Đức tính khiêm nhường và tình thương bao la của Người là sự kế thừa, phát triển sáng tạo giá trị văn hóa truyền thống dân tộc, đạt đến đỉnh cao trong thời đại Hồ Chí Minh, góp phần quan trọng nuôi dưỡng tâm hồn, bồi đắp đời sống văn hóa dân tộc, nâng chủ nghĩa nhân văn Việt Nam lên tầm cao mới.
Lão Tử từng nói: Thánh nhân cao hơn thiên hạ vì biết đứng sau thiên hạ. Tuy đứng trong hàng ngũ nguyên thủ quốc gia có uy tín và danh vọng, nhưng Hồ Chí Minh không bao giờ đặt mình cao hơn người khác trái lại luôn quan tâm tới người khác. Đây là phong cách của bậc thánh nhân.
Khiêm nhường là một trong những nét nổi bật của phong cách ứng xử văn hóa Hồ Chí Minh. Thái độ khiêm nhường đó được thể hiện bằng rất nhiều hành vi ứng xử trong cuộc đời của Hồ Chí Minh. Khi đã giữ cương vị Chủ tịch nước Hồ Chí Minh vẫn xưng hô là “cháu” đối với một phụ lão cứu quốc ở Ứng Hòa - Hà Tây, Người đã viết: “Thưa Cụ! Những vị thượng thọ như Cụ là của quý giá của dân tộc…Cháu xin thay mặt Chính phủ cảm ơn cụ và trân trọng chúc Cụ sống lâu và luôn luôn khỏe mạnh, để kêu gọi cháu ra sức tham gia kháng chiến và kiến quốc”[1]. Báo Nhân Dân, số ra ngày 11/11/1989 đã đăng về một câu chuyện trong chuyến thăm Ấn Độ của Hồ Chí Minh vào năm 1958: Tại cuộc mít tinh của nhân dân Ấn Độ chào mừng Người đến thăm đất nước họ tại cung điện Rajmahal, các bạn Ấn Độ đã chuẩn bị sẵn một chiến ghế vàng danh riêng cho Người trên bục danh dự. Thủ tướng Ấn Độ là Jawaharlal Nerhu thì chỉ ngồi trên một chiếc ghế bình thường. Đích thân Thủ tướng Ấn Độ Nerhu mời Người ngồi vào chiếc ghế đó, Người đã kiên quyết từ chối và nói “Tôi không muốn khác biệt với mọi người trong cuộc gặp mặt vui vẻ và thân tình này”. Thủ tướng Nerhu đành cho chuyển chiếc ghế đi và thay bằng một chiếc ghế khác giản dị hơn. Cử chỉ khiêm nhường của Hồ Chí Minh đã làm cho nhân dân Thủ đô New Delhi xúc động và trong khoảnh khắc ấy, hàng vạn người dân Ấn Độ dưới quảng trường đã cảm kích vỗ tay vang dội và hô rất to: “Hồ Chí Minh muôn năm!” “Hồ Chí Minh muôn năm!”. Thủ tướng Ấn Độ đã phát biểu: “Chinh phục trái tim mọi người không phải bằng tranh cãi lý luận cao siêu mà bằng chính cuộc sống giản dị, khiêm tốn chân tình - Tiến sĩ Hồ Chí Minh làm nảy nở tình hữu ái và sự hiểu biết lẫn nhau giữa những con người…Chúng ta có vinh dự được tiếp xúc với một con người, người ấy là một phần của lịch sử châu Á…một con người từng trải, khiến chúng ta càng trở nên tốt hơn”[2].
Khi Bác thăm Indonesia (1959), Tổng thống Indonesia ngưỡng mộ Bác và tặng Bác “Tiến sĩ danh dự”, đồng thời mời Bác nói chuyện với các giáo sư, tiến sĩ và sinh viên một trường đại học lớn ở thủ đô Jakarta của Indonesia. Bác có bài phát biểu rất giản dị và khiêm nhường: “Tôi không có may mắn được học hành đầy đủ như các bạn. Tôi chỉ tự học. Cuộc sống là người thầy vĩ đại của tôi. Thực tiễn đem lại cho tôi những tri thức về xã hội và nhân văn”. Bài phát biểu của Bác được cả hội trường chăm chú lắng nghe, ấn tượng sâu sắc và dành cho Bác sự đánh giá, ngưỡng mộ về tri thức, trí tuệ, đạo đức và nhân cách của bậc vĩ nhân.
Sự bình dị của Hồ Chí Minh không chỉ dừng lại ở các câu chuyện ngoại giao mà còn thể hiện trong nhưng câu chuyện về cuộc sống thường ngày của Người. Đó là sự giản dị, thanh cao. Sau khi Hà Nội được giải phóng, Hồ Chí Minh từ Việt Bắc trở về Thủ đô, Người đã từ chối không ở Phủ toàn quyền Đông Dương trước đây, mà tự dọn đến ở tại một ngôi nhà nhỏ của một người công nhân thợ điện…, mãi đến bốn năm sau, được sự cho phép của Người, một căn nhà sàn được làm nơi ở mới.
