Tin mới nhất

Một số giải pháp nhằm phát triển ngành nông nghiệp tỉnh Bình Thuận hiện đại, bền vững, có giá trị gia tăng cao

Những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh uỷ, sự đồng lòng, nỗ lực của các cấp, các ngành và toàn thể Nhân dân trong tỉnh, ngành Nông nghiệp tỉnh Bình Thuận đã đạt nhiều kết quả tích cực. Bài viết phản ánh kết quả qua 2 năm thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU, ngày 10/9/2021 của Ban Thường vụ Đảng bộ tỉnh về phát triển ngành nông nghiệp hiện đại, bền vững, có giá trị gia tăng cao và một số giải pháp cần thực hiện để góp phần đẩy mạnh việc phát triển nông nghiệp trên địa bàn tỉnh trong thời gian đến.

Có thể nói phát triển nông nghiệp là một hoạt động mang tính chiến lược, luôn được Đảng, Nhà nước xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Bình Thuận là một tỉnh nông nghiệp nằm ở khu vực duyên hải cực Nam Trung bộ, diện tích tự nhiên 7.942,46 km2, diện tích đất sản xuất nông nghiệp 356.746 ha, chiếm 44,91% diện tích đất tự nhiên; có bờ biển dài 192 km, ngư trường rộng lớn và được xem là tỉnh có tiềm năng phát triển nông nghiệp rất lớn, bao trùm cả 03 lĩnh vực: trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản nếu khai thác một cách hiệu quả sẽ góp phần không nhỏ vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.

Với sự nỗ lực của toàn Đảng bộ, các cấp, các ngành, địa phương và Nhân dân trong tỉnh, việc thực hiện phát triển ngành nông nghiệp hiện đại, bền vững, có giá trị gia tăng cao đã đạt được một số kết quả tích cực trên tất cả các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp. Tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng ngành nông nghiệp bình quân 2,94%/năm (mục tiêu Nghị quyết số 05-NQ/TU, ngày 10/9/2021 của Ban Thường vụ Đảng bộ tỉnh về phát triển ngành nông nghiệp hiện đại, bền vững, có giá trị gia tăng cao (Nghị quyết số 05-NQ/TU) là từ 2,8 - 3,3%/năm); năng suất lao động tăng bình quân 6,28%/năm; tỷ trọng nông, lâm, thủy sản năm 2023 tăng 26,2% trong giá trị tăng thêm (mục tiêu Nghị quyết số 05-NQ/TU là từ 22 - 23%). Tỷ lệ độ che phủ rừng duy trì ổn định ở mức 43%. Thu nhập của cư dân nông thôn năm 2023 tăng 1,15 lần so với năm 2020. Giá trị sản phẩm thu hoạch bình quân trên 01 ha đất trồng trọt năm 2023 đạt khoảng 130 triệu đồng; duy trì và từng bước hình thành một số vùng sản xuất tập trung mới theo hướng hàng hóa (vùng trồng lúa, vùng trồng thanh long, cao su, cây ăn trái có múi, vùng nuôi tôm, sản xuất tôm giống tập trung…), đặc sản có giá trị, nhiều sản phẩm đã được cấp chứng nhận truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý; hình thành một số mô hình liên kết sản xuất gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị, mang lại hiệu quả kinh tế cao, từ đó, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản ngày càng gia tăng, thị trường tiêu thụ được mở rộng, góp phần thúc đẩy ngành nông nghiệp của tỉnh phát triển.

Bên cạnh những kết quả nổi bật nêu trên việc thực hiện phát triển ngành nông nghiệp hiện đại, bền vững, có giá trị gia tăng cao trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số hạn chế nhất định như: kinh tế nông nghiệp phát triển chưa vững chắc, chủ yếu theo mô hình kinh tế hộ nhỏ lẻ, phân tán; việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo chưa trở thành động lực để tạo đột phá trong phát triển nông nghiệp; liên kết giữa sản xuất, chế biến, tiêu thụ còn nhiều hạn chế; sự tham gia và đầu tư của doanh nghiệp vào nông nghiệp, nông thôn còn ít; thị trường, giá cả tiêu thụ nông sản bấp bênh; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội khu vực nông nghiệp, nông thôn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Kết quả thu hút đầu tư phát triển nông nghiệp, dịch vụ ở nông thôn còn ít. Công tác dự báo, thông tin về thị trường sản xuất, tiêu thụ nông sản và đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn còn nhiều bất cập.

Nhằm phát huy kết quả đã đạt được trong thời gian qua về phát triển ngành nông nghiệp hiện đại, bền vững, có giá trị gia tăng cao và khắc phục những tồn tại, hạn chế cần thực hiện tốt một số giải pháp trọng tâm sau:

Thứ nhất, các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh tiếp tục quán triệt, tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, hội viên và Nhân dân về tầm quan trọng của việc phát triển nông nghiệp hiện đại, bền vững, có giá trị gia tăng cao.

