Trải qua quá trình hình thành và phát triển, nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ đã làm cho người nghe cảm nhận được nhiều cảm xúc, cung bậc khác nhau và đã được nhiều người trong và ngoài nước biết đến loại hình nghệ thuật này. Ngày 05/12/2013, UNESCO chính thức công nhận nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ của Việt Nam là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Điều này cho chúng ta thấy những giá trị độc đáo của nghệ thuật Đờn ca tài tử một lần nữa được khẳng định. Đờn ca tài tử là loại hình nghệ thuật vừa phản ánh tinh hoa văn hóa ngàn năm văn hiến của dân tộc, đã góp phần tạo nên sự giao lưu đa dạng cần thiết của văn hóa dân tộc và văn hóa nhân loại.
Đến nay, Nghệ thuật Đờn ca tài tử được phát triển ở 21 tỉnh, thành phố phía Nam nước ta, trong đó có tỉnh Bình Thuận. Đờn ca tài tử là di sản văn hóa phi vật thể quý giá của cộng đồng, một sản phẩm văn hóa tinh thần không thể thiếu của người Việt Nam nói chung, người Bình Thuận nói riêng. Loại hình nghệ thuật này được biểu diễn ở mọi lúc, mọi nơi: trong lễ hội, ngày giỗ, cưới, sinh nhật, họp mặt… với những tác phẩm ca ngợi truyền thống hào hùng của dân tộc, hình ảnh đất nước và con người Việt Nam từ trong các cuộc đấu tranh, sản xuất, xây dựng quê hương, tình yêu lứa đôi. Hoạt động của Đờn ca tài tử tại Bình Thuận đang góp phần làm đa dạng loại hình nghệ thuật của tỉnh để thu hút khách du lịch đến với Bình Thuận ngày càng nhiều.
Đầu thập kỷ 1940, đờn ca tài tử bắt đầu rộ lên ở Mũi Né, Phú Long, Hàm Thuận, Chợ Lầu. Nơi diễn ra hoạt động này chủ yếu là sân đình, dinh, vạn… các nhóm đờn ca tài tử không chỉ chơi đờn ca trên “sân khấu ngoài trời” để phục vụ cho người dân lao động sau những ngày làm việc nặng nhọc, tạo nên sự đa dạng của đời sống văn hóa tinh thần trong nhân dân mà còn tổ chức những đêm công diễn tuồng tích cải lương trong rạp, có bán vé để lấy tiền hỗ trợ quỹ Khuyến học của tỉnh nhà. Do đó, phong trào Đờn ca tài tử được nhân dân yêu thích ngày càng nhiều, cũng từ đây Đoàn Cải lương Nhạn Trắng được thành lập theo Quyết định số 248/QĐ/UBTH, ngày 18/3/1987 của UBND tỉnh Thuận Hải (nay là Bình Thuận), đã tập hợp nhiều Tài tử Đờn và Tài tử Ca trẻ luôn cháy hết mình với nghệ thuật này nên chỉ sau 08 tháng tập luyện Đoàn đã xây dựng được nhiều vở cải lương nổi tiếng phục vụ nhân dân trong và ngoài tỉnh. Trong vòng 05 năm, Đoàn Cải lương Nhạn Trắng đã dàn dựng nhiều vở cải lương mà ngày nay nhắc đến người nghe vẫn nhớ mãi như: Hận tình trên sa mạc; Hoa rơi của Phật; Lôi Vũ; Nàng tiên Mẫu Đơn; Nỗi đau tình mẹ; Nhiếp chính Ỷ Lan… Đến năm 1992, tỉnh Bình Thuận được tái lập, Đoàn Cải lương Nhạn Trắng đã giải thể và sáp nhập vào Đoàn Ca múa nhạc của tỉnh thành Đoàn Ca múa nhạc Biển Xanh Bình Thuận.
