Bác Hồ đã từng nói: dân là quý nhất, là quan trọng hơn hết, trong bầu trời này không có gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không có gì mạnh bằng sức mạnh đoàn kết của nhân dân. Dân là gốc của nước, của cách mạng; dân là chủ, bao nhiêu lợi ích đều vì dân, bao nhiêu quyền hạn đều của dân, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân. Vì vậy, Đảng phải tăng cường mối quan hệ mật thiết với nhân dân, để nhân dân tin Đảng. Phải dựa chắc vào nhân dân, mọi việc làm của Đảng phải xuất phát từ nhân dân và trở về với nhân dân. Cán bộ, đảng viên phải kính trọng, yêu mến, tin tưởng, học hỏi và tận tâm phục vụ nhân dân, cán bộ, đảng viên phải nhận thức sâu sắc về mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa Đảng với nhân dân trong điều kiện hiện nay và hết long phục vụ nhân dân. Phải ra sức chăm lo đời sống mọi mặt cho nhân dân, để thực hiện tốt điều này, yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên phải là một hạt nhân lãnh đạo nhân dân, phát huy được trí tuệ và lực lượng của nhân dân, phải biết đặt lợi ích của cách mạng, của Đảng, của nhân dân lên trên hết. Các tổ chức cơ sở Đảng phải thực hiện có hiệu quả Quy chế dân chủ ở cơ sở; thường xuyên tổ chức lấy ý kiến nhân dân trước khi ban hành các chỉ thị, nghị quyết của Đảng cần được coi trọng, nhất là các chủ trương có liên quan trực tiếp đến lợi ích của nhân dân. Các tổ chức đảng cần có các hình thức, biện pháp giáo dục để nhân dân hiểu rõ quyền và trách nhiệm của mình trong việc tham gia xây dựng chính sách và pháp luật, giữ gìn trật tự, kỷ cương phép nước, nhất là cùng nhau xây dựng các quy chế, quy ước ở từng địa bàn dân cư về các vấn đề có liên quan đến quyền và nghĩa vụ công dân, thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở. Nhân dân không chỉ nêu sáng kiến, mà khi sáng kiến được các tổ chức đảng tiếp thu, trở thành chủ trương của tổ chức đảng thì chính nhân dân lại là người thực hiện hăng hái, có hiệu quả nhất dưới sự lãnh đạo của các tổ chức đảng.
Để nhân dân góp phần tham gia xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phải phát huy vai trò của nhân dân trong việc sử dụng cán bộ. Nhiệm vụ quan trọng của Đảng là lãnh đạo Nhà nước, các tổ chức chính trị- xã hội tạo cơ chế va điều kiện thuận lợi để nhân dân hang hái tham gia vào việc góp ý, phê bình, xây dựng cán bộ, đảng viên, đấu tranh có hiệu quả chống tệ quan lieu, cửa quyền, sách nhiễu, gây phiền hà cho dân, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân; đồng thời cổ vũ mạnh mẽ những tấm gương, điển hình tiên tiến trong việc thực hiện chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, những quy định của chính quyền địa phương, hương ước của làng, xã. Công tác cán bộ của Đảng phải có sự giám sát chặt chẽ của nhân dân, phải phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Muốn vậy, cần phải có cơ chế, chính sách khuyến khích người dân dám nói lên sự thật và tố giác các hành vi tiêu cực của cán bộ, công chức, bảo vệ người trung thực; nghiêm khắc xử lý những cán bộ và đảng viên lạm dụng chức quyền và uy tín của tổ chức để trả thù, những người dám đấu tranh, tố cáo tiêu cực. Bên cạnh đó, phải không ngừng nâng cao trình độ văn hóa, chính trị của quần chúng nhân dân lao động, để người dân tự giác nhận thức được quyền hạn và nghĩa vụ của mình, tự giác tham gia vào công việc của Nhà nước, công việc xã hội.
Sức mạnh của Đảng bắt nguồn từ nhân dân, liên hệ mật thiết với nhân dân là vấn đề sống còn của Đảng, nếu cắt đứt mối liên hệ này, Đảng không còn lý do để tồn tại. Công cuộc đổi mới đất nước là kết quả của việc phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, của sự đoàn kết thống nhất giữa đường lối đúng đắn của Đảng với ý nguyện và hành động của nhân dân./.