 10/7/1999, Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Bình Thuận có quyết định tách Phòng Đào tạo - Khoa học thành 2 phòng: Phòng Đào tạo và Phòng Khoa học thông tin - Tư liệu thư viện và Hội đồng khoa học cũng được củng cố; từ đó hoạt động nghiên cứu khoa học đi dần vào nề nếp, được duy trì thường xuyên và ngày càng có những chuyển biến tích cực, đạt được nhiều kết quả đáng kể, thể hiện qua những hoạt động chủ yếu sau:
Nhà trường đã tổ chức được 28 cuộc hội thảo khoa học cấp trường và 34 cuộc hội thảo khoa học cấp khoa; các cuộc hội thảo không chỉ bó hẹp trong phạm vi khung trường, tuỳ theo từng chủ đề hội thảo có sự phối hợp với các ban, ngành trong tỉnh cùng tổ chức như: “Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân xây dựng tỉnh Bình Thuận giàu mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh”, “Hệ thống chính trị cấp cơ sở trong giai đoạn mới”, “Trí thức Bình Thuận làm theo đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”... Qua đó, giúp đội ngũ cán bộ, công chức tỉnh cũng như cán bộ, giảng viên của trường có điều kiện gặp gỡ, trao đổi, cập nhật thêm thông tin để bổ sung nguồn tư liệu phục vụ công tác chuyên môn ngày càng đạt chất lượng và hiệu quả cao hơn.
Được sự tư vấn, ủng hộ của Sở Khoa học và công nghệ tỉnh, trong 2 năm (2005 - 2006) nhà trường đã triển khai thực hiện 01 đề tài khoa học cấp tỉnh: “Chất lượng hệ thống chính trị các xã thuần đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao tỉnh Bình Thuận - Thực trạng và giải pháp”, kết quả nghiệm thu đạt loại khá và được một số ban, ngành và các xã có liên quan áp dụng. Ngoài ra, đã nghiệm thu được 06 đề tài khoa học cấp trường và 01 đề tài đang trong quá trình triển khai thực hiện, đó là: “Xây dựng bộ thủ tục làm việc của Trường Chính trị Bình Thuận”, ý nghĩa của đề tài sẽ cung cấp luận cứ khoa học để Ban giám hiệu sớm ban hành bộ thủ tục nhằm điều chỉnh các hoạt động của nhà trường ngày càng đi vào nề nếp, góp phần thực hiện cải cách hành chính. Nhìn chung, các đề tài đều đáp ứng yêu cầu về mặt lý luận và tính thực tiễn, góp phần vào việc nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng của nhà trường.
Phát hành 17 số nội san và đặc san nhân kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, ngày nhà giáo Việt Nam và ngày thành lập Trường. Nhiều thể loại bài viết phong phú về nội dung, đa dạng về hình thức gắn với từng chủ đề đã nêu bật được ý nghĩa và tác dụng của mỗi số phát hành.
Đặc biệt sau gần 10 năm tiến hành các thủ tục, các công đoạn liên quan đến việc chuẩn bị biên soạn lịch sử trường, hiện nay nhà trường đang trong quá trình triển khai biên soạn lịch sử Trường Chính trị Bình Thuận giai đoạn (1962 - 2012).
Một số giảng viên tham gia biên soạn bài giảng chưa có giáo trình, trong đó có 02 bài nội dung gắn với việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và bài “Bồi dưỡng về nghiệp vụ, kỹ năng xử lý tình huống cho đội ngũ cán bộ xã, phường, thị trấn” theo Đề án số 07 ngày 21/10/2010 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận; đây là nội dung được Thường trực Tỉnh ủy và các ban ngành chức năng đặc biệt quan tâm trong chỉ đạo và triển khai thực hiện.
Trong năm 2012 nhà trường được Tỉnh ủy phân công viết bài đăng Website Đảng bộ tỉnh Bình Thuận. Trên cơ sở đó, nhà trường đã kịp thời ban hành Quy định cập nhật tin, bài đăng trên Website Đảng bộ tỉnh để cán bộ, giảng viên của trường tham gia viết bài; ngoài ra còn tham gia viết bài đăng trên báo, tạp chí Trung ương và địa phương.
Đạt được kết quả nêu trên, trước hết là do sự nỗ lực, quyết tâm của Ban giám hiệu nhà trường, đã thường xuyên quan tâm chỉ đạo phòng chức năng tham mưu các nội dung liên quan đến hoạt động nghiên cứu khoa học, cụ thể như: Trường Chính trị Bình Thuận liên tịch với Sở Tài chính - Vật giá tỉnh ban hành hướng dẫn thực hiện Quy chế hoạt động khoa học theo tinh thần Quyết định số 47 QĐ/HVCTQG, ngày 07/9/2001 của Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh “về việc ban hành Quy chế hoạt động khoa học của các trường chính trị tỉnh, thành phố”; trên cơ sở đó, Sở Tài chính - Vật giá tỉnh đã ban hành hướng dẫn số 2784 ngày 19/8/2002 về việc: “Hướng dẫn thực hiện chế độ nghiên cứu khoa học của Trường Chính trị Bình Thuận”. Đến năm 2010, khi Giám đốc Học viên Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh ban hành Quyết định số 268/QĐ/HVCT-HCQG, ngày 03/02/2010 về việc ban hành Quy chế hoạt động khoa học của các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; căn cứ tình hình thực tế, nhà trường ban hành một số văn bản liên quan đến hoạt động khoa học như: Quy chế hoạt động khoa học, Quy chế hoạt động nghiên cứu thực tế, quy định Quy đổi giờ giảng dạy thành công trình khoa học và giảm định mức công trình khoa học. Và hiện nay, trên cơ sở được giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính, nhà trường đã ban hành Quyết định số 135/QĐ-TCT ngày 18/8/2011 của Hiệu trưởng Trường Chính trị Bình Thuận về việc ban hành Quy chế chi tiêu nội bộ, trong đó có quy định cụ thể nội dung và mức chi hoạt động nghiên cứu khoa học của trường.
Có thể nhận thấy hoạt động nghiên cứu khoa học của Trường Chính trị tỉnh Bình Thuận ngày càng đi vào nề nếp, qua đó giúp cho kiến thức của cán bộ, giảng viên nhà trường ngày càng được nâng cao, năng lực tham mưu có nhiều chuyển biến tích cực góp phần vào việc nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng của nhà trường ngày càng đạt chất lượng và hiệu quả cao hơn./.
ThS Văn Thị Thanh Hà
Phó Trưởng Phòng NCKH-TT-TL