Với 60 tuổi đời, suốt hành trình ấy, Trường luôn phát huy truyền thống đoàn kết thống nhất một lòng để thực hiện sứ mệnh trở thành trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho tỉnh; đồng thời, phát huy trí tuệ, sức mạnh của các thế hệ lãnh đạo, giảng viên, viên chức, người lao động trong việc thực hiện đồng bộ và đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng theo hướng coi trọng phẩm chất, năng lực của người học; đổi mới phương pháp giảng dạy, hình thức thi, viết bài thu hoạch, thi và viết khóa luận tốt nghiệp; phối hợp chặt chẽ với các địa phương, cơ quan, đơn vị trong công tác đào tạo, bồi dưỡng; linh hoạt các phương thức hoạt động để thực hiện ngày càng tốt nhiệm vụ chính trị; hướng đến xây dựng và quy hoạch đội ngũ giảng viên, viên chức có phẩm chất đạo đức nghề nghiệp và năng lực chuyên môn phù hợp với từng vị trí công việc theo yêu cầu nhiệm vụ - Kiên định mục tiêu, định hướng phát triển nhà trường theo phương châm: “Đoàn kết, kỷ cương, trách nhiệm, sáng tạo, hiệu quả, giàu tính Đảng”. Nhờ vậy, những năm qua, Trường luôn hoàn thành vượt mức chỉ tiêu về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ do Tỉnh giao hàng năm.
Cùng với việc phát huy truyền thống đoàn kết, nội lực phát triển, đồng thời khẳng định Trường là trung tâm, địa chỉ tin cậy trong lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho tỉnh trong giai đoạn mới, hướng đến xây dựng trường chính trị chuẩn trong tương lai không xa. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, thời gian qua, nhà trường cũng đã phải đối diện với không ít khó khăn, thách thức đặt ra như: công tác tuyển sinh phải đạt tỷ lệ cân đối giữa hệ đào tạo tập trung và không tập trung theo quy định; trang bị cơ sở vật chất, kĩ thuật; cơ chế thu hút nguồn nhân lực, nhất là đội ngũ giảng viên….nhằm đáp ứng với yêu cầu thực tiễn.
Bên cạnh đó, cũng cần thẳng thắn nhìn nhận, thời gian qua, Trường vẫn có một số hạn chế, như: việc nắm bắt tư tưởng, tâm tư tình cảm trong đảng viên, viên chức, người lao động có lúc thiếu sâu sát, kịp thời; việc xây dựng, bổ sung quy chế làm việc của Đảng ủy, Ban giám hiệu có mặt chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; tinh thần tự phê bình và phê bình ở một số ít viên chức chưa cao; việc xử lý viên chức vi phạm vẫn chưa thật sự triệt để... Đây là hạn chế, đồng thời là nguyên nhân tác động, ảnh hưởng đến chất lượng thực hiện nhiệm vụ chính trị của nhà trường.
Trước đây, trong quá khứ, có thời điểm Trường xảy ra tình trạng không hiểu lẫn nhau, đó là nguyên nhân có thể dẫn đến mất đoàn kết. Do vậy, trong đảng viên, viên chức, người lao động cần phải chống bệnh hẹp hòi, chủ nghĩa cá nhân, bè phái, cục bộ. Xét cho cùng, nếu thật thà thương yêu, đoàn kết, đùm bọc, chia sẻ, góp ý chân thành lẫn nhau thì mỗi người sẽ có điều kiện thuận lợi để cống hiến, làm việc, thể hiện năng lực, sở trường một cách tốt nhất, tạo được niềm vui, động lực trong sinh hoạt và công tác. Bên cạnh đó, mỗi cá nhân cần phải tự giác nghiên cứu, học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và lý luận chính trị, thực tiễn công tác; nắm vững, vận dụng chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, của tỉnh Bình Thuận để phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Để phát huy truyền thống tốt đẹp và kết quả đạt được, đồng thời khắc phục hạn chế và tiếp tục xây dựng Trường Chính trị tỉnh phát triển về mọi mặt trong thời gian tới, Đảng ủy, Ban giám hiệu, đội ngũ đảng viên, viên chức, người lao động nhà trường cần quan tâm thực hiện đồng bộ một số giải pháp cơ bản sau:
Một là, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng; phát huy vai trò hạt nhân chính trị, trung tâm đoàn kết của Đảng ủy và vai trò quản lý, hiều hành của Ban giám hiệu, cán bộ chủ chốt trong hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao.
Thứ hai, phát huy truyền thống Trường Đảng Trần Phú; khơi dậy khát vọng cống hiến trong đội ngũ đảng viên, viên chức, người lao động nhà trường nhằm hướng đến mục tiêu xây dựng trường chính trị đạt chuẩn trong thời gian tới.
Thứ ba, tăng cường vai trò lãnh đạo của chi bộ, trách nhiệm điều hành, quản lý của lãnh đạo các phòng, khoa chuyên môn; phân công hài hòa, theo năng lực, sở trường của viên chức, người lao động; đảm bảo triển khai đúng, đầy đủ và hiệu quả nhiệm vụ được giao.
Thứ tư, mở rộng và nâng cao chất lượng hoạt động trong toàn Đảng bộ, khả năng tập hợp, đoàn kết của các tổ chức đoàn thể hướng đến vì nhiệm vụ chung.
Thứ năm, phát huy vai trò tiền phong, gương mẫu của đảng viên trong Đảng bộ; ý thức cộng đồng trách, chia sẻ của đảng viên, viên chức, người lao động.
Đứng trước vận hội, thời cơ, thách thức mới của công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho tỉnh, đòi hỏi Đảng ủy, Ban giám hiệu, cán bộ chủ chốt, trưởng các đoàn thể và mỗi đảng viên, viên chức, người lao động cần phải thường xuyên nêu cao và phát huy tinh thần đoàn kết thống nhất. Bởi đoàn kết là nguồn gốc, là truyền thống tốt đẹp, là sức mạnh tổng hợp để tiếp tục xây dựng Trường Chính trị tỉnh ngày càng phát triển. Để làm được điều này, đòi hỏi có sự chung sức, đồng lòng phát huy truyền thống đoàn kết, quyết tâm xây dựng Trường và cùng nhau vượt qua những khó khăn, thách thức để nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho tỉnh Bình Thuận./.