Tin mới nhất

Phát huy bài học đại đoàn kết dân tộc của Cách mạng Tháng Tám trong giai đoạn hiện nay

Cách đây 77 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Việt Nam đã làm nên thắng lợi to lớn, có ý nghĩa lịch sử – thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, dẫn tới sự ra đời nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà – nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á, đánh dấu một sự biến đổi cực kì to lớn của cách mạng nước ta. Thắng lợi đó đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý giá được Đảng ta tiếp tục phát huy có hiệu quả trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam về sau, trong đó có bài học về phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Đại đoàn kết toàn dân tộc là truyền thống quý báu đã tồn tại hàng ngàn năm của dân tộc Việt Nam, truyền thống đó được Đảng ta xác định là đường lối chiến lược, là động lực quan trọng làm nên mọi thắng lợi của cách mạng. Ngay từ khi ra đời (2/1930) và trong suốt quá trình lãnh đạo nhân dân tiến hành cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Đảng đã nhận thấy rằng, để cách mạng giành thắng lợi, điều hết sức quan trọng là phải xây dựng được khối đại đoàn kết, tập hợp quảng đại quần chúng trong hình thức Mặt trận dân tộc thống nhất. Các hình thức Mặt trận phù hợp với từng thời kì, từ Hội phản đến Đồng minh (11/1930), Phản đế liên minh (3/1935), Mặt trận thống nhất nhân dân phản đế Đông Dương (10/1936), Mặt trận thống nhất dân chủ Đông Dương (6/1938), Mặt trận thống nhất dân tộc phản đế Đông Dương (11/1939) đến Mặt trận Việt Minh (19/5/1941) đã thu hút đông đảo đồng bào Việt Nam yêu nước, phát huy đến mức cao nhất nội lực của dân tộc để tiến hành cuộc Cách mạng Tháng Tám thắng lợi.

Cứ thế, khối đại đoàn kết toàn dân tộc lại ngày càng được củng cố, tăng cường dưới sự lãnh đạo của Đảng. Trong 9 năm trường kì lãnh đạo nhân dân tiến hành kháng chiến chống đế quốc Pháp, với tư tưởng chỉ đạo “Dân tộc trên hết, Tổ quốc trên hết”, Đảng chủ trương tăng cường hơn nữa khối đại đoàn kết toàn dân tộc, mở rộng hơn nữa các thành phần tham gia Mặt trận Việt Minh, đồng thời tổ chức hình thức Mặt trận mới (Hội Liên Việt) để đoàn kết tất cả các đảng phái yêu nước, không phân biệt giai cấp, tôn giáo, xu hướng chính trị. Trong kháng chiến chống Mỹ xâm lược, khi cùng một lúc lãnh đạo thực hiện đồng thời 2 nhiệm vụ chiến lược cách mạng ở hai miền đất nước, Đảng đã rất sáng tạo trong tập hợp sức mạnh của khối đại đoàn kết, chủ trương xây dựng các hình thức Mặt trận phù hợp ở mỗi miền: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở miền Bắc, Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Liên minh các lực lượng dân tộc dân chủ hoà bình ở miền Nam. Chủ trương đó đã phát huy đến mức cao nhất sức mạnh của cả dân tộc, biến thành hành động thực tiễn qua những phong trào thi đua sôi nổi khắp cả nước, huy động sức mạnh chính trị, tinh thần của cả dân tộc để kết thúc vẻ vang sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta.

Khi đất nước hoàn toàn thống nhất, tiến hành sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, công cuộc đổi mới và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, Đảng chủ trương thống nhất các tổ chức Mặt trận ở hai miền để thành lập một mặt trận chung là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, làm cơ sở tăng cường và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Bằng các hình thức tập hợp đa dạng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể không ngừng đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, tăng cường thu hút, động viên, tập hợp các giai cấp, tầng lớp nhân dân Việt Nam cả trong và ngoài nước tham gia thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng, phát triển đất nước. Những thành quả của 35 năm đổi mới đất nước chính là kết tinh từ sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng. Sức mạnh đó đã và đang là động lực để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta tiếp tục vượt qua mọi khó khăn, trở ngại để thực hiện thắng lợi mục tiêu Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Đối với Trường Chính trị tỉnh Bình Thuận, trong 60 năm ra đời và phát triển, các thế hệ lãnh đạo nhà trường đã xây dựng được khối đoàn kết thống nhất, đã trở thành truyền thống tốt đẹp, là động lực để mọi thế hệ lãnh đạo, cán bộ, giảng viên, viên chức nhà trường vượt qua mọi khó khăn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Khối đoàn kết thống nhất đó thể hiện rõ qua thực tiễn thực hiện nhiệm vụ chính trị của nhà trường: đó là sự đồng lòng nhất trí, sự quyết tâm của Đảng uỷ, Ban Giám hiệu, đội ngũ viên chức, người lao động nhà trường trong việc không ngừng đổi mới nội dung, phương pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo đội ngũ cán bộ cho tỉnh nhà; đó là sự phối kết hợp đồng bộ giữa các khoa, phòng, giữa các đoàn thể trong thực hiện nhiệm vụ; đó là sự gắn kết, sẻ chia, giúp đỡ nhau trong công việc và cuộc sống giữa các thành viên nhà trường; đó là những lúc khó khăn khi mới chuyển lên địa điểm mới, cơ sở vật chất, hội trường còn thiếu, chỗ làm việc chưa ổn định, lúc nhà trường được trưng dụng làm bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân mắc covid – 19, phải chuyển sang làm ở cơ sở tạm, nhưng với truyền thống đoàn kết được hình thành và củng cố qua nhiều năm, đội ngũ cán bộ, viên chức, người lao động nhà trường đã cùng nhau khắc phục mọi khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Trong thời gian đến, nhiệm vụ đặt ra cho nhà trường ngày càng nhiều và cũng có những khó khăn đặt ra, nhất là trong việc thực hiện các tiêu chí để tiến tới xây dựng Trường Chính trị đạt chuẩn theo quy định, đòi hỏi nhà trường cần đưa ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp, trong đó điều quan trọng hàng đầu là phải tiếp tục tăng cường, củng cố truyền thống đoàn kết trong đội ngũ viên chức, người lao động, tạo động lực thôi thúc mỗi viên chức, người lao động nhà trường phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao./.


Các tin khác

Kết quả điểm

Tài liệu tuyên truyền

Hướng dẫn tra cứu thư viện số