Trong 10 năm qua, Tỉnh ủy, HĐND và UBND đã lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất cả hệ thống chính trị tỉnh nhà triển khai và cụ thể hóa đầy đủ các văn bản của Trung ương về mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó có sự tham gia tích cực Mặt trận tổ quốc và đoàn thể các cấp từ tỉnh đến cơ sở và sự đồng lòng ủng hộ và tham gia tích cực của nhân dân đã chung vai, góp sức thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh, thể hiện trên các lính vực:
Thứ nhất, công tác đầu tư xây dựng cơ bản, giải phóng được mặt bằng, đôn đốc đẩy nhanh các công trình phục vụ đạt tiêu chí trên địa bàn tỉnh được tập trung chỉ đạo; tất cả các công trình phục vụ đạt tiêu chí của các xã dự kiến đạt chuẩn NTM trong từng giai đoạn đều được đưa vào kế hoạch đầu tư công. Toàn tỉnh triển khai xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng nông thôn đồng bộ, chú trọng đầu tư các công trình hạ tầng cơ bản theo mục tiêu đã đề ra như giao thông, trường học, trạm y tế, nước sạch, thủy lợi. Trong đó, nổi rõ là phong trào làm đường giao thông nông thôn phát triển rộng khắp, đã đầu tư được 978km, với tổng kinh phí 959 tỷ đồng, thực hiện được nhiều tuyến đường ánh sáng an ninh; thực hiện tốt phong trào làm thủy lợi nhỏ, kiên cố hóa kênh mương nội đồng; xây dựng, sửa chữa nâng cấp 2.216 công trình trường học. Mạng lưới y tế cơ sở, trang thiết bị y tế được quan tâm đầu tư. Số lượng công trình cấp nước (khu vực nông thôn toàn tỉnh có 58 Công trình cấp nước với tổng công suất thiết kế 61.145 m3/ngày) tập trung được đầu tư khu vực nông thôn chiếm.
Thứ hai, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp tiên tiến, hiệu quả, áp dụng ngày càng sâu khoa học công nghệ gắn với đẩy mạnh thực hiện cơ giới hóa và thực hiện theo chuỗi giá trị; công tác chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, khuyến nông được triển khai tích cực, từng bước hình thành các nhóm sản phẩm nông, lâm, thuỷ sản chủ lực, lợi thế gắn với vùng sản xuất hàng hoá tập trung; khai thác hạ tầng thủy lợi, nâng cao hiệu quả sử dụng đất; có sự chuyển biến tích cực về nhận thức phát triển kinh tế hợp tác, số HTX tăng nhanh, thành lập mới 98 HTX. Ước đến cuối năm 2019, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn 39,7 triệu đồng/người/năm, gấp 2,66 lần so với năm 2010; đời sống của người dân nông thôn ngày càng được nâng cao.
Thứ ba, sự nghiệp giáo dục - đào tạo của tỉnh được quan tâm đầu tư và có sự phát triển cả quy mô lẫn chất lượng dạy và học ở các ngành học, cấp học. Các hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục thể thao, thông tin tuyên truyền, giáo dục có nhiều tiến bộ. Quốc phòng, an ninh chính trị cơ bản được giữ vững và ổn định, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.
Thứ tư, công tác quản lý và bảo vệ môi trường nông thôn trên địa bàn các xã ngày càng được quan tâm chỉ đạo thực hiện và đạt kết quả.
Thứ năm, nâng cao chất lượng, phát huy vai trò của tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể chính trị - xã hội trong xây dựng nông thôn mới; cải thiện và nâng cao chất lượng các dịch vụ hành chính công.
Thứ sáu, quá trình triển khai thực hiện Chương trình thu hút sự tham gia của doanh nghiệp và người dân, huy động được 1.408,477 tỷ đồng, chiếm 4,49% tổng nguồn lực, không để xảy ra tỉnh trạng huy động quá sức dân. Kịp thời khen thưởng, tuyên dương các tập thể, cá nhân, địa phương có thành tích nổi bật và thưởng 75.800 triệu đồng thực hiện các công trình phúc lợi đối với các xã về đích trước thời hạn.
