Tin mới nhất

“Cuộc chiến” giành lại vỉa hè được nhân dân đồng tình ủng hộ

Thời gian gần đây, cùng với các địa phương, như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh, thành khác trên cả nước, ở tỉnh ta, nhất là địa bàn TP Phan Thiết, lực lượng chức năng đã ra quân, dẹp tình trạng lấn chiếm trái phép vỉa hè, lòng đường nhằm lập lại trật tự đường phố, trả lại vỉa hè cho người đi bộ và vẻ đẹp văn minh đô thị.

Suốt hàng chục năm qua, một nghịch lý cứ tồn tại như một điều hiễn nhiên ở các đô thị trên cả nước và ở Bình Thuận là vỉa hè ở các tuyến đường phố, do Nhà nước xây để cho người đi bộ và thêm phần trang nhã, thanh lịch cho phố phường. Nhưng phần phúc lợi công cộng đó đã không phát huy đúng giá trị của nó, bởi những gia đình ở mặt phố đã tự mình, hoặc cho người khác thuê để kinh doanh và những người bán hàng rong lấn chiếm trái phép, làm cho người đi bộ rất khó khăn trong việc đi lại. Nhiều tuyến phố ở Phan Thiết, vỉa hè bị chiếm đoạt gần hết, như: đường Lê Hồng Phong (đoạn ở Chợ phường Phú Trinh), nhiều quảng trên đường Thủ Khoa Huân, Nguyễn Huệ, Trần phú, đường vào Chợ Phú Thủy… nên người đi bộ phải tràn xuống lòng đường. Như vậy không đảm bảo cho trật tự, an toàn giao thông.

