Đảng ta luôn coi trọng công tác tuyên giáo, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên và có tính chất mở đường về tư tưởng chính trị, góp phần xây dựng, bồi đắp nền tảng tư tưởng cách mạng, nền tảng chính trị của Đảng, nền tảng tinh thần của xã hội, góp phần đưa đường lối đổi mới của Đảng đi vào cuộc sống, mở rộng dân chủ, khơi dậy khát vọng sáng tạo của mọi ngành, mọi địa phương, các tầng lớp nhân dân, tạo nên sức mạnh tổng hợp của dân tộc.
Đảng ta đặc biệt rất quan tâm đến công tác tư tưởng, công tác tuyên truyền và sớm thành lập cơ quan lãnh đạo công tác tư tưởng. Năm 1930, sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, Ban Tuyên giáo cũng được thành lập. Năm 2000, Bộ Chính trị (khoá VIII) đã quyết định lấy ngày 1/8 hằng năm làm ngày truyền thống công tác tư tưởng, văn hoá của Đảng. Đến năm 2007, sau khi hợp nhất Ban Tư tưởng - Văn hoá Trung ương và Ban Khoa giáo Trung ương thành Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Bí thư Trung ương Đảng (khoá X) quyết định lấy ngày 1/8 hằng năm làm ngày truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng.
Tuyên giáo là nghề “truyền lửa”, truyền niềm tin, khơi dậy khát vọng, nếu mà thiếu “lửa”, thiếu “nhiệt huyết” thì không thể làm tròn nhiệm vụ. Đối tượng của công tác tuyên giáo là con người, hoạt động tuyên giáo là tác động vào tư tưởng, tình cảm, nhận thức của con người. Do đó để đạt được hiệu quả, phải có tính thuyết phục cao. Khi trình độ dân trí càng cao, dân chủ ngày càng mở rộng, thông tin ngày càng đa chiều, thì phương pháp công tác tuyên giáo càng phải đổi mới, càng phải linh hoạt, mềm dẻo, tránh áp đặt, một chiều, phải chuyển mạnh từ độc thoại sang đối thoại, lắng nghe, tôn trọng ý kiến của cán bộ, đảng viên, nhân dân. Không tránh né những vấn đề “nhạy cảm”. Phải tăng cường tổ chức các cuộc tọa đàm, hội thảo, đối thoại, tranh luận với những người có quan điểm trái chiều, ý kiến khác, trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau để tìm ra chân lý, đó là con đường ngắn nhất để rút ngắn khoảng cách sự khác biệt về nhận thức và gần gũi với nhau hơn. Từ đó tăng cường sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng và đồng thuận trong xã hội.
Công tác tuyên giáo chỉ có hiệu quả khi có cơ sở khoa học, sát với thực tiễn. Tính chiến đấu không phải “đao to búa lớn” mà là làm rõ đúng sai, tạo đồng thuận trên cơ sở khoa học. Trong điều kiện hiện nay, tính chiến đấu là để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, tạo sự thống nhất trong Đảng và đồng thuận xã hội, nhằm phát huy cao nhất sức mạnh của toàn Đảng, toàn dân thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội các cấp và Đại hội XIII của Đảng, là đấu tranh với các thế lực thù địch phá hoại trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa, ngăn chặn và đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên, kiên quyết bảo vệ cái đúng, bảo vệ nhân tố mới, mô hình mới và lan tỏa cái hay, cái đẹp.
Trước yêu cầu phát triển của đất nước, ngành tuyên giáo cần nâng cao hơn nữa năng lực dự báo và tham mưu chiến lược cho Đảng ở lĩnh vực công tác được giao; chủ động nắm bắt tình hình, phân tích, dự báo, phát hiện, xử lý các vấn đề tư tưởng chính trị, tâm trạng xã hội đặt ra; coi trọng công tác tuyên truyền, giáo dục lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên và nhân dân. Tăng cường đấu tranh phản bác, đẩy lùi thông tin, luận điệu, hành vi sai trái của các thế lực thù địch, phản động trong nước và nước ngoài; xây dựng, bổ sung lực lượng chuyên gia, công tác viên dư luận xã hội; vạch trần và đấu tranh với âm mưu, thủ đoạn đằng sau các sự kiện, vấn đề mà kẻ xấu nêu ra; tích cực, chủ động tuyên truyền đường lối, quan điểm, chính sách của Đảng, Nhà nước ta một cách có hệ thống, nhất là trên các mặt dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo, tự do báo chí, tự do ngôn luận…
Để làm được điều đó, trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, đội ngũ làm công tác tuyên giáo Bình Thuận từ tỉnh đến cơ sở đã không ngừng nỗ lực học hỏi, trau dồi, nâng cao kiến thức, bản lĩnh chính trị, chuyên môn nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp để bắt nhịp với yêu cầu nhiệm vụ mới.
Hiện nay, với sự phát triển mạnh mẽ của truyền thông, cán bộ, đảng viên và Nhân dân được tiếp cận với lượng thông tin khổng lồ từ nhiều nguồn, nhất là thông qua các trang mạng xã hội. Trong đó, bên cạnh những thông tin chính thống, có một số thông tin sai sự thật, bịa đặt, thiếu được kiểm chứng, thậm chí là xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch. Điều đó đòi hỏi đội ngũ cán bộ tuyên giáo phải nhạy bén trong việc tiếp cận, chọn lọc để kịp thời cung cấp và định hướng, đồng thời phản bác các nội dung xấu, độc; cung cấp và định hướng kịp thời thông tin cho các cơ quan báo chí, truyền thông. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ tuyên giáo phải là những người gần gũi với Nhân dân, bám sát thực tiễn, nắm bắt kịp thời dư luận xã hội để tham mưu cho cấp ủy giải quyết hiệu quả những vấn đề đặt ra từ cơ sở. Đồng thời, cán bộ tuyên giáo phải bám sát thực tiễn và gắn bó mật thiết với Nhân dân, kịp thời phát hiện những nhân tố mới, kinh nghiệm hay để tổng kết và phổ biến, lan tỏa rộng rãi trong toàn xã hội. Có như vậy, hoạt động của đội ngũ cán bộ tuyên giáo mới sinh động, giàu sức sống và có tính thuyết phục.
Muốn vậy, đội ngũ cán bộ tuyên giáo cần được xây dựng theo hướng ngày càng chuyên sâu, yêu cầu bản lĩnh và nhạy bén chính trị đặt lên hàng đầu, phẩm chất đạo đức là cái gốc, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và năng lực thực tiễn, khả năng nói và viết là yếu tố quan trọng, biết tận dụng ưu thế của công nghệ thông tin và truyền thông; có phương thức phù hợp, sáng tạo, có sức truyền cảm, lan tỏa, thuyết phục, phải luôn tìm tòi, sáng tạo, nắm bắt, phân tích, dự báo, thông tin kịp thời, chính xác để tham mưu, cần có tinh thần dám nghĩ, dám làm, cầu thị, ham học hỏi mới đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ công tác tuyên giáo.
Trong bối cảnh hiện nay, để chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước nhanh chóng đi vào cuộc sống, đạt được thành quả, đáp ứng được nguyện vọng của Nhân dân tất yếu cần quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ tuyên giáo vững mạnh, nhất là về năng lực, trình độ, phẩm chất, bản lĩnh chính trị ngang tầm nhiệm vụ là nội dung vô cùng quan trọng, vừa cấp bách, vừa cơ bản, thường xuyên, lâu dài để làm tốt hơn chức năng tham mưu cho Đảng trên mặt trận tư tưởng lý luận.