Tin mới nhất

Mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam đều in đậm hình ảnh các phong trào thi đua yêu nước

Lòng yêu nước là truyền thống quý báu, thiêng liêng, cao đẹp của dân tộc Việt Nam. Trải qua lịch sử hàng nghìn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước, truyền thống quý báu đó đã được hun đúc, giữ gìn, phát huy, trở thành chủ nghĩa yêu nước; là đạo lý, niềm tự hào của dân tộc, tạo nên sức mạnh tinh thần to lớn giúp dân tộc ta vượt qua mọi khó khăn, thử thách, chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược.

Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược và công cuộc đổi mới hiện nay, với sự lãnh đạo đúng đắn, tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam, thông qua các phong trào thi đua yêu nước, truyền thống đó đã được phát huy mạnh mẽ. Những thắng lợi của cách mạng Việt Nam từ khi có Đảng đến nay đều in đậm hình ảnh các phong trào thi đua yêu nước.

Khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bước vào giai đoạn cam go, quyết liệt, ngày 11/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc, phát động phong trào thi đua yêu nước trong toàn quốc để động viên mọi lực lượng cho công cuộc kháng chiến, kiến quốc. Các phong trào thi đua “Diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm”, “Bình dân học vụ”, “Hũ gạo kháng chiến”, “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”…đã cổ vũ, động viên đồng bào và chiến sĩ cả nước hăng say lao động sản xuất, quyết tâm chiến đấu; huy động đến mức cao nhất sức người, sức của góp phần to lớn vào thắng lợi vẻ vang của chín năm kháng chiến trường kỳ.

Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ cứu nước, những phong trào thi đua yêu nước rộng khắp như: “Gió Đại Phong”, “Sóng Duyên hải”“Ba sẵn sàng”, “Năm xung phong”, “Ba đảm đang”, “Thi đua Ấp Bắc giết giặc lập công”, “Dũng sĩ diệt Mỹ”, “Tìm Mỹ mà đánh, tìm Ngụy mà diệt”, “Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt”… là những lời hiệu triệu, kêu gọi, cổ vũ, động viên tinh thần Nhân dân cả nước; lôi cuốn đủ mọi thành phần, lứa tuổi thi đua lao động, sản xuất, phục vụ chiến đấu, trực tiếp chiến đấu đánh đuổi quân thù.

Khi nước nhà thống nhất, cả nước tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, nhất là bước vào thời kỳ đổi mới, từ sau khi có Luật Thi đua, khen thưởng (năm 2003) và từ khi thực hiện Chỉ thị số 39-CT/TW ngày 21/5/2004 của Bộ Chính trị (khóa IX) về việc tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến, phong trào thi đua yêu nước ngày càng được mở rộng trên nhiều lĩnh vực. Các phong trào như: “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở”;Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi”; “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo”, “Nuôi con khỏe, dạy con ngoan”; “Thanh niên tình nguyện”, “Tuổi trẻ xung kích bảo vệ Tổ quốc”; “Cựu chiến binh gương mẫu”, “Thi đua Quyết thắng”… đã động viên, lôi cuốn đông đảo cán bộ, chiến sĩ, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp Nhân dân hăng hái thi đua, đem lại những thành tích xuất sắc trong lao động, sản xuất, nghiên cứu khoa học, phát triển kinh tế, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia, góp phần làm nên những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của công cuộc đổi mới.

Qua đây, chúng ta thấy rằng, phong trào thi đua yêu nước trong mỗi giai đoạn cách mạng có những nét đặc trưng riêng, phục vụ yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng của từng thời kỳ, song đều xuất phát từ lòng yêu nước chân chính được khơi dậy và phát huy, đều bám sát yêu cầu thực tiễn đất nước, gắn bó mật thiết với lợi ích và cuộc sống của Nhân dân; do đó ngày càng thấm sâu vào đời sống xã hội, được sự đồng tình, tham gia đông đảo của mọi tầng lớp Nhân dân, tạo nên sức mạnh tinh thần vô cùng mạnh mẽ để vượt qua những thời điểm khó khăn của cách mạng, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển của đất nước trên mọi lĩnh vực.

Hiện nay, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang ra sức thi đua thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII. Để thực hiện nhiệm vụ quan trọng này, góp phần hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc thì việc đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả phong trào thi đua yêu nước, làm cho các phong trào thực sự trở thành động lực mạnh mẽ thúc đẩy mọi tầng lớp Nhân dân phát huy tài năng, trí tuệ, sáng kiến, thực hiện thắng lợi khát vọng cao đẹp ấy có ý nghĩa vô cùng quan trọng.

Nhận thức sâu sắc vai trò, tác dụng to lớn của phong trào thi đua yêu nước, các thế hệ viên chức, người lao động Trường Chính trị tỉnh Bình Thuận đã phát huy truyền thống tốt đẹp của trường Đảng; tích cực thực hiện các phong trào thi đua, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị góp phần quan trọng vào công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của tỉnh nhà. Những năm qua, Đảng ủy đã lãnh đạo nhà trường tổ chức thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả sự lãnh đạo của Đảng về đổi mới công tác thi đua - khen thưởng; phát động phong trào thi đua với nội dung cụ thể, thiết thực, đạt được những kết quả tích cực. Các phong trào thi đua góp phần động viên, cổ vũ tập thể viên chức, người lao động vượt qua khó khăn, phát huy tinh thần đổi mới, sáng tạo, tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng giảng dạy, nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thực tế. Các phong trào thi đua đều gắn liền với việc nâng chất lượng, hiệu quả việc Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 04-NQ/TW ngày 30/10/2016 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Đối với các đoàn thể, Đảng ủy lãnh đạo Công đoàn cơ sở và Chi đoàn thanh niên chú trọng đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước của từng tổ chức như: cuộc vận động xây dựng người viên chức “Trung thành, trách nhiệm, liêm chính, sáng tạo” trong tổ chức Công đoàn, “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” của Nữ công; các phong trào: “Thanh niên tình nguyện, “Tuổi trẻ sáng tạo” và “Tuổi trẻ xung kích bảo vệ Tổ quốc” của Chi đoàn. Qua đó, thi đua đã thực sự là động lực thúc đẩy mỗi viên chức, người lao động, đoàn viên tự giác, nỗ lực trong học tập nâng cao trình độ, trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, trong hoạt động phong trào; từ đó ngày càng tiến bộ, đạt được những thành tích trong công tác, góp phần vào thành tích chung của nhà trường.

Hiện nay, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc chính là mục tiêu, động lực để tất cả chúng ta cùng nỗ lực, phấn đấu. Mỗi viên chức, người lao động Trường Chính trị tỉnh Bình Thuận đều xác định, khát vọng ấy chính là lẽ sống, là lý tưởng phấn đấu của mỗi người; từ đó tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước với nhận thức: thi đua chính là việc mỗi người nỗ lực làm tốt hơn nhiệm vụ của chính mình; là mọi người cùng tự nguyện tham gia, đồng sức, đồng lòng phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ chính trị trên từng vị trí công tác./.


Các tin khác

Kết quả điểm

Tài liệu tuyên truyền

Hướng dẫn tra cứu thư viện số