Tin mới nhất

Trận Điện Biên Phủ - từ thắng lợi trên chiến trường đến Hội nghị Giơnevơ

Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đã đánh bại dã tâm xâm lược và thái độ hiếu chiến của thực dân Pháp, làm thay đổi cục diện chiến tranh; tạo thế mạnh cần thiết để Việt Nam đấu tranh với đối phương trên bàn đàm phán tại Hội nghị Giơnevơ, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Mỗi người dân Việt Nam khi nhắc tới những chiến thắng vĩ đại của dân tộc đều không thể quên Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ với niềm tự hào, kiêu hãnh về một kỳ tích "Lừng lẫy Năm Châu, chấn động địa cầu". Đánh giá về thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, kết thúc bằng chiến dịch Điện Biên Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “lần đầu tiên trong lịch sử, một nước thuộc địa nhỏ yếu đã đánh thắng một nước thực dân hùng mạnh. Đó là một thắng lợi vẻ vang của nhân dân Việt Nam, đồng thời cũng là một thắng lợi của các lực lượng hòa bình, dân chủ và xã hội chủ nghĩa trên thế giới[1].

Sau những thất bại liên tiếp trên chiến trường, nhằm cứu vãn “danh dự”, tháng 5/1953, Chính phủ Pháp cử Tướng Nava sang làm Tổng chỉ huy đội quân Pháp ở Đông Dương. Nava đã đề ra kế hoạch tổng quát về chính trị, quân sự nhằm đảo ngược tình thế. Từ ngày 20/11/1953, Nava điều động quân cơ động nhảy dù xuống chiếm đóng Điện Biên Phủ nhằm chốt chặn đường tiến quân lên Lai Châu và sang Lào của bộ đội ta. Âm mưu của Pháp và Mỹ là xây dựng Điện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm mạnh để ngăn chặn, thu hút và tiêu diệt quân chủ lực của ta.

Để đập tan âm mưu của Pháp và Mỹ tại Điện Biên Phủ, ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị hạ quyết tâm quyết tâm mở chiến dịch đánh vào Điện Biên Phủ. Bộ Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ do Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm chỉ huy trưởng kiêm Bí thư Đảng ủy mặt trận. Chính phủ thành lập Hội đồng hậu cần Trung ương cho mặt trận do Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng làm chủ tịch. Từ các vùng tự do đến các vùng địch hậu, căn cứ du kích đều dồn sức cho chiến trường Điện Biên Phủ.

Với phương châm “đánh chắc, tiến chắc”, quân ta càng đánh càng lập nhiều chiến công. Ngay ở trận đầu ngày 13/3, địch mất cứ điểm Him Lam, ngày 15/3 mất cứ điểm Độc Lập và ngày 17/3 mất tiếp cứ điểm Bản Kéo. Như vậy, cả một phòng tuyến vòng ngoài của địch suốt từ Tây Bắc sang Đông Bắc lòng chảo Mường Thanh, đã bị đập tan... Trải qua 56 ngày đêm chiến đấu anh dũng với 3 đợt tấn công, chiều ngày 7/5/1954, tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bị tiêu diệt, buộc Tướng Đờ cát và toàn bộ Bộ Chỉ huy Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ phải đầu hàng vô điều kiện[2].

Chiến thắng Điện Biên Phủ đã giáng một đòn quyết định vào dã tâm xâm lược của kẻ thù, làm thay đổi cục diện chiến tranh ở Đông Dương, tạo thế mạnh và thắng lợi mới cho Việt Nam. Nếu như thời kỳ trước năm 1953, cả Việt Nam và Pháp đều chưa tính đến việc thúc đẩy tiếp xúc, đàm phán song phương, thì đến khi Điện Biên Phủ thất thủ, kế hoạch Nava thất bại một cách thảm hại, đã tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc đấu tranh ngoại giao của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hội nghị Giơnevơ.

Chỉ 01 ngày sau chiến thắng Điện Biên Phủ, ngày 08/5/1954, Hội nghị Giơnevơ về Đông Dương khai mạc. Theo quy luật của ngoại giao, việc đàm phán bao giờ cũng phải dựa trên thực lực của các bên. Vì vậy, đoàn đại biểu Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đến dự Hội nghị với tư thế là người chiến thắng; trong khi đó, đoàn đại biểu của Pháp đến dự Hội nghị với trang phục lễ tang, đau buồn. Điều đầu tiên ngoại trưởng Pháp phát biểu tại Hội nghị là báo tin Điện Biên Phủ thất thủ. Ngược lại, việc đầu tiên đoàn Việt Nam phát biểu là tuyên bố cho phép phía Pháp đến Điện Biên Phủ nhận thương binh. Tiếp đó, đồng chí Phạm Văn Đồng – Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ ngoại giao - đưa ra đề nghị giải pháp hòa bình 8 điểm giải quyết toàn diện các vấn đề về quân sự, chính trị của cả ba nước Việt Nam, Lào, Camphuchia. Đây là một đề nghị hoàn chỉnh, thỏa đáng được dư luận hoan nghênh. Trái lại, phía Pháp chỉ đưa ra được một đề nghị về vấn đề quân sự[3].

