Tin mới nhất

Một số quy định của Pháp luật Việt Nam về Quyền sống của Con người

Quyền sống lần đầu tiên được đề cập trong Điều 3 Tuyên ngôn toàn thế giới về nhân quyền năm 1948 và Điều 6 Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị năm 1966. Đây được coi là “quyền quan trọng nhất của con người mà trong bất kỳ hoàn cảnh nào, kể cả trong tình trạng khẩn cấp của quốc gia, cũng không thể bị vi phạm…”.

Theo Điều 6 Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị năm 1966 cụ thể hoá quy định về quyền sống trong Điều 3 Tuyên ngôn toàn thế giới về nhân quyền năm 1948, theo đó: “Mọi người đều có quyền cố hữu là được sống. Quyền này phải được pháp luật bảo vệ. Không ai có thể bị tước mạng sống một cách tuỳ tiện” (khoản 1).

Quyền sống liên quan đến vấn đề hình phạt tử hình. Mặc dù Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị chỉ khuyến nghị chứ không bắt buộc các quốc gia phải xoá bỏ hình phạt tử hình; Các khoản 2, 3, 4, 5, 6 Điều 6 Công ước quy định các nguyên tắc cơ bản trong việc áp dụng hình phạt tử hình ở những nước còn duy trì hình phạt này mà có thể tóm tắt như sau: Chỉ được phép áp dụng hình phạt tử hình đối với những tội ác nghiêm trọng nhất, căn cứ vào luật pháp hiện hành tại thời điểm tội phạm được thực hiện; Việc áp dụng hình phạt tử hình không được trái với những quy định của Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị năm 1966 và của Công ước về ngăn ngừa và trừng trị tội diệt chủng (CPPCG); Hình phạt tử hình chỉ được thi hành trên cơ sở bản án đã có hiệu lực pháp luật, do một toà án có thẩm quyền phán quyết; Bất kỳ người nào bị kết án tử hình đều có quyền xin và quyền được xét ân giảm hoặc thay đổi mức hình phạt; Không áp dụng hình phạt tử hình với người dưới 18 tuổi và không được thi hành án tử hình đối với phụ nữ đang mang thai; Không được viện dẫn Điều 6 để trì hoãn hoặc ngăn cản việc xoá bỏ hình phạt tử hình.

Ở Việt Nam, quyền sống đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định ngay trong Tuyên ngôn Độc lập năm 1945, thông qua việc nhắc lại một mệnh đề trong bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”.

Trong các bản Hiến pháp năm 1946, 1959, 1980, 1992, quyền sống không được đề cập như một quyền cụ thể, mà chỉ được thể hiện thông qua các quyền bất khả xâm phạm về thân thể, tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của công dân. Đến Hiến pháp năm 2013, quyền này được nêu trực tiếp trong Điều 19 và được gắn với sự bảo hộ pháp lý về tính mạng: “Mọi người có quyền sống. Tính mạng con người được pháp luật bảo hộ. Không ai bị tước đoạt tính mạng trái luật”.

Ngoài quy định nêu trên, quyền sống hiện còn được bảo vệ qua một số điều khoản khác của Hiến pháp năm 2013 và trong một số văn bản như:

Điều 33 Bộ luật Dân sự năm 2015: “1. Cá nhân có quyền sống, quyền bất khả xâm phạm về tính mạng, thân thể, quyền được pháp luật bảo hộ về sức khỏe. Không ai bị tước đoạt tính mạng trái luật.

2. Khi phát hiện người bị tai nạn, bệnh tật mà tính mạng bị đe dọa thì người phát hiện có trách nhiệm hoặc yêu cầu cá nhân, cơ quan, tổ chức khác có điều kiện cần thiết đưa ngay đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nơi gần nhất; cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm thực hiện việc khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh.

3. Việc gây mê, mổ, cắt bỏ, cấy ghép mô, bộ phận cơ thể người; thực hiện kỹ thuật, phương pháp khám, chữa bệnh mới trên cơ thể người; thử nghiệm y học, dược học, khoa học hay bất cứ hình thức thử nghiệm nào khác trên cơ thể người phải được sự đồng ý của người đó và phải được tổ chức có thẩm quyền thực hiện.