Bình Thuận hiện có 2 câu lạc bộ và 34 nhóm Đờn ca tài tử với 685 thành viên (250 tài tử đờn, 385 tài tử ca và 50 tài tử vừa đờn vừa ca), trong đó có 286 tài tử chính thức (có 4 nghệ nhân), Thành phố Phan Thiết có thể nói là nơi diễn ra các hoạt động đờn ca tài tử sôi nổi và có số lượng nhiều nhất (1 câu lạc bộ và 07 nhóm với 65 người), tiếp đến là huyện Bắc Bình (6 nhóm với 55 người), huyện Phú Quý (1 câu lạc bộ, 7 nhóm), thị xã La Gi và các huyện còn lại có từ 1 đến 3 nhóm. Hàng tuần, hàng tháng các Câu lạc bộ Đờn ca tài tử tổ chức sinh hoạt ca, hát với nội dung phong phú mang tính chất trao đổi chuyên môn, học hỏi kinh nghiệm là cho phong trào đờn ca tài tử hoạt động ngày càng có tính chuyên nghiệp hơn. Hoạt động Đờn ca tài tử của tỉnh trong những năm gần đây phát triển khá mạnh mẽ nhờ có tâm huyết của các nghệ nhân, tiêu biểu như: Lê Sáng (nghệ danh Hoàng Bán), Ngô Vĩnh Ngọc (nghệ danh Trường Ngọc, Hoài Lâm), Ngô Thanh Tâm (nghệ danh Thanh Tâm), Đặng Ngọc Long (nghệ danh Đặng Long).
Nguồn: Ảnh chụp từ Video “Lan tỏa phong trào đờn ca tài tử” của BTV binhthuantv.vn
Mặc dù tỉnh Bình Thuận chỉ là vùng lan tỏa của Đờn ca tài tử, nhưng qua thực tiễn hoạt động, địa phương đã góp phần tôn vinh và bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể Đờn ca Tài tử - sản phẩm văn hóa mạng đậm chất Việt Nam. Thời gian qua, UBND tỉnh Bình Thuận và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh đã tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để thỏa mãn nhu cầu hưởng thụ và sáng tạo nghệ thuật Đờn ca Tài tử. Năm 2015, UBND tỉnh Bình Thuận đã phê duyệt Đề án “Bảo tồn và phát huy loại hình nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ giai đoạn 2015 - 2020 trên địa bàn tỉnh Bình Thuận”, công tác bảo tồn và phát huy nghệ thuật Đờn ca Tài tử trên địa bàn tỉnh được quan tâm triển khai bằng nhiều hình thức khác nhau nhằm bảo đảm tồn tại và phát triển một cách bền vững loại hình nghệ thuật này.
Tuy nhiên, bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật Đờn ca tài tử ở tỉnh Bình Thuận cũng đang gặp không ít khó khăn như: chưa có nhiều công trình nghiên cứu một cách bài bản về nghệ thuật đờn ca tài tử, nên chưa đáp ứng được nhu cầu tham khảo, học tập và thưởng thức của công chúng. Nhà nước chưa có chính sách hỗ trợ thỏa đáng để đầu tư phát triển loại hình này, nhất là về nguồn nhân lực. Nghệ nhân tham gia nghệ thuật này chủ yếu là lớp người đã lớn tuổi; thế hệ trẻ không mặn mà, số lượng còn khá ít so với các loại hình nghệ thuật khác hiện nay. Việc sưu tầm bài bản cổ, sáng tác lời mới và luyện tập nhuần nhuyễn chưa được duy trì thực hiện một cách tự giác. Nghệ nhân chơi được bốn loại nhạc cụ: đàn tranh, đàn cò, đàn kìm và đàn Guitar còn hạn chế, vì người chơi được đờn ca tài tử phải thật kiên nhẫn, thời gian theo học và chơi thành thạo thường phải mất hai đến ba năm mới thông thạo các bản đờn; đòi hỏi người chơi tài tử phải thuộc thấu đáo lòng bản mới có thể ngẩu hứng trong sáng tạo để cho ra một bè đàn có tính cách riêng, kỹ thuật riêng mà vẫn bảo đảm sự toàn vẹn bản hòa tấu nhạc tài tử. Các câu lạc bộ và nhóm đa phần thiếu kinh phí, nhạc cụ và phương tiện để hoạt động. Khi kết thúc Đề án “Bảo tồn và phát huy loại hình nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ giai đoạn 2015 - 2020 trên địa bàn tỉnh Bình Thuận”, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, từ năm 2020 đến nay, kế hoạch để phát triển Đờn ca tài tử trên địa bàn tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2020 - 2025 chưa được triển khai bài bản.