Trong suốt cuộc họp, Đoàn ngoại giao của Pháp vẫn giữ thái độ hiếu chiến - nhưng Điện Biên Phủ đã tác động mạnh mẽ vào toàn thể nước Pháp. Phái chủ hòa trong chính giới giành thế thượng phong, chiếm đa số trong Quốc hội Pháp, lật đổ chính phủ Laniel, giao cho Mandes France - thuộc phái chủ hòa - lập chính phủ tạo thuận lợi để hội nghị có thể tiến triển[4].

Chiến thắng Điện Biên Phủ cũng đã tác động đến dư luận ở Anh, Mỹ, giai đoạn đầu, chính sách của Mỹ là phá hoại thành công của Hội nghị nhưng sau khi phái chủ hòa của Pháp lên cầm quyền, Mỹ phải thay đổi chính sách, chuyển sang phối hợp với Anh, Pháp để tìm ra một giải pháp có lợi nhất cho Phương Tây, thể hiện ở lập trường 7 điểm (29/6/1954) do Mỹ soạn thảo đã được Pháp chấp nhận.

Trải qua tám phiên họp toàn thể và 24 phiên họp hẹp, ngày 20/7/1954, các hiệp định đình chỉ chiến sự ở Việt Nam, Lào, Camphuchia lần lượt được ký kết. Dưới tác động có tính chất quyết định của Điện Biên Phủ đã đánh bại dã tâm xâm lược và thái độ hiếu chiến của giới cầm quyền Pháp, buộc Pháp phải công nhận các quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Đông Dương, chấp nhận kết thúc chiến tranh, rút hết quân về nước trong năm 1954.

Chiến thắng Điện Biên Phủ và việc ký kết Hiệp định Giơnevơ đã chấm dứt chế độ thực dân gần trăm năm trên đất nước ta. Chiến thắng Điện Biên Phủ và Hiệp định Giơnevơ là thắng lợi của dân tộc Việt Nam, của nhân dân Lào và Camphuchia. Thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ và việc ký kết Hiệp định Giơnevơ đã góp phần tăng cường cho lực lượng tiến bộ và yêu chuộng hòa bình thế giới, cổ vũ phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới.

Hiện nay, sau 38 năm đổi mới, thế và lực của đất nước ta đã lớn mạnh, nhưng bên cạnh những thuận lợi cơ bản, cơ hội và thách thức vẫn đan xen các thế lực thù địch gia tăng thực hiện âm mưu “diễn biến hoà bình”, bạo loạn lật đổ, lợi dụng vấn đề tôn giáo, dân tộc, dân chủ, nhân quyền... để can thiệp vào công việc nội bộ nước ta, chống phá Đảng, Nhà nước; điều đó, đòi hỏi toàn Đảng, toàn quân và toàn dân Việt Nam càng phải quyết tâm phát huy tinh thần Điện Biên Phủ, dám nghĩ, dám làm, năng động sáng tạo trong sự nghiệp đổi mới, lập nên kỳ tích mới trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc mà nòng cốt là liên minh công nhân - nông dân - trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng; giữ vững và tăng cường đoàn kết hữu nghị với nhân dân các nước trên thế giới, kết hợp sức mạnh thời đại, tạo dựng thời cơ, vượt qua thách thức, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn hiện nay./.   

Minh Trí


[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chmh trị quốc gia Sự thật, H.2011, t.12, tr.410.

[2] Lịch sử Đảng CSVN, cao cấp LLCT, Nxb CTQG HCM, 2009, tr136.

[3] Hiệp định Giơnevơ – sau 50 năm nhìn lại và suy ngẫm, tap chí lịch sử quân sự số 7, 2004, tr174

[4] Hiệp định Giơnevơ – sau 50 năm nhìn lại và suy ngẫm, tap chí lịch sử quân sự số 7, 2004, tr174


Các tin khác

Kết quả điểm

Tài liệu tuyên truyền

Hướng dẫn tra cứu thư viện số