Theo đó, chủ nhiệm lớp là cầu nối giữa Ban Giám hiệu và các phòng, khoa của nhà trường với tập thể lớp học; có vị trí quan trọng trong việc nâng cao chất lượng công tác quản lý học viên. Muốn vậy, chủ nhiệm lớp phải nắm chắc đối tượng người học về trình độ, vị trí xã hội, độ tuổi, hoàn cảnh gia đình; theo dõi quá trình học tập của học viên; tham dự các buổi họp lớp, thảo luận, họp chi bộ định kỳ và các cuộc họp đột xuất; tham gia đi nghiên cứu thực tế cùng với lớp…
Thực hiện công tác chủ nhiệm đối với lớp trung cấp lý luận chính trị - hành chính, hệ đào tạo tập trung có những thuận lợi, khó khăn riêng biệt so với các hệ đào tạo khác. Học viên tuổi đời còn trẻ, đa số trong độ tuổi 20 - 30; trình độ học vấn đều tốt nghiệp trung học phổ thông; trên 50% học viên trong lớp đã qua đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ từ trung cấp trở lên; đa số học viên là cán bộ chủ chốt ở xã, phường, thị trấn, các ban, ngành của huyện, tỉnh, nên rất thuận lợi trong việc tiếp thu kiến thức. Bên cạnh đó, sức trẻ đã tạo ra phong trào thi đua sôi nổi trong học tập, rèn luyện, văn nghệ giữa giờ học; tham gia các phong trào văn nghệ, thể thao do chi đoàn và nhà trường tổ chức, đem lại hiệu quả thiết thực trong học và rèn. Tuy nhiên, do sự chênh lệch về tuổi đời, nên tâm sinh lý của mỗi người khá đa dạng, nhất là học viên trẻ ở độ tuổi chưa lập gia đình, dẫn đến sự khác biệt trong nhận thức và kết quả học tập; đối với học viên là cán bộ không chuyên trách có thu nhập thấp, đời sống khó khăn, thiếu yên tâm học tập; một số học viên chưa quen môi trường học tập, nên thấy gò bó về thời gian, quy định của lớp, trường, còn lãng phí quỹ thời gian học tập; trang thiết bị, phương tiện phục vụ học tập, sinh hoạt, nhất là sinh hoạt ngoài giờ còn hạn chế, vì vậy, một số học viên tìm cách ra ngoài vào ban đêm quá giờ quy định, làm ảnh hưởng đến việc thực hiện quy chế của nhà trường, lớp học.
Để nâng cao hiệu quả công tác chủ nhiệm đối với lớp trung cấp lý luận chính trị hành chính, hệ đào tạo tập trung, cần thực hiện tốt một số nội dung cơ bản sau:
Thứ nhất, chủ nhiệm phải thường xuyên tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng, khó khăn vướng mắc của học viên, thực sự xem học viên là những người thân, biết quan tâm, chia sẻ, tạo quan hệ thân thiện, gần gũi, giúp học viên yên tâm học tập, sống hòa đồng trong môi trường sống xa nhà và ở tập thể.
Thứ hai, phối hợp với các phòng, khoa trong trường tổ chức họp rút kinh nghiệm kịp thời để đóng góp ý kiến về phương pháp giảng dạy của giảng viên, học tập của học viên, phục vụ của nhà trường, từ đó có sự điều chỉnh phù hợp, góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập, phục vụ.
Thứ ba, thường xuyên phản ánh với Ban Giám hiệu, giảng viên và lãnh đạo các phòng, khoa về những kiến nghị của học viên, tạo niềm tin để học viên yên tâm học tập; đồng thời, phát huy tính tích cực, khắc phục mặt hạn chế của học viên trong học tập và rèn luyện dưới sự hướng dẫn của chủ nhiệm lớp.
Thứ tư, tham mưu với nhà trường về việc trang bị cơ sở vật chất, như phòng đọc, phòng xem ti vi chung và phủ mạng wifi trên diện rộng, tạo điều kiện cho học viên tra cứu, tìm hiểu tư liệu cần thiết phục vụ học tập; đồng thời, tổ chức thông tin thời sự, sinh hoạt chuyên đề nhằm nâng cao nhận thức về chính trị tư tưởng, hiệu quả học tập.
Thứ năm, phối hợp với khoa chuyên môn tổ chức đi nghiên cứu thực tế, tham quan dã ngoại tìm hiểu di tích lịch sử; chủ động tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí, văn nghệ, thể thao, tạo sân chơi, môi trường lành mạnh, nhằm phát huy sức trẻ, lòng nhiệt tình, ý thức tự giác, tinh thần trách nhiệm của học viên.
Thứ sáu, chủ nhiệm cần năng động, sáng tạo, có sự đột phá, đổi mới nội dung, phương pháp quản lý học viên; thật sự toàn tâm, toàn ý đầu tư thỏa đáng cho công tác chủ nhiệm lớp; phối hợp đồng bộ giữa chủ nhiệm và ban cán sự lớp; mạnh dạn giao quyền tự quản cho Ban cán sự lớp, kết hợp tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện, tạo sức mạnh đoàn kết, góp phần nâng cao hiệu quả công tác./.