Tin mới nhất

Vận dụng quan điểm về phòng, chống tham nhũng của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào thực tiễn công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại tỉnh Bình Thuận trong giai đoạn hiện nay

Phòng, chống tham nhũng là một trong nội dung được phản ánh trong cuốn sách "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam" của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; bài phát biểu “Phòng, chống tham nhũng là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của Đảng và hệ thống chính trị” đã thể hiện rõ thái độ kiên quyết, rõ ràng, dứt khoát của Đảng, Nhà nước và đồng chí Nguyễn Phú Trọng về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Cuốn sách tuyển chọn 29 bài viết, bài phát biểu tiêu biểu của đồng chí Nguyễn Phú Trọng trong thời gian từ khi chuẩn bị xây dựng Văn kiện Đại hội XIII của Đảng cho đến năm 2022. Nội dung cuốn sách thể hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện của Đảng, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư trên tất cả các lĩnh vực: chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, xây dựng Đảng, quốc phòng, an ninh, đối ngoại.... Đặc biệt, là trên lĩnh vực phòng chống tham nhũng với bài phát biểu:“Phòng chống tham những là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của Đảng và hệ thống chính trị”[1], bài phát biểu đã thể hiện rõ thái độ kiên quyết, rõ ràng, dứt khoát của Đảng, Nhà nước và đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Trong những năm gần đây, nhiều vụ án tham nhũng lớn, nghiêm trọng, phức tạp, trong đó có những vụ án tồn tại từ nhiều năm trước, được điều tra làm rõ, xử lý nghiêm minh, công khai, đúng quy định của pháp luật. Với quan điểm “tập trung kiểm tra, xử lý các tổ chức đảng, đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm; xử lý cả cán bộ đương chức và đã nghỉ hưu, cả cán bộ cấp cao, cả trong lực lượng vũ trang; làm một cách bài bản, nghiêm minh từ trên xuống dưới, có trọng tâm, trọng điểm[2]. Vì vậy, trong giai đoạn 2013 - 2020, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 131.000 đảng viên. Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII đến năm 2022, đã thi hành kỷ luật hơn 87.000 cán bộ, đảng viên, trong đó, có trên 3.200 đảng viên bị kỷ luật liên quan đến tham nhũng; đã thi hành kỷ luật hơn 110 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý[3]. Riêng năm 2023, cấp uỷ, uỷ ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 24.162 đảng viên; trong đó thi hành kỷ luật 459 đảng viên do tham nhũng. Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật 19 cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, trong đó lần đầu tiên có 06 cán bộ bị xử lý kỷ luật do vi phạm trong kê khai tài sản, thu nhập[4]. Đây là bước đột phá trong công tác kiểm tra, kỷ luật của Đảng, cho thấy đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực không có ngoại lệ.

Trong bài phát biểu, đồng chí xác định: “Phòng, chống tham nhũng là cuộc đấu tranh vô cùng khó khăn, phức tạp, lâu dài, do đó, tuyệt nhiên không được chủ quan, thoả mãn, không được ngập ngừng, chờ đợi, mà phải tiếp tục đẩy mạnh, quyết liệt, thường xuyên, kiên trì, liên tục, với quyết tâm cao hơn, mạnh mẽ hơn, hiệu quả hơn[5]. Vì vậy, để tiếp tục thể hiện quyết tâm phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “nhấn mạnh và lưu ý” một số giải pháp: nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, xây dựng văn hoá tiết kiệm, không tham nhũng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân; xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, quản lý kinh tế - xã hội và phòng, chống tham nhũng; kịp thời khắc phục những bất cập, bịt kín những "khoảng trống", "kẽ hở" để "không thể tham nhũng"[6]; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán; đẩy mạnh điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; phát hiện sớm, xử lý nghiêm minh các vụ việc, vụ án tham nhũng; ngăn chặn có hiệu quả tệ "tham nhũng vặt"[7]; kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị có chức năng phòng, chống tham nhũng.... Đặc biệt, phải xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống tham nhũng thật sự có bản lĩnh, thật sự liêm chính, trong sạch; không chịu bất cứ sức ép không trong sáng nào của tổ chức, cá nhân; bất cứ sự cám dỗ, mua chuộc nào của những kẻ phạm tội.

