Tin mới nhất

Đẩy lùi dịch bệnh COVID-19, rất cần sự chung tay của mỗi người dân

Tình hình diễn biến của đại dịch COVID-19 trên thế giới đang rất phức tạp, khó lường, tác động sâu sắc đến sức khoẻ con người và tình  hình kinh tế, xã hội của mỗi quốc gia, trong đó có nước ta. Ở khu vực Đông Nam Á những ngày gần đây, tại các nước: Philippines, Indonesia, Malaysia, Thái Lan số ca nhiễm COVID-19 mỗi ngày ở mức 4 con số; các nước gần, sát với Việt Nam, như Cam Pu Chia, Lào có số ca nhiễm hàng ngày ở mức báo động, 3 con số. Điều rất đáng lo ngại là dòng người nhập cảnh từ nước ngoài vào nước ta, nhất là nhập cảnh trái phép từ các nước có chung đường biên giới với Việt Nam ngày càng tăng. Do đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Y tế  Nguyễn Thanh Long đã cảnh báo nguy cơ bùng phát dịch COVID -19 đợt thứ tư ở nước ta là rất cao; đồng thời đã chủ động đề ra các phương án, giải pháp để ứng phó. Những ngày gần đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã quyết liệt chỉ đạo, nhắc nhở, chấn chỉnh nghiêm khắc các địa phương còn chủ quan, lơ là, chưa làm tốt phòng chống dịch bệnh. Tình hình đó đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về công tác phòng chống dịch COVID-19.

Tại tỉnh Bình Thuận, tiếp tục thực hiện “mục tiêu kép”: vừa phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội; vừa quyết liệt phòng, chống dịch bệnh, kể từ đầu năm 2021 đến nay, UBND tỉnh bám sát sự chỉ đạo của Trung ương và Tỉnh ủy Bình Thuận, đã ban hành các văn bản chỉ đạo về công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19: văn bản số 446, ngày 02/02/2021 về việc tiếp tục triển khai các biệp pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19; gần đây, ngày 27/4/2021, Chủ tịch UBND tỉnh có văn bản yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục chủ động, tăng cường cảnh giác với nguy cơ dịch bệnh COVID-19. Thông tin mới nhất, tối ngày 02/5/2021, ông Nguyễn Đức Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận đã ký công văn hỏa tốc gửi các sở, ban ngành; UBND các huyện, thị xã La Gi và thành phố Phan Thiết, truyền đạt ý kiến của Chủ tịch UBND tỉnh về việc tiếp tuc thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19, chỉ đạo các biện pháp cấp bách, trong đó nổi lên những vấn đề đáng lưu ý nhất là yêu cầu tạm dừng một số dịch vụ không thật sự cần thiết như: quán bar, karaoke, massage, vũ trường, game,….kể từ 0 giờ ngày 03/5/2021 vì có nguy cơ cao lây lan dịch Covid-19; Tạm dừng các hoạt động tập trung đông người không cần thiết (các lễ hội, hội chợ, chợ đêm,…); thực hiện nghiêm các biện pháp dự phòng theo quy định, đặc biệt phải đeo khẩu trang khi đi ra ngoài và tại nơi công cộng; Tăng cường việc kiểm tra, giám sát việc thực hiện đeo khẩu trang, giữ khoảng cách tại nơi công cộng; thực hiện xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định.

Bình Thuận là tỉnh có thế mạnh về du lịch, nhất là thành phố Phan Thiết, vì vậy thu hút người từ các vùng, trong đó có cả số người đi từ vùng dịch về, cho nên có nguy cơ lây nhiễm cao trong cộng đồng. Là địa phương đã có dịch bệnh COVID-19 xảy ra (năm 2020) chúng ta thấy rõ sự phiền toái của các khu vực dân cư phải phong tỏa, của những người phải cách ly, càng thấu hiểu nỗi gian truân, cực nhọc của lực lượng chức năng trên tuyến đầu chống dịch. Do vậy tư tưởng “phòng bệnh hơn chữa bệnh” và “chống dịch như chống giặc” phải thường xuyên, nhất quán, xuyên suốt trong mọi lĩnh vực hoạt động của tất cả các cơ quan, tổ chức, đơn vị, đặc biệt là đối với mỗi người dân. Bài học về sự “vỡ trận” trong phòng, chống dịch bệnh hết sức nguy hiểm này ở một số nước, gần đây nhất là Ấn Độ đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về ý thức người dân không chấp hành nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19; tụ tập quá đông người ở nơi công cộng, không đeo khẩu trang... Ngược lại, bài học thành công của Việt Nam được thế giới đánh giá cao là bên cạnh sự nỗ lực đồng bộ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị là sự đồng thuận của người dân, đồng hành cùng Chính phủ, thực hiện tốt các quy định của pháp luật, chấp hành nghiêm mệnh lệnh của chính quyền trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Trước nguy cơ Virus SARS-CoV-2 đã biến chủng mới, tốc độ lây nhiễm rất nhanh, diễn biến phức tạp, do đó cùng với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị thì ý thức, trách nhiệm của mỗi cá nhân và gia đình là rất quan trọng. Nếu chỉ vì một vài cá nhân không hợp tác, thiếu trách nhiệm trong công tác phòng, chống dịch bệnh như: khai báo y tế không trung thực, trốn cách ly, hay sự cẩu thả, thiếu trách nhiệm của một vài đơn vị để dịch bệnh lây lan trở lại trong cộng đồng thì công sức, sự nỗ lực bấy lâu nay của cả hệ thống trở nên vô ích, tệ hơn là khiến cả xã hội phải trả giá. Mặc dù tỉnh Bình Thuận đã đăng ký mua hơn 720.000 liều vaccine phòng COVID-19, nhưng không vì thế mà lơ là, mất cảnh giác, bởi đã có nước thuộc vào nhóm hàng đầu về sản xuất và xuất khẩu vaccine phòng COVID-19, nhưng hiện nay cũng trở thành nước hàng đầu thế giới về số người nhiễm và tử vong vì COVID-19.

Đang phải đối mặt với nguy cơ bùng phát đợt dịch mới, đòi hỏi mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận phòng, chống dịch bệnh COVID-19; trong lúc này là thực hiện nghiêm "5K: Khẩu trang – Khử khuẩn – Khoảng cách – Không tập trung – Khai báo y tế" để giữ an toàn cho bản thân mình và cho cộng đồng là điều rất thiết thực, góp sức mình cùng với xã hội đẩy lùi dịch bệnh COVID-19./.


Các tin khác

Kết quả điểm

Tài liệu tuyên truyền

Hướng dẫn tra cứu thư viện số