Đờn ca tài tử là một loại hình nghệ thuật được quý như một viên ngọc cần được bảo tồn và phát huy, để tiếp tục khẳng định giá trị nghệ thuật độc đáo của Đờn ca tài tử, đồng thời, góp phần thực hiện Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI) “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” và Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị “Về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”, Kết luận số 76-KL/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI về xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước và Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng về lĩnh vực văn hoá, trong thời gian đến, để duy trì và phát huy giá trị nghệ thuật của Đờn ca tài tử, tỉnh Bình Thuận cần thực hiện các giải pháp sau:
Thứ nhất, UBND tỉnh Bình Thuận tiếp tục quan tâm đầu tư kinh phí mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng nguồn lực tham gia hoạt động loại hình nghệ thuật này. Trong đó, chú ý đến việc tạo điều kiện thuận lợi nhiều hơn để các nghệ nhân xuất sắc trao truyền những kiến thức và kinh nghiệm của mình cho thế hệ trẻ. Thực hiện chế độ ưu đãi, khuyến khích dành cho thế hệ trẻ tham gia loại hình nhệ thuật này.
Thứ hai, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đẩy nhanh tiến độ tham mưu cho UBND tỉnh Bình Thuận đề án, kế hoạch triển khai, phát triển Đờn ca tài tử trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đến năm 2025 và tầm nhìn đến 2030.
Thứ ba, khuyến khích các đơn vị trên địa bàn tỉnh thực hiện đề tài khoa học gắn với nghệ thuật Đờn ca tài tử nhằm tạo nguồn tư liệu đầy đủ để bảo tồn, lưu giữ, nghiên cứu, phát huy trong đời sống xã hội của tỉnh.
Thứ tư, thường xuyên tổ chức hoạt động giao lưu, giới thiệu, quảng bá đến rộng khắp các tầng lớp nhân dân, bạn bè trong nước và quốc tế về những giá trị của nghệ thuật Đờn ca tài tử gắn với các hoạt động phát triển du lịch ở tỉnh Bình Thuận. Thường xuyên tổ chức hội thi ở các huyện, thị xã, thành phố và duy trì tổ chức Liên hoan Nghệ thuật Đờn ca tài tử cấp tỉnh 02 năm/lần.
Thứ năm, xây dựng kế hoạch tham gia Liên hoan Nghệ thuật Đờn ca tài tử lần thứ IV vào năm 2025, tổ chức tại tỉnh Tây Ninh. Đây là dịp để các nghệ nhân được giao lưu, trao đổi kinh nghiệm với các nghệ nhân các tỉnh, thành phố trong giữ gìn và phát huy giá trị của loại hình nghệ thuật này.
Thứ sáu, UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí nhiều hơn cho các câu lạc bộ và nhóm Đờn ca tài tử, duy trì hoạt động theo định kỳ và tổ chức lưu diễn vào ngày lễ trong năm.
Thứ bảy, chú trọng việc xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động vừa bảo tồn những bài bản cổ, vừa khuyến khích các nghệ nhân sáng tác lời bài bản tài tử, chặp cải lương ca ngợi truyền thống hào hùng của dân tộc, hình ảnh đẹp về đất nước, con người và tình yêu lứa đôi phù hợp với văn hóa Việt Nam./.