Bài phát biểu cho thấy tư duy sắc bén, nhãn quan chính trị vượt trội của đồng chí về “vấn đề căn cơ trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là phòng ngừa từ xa, từ sớm mà trọng tâm là xây dựng, chỉnh đốn Đảng và đặc biệt là phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, tức là trị tận gốc tham nhũng, tiêu cực[8]. Đó là sự kết tinh ý chí chính trị, tầm nhìn, sự kiên định và cả tâm huyết của Tổng Bí thư, là tiếng lòng của Nhân dân hiện nay về vấn đề phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Hiện nay, dưới sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng, Nhà nước và của đồng chí cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong cả nước nói chung, tại tỉnh Bình Thuận nói riêng đã đạt nhiều kết quả khá tích cực; góp phần kiềm chế, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực ở các địa phương.

Thời gian qua, ở Bình Thuận, các cấp, các ngành và địa phương trong tỉnh đã quan tâm chỉ đạo tổ chức học tập, tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTN, TC) cho cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) và người lao động; ý thức chấp hành các quy định pháp luật trong thực thi nhiệm vụ, công vụ của CBCCVC và người lao động có chuyển biến tích cực hơn; việc ban hành Kế hoạch PCTN, TC hàng năm và các văn bản chỉ đạo triển khai được thực hiện nghiêm túc, đồng bộ các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực để kịp thời phát hiện và xử lý có hiệu quả các vụ việc liên quan đến tham nhũng, tiêu cực.

Công tác kiểm tra, giám sát về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được quan tâm thực hiện. Hàng năm, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đều chỉ đạo và tiến hành kiểm tra, rà soát các cuộc thanh tra về kinh tế - xã hội và thực hiện kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước trên địa bàn. Qua công tác kiểm tra, rà soát các cuộc thanh tra kinh tế - xã hội và thực hiện kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước trên địa bàn. Qua công tác kiểm tra, rà soát các cuộc thanh tra kinh tế - xã hội và thực hiện kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước năm 2020 - 2022, đã phát hiện và chỉ đạo xử lý 01 vụ[9].

Công tác thanh tra, kiểm tra tiếp tục được đẩy mạnh, tập trung vào các lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực; công tác tự kiểm tra nội bộ tiếp tục triển khai thực hiện, nhờ đó làm hạn chế phát sinh các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực, góp phần ổn định trật tự xã hội ở địa phương. Từ đầu nhiệm kỳ đến tháng 9 năm 2023, các cơ quan chức năng phát hiện 13 vụ án và 04 vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực với tổng giá trị thiệt hại 38.916,76 triệu đồng, 815.708,8 m2 đất. Nâng tổng số vụ tham nhũng, tiêu cực được phát hiện, xử lý là 35 vụ/81 người. Đến nay, đã xử lý xong 22 vụ/58 người; tạm đình chỉ điều tra, xác minh 04 vụ/04 người; đang điều tra: 08 vụ/15 bị can; đang thụ lý xét xử: 01 vụ/04 bị cáo. Tổng giá thiệt hại là 63.825,155 triệu đồng, 844.104,3 m2 đất; đã thu hồi 23.191,490 triệu đồng, 805.474,2 m2 đất (đạt 36,3% về tiền, 95% về đất), số thiệt hại còn lại chưa thu hồi do đang điều tra và chưa xét xử[10].

Tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng Ban Chỉ đạo; xây dựng quy chế làm việc; xây dựng quy trình tiếp nhận, xử lý đơn, thư phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo có liên quan đến hành vi tham nhũng, tiêu cực; quy trình tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh, kiến nghị về tham nhũng, tiêu cực qua Hộp thư điện tử. Từ khi thành lập đến năm cuối 2023, Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh đã tiếp nhận 173 đơn; đang tiếp tục chỉ đạo xử lý 10 đơn; đã đưa 07 vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực vào diện theo dõi, chỉ đạo để tập trung chỉ đạo xử lý[11].

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại tỉnh còn một số hạn chế, như sau:  

Công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các văn bản pháp luật về PCTN cho đội ngũ CBCCVC còn gặp khó khăn; hình thức. Công tác quản lý đất đai, tài chính, xây dựng cơ bản ở một số địa phương, đơn vị thiếu chặt chẽ, còn nhiều sơ hở, dễ xảy ra sai phạm. Việc áp dụng chính sách pháp luật về định mức, tiêu chuẩn tại các đơn vị, địa phương, sử dụng kinh phí đối với nguồn thu sự nghiệp tại các đơn vị sự nghiệp công lập có nơi còn lúng túng nên thực hiện còn sai sót. Công tác tự kiểm tra nội bộ các đơn vị, địa phương trong tỉnh tuy có triển khai nhưng hiệu quả chưa cao, còn mang tính hình thức nên không phát hiện vụ việc, vụ án tham nhũng...

Vì vậy, để công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn tỉnh ngày càng đi vào nề nếp và phát huy hiệu quả tích cực, Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị phải thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực như sau:

Thứ nhất, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

 Nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp, người đứng đầu trong công tác PCTN, TC gắn với tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Ðảng; ngăn chặn, đẩy lùi các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Tiếp tục thực hiện Kết luận số 10-KL/TW của Bộ Chính trị, Kế hoạch số 48-KH/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục thực hiện Nghị quyết TW 3 (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTN. Đề cao sự gương mẫu, quyết liệt, nói đi đôi với làm và làm đi đôi với nói của người đứng đầu và tập thể lãnh đạo các cấp, các ngành, cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương trong phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Đưa những cán bộ có trình độ, có bản lĩnh chính trị, trong sạch, liêm khiết vào giữ vai trò chủ chốt trong các cơ quan phòng, chống tham nhũng, lãng phí của Đảng.

Thứ hai, tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tham nhũng, lãng phí

Tiếp tục triển khai thực hiện các văn bản của Trung ương, của Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo PCTN, TC tỉnh và UBND tỉnh về công tác PCTN, TC, như: Luật PCTN năm 2018; Nghị định số 59/2019/NĐ-CP; Nghị định số 130/2020/NĐ-CP; Nghị định số 134/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 59/2019/NĐ-CP; Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 07/12/2015 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng; Chỉ thị số 27-CT/TW ngày 10/01/2019 của Bộ Chính trị và Kế hoạch số 150-KH/TU, ngày 18/6/2019 của Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ người phát hiện, tố giác, người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 22/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc. Chú trọng tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng về công tác PCTN, tiêu cực cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật. Thủ trưởng các cấp, các ngành tiếp tục chỉ đạo, triển khai thực hiện đồng bộ, kịp thời các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực theo đúng quy định của Luật PCTN và các văn bản pháp luật có liên quan; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra về PCTN, TC nhất là các lĩnh vực nhạy cảm dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực.

Thứ ba, thực hiện nghiêm túc các quy định pháp luật về công khai, minh bạch về tổ chức và hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vi ̣

Tiếp tục thực hiên nghiêm túc các quy định pháp luật về công khai, minh bạch về tổ chức và hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vi ̣ theo Điều 10 Luât PCTN năm 2018; công khai việc thực hiện chính sách, pháp luật có nội dung không thuộc trường hợp quy định tại Điều 10 Luật PCTN mà theo quy định của pháp luật phải công khai, minh bạch. Việc công khai phải được đăng tải trên trang thông tin điện tử, niêm yết tại trụ sở (trừ nội dung thuộc bí mật Nhà nước); hình thức công khai, minh bạch phải đảm bảo chính xác, rõ ràng, đầy đủ, kịp thời theo đúng trình tự, thủ tục theo các quy định pháp luật để Nhân dân biết, theo dõi, giám sát việc thực hiện.