Đến năm 2015, huyện Phú Quý được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Tính đến tháng 10/2019, có 58 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 60,42% và hoàn thành chỉ tiêu Nghị quyết HĐND tỉnh giao (60%), vượt 10 xã theo chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020 (50%, 48 xã), về trước 01 năm của kế hoạch giai đoạn và vượt 8 xã so với chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao đến năm 2020 (50 xã); vượt xa so với vùng duyên hải Nam Trung Bộ (đạt 45,82% số xã đạt chuẩn). Bình quân toàn tỉnh đạt 15,4 tiêu chí/xã, tăng 11,41 tiêu chí/xã so với thời điểm bắt đầu thực hiện, bình quân cao hơn 0,19 tiêu chí/xã so với vùng Duyên hải Nam Trung Bộ (Duyên hải Nam Trung Bộ bình quân đạt 15,21 tiêu chí/xã) và cao hơn 0,14 tiêu chí/xã so với cả nước (cả nước bình quân đạt 15,26 tiêu chí/xã). Hiện tỉnh đang trình hồ sơ công nhận thành phố Phan Thiết hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và dự kiến năm 2020 trình công nhận huyện Đức Linh đạt chuẩn nông thôn mới. Đến nay có 60,42% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, về trước 01 năm của kế hoạch giai đoạn của tỉnh và vượt 8 xã so với chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao đến năm 2020; vượt xa so với vùng duyên hải Nam Trung Bộ (đạt 45,82% số xã đạt chuẩn) và được Hội đồng thi đua khen thưởng Trung ương chọn trình Thủ tướng Chính phủ trình Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba.
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới với các quan điểm, chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân, được nhân dân toàn tỉnh đồng tình và hưởng ứng. Chương trình đã được các cấp ủy và chính quyền các cấp nỗ lực triển khai thực hiện nghiêm túc, tích cực, đạt được kết quả to lớn, đẩy mạnh nhanh hơn quá trình CNH, HĐH trên địa bàn tỉnh, cải thiện rõ rệt đời sống của đa số nông dân, nông thôn, giảm khoảng cách phát triển giữ nông thôn và thành thị, đóng góp quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của cả tỉnh. Niềm tin của nhân dân vào Đảng, chính quyền và hệ thống chính trị được nâng cao.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình này tại tỉnh Bình Thuận vẫn tồn tại nhiều hạn chế:
Một là, công tác tuyên truyền, phổ biến các quan điểm, chủ trương, cơ chế, chính sách của Đảng, Nhà nước và các địa phương về Chương trình có lúc, có nơi chưa được thường xuyên, chưa sát với từng đối tượng; có nơi, có lúc còn chưa tập trung, thống nhất, thiếu chủ động trong phối hợp với chính quyền và các tổ chức thành viên. Do đó nhận thức về xây dựng nông thôn mới của một bộ phận cán bộ, đoàn viên, hội viên và nhân dân vẫn còn hạn chế, chưa phát huy được vai trò chủ thể của người dân.
Hai là, kết quả thực hiện Bộ tiêu chí chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới chưa bền vững. Tổng có 58 xã đạt chuẩn nông thôn, nhưng qua đánh giá thì đến thời điểm hiện nay chỉ có 9 xã duy trì đạt 19/19 tiêu chí theo Bộ tiêu chí mới, một số xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nhưng chất lượng tiêu chí chưa cao, chưa bền vững. Kết quả thực hiện nâng chuẩn và tiến tới xã đạt chuẩn kiểu mẫu còn hạn chế.