Những năm tháng đời sống nhân dân ta còn đói khổ, thiếu thốn trăm bề, Hồ Chí Minh không cho phép mình được sung túc. Những khi đi công tác Người mang theo cơm nắm muối vừng. Người phân trần: người ta dọn một bữa sang có khi Bác chẳng ăn đâu, nhưng rồi để lại cái tiếng đấy. Người vẫn thường dạy cán bộ: người ta ai cũng muốn ăn ngon, mặc đẹp, nhưng phải cho đúng thời đúng hoàn cảnh. Trong lúc nhân dân ta còn thiếu thốn mà một người nào đó muốn riêng hưởng ăn ngon mặc đẹp như vậy là không có đạo đức. Do dó, Người luôn dặn các cô chú phục vụ: vá khăn mặt cho Bác, vá áo lót để Bác tiếp tục dùng. Có lần khi thấy tất rách chưa kịp vá, mọi người đưa đôi tất mới để Người dùng, Người cầm chiếc tất rách và xoay chỗ rách vào trong rồi cười: đấy có trông thấy chỗ rách nữa đâu[3]. Khiêm nhường, giản dị đã tạo nên sức hút rất riêng của Hồ Chí Minh, một “thương hiệu” Hồ Chí Minh không thể lẫn với bất cứ vĩ nhân, lãnh tụ nào.
Là người có vốn hiểu biết sâu rộng về văn hóa, tâm lý, ngôn ngữ và phong tục tập quán của nhiều dân tộc cả ở phương Đông và phương Tây. Điều đó đã giúp Hồ Chí Minh tìm được những cách xử thế hợp lòng người, hợp từng hoàn cảnh, từng đối tượng cụ thể, Hồ Chí Minh đã hòa mình vào phong tục tập quán của mỗi quôc gia dân tộc một cách tự nhiên nhất. Trong bữa tiệc chiêu đãi Người ở Ấn Độ, có món thịt gà rất nổi tiếng. Khi ấy, người Ấn Độ không dùng thìa, khi dùng bữa mà dùng năm ngón tay để bốc thức ăn. Nhưng tiệc chiêu đãi quốc tế để lịch sự người ta phải dùng dao, thìa, dĩa. Khi món thịt gà được đưa ra, các quan khách Ấn Độ có vẻ không quen dùng dao, dĩa. Người rất tinh ý nói với Thủ tưởng Nêru: Thịt gà phải ăn bằng tay thì mới ngon chứ còn ăn bằng thìa dĩa thì khác nào nói chuyện với người yêu lại phải qua ông phiên dịch.
Tinh tế là một khái niệm mang tính nội hàm sâu sắc, không phải ngẫu nhiên mà ai cũng có được. Sự tinh tế là cả một quá trình tích lũy vốn sống của mỗi con người, thể hiện chiều sâu trong tình huống giao tiếp. Phong cách ứng xử Hồ Chí Minh đã đạt tới tầm cao của sự tinh tế. Tinh tế trong lời nói, tinh tế trong cách hành xử và tinh tế ngay trong cuộc sống bình dị của mình. Sự tinh tế trong cách ứng xử của Hồ Chí Minh thể hiện qua từng chữ viết, từng lời nói, từng cái nhìn, từng cử chỉ, từng bước đi dáng người trước đối tượng đang đối thoại với mình hoặc trong từng tình huống cụ thể. Một cử chỉ đánh rơi đồ vật để tránh cái bắt tay chưa đúng lúc, một lối chơi chữ thâm thúy sắc nhọn, một bàn tay bịt đầu pháo…Tất cả đều được Hồ Chí Minh cân nhắc và sử dụng vô cùng hợp lý.
Sự tinh tế của Hồ Chí Minh luôn làm đối phương bất ngờ. Khi còn ở Việt Bắc, lúc Người bị bệnh đã có một bà “thầy lang” đến chưa bệnh cho Người. Bà đã dùng lá rừng để xông, trước khi xông bà dùng cành lá quay chung quanh như phù thủy, nhưng Người vẫn điềm tĩnh ngồi mà không tỏ thái độ gì. Sau đó Người giải thích: Mình không nên làm phật ý người ta. Vận động, tuyên truyền đồng bào trừ mê tín là việc làm lâu dài, phải kiên trì, không được nôn nóng. Đây là bài học về cách ứng xử của Người với đồng bào địa phương, bài học quý giá trong ứng xử với quần chúng nhân dân. Những ngày Người ốm nặng, không ai có thể ngờ rằng sau những cơn đau lúc tỉnh dậy nhìn đội ngũ bác sĩ, y tá đang chăm sóc sức khỏe mình, Người nói với đồng chí Vũ Kỳ ra vườn hái cho Bác mấy bông hoa. Nhìn những bông hoa còn tươi mới vừa được đem vào, Người bảo đồng chí Vũ Kỳ thay mặt Bác tặng mỗi người một bông hoa hồng. Việc làm nhỏ đó đã làm cho mỗi chúng ta cảm nhận được sự tinh tế của Người rất sâu sắc, nó đã đi vào trái tim và làm lay động trái tim của đồng bào và bạn bè khắp năm châu bốn biển.
