Tin mới nhất

Kỷ niệm 76 năm ngày Nam bộ kháng chiến (23/9/1945 – 23/9/2021)

Cách đây 76 năm, ngày 23/9/1945, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, Xứ ủy, Ủy ban Nhân dân và Ủy ban kháng chiến Nam Bộ đã kịp thời phát động quân và dân Nam Bộ mở đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Nam Bộ trở thành tiền tuyến của cả nước, thể hiện khí phách anh hùng, ý chí quyết tâm bảo vệ độc lập, tự do của Tổ quốc, dũng cảm chiến đấu chống lại kẻ thù xâm lược, tạo điều kiện cho Đảng và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có thời gian chuẩn bị cho cuộc kháng chiến lâu dài.

Chỉ ba tuần sau ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Nhân dân Nam Bộ đã phải tiếp tục cầm súng đứng lên chiến đấu để giữ vững nền độc lập của Tổ quốc. Trước đó, dựa vào quân đội Anh với danh nghĩa lực lượng đồng minh vào giải giáp quân Nhật ở Nam Bộ, thực dân Pháp âm mưu quay trở lại xâm lược đất nước ta lần thứ hai. Ngày 02/9/1945, khi đoàn mít tinh ở Sài Gòn biểu thị đoàn kết xung quanh chính quyền cách mạng, mừng Tổ quốc độc lập và khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, thì bọn phản động, tay sai đã phá rối, nổ súng khiến hàng chục người chết. Lấn dần từng bước, ngày 13/9/1945, quân đội Anh chiếm đóng Nam Bộ phủ và dung túng quân Pháp tiến hành các hành động khiêu khích. Ngày 20/9, quân Anh ngang nhiên xông vào Khám Lớn thả tù binh Pháp và trang bị vũ khí cho bọn này.

Rạng sáng ngày 23/9/1945, được sự giúp đỡ của quân đội Anh, thực dân Pháp nổ súng tiến công Sài Gòn, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược nước ta lần thứ hai. Ngày 29/10/1945, trong Lời kêu gọi đồng bào Nam Bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Từ Nam chí Bắc, đồng bào ta luôn luôn sẵn sàng. Mấy triệu người như một, quyết tâm đánh tan quân cướp nước. Không quân đội nào, không khí giới nào có thể đánh ngã được tinh thần hy sinh của toàn thể một dân tộc... Trước nạn ngoại xâm, toàn thể quốc dân đã đoàn kết chặt chẽ thành một khối kiên cố, thành một lực lượng thống nhất mà không một đội xâm lăng nào đánh tan được[1]. Với khẩu hiệu “Miền Nam là máu của máu Việt Nam, là thịt của thịt Việt Nam[2], cả nước đã chi viện tối đa sức người, sức của cho miền Nam. Nhiều đoàn quân Nam tiến được thành lập, Quỹ Nam Bộ kháng chiến ra đời, Nhân dân quyên góp tiền bạc, quần áo, gạo, thuốc men chi viện cho đồng bào Nam Bộ kháng chiến.

Trước ý chí “thà chết tự do còn hơn sống nô lệ” và quyết tâm bảo vệ độc lập, tự do của Nhân dân ta, kế hoạch đánh chiếm Sài Gòn trong ba tuần của thực dân Pháp bị phá sản. Ngược lại, chúng bị đồng bào Nam Bộ vây hãm một tháng tròn trong thành phố. Đồng bào miền Nam đã cho thấy họ là những người đầu tiên và là tuyến tiên phong trong công cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc của cả nước, góp phần to lớn vào công cuộc đấu tranh giữ vững chính quyền nhân dân, tạo điều kiện cho cả nước có thêm thời gian củng cố thực lực để bước vào Toàn quốc kháng chiến. Tháng 02/1946, ghi nhận và biểu dương tinh thần chiến đấu kiên cường, bất khuất của quân và dân Nam Bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ đã tặng đồng bào Nam Bộ danh hiệu vẻ vang: “Thành đồng Tổ quốc”.

76 năm sau ngày Nam Bộ kháng chiến, miền Nam nói chung và Thành phố mang tên Bác nói riêng đang tiếp tục xây dựng, nỗ lực vượt qua những khó khăn, thử thách để nắm bắt thuận lợi, thời cơ và vận hội, tạo ra những “mới mẻ, tốt tươi”, vững bước đi lên trên chặng đường sắp tới. Trong đó, lấy sự hài lòng của Nhân dân làm thước đo kết quả sự lãnh đạo, đồng thời khai thác tốt nhất tiềm năng, lợi thế, phát triển kinh tế nhanh, bền vững, đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh...

Đặc biệt, trong cuộc chiến đầy cam go, thử thách với đại dịch COVID-19, Nhân dân Nam Bộ muôn người như một, đồng lòng với cả nước “chống dịch như chống giặc”. Với tinh thần “tất cả vì miền Nam ruột thịt”, hình ảnh những đoàn quân Nam tiến năm xưa như đang sống lại, từ Thủ đô Hà Nội, trái tim của cả nước; từ những địa phương cũng vừa trải qua dịch bệnh; từ những tỉnh miền núi phía Bắc xa xôi còn nhiều vất vả; từ “khúc ruột miền Trung” vẫn oằn mình bởi hậu quả thiên tai… Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ra lời hiệu triệu, truyền đến nhân dân cả nước tinh thần “chống dịch như chống giặc”. Với Thành phố Hồ Chí Minh, đồng chí Tổng Bí thư căn dặn: Đã cố gắng phải cố gắng hơn nữa, đã đoàn kết thì đoàn kết hơn và đã quyết tâm thì quyết tâm hơn nữa để kiểm soát dịch bệnh. Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ đã trực tiếp đến tuyến đầu chỉ đạo. Người đứng đầu cùng đội ngũ tinh nhuệ nhất ở nhiều bộ, ngành Trung ương đã vào Nam chống dịch. Người Việt Nam ở nước ngoài và bạn bè quốc tế đã chia sẻ, ủng hộ. Họ mang đến Nam Bộ không chỉ là lực lượng và “vũ khí” chống dịch mà còn là tình cảm đồng bào sâu nặng, là niềm tin và ý chí quyết thắng dịch bệnh tại tuyến đầu. Nhiều người đến với Nam Bộ là đến với chiến trường nơi mà cha anh họ đã từng chiến đấu, hy sinh, thậm chí vẫn còn đang nằm lại với đất mẹ Nam Bộ. Sẵn sàng chi viện, chiến đấu, hy sinh và kiên quyết giành chiến thắng tại miền Nam ruột thịt luôn là mệnh lệnh từ trái tim của nhân dân cả nước. Nam Bộ đón nhận, kết nối sự sẻ chia ấy để nhân lên nguồn sức mạnh, vững vàng hơn trong đại dịch.

Trong buổi đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp lần thứ hai, Nam Bộ là “Thành đồng Tổ quốc”, là biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, là hình tượng bất tử của cuộc chiến đấu bảo vệ nền độc lập, tự dọ của Tổ quốc, vì ấm no, hạnh phúc của Nhân dân. Và trong cuộc chiến chống dịch bệnh COVID -19 hiện nay, Nam Bộ sẽ là nơi kết thúc thắng lợi trận chiến quyết định với đại dịch, là nơi mở đầu và đi đầu trong khôi phục và phát triển kinh tế, góp phần vì một Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc./.


[1]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 4, trang 89.

[2]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 15, trang 627.


Các tin khác

Kết quả điểm

Tài liệu tuyên truyền

Hướng dẫn tra cứu thư viện số