Thứ tư, phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu và xử lý nghiêm minh đối với các hành vi tham nhũng, lãng phí

Thủ trưởng các đơn vị, địa phương khẩn trương triển khai và kết thúc các cuộc thanh tra trong năm theo Kế hoạch và các cuộc thanh tra đột xuất (nếu có). Đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong trong công tác tự kiểm tra để phát hiện xử lý tham nhũng trong nội bộ; tăng cường công tác tự kiểm tra nội bộ theo Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 01/7/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật PCTN; trong đó chú ý việc thực hiện các quy định về trách nhiệm giải trình của cơ quan, tổ chức, đơn vị. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trách nhiệm người đứng đầu trong việc thực hiện nhiệm vụ PCTN, TC; thực hiện bảo vệ người tố cáo đúng quy định pháp luật; kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm minh những CBCCVC có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm, chạy chức, chạy quyền,... Xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng, tiêu cực trong cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương do mình quản lý, phụ trách.

Thứ năm, đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ việc, vụ án tham nhũng

Cơ quan Công an tiếp tục phối hợp với Viện Kiểm sát, Tòa án nhân dân các cấp đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ việc, vụ án tham nhũng; nhất là tập trung xử lý dứt điểm các vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, được dư luận, xã hội quan tâm; việc xét xử phải đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, chú trọng công tác thu hồi tài sản tham nhũng bị thất thoát, chiếm đoạt theo Chỉ thị 04-CT/TW ngày 02/6/2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng; kiên quyết xử lý các hành vi bao che, dung túng, cản trở việc PCTN, TC.

Thứ sáu, nâng cao trình độ năng lực đối với những cán bộ, công chức làm công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao trình độ, năng lực cán bộ, công chức, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị có chức năng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, trước hết là cơ quan thanh tra, cơ quan điều tra, thi hành án ở các cấp, các ngành. Phối hợp thực hiện đồng bộ, thống nhất giữa xử lý kỷ luật Đảng với kỷ luật hành chính của Nhà nước, kỷ luật đoàn thể và xử lý hình sự. Thực hiện nghiêm túc, hiệu quả cơ chế phối hợp trong phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực qua kiểm tra, giám sát, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án… Có cơ chế bảo vệ đối với những người tích cực đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí cũng như gia đình họ; xử lý nghiêm những người lợi dụng chống tham nhũng, lãng phí để vu khống, gây mất đoàn kết nội bộ.

Với sự lãnh đạo chặt chẽ, toàn diện, trực tiếp, tập trung, thống nhất của Đảng bộ, hy vọng trong thời gian tới, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở tỉnh Bình Thuận chắc chắn sẽ đạt kết quả cao hơn, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 và Chương trình hành động của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng./.


[1] Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2022, tr. 390.

[2] [3]Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2022, tr. 393, tr394.

[4] Thông báo phiên họp 25 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, Báo Thanh tra, cập nhật lúc 06:40, ngày 02/02/2024.

[5] Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2022, tr.408.

[3] [4]Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2022, tr.409-410.

[8] Nguyễn Phú Trọng: Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2023, tr207.

[9] Báo cáo số 417-BC/TU sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 – 2025, ngày 19 tháng 9 năm 2023, Tỉnh ủy Bình Thuận, tr2, tr35.

[10] Báo cáo số 417-BC/TU sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 – 2025, ngày 19 tháng 9 năm 2023, Tỉnh ủy Bình Thuận, tr2, tr36

[11] Báo cáo số 417-BC/TU sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 – 2025, ngày 19 tháng 9 năm 2023, Tỉnh ủy Bình Thuận, tr2, tr36

 


Các tin khác

Kết quả điểm

Tài liệu tuyên truyền

Hướng dẫn tra cứu thư viện số