Ba là, vai trò chủ thể của nông dân, cộng đồng dân cư trong xây dựng nông thôn mới chưa được phát huy như mong muốn. Việc dựa vào sức dân, bám sát dân để triển khai thực hiện chương trình chưa được triển khai rộng rãi, sự tham gia của người dân ở một số địa phương còn hạn chế, việc huy động sự hỗ trợ từ con em địa phương xa xứ có điều kiện và cộng đồng doanh nghiệp còn hạn chế.
Bốn là, tình trạng ô nhiễm môi trường, xả rác nơi công cộng còn phổ biến. Việc thu gom chất thải rắn sinh hoạt mới chỉ tiến hành ở một số khu vực trung tâm, khu tập trung đông dân cư, trên các tuyến đường chính; cơ sở hạ tầng phục vụ thu gom, tập kết chất thải rắn sinh hoạt chưa thực sự đồng bộ, tình trạng tập kết chất thải rắn sinh hoạt không đúng nơi quy định vẫn còn diễn ra, gây mất vệ sinh môi trường; tình trạng thiếu nguồn nước phục vụ nước sinh hoạt cho dân diễn ra thường xuyên và trên diện rộng vào mùa khô.
Năm là, phát triển sản xuất vẫn còn nhiều hạn chế, quy mô manh mún, sản xuất nhỏ lẻ vẫn là phổ biến. Thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp còn nhiều khó khăn, dịch vụ ngành nghề nông thôn phát triển chưa thật mạnh, sức cạnh tranh còn thấp.
Sáu là, tình hình ANTT vẫn còn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ổn về ANTT; cá biệt có xã phải đưa vào diện địa bàn trọng điểm, phức tạp về trật tự an toàn xã hội cần phải chuyển hóa.
Bảy là, mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 thu nhập tăng ít nhất 1,8 lần so với năm 2015 có khả năng không đạt, ước đến cuối năm 2020 thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn 39,7 triệu đồng/người/năm, chỉ gấp 1,37 lần so với năm 2015.
Nhằm khắc phục những hạn chế còn tồn tại, hướng đến thực hiện thành công các nhiệm vụ trong Chương trình MTQ XDNTM, giai đoạn 2021 - 2025, thiết nghĩ cần thực hiện đồng bộ nhóm giải pháp:
Thứ nhất, xây dựng nông thôn mới phải có sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị và cần sự tham gia tích cực của toàn xã hội. Phải làm tốt công tác tuyên truyền để cả hệ thống chính trị và nhân dân nhận thức đúng và đầy đủ về xây dựng nông thôn mới, chính nhân dân là chủ thể và hưởng lợi từ xây dựng nông thôn mới.
Thứ hai, phát huy vai trò của Ban Chỉ đạo các cấp, duy trì chế độ giao ban định kỳ để đánh giá kết quả thực hiện, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; phân công cụ thể để phát huy vai trò trách nhiệm của từng thành viên. Bảo đảm hệ thống chỉ đạo đồng bộ, Bộ máy giúp việc đủ năng lực, chuyên nghiệp là yếu tố quan trọng giúp Ban Chỉ đạo điều hành, triển khai có hiệu quả.
Thứ ba, phải xác định chỉ tiêu và danh sách huyện, xã đạt chuẩn nông thôn mới ngay từ năm đầu của giai đoạn; đồng thời rà soát tất cả các công trình phục vụ đạt tiêu chí đưa vào danh mục đầu tư công trung hạn.
Thứ tư, đa dạng hóa các nguồn lực, bên cạnh nguồn vốn trực tiếp từ chương trình, cần các nguồn kinh phí từ xã hội hóa, gắn với trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc sử dụng các nguồn lực đầu tư theo hướng công khai, minh bạch với phương châm “nhân dân làm, nhà nước hỗ trợ”.
Thứ năm, các sở ban, ngành, đoàn thể chính trị xã hội phải chủ động xây dựng các đề án, dự án, các phong trào phục vụ đạt tiêu chí nông thôn mới, phải thường xuyên chủ động kiểm tra, giám sát, phối hợp cùng địa phương kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Bình Thuận trong giai đoạn mới./.