Trường hợp người được thử nghiệm là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi hoặc là bệnh nhân bất tỉnh thì phải được cha, mẹ, vợ, chồng, con thành niên hoặc người giám hộ của người đó đồng ý; trường hợp có nguy cơ đe dọa đến tính mạng của bệnh nhân mà không chờ được ý kiến của những người nêu trên thì phải có quyết định của người có thẩm quyền của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

4. Việc khám nghiệm tử thi được thực hiện khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Có sự đồng ý của người đó trước khi chết;

b) Có sự đồng ý của cha, mẹ, vợ, chồng, con thành niên hoặc người giám hộ nếu không có ý kiến của người đó trước khi chết;

c) Theo quyết định của người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp luật quy định”.

Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) dành hẳn một chương (Chương XIV, từ Điều 123 đến Điều 156) với 33 điều quy định về các tội xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự của con người, theo đó, mọi hành vi vô cớ đe doạ hay tước đoạt mạng sống của con người đều bị pháp luật trừng trị nghiêm khắc.

Tương tự như nhiều quốc gia khác, Việt Nam hiện vẫn còn duy trì hình phạt tử hình xuất phát từ yêu cầu phòng, chống tội phạm. Tuy nhiên, kể từ năm 1999, hoà vào xu hướng chung của các nước, Pháp luật Việt Nam đã liên tục giảm số tội danh có thể tuyên phạt tử hình, cụ thể từ 44 điều xuống còn 29 điều trong Bộ luật Hình sự năm 1999, tiếp tục xuống còn 22 điều trong lần sửa đổi năm 2009 và 18 điều trong Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) bỏ hình phạt tử hình đối với bảy tội danh. Đó là các tội: cướp tài sản; phá huỷ công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia; chống mệnh lệnh; đầu hàng địch; phá hoại hoà bình, gây chiến tranh xâm lược; chống loài người; tội phạm chiến tranh (các điều 168, 303, 394, 399, 421, 422, 423). Đồng thời, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) tách tội vận chuyển, tàng trữ, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma tuý (Điều 194 của Bộ luật Hình sự năm 1999; sửa đổi, bổ sung năm 2009) thành các tội danh độc lập (Điều 249, 250, 251, 252) và chỉ giữ lại hình phạt tử hình đối với tội vận chuyển và tội mua bán trái phép chất ma tuý. Còn đối với các tội danh khác thì mức hình phạt cao nhất là tù chung thân.

Bổ sung đối tượng không áp dụng hình phạt tử hình, đó là người từ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử. Việc bổ sung đối tượng này vào diện không áp dụng hình phạt tử hình thể hiện chính sách hình sự nhân đạo đối với những người đã đến tuổi thượng thọ - đối tượng được hưởng chế độ chúc thọ, mừng thọ của Nhà nước; được đặc cách hưởng chính sách bảo trợ xã hội (khoản 2, Điều 40 Bộ luật Hình sự năm 2015; sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Mở rộng các trường hợp không thi hành án tử hình và chuyển hình phạt tử hình thành tù chung thân nhằm góp phần hạn chế hình phạt tử hình trên thực tế, theo đó, ngoài trường hợp người bị kết án là phụ nữ có thai và phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi như quy định hiện hành thì bổ sung thêm hai trường hợp: 1. Người bị kết án là người từ 75 tuổi trở lên. 2. Người bị kết án tử hình không thuộc đối tượng nêu trên nhưng sau khi bị kết án đã chủ động khắc phục hậu quả của tội phạm do mình gây ra, hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn (khoản 3 Điều 40 Bộ luật Hình sự năm 2015; sửa đổi, bổ sung năm 2017)

Nhìn chung, hệ thống pháp luật hiện hành của Việt Nam đã tương thích với những nguyên tắc cơ bản về quyền sống trong luật quốc tế. Mặc dù vậy, giống như nhiều quốc gia khác, Pháp luật Việt Nam vẫn cần được sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện và tương thích ở mức độ cao hơn với các tiêu chuẩn quốc tế về quyền này theo những định hướng của Đảng trong Chiến lược cải cách tư pháp và động lực từ những phát triển tiến bộ to lớn về chế định quyền con người, quyền công dân trong Hiến pháp năm 2013.

ThS. Bùi Khắc Huỳnh

Phó Trưởng khoa phụ trách

Khoa Nhà nước và Pháp luật

 


Các tin khác

Kết quả điểm

Tài liệu tuyên truyền

Hướng dẫn tra cứu thư viện số