Chính sự hiểu biết sâu rộng, cùng với trải nghiệm thực tiễn phong phú, một bản lĩnh kiên cường đã khiến cho Hồ Chí Minh thống nhất được hai thái cực kiên quyết và bình tĩnh trong ứng xử của mình một cách hoàn hảo. Cũng bởi vậy, ứng xử của Hồ Chí Minh luôn toát lên một sự lịch lãm, tự chủ cao độ. Người trở thành trung tâm của các cuộc họp, các cuộc tiếp xúc, để lại những ấn tượng sâu đậm trong lòng mọi người. Sự hấp dẫn, lôi cuốn mạnh mẽ của Hồ Chí Minh được hình thành từ nhiều yếu tố, trong đó có vốn hiểu biết văn hóa sâu rộng của Người. Hồ Chí Minh rất am hiểu về đối tượng giao tiếp của mình: về lịch sử, về văn hóa, về sở thích … Bởi vậy, ứng xử của Người không chỉ đạt hiệu quả cao mà còn tạo ra ấn tượng rất mạnh. Hồ Chí Minh phân biệt được đâu là bọn thực dân, đế quốc hiếu chiến, đâu là quần chúng nhân dân lao động. Bởi vậy, chống thực dân Pháp nhưng Hồ Chí Minh rất tôn trọng văn hóa Pháp, con người Pháp và những giá trị mà Pháp đã cống hiến cho nhân loại. Chống đế quốc Mỹ nhưng Người vẫn rất tôn trọng, ca ngợi sự ủng hộ của nhân dân Mỹ đối với Việt Nam. Người hiểu rất rõ, đã là con người thì ai cũng yêu sự lành, ghét dữ, nhân dân Pháp hay nhân dân Mỹ cũng đều yêu chuộng hòa bình, công lý và chính nghĩa, chỉ có bọn thực dân, đế quốc hiếu chiến là thích chiến tranh, do đó làm chính trị phải nắm vững và khai thác vấn đề này.
Như vậy, học tập phong cách “khiêm nhường, tinh tế” của chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ giúp mỗi cá nhân tiến bộ hơn trong cách cư xử, lối sống, trong việc rèn luyện, tu dưỡng. Sự khiêm tốn, thái độ cầu tiến, ham học hỏi sẽ giúp ta tiến bộ, thành công trên đường đời. Đó là cơ sở để mỗi người tự hoàn thiện nhân cách. Đồng thời giúp cho việc giao tiếp, đối xử giữa người với người trong xã hội trở nên tốt đẹp hơn, được mọi người yêu quý, nể phục.
Chính phong cách ấy luôn có sức tỏa sáng và quy tụ triệu triệu con người, là động lực to lớn để những người “đày tớ trung thành” nguyện phấn đấu hết mình vì hạnh phúc của Nhân dân; bởi từ lâu chúng ta đã nhận thức được rằng: cán bộ là “cái gốc của mọi việc” vì vậy “học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” đó cũng chính là việc học tập, thực hành phong cách ứng xử “khiêm nhường, tinh tế” của cán bộ, đảng viên; trong công việc, trong mối quan hệ với Nhân dân có cách ứng xử chuẩn mực, lập trường chính trị vững vàng, tận tụy và trách nhiệm, có phẩm chất đạo đức và lối sống trong sáng lành mạnh chẳng những có vai trò quan trọng trong việc xây dựng hình ảnh và uy tín cá nhân, mà đó còn niềm tin của Nhân dân, là uy tín của Đảng và Nhà nước. Đó cũng là hành động thiết thực nhất để kiến quyết đấu tranh, phê phán những người có tính tự kiêu, tự mãn, coi thường người khác; có lối sống tham lam, ích kỉ, hay khoe khoang, thích tranh giành hơn kém với người khác, để từ đó góp phần xây dựng xã hội ngày càng văn minh, giàu đẹp, tinh tế./.
[1] Đặng Xuân Kỳ (Chủ biên) (2004), Phương pháp và phong cách Hồ Chí Minh, NXB Lý luận chính trị, Hà Nội. tr.191.
[2] Song Thành (2010), Hồ Chí Minh - Nhà văn hóa kiệt xuất, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội. tr.169.
[3] Phan Tuyết - Bích Diệp (sưu tầm, tuyển chọn), Những chuyện kể về đức tính giản dị, khiêm tốn của Bác Hồ, NXB Lao động, Hà Nội.