Tin mới nhất

CÁCH MẠNG THÁNG TÁM NĂM 1945 – SỰ KIỆN LỊCH SỬ VĨ ĐẠI CỦA DÂN TỘC VIỆT NAM

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công là thắng lợi vĩ đại của nhân dân ta, mở ra bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Từ đây, đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới: độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Thế nhưng, cứ vào dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, các thế lực thù địch lại tăng cường các hoạt động chống phá, xuyên tạc, phủ nhận, bóp méo sự thật về giá trị lịch sử và ý nghĩa thời đại của sự kiện lịch sử này. Việc làm rõ giá trị lịch sử và ý nghĩa thời đại của Cách mạng Tháng 8 sẽ góp phần đập tan những luận điệu xuyên tạc đó.

Ý nghĩa lịch sử của Cách mạng Tháng Tám

Đầu năm 1945, Chiến tranh thế giới lần thứ hai bước vào giai đoạn cuối. Hồng quân Xô Viết liên tiếp giành thắng lợi quyết định trên chiến trường châu Âu. Ngày 09/5/1945, phát xít Đức đầu hàng vô điều kiện, chiến tranh kết thúc ở châu Âu. Ngày 14/8/1945, phát xít Nhật đầu hàng vô điều kiện, chiến tranh thế giới lần thứ hai kết thúc.

Ở trong nước, ngày 09/3/1945, phát xít Nhật làm cuộc đảo chính hất cẳng Pháp. Tháng 3/1945, Trung ương Đảng ra Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Tháng 4/1945, Trung ương triệu tập Hội nghị quân sự cách mạng Bắc Kỳ, quyết định nhiều vấn đề quan trọng, thống nhất các lực lượng vũ trang thành Việt Nam giải phóng quân. Ngày 16/4/1945, Tổng bộ Việt Minh ra Chỉ thị tổ chức các Ủy ban Dân tộc giải phóng các cấp và chuẩn bị thành lập Ủy ban giải phóng dân tộc Việt Nam, tức Chính phủ lâm thời cách mạng Việt Nam.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân cả nước đồng loạt vùng dậy, tiến hành tổng khởi nghĩa, giành chính quyền. Chỉ trong vòng 15 ngày cuối tháng 8/1945, cuộc tổng khởi nghĩa đã giành thắng lợi hoàn toàn, chính quyền trong cả nước về tay nhân dân. Ngày 02/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội) lịch sử, trước cuộc mít tinh của gần một triệu đồng bào, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, tuyên bố trước quốc dân và thế giới: Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời.

           Cách mạng Tháng Tám có ý nghĩa lịch sử sâu sắc:

- Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công là thắng lợi vĩ đại đầu tiên của nhân dân ta từ khi có Đảng lãnh đạo, mở ra bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Chính quyền về tay nhân dân, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời; chấm dứt chế độ quân chủ phong kiến ở Việt Nam; kết thúc hơn hơn 80 năm nhân dân ta dưới ách đô hộ của thực dân, phát xít. Nhân dân Việt Nam từ thân phận nô lệ trở thành người dân một nước độc lập, làm chủ vận mệnh của mình. Nước Việt Nam từ một nước thuộc địa nửa phong kiến trở thành một nước độc lập, tự do và dân chủ.

- Cách mạng Tháng Tám là thắng lợi của chủ nghĩa Mác-Lênin được vận dụng sáng tạo vào hoàn cảnh cụ thể của cách mạng Việt Nam; là thắng lợi của tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối cách mạng của Đảng ta gắn độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội, gắn sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Đây còn là quá trình phát triển tất yếu của lịch sử dân tộc trải qua mấy nghìn năm phấn đấu, đỉnh cao của ý chí quật cường, sức mạnh cố kết cộng đồng, tầm cao trí tuệ của dân tộc hòa quyện với chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh với xu thế của thời đại vì hòa bình, dân chủ và tiến bộ xã hội, vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

 - Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám cổ vũ phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc ở các nước bị chủ nghĩa đế quốc thực dân áp bức, thống trị. Nó khẳng định rằng, trong điều kiện trào lưu của cách mạng vô sản, cuộc cách mạng do một đảng của giai cấp công nhân lãnh đạo không chỉ có thể thành công ở một nước tư bản kém phát triển, nơi mắt xích yếu nhất của chủ nghĩa đế quốc mà còn có thể thành công ở ngay một nước thuộc địa nửa phong kiến lạc hậu để đưa cả dân tộc đó đi lên theo con đường của chủ nghĩa xã hội.