Không thể cho tình trạng nghịch lý này cứ tồn tại mãi. Đã đến lúc chính quyền phải thật sự ra tay để làm một cuộc “cách mạng đường phố”, lập lại trật tự, trả vỉa hè cho người đi bộ. Những ngày qua, trên các tuyến đường giao thông ở trung tâm đô thị, lực lượng Cảnh sát giao thông TP Phan Thiết đã tích cực đến từng địa điểm, nhất là những nơi bị lấn chiếm nhiều để tuyên truyền, vận động nhắc nhở các hộ kinh doanh và những người bán hàng rong sắp xếp gọn hàng quán của mình, lùi vào đúng vị trí quy định, không để tràn ra đường phố gây cản trở giao thông. Cùng phối hợp là Công an phường và lực lượng quản lý trật tự đô thị Phan Thiết đã thường xuyên bám sát hiện trường để kiểm soát tình hình. Trong quá trình lập lại trật tự vỉa hè, nếu so với Hà Nội và TP HCM, các đối tượng lấn chiếm đã xảy ra không ít xô xát, chống đối lực lượng chức năng, có trường hợp đã bị khởi tố vụ án (ở TP HCM), nhưng ở  Phan Thiết, điều đáng phấn khởi là hầu hết bà con đều tự giác thực hiện; nếu có phản ứng cũng không đáng kể. Nhờ đó bước đầu đã tạo ra chuyển biến tốt. Bà Lê Thị Hiệp, một tiểu thương  bán thịt heo lâu năm tại Chợ phường Phú Trinh, nói: Từ trước đến giờ mình đã chiếm vỉa hè của Nhà nước nhiều rồi, bây giờ bảo lùi vào thì mình cũng vui vẻ thôi. Có người chưa hiểu nên phản ứng, nhưng tôi thấy phải lùi vào là rất đúng. Cũng trên đường Lê Hồng Phong, chị Phan Thị Huệ, người bán chè xanh và trái cây ở cạnh cổng trường Phan Bội Châu; trước đây có cả một chiếc xe ba gác to đùng, chứa đa dạng các loại hàng, đặt ngay trên vỉa hè, nhưng hiện nay chị đã bỏ xe ở một nơi khác, sắp gọn lại hàng hóa trong phạm vi được phép. Tuy rằng mức tiêu thụ sẽ ít hơn, nhưng để được tồn tại và hài hòa chung giữa mình với xã hội nên phải chấp hành - chị Huệ nói như vậy. Hay như ở góc đường Trần Hưng Đạo, cạnh Trường Tiểu học Đức Thắng 1 (phường Đức Thắng), có một người phụ nữ từ bao năm nay sử dụng góc vỉa hè làm nơi sửa mũ bảo hiểm. Nồi cơm nuôi sống gia đình hằng ngày cũng từ đây mà có. Tuy vậy khi Nhà nước chủ trương thu lại vỉa hè, chị đã tự giác giao trả và đi tìm một nơi khác thích hợp để tiếp tục kiếm kế sinh nhai nhưng không lấn chiếm vỉa hè. Nhờ ý thức tuân thủ chấp hành của người dân nên nhiều đọa đoạn đường phố ở Phan Thiết, trước đây thường xuyên bị ùn tắc thì nay đã có đường thông, hè thoáng, bộ mặt phố phường đã sáng lên. Ngẫm lại việc làm này càng thấm thía điều Bác Hồ từng căn dặn: “Dễ mười lần không dân cũng chịu, khó trăm lần dân liệu cũng xong”. Một khi chủ trương mới ban hành, nếu người dân chưa hiểu, chưa đồng tình thì khó mà thực hiện; ngược lại dân hiểu và đồng tình thì dù khó mấy cũng làm nên kết quả. Hơn hai mươi năm, kể từ năm 1994 đến nay, Nhà nước  đã có những quyết định “mang tính lịch sử”, đó là Chỉ thị số 406 của Thủ tướng Chính phủ ban hành năm 1994 về việc cấm sản xuất, buôn bán và đốt các loại pháo nổ. Đối với người dân Việt Nam, chơi pháo mỗi khi tết đến xuân về là niềm vui, đã trở thành tập quán thâm sâu từ muôn đời nay. Vậy nhưng do bị lạm dụng một cách thái quá, gây nhiều tai nạn và tốn kém, lãng phí. Vì thế, khi có chủ trương cấm là dân đồng tình hưởng ứng. Rồi Nghị quyết số 32, năm 2007 của Chính phủ quy định  một số giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế tai nạn và ùn tắc giao thông, đã quy định: “Từ ngày 01 tháng 01 năm 2008, đình chỉ lưu hành xe công nông, xe tự chế 3, 4 bánh”; đồng thời quy định về đội mũ bảo hiểm bắt buộc đối với người ngồi trên xe gắm máy, xe mô tô khi tham gia giao thông. Lúc mới ban hành, các quy định đó đã gặp không ít sự phản ứng của người dân, nhưng dần rồi họ nhận ra đây là điều cần thiết khi đời sống xã hội chuyển sang giai đoạn mới, cần được đảm bảo an toàn hơn cho mình và mọi người, do vậy tự giác thực hiện, dần rồi trở thành nền nếp, thói quen. Bây giờ đang thực hiện chủ trương xây dựng đô thị văn minh; một đô thị loại 1, loại 2 thì không thể chấp nhận tình trạng vỉa hè bị lấn chiếm, bày bán đủ các loại, trông rất nhếch nhác, và không còn chổ cho người đi bộ. Đã đến lúc không thể chấp nhận sự nghịch lý này nữa nên chính quyền đã ra tay, dân đồng tình hưởng ứng ngay, nên làm đến đâu gọn sạch đến đó. Nhưng để nói rằng đến đây đã chấm dứt tình trạng lấn chiếm lòng đường vỉa hè hay chưa thì không ai giám khẳng định điều đó. Bên cạnh đại đa số người dân đồng tình ủng hộ thì vẫn còn những hoài nghi về tính bền vững của những kết quả đã đạt được có đảm bảo ổn định lâu dài hay chỉ mang tính “chiến dịch”, xong rồi đâu lại vào đấy như đã từng làm trước đây. Những người lấn chiếm vỉa hè, hiện trước mắt đã nghiêm túc chấp hành nhưng vẫn còn tâm trạng thăm dò, chờ xem, nếu cao điểm chiến dịch nguội dần thì họ sẽ trở lại như xưa. Quan tâm đến tình hình, có người đã nói lần này mà không giành lại được vỉa hè thì khó có một cơ hội nào để giành lại được, bởi lòng tin về tính bền vững.           

Giành vỉa hè đã khó, giữ được còn khó hơn, bởi không chỉ ngày một, ngày hai mà phải theo suốt cả quá trình và mãi mãi. Vì vậy cần phải có những giải pháp đồng bộ, mà trước hết là quan tâm đến cuộc sống của những đối tượng bán hàng rong. Nếu đối tượng này không có việc làm, không có thu nhập ổn định thì không còn cách nào khác bằng cách lấn chiếm vỉa hè để buôn bán kiếm sống. Kinh nghiệm ở TP HCM, ông Chủ tịch quận 1 đã đối thoại với những người bán hàng rong, qua đó đề ra giải pháp chính quyền hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho những ai có điều kiện; đồng thời sắp xếp chổ hợp lý cho người bán hàng rong. Vỉa hè có bị tái chiếm hay không, có giữ được ổn định bền lâu hay không, điều này không chỉ trách nhiệm của cơ quan chức năng mà còn trách nhiệm chung của xã hội./.

                                                                                    


Các tin khác

Kết quả điểm

Tài liệu tuyên truyền

Hướng dẫn tra cứu thư viện số