Thứ hai, thực hiện tốt công tác quản lý quy hoạch phát triển nông nghiệp; triển khai thực hiện có hiệu quả Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của các huyện, thị xã, thành phố; tiếp tục hoàn thiện hệ thống công trình thuỷ lợi (hồ chứa, đập dâng, trạm bơm, kênh, mương tiếp nước,…), nhất là Dự án Hồ chứa nước Ka Pét (huyện Hàm Thuận Nam).

Thứ ba, tiếp tục cụ thể hóa, triển khai thực hiện có hiệu quả chủ trương, chính sách liên quan đến phát triển nông nghiệp phù hợp với thực tế của tỉnh. Nghiên cứu, ban hành các chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm nông nghiệp. Rà soát, tháo gỡ vướng mắc về pháp lý, tạo môi trường thuận lợi để thu hút thêm nhiều nhà đầu tư trên lĩnh vực nông nghiệp, nhất là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Thứ tư, tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng công nghiệp, phù hợp với lợi thế và nhu cầu thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; hình thành các vùng sản xuất chuyên canh quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, sạch, hữu cơ đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP...; nâng cao hiệu quả khai thác thuỷ hải sản xa bờ, tổ chức tốt dịch vụ hậu cần nghề cá gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo, phù hợp với chuẩn mực và thông lệ quốc tế.

Thứ năm, tổ chức thực hiện tốt các kế hoạch, đề án quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, phục hồi rừng tự nhiên, phát triển nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế biến gỗ, sản phẩm gỗ cao cấp, phát triển kinh tế dưới tán rừng, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục về bảo vệ đất rừng và vận động quần chúng tham gia bảo vệ đất rừng.

Thứ sáu, tiếp tục đẩy mạnh việc chuyển giao, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật ở tất cả các khâu của chuỗi giá trị, từng bước hình thành nền sản xuất thông minh. Phát triển các loại hình dịch vụ ứng dụng công nghệ cao phục vụ sản xuất và phòng, chống dịch bệnh. Tăng cường thực hiện việc chuyển đổi số trong công tác quản lý, điều hành, sản xuất, kinh doanh, thu hoạch, sơ chế, bảo quản, vận chuyển, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, phát triển ngành nông nghiệp bền vững. Thúc đẩy nhanh quá trình hỗ trợ nông dân chuyển đổi số trong sản xuất và tiêu thụ nông sản.

Thứ bảy, thu hút, ưu tiên các doanh nghiệp chủ động về thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp để phát triển các vùng, cụm liên kết sản xuất - chế biến và tiêu thụ sản phẩm tại các vùng tập trung có sản lượng lớn, thuận lợi giao thông, logistics. Xây dựng các mô hình liên kết giữa hợp tác xã, người dân với doanh nghiệp để hình thành chuỗi giá trị quy mô lớn, cung cấp nguyên liệu đầu vào, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp về sản lượng, chất lượng, phục vụ thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. 

Thứ tám, sử dụng hiệu quả các nguồn lực để phát triển hạ tầng nông nghiệp; đẩy mạnh xã hội hóa các nguồn lực đầu tư. Thực hiện đột phá chiến lược trong phát triển cơ sở hạ tầng vùng sản xuất tập trung, đầu tư giao thông nội đồng, giao thông kết nối, tạo không gian phát triển giữa các vùng, khu vực, địa phương.

Với tinh thần giữ vững và phát huy những kết quả đã đạt được, thời gian tới, toàn thể Đảng bộ, chính quyền các cấp, các ngành, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, cán bộ, đảng viên và Nhân dân tỉnh Bình Thuận ra sức đoàn kết, thống nhất về ý chí và hành động, tự lực tự cường, mang hết tâm huyết, tài năng và trí tuệ, chung sức, chung lòng xây dựng, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế của tỉnh nói chung và phát triển ngành nông nghiệp theo tinh thần Nghị quyết số 05-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh nói riêng nhất định sẽ góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân tỉnh nhà./.

Sĩ Hải

Khoa Xây dựng Đảng


Tài liệu tham khảo:

1. Nghị quyết số 05-NQ/TU, ngày 10/9/2021 của Ban Thường vụ Đảng bộ tỉnh (Khoá XIV) về phát triển ngành nông nghiệp hiện đại, bền vững, có giá trị gia tăng cao.

2. Báo cáo sơ kết 02 năm thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU của Tỉnh ủy (khóa XIV) về phát triển ngành nông nghiệp hiện đại, bền vững, có giá trị gia tăng cao.

3. Kết luận của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XIV) về sơ kết 02 năm thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU của Tỉnh ủy (khóa XIV) về phát triển ngành nông nghiệp hiện đại, bền vững có giá trị gia tăng cao.

 


Các tin khác

Kết quả điểm

Tài liệu tuyên truyền

Hướng dẫn tra cứu thư viện số