Đập tan luận điệu xuyên tác của các thế lực thù đich

Một trong những luận điệu mà chúng đưa ra đó là, thành công Cách mạng Tháng Tám năm 1945 không phải là do sự lãnh đạo tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam, của Chủ tịch Hồ Chí Minh, không phải là kết tinh sức mạnh đoàn kết của toàn dân tộc, mà thành công đó là một sự "may mắn" do điều kiện lịch sử tạo ra. Thực chất, đây chính những luận điệu xuyên tạc, ấu trĩ. Ẩn đằng sau những luận điệu đó chính là mưu đồ nhằm hạ thấp uy tín, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh; hạ thấp, phủ nhận sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam; xem nhẹ giá trị lịch sử và ý nghĩa thời đại của Cách mạng Tháng Tám năm 1945; bôi nhọ, xuyên tạc, nhằm tạo nên góc nhìn phiến diện, sai lệch của một số người dân của các nước trên thế giới chưa nhận thức đúng thực tế khách quan, chưa hiểu đúng thực chất những thành quả cách mạng của dân tộc ta dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Nhìn lại lịch sử dân tộc ta những năm 30, 40 của thế kỷ XX, chắc chắn rằng tất cả những người có lương tri, có tư duy đều dễ dàng nhận thấy thành công của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là kết quả của sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, là thành quả của sự đoàn kết, đồng lòng, nỗ lực, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, gian khổ, hy sinh của toàn dân tộc. Đặc biệt, thành công của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là nhờ có tư duy sắc sảo, nhạy bén, sáng tạo, quyết đoán của Đảng ta trong xác định, lựa chọn thời cơ tiến hành tổng khởi nghĩa.

Từ thực tiễn cách mạng chúng ta khẳng định: Thành công của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và sự ra đời của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa là thành quả của sự đoàn kết, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thử thách, kể cả sự hy sinh, mất mát của toàn dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong suốt 15 năm kể từ khi Đảng ta ra đời. Đó là sự chuẩn bị về chủ trương, đường lối, xây dựng lực lượng, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6, tháng 11/1939, quyết định thành lập Mặt trận thống nhất dân tộc phản đế Đông Dương thay cho Mặt trận Dân chủ, đặc biệt Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8, tháng 5/1041 quyết định thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất rộng rãi lấy tên là Việt Nam độc lập đồng minh, gọi tắt là Việt Minh thay cho Mặt trận dân tộc thống nhất phản đế Đông Dương đã không còn thích hợp với tình hình mới. Về phương pháp cách mạng, Hội nghị nhận định rằng “cuộc cách mạng Đông Dương kết liễu bằng một cuộc khởi nghĩa vũ trang”[1]. Hội nghị chỉ rõ, khi thời cơ đến, “với lực lượng sẵn có, ta có thể lãnh đạo một cuộc khởi nghĩa từng phần trong từng địa phương, cũng có thể giành sự thắng lợi mà mở đường cho một cuộc tổng khởi nghĩa to lớn”[2]. Về xây dựng lực lượng vũ trang, thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân ngày 22/12/1944 (tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam); về xây dựng căn cứ địa cách mạng; về xác định, lựa chọn thời cơ khởi nghĩa. Đó là kết tinh sức mạnh đoàn kết của toàn dân tộc, là kết quả tất yếu của cuộc đấu tranh giai cấp, đấu tranh dân tộc lâu dài, đầy hy sinh, gian khổ của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.

Những năm qua, thực hiện đường lối đối ngoại rộng mở, đa phương hóa trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, hoạt động đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta đã và đang đạt được nhiều kết quả quan trọng, vị thế, vai trò và uy tín của nước ta trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao; thế giới ngày càng hiểu rõ, đánh giá đúng khách quan, thực chất về những thành tựu mà Việt Nam đã đạt được dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Để đập tan những âm mưu, thủ đoạn, những luận điệu xuyên tạc, bóp méo sự thật của các thế lực thù địch, phản động về giá trị lịch sử và ý nghĩa thời đại của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và ngày Quốc khánh 2/9, chúng ta phải tăng cường, mở rộng hoạt động đối ngoại, nhất là công tác tuyên truyền đối ngoại. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục truyền thống lịch sử của dân tộc cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ hiểu rõ giá trị lịch sử và ý nghĩa thời đại của Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Giáo dục để mọi người dân hiểu rõ việc xuyên tạc, bóp méo sự thật lịch sử dân tộc ta của các thế lực thù địch là nhằm đẩy mạnh "tự diễn biến", "tự chuyển hóa". Đồng thời, tích cực, chủ động đấu tranh làm thất bại hoạt động tuyên truyền xuyên tạc, bóp méo, phủ nhận thành quả của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 của các thế lực thù địch, phản động. Tiếp tục củng cố, tăng cường, mở rộng quan hệ đối ngoại, nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Tự hào về lịch sử hào hùng của dân tộc, mỗi chúng ta cần kiên quyết đấu tranh, phê phán, phản bác mọi luận điệu sai trái, xuyên tạc sự thật lịch sử, phủ nhận thành quả cách mạng của các thế lực thù địch, các đối tượng phản động, cơ hội chính trị với những âm mưu, ý đồ thâm độc hòng chống phá Đảng, Nhà nước, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc./.

                                                                                          ThS. Lê Trung Quân


(1): Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8, tháng 11/1939.

(2): Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8, tháng 11/1939.

 


Các tin khác

Kết quả điểm

Tài liệu tuyên truyền

Hướng dẫn tra cứu thư viện số