Tin mới nhất

Tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức

Tư tưởng đạo đức của Hồ Chí Minh bắt nguồn từ truyền thống đạo đức của dân tộc Việt Nam, đã được hình thành trong trường kỳ lịch sử, đồng thời kế thừa tư tưởng đạo đức phương Đông, những tinh hoa đạo đức của nhân loại, đặc biệt là những tư tưởng đạo đức của Mác, Ăngghen, Lênin.

Những tư tưởng lớn của Người về đạo đức thể hiện trong những bài viết, bài nói ngắn gọn, được diễn đạt rất cô đọng, hàm súc theo phong cách phương Đông, rất gần gũi với con người Việt Nam. Quan điểm của Người về đạo đức được thể hiện ở những nội dung sau:

Thứ nhất, đạo đức là cái gốc của người cách mạng.

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã không ngừng chăm lo giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân ta. Người nói: “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nước thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”[1]. “Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng mới hoàn thành nhiệm vụ cách mạng vẻ vang”[2]. Hồ Chí Minh đã chỉ ra những chuẩn mực chung của nền đạo đức cách mạng Việt Nam là: Trung với nước, hiếu với dân; Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; Yêu thương con người sống có tình nghĩa; Tinh thần quốc tế trong sáng.

Thứ hai, đạo đức là tiêu chuẩn hàng đầu của người lãnh đạo trong điều kiện Đảng cầm quyền.

Từ xưa, ở phương Đông và ở Việt Nam, cả Nho giáo, Phật giáo, Lão giáo đều coi trọng đạo đức, đều nêu cao lý tưởng vua sáng, tôi hiền, nghĩa là nêu cao tấm gương đạo đức của người cầm quyền. Đối với nhân dân, niềm tin chính trị gắn liền với niềm tin đạo đức của người lãnh đạo, do đó sự nêu gương đạo đức ở người cán bộ, đảng viên, đặc biệt là người lãnh đạo cao giữ một vai trò cực kỳ quan trọng; một khi quần chúng mất niềm tin vào đạo đức của người cầm quyền thì niềm tin chính trị với họ cũng không còn. Trong lịch sử nước ta, những lãnh tụ dân tộc muốn tập hợp được nhân dân chống ngoại xâm hay chế độ phong kiến hà khắc đều phải là những người có uy tín đạo đức rất cao. Ngược lại, bọn vua chúa vô đạo sớm muộn cũng đều bị nhân dân lật đổ. Chính vì vậy, Hồ Chí Minh đã nói: đối với các dân tộc phương Đông “một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”[3].

Từ sau năm 1945, sau khi lãnh đạo nhân dân giành được chính quyền, Đảng ta trở thành Đảng cầm quyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt lên hàng đầu việc giáo dục đạo đức cho cán bộ, đảng viên. Người đã kiên trì đấu tranh chống lại nguy cơ xa rời cuộc sống, xa rời quần chúng nhân dân, rơi vào thoái hóa biến chất của một Đảng cầm quyền. Người nói: “Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”[4].

Người đã từng nói: “Một dân tộc, một Đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”[5].

Nhận thức được vai trò và sức mạnh của sự nêu gương, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã suốt đời nhắc nhở, giáo dục cán bộ, đảng viên, đồng thời cũng suốt đời không ngừng tự tu dưỡng, rèn luyện mình về đạo đức để trở thành tấm gương tuyệt vời về con người mới, thành hình ảnh mẫu mực về người lãnh đạo và người đầy tớ thật trung thành của nhân dân.

 Thứ ba, đạo đức là nhân tố làm nên sức hấp dẫn của chủ nghĩa xã hội.

Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, sức hấp dẫn của chủ nghĩa xã hội chưa phải ở mức sống vật chất cao mà trước hết là ở giá trị đạo đức của nó, ở phẩm chất đạo đức của những người cộng sản, bằng tấm gương sống và hành động của mình, chiến đấu cho lý tưởng đó trở thành hiện thực. Củng cố hay làm suy giảm niềm tin của quần chúng vào tương lai của chủ nghĩa xã hội không phải ở những sai lầm và thất bại tạm thời mà chủ yếu là ở sự sa sút, thoái hóa của những người được mệnh danh là “những chiến sĩ tiên phong” trước thắng lợi hoặc khó khăn của cách mạng. Người viết: “Phong trào cộng sản quốc tế trở thành lực lượng quyết định vận mệnh loài người chẳng những là do chiến lược và sách lược thiên tài của cách mạng vô sản, mà còn do những phẩm chất đạo đức cao quý làm cho chủ nghĩa cộng sản trở thành sức mạnh vô địch”[6].

Nhiều lãnh tụ của phong trào cộng sản quốc tế, phong trào giải phóng dân tộc, nhiều học giả, nhà văn, nhà bác học nổi tiếng trên thế giới đã viết về sức cổ vũ kỳ diệu của tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đối với nhân dân nước mình và chứng minh rằng: do ngưỡng mộ trước một nhân cách vĩ đại như vậy, có biết bao lớp người trẻ tuổi đã vào hàng ngũ cộng sản, tình nguyện hiến dâng đời mình cho cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do, vì chủ nghĩa xã hội và hạnh phúc của nhân dân.

Tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh là tài sản tinh thần vô giá của nhân dân Việt Nam. Tấm gương đạo đức của Người là tấm gương của một vĩ nhân nhưng lại vô cùng gần gũi, ai cũng có thể học tập và làm theo. Để tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thật sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của đời sống xã hội, xây dựng văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, cần phải nâng cao chất lượng, hiệu quả việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người.

Trường Chính trị tỉnh Bình Thuận là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Tỉnh uỷ Bình Thuận, có chức năng tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, lãnh đạo cấp cơ sở, cán bộ, công chức, viên chức ở địa phương về lý luận - hành chính; chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước; kiến thức và chuyên môn về nghiệp vụ công tác xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội. Thực hiện việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Đảng uỷ nhà trường đặc biệt quan tâm, chăm lo công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho đội ngũ đảng viên, viên chức nhà trường bằng nhiều hình thức đa dạng như thông qua sinh hoạt Đảng, sinh hoạt truyền thống, tổ chức hội thảo, toạ đàm, tổ chức về nguồn, tham quan các di tích lịch sử cách mạng… Đối với đội ngũ viên chức nhà trường, bên cạnh việc không ngừng học tập nâng cao trình độ chuyên môn, bản thân mỗi viên chức luôn ý thức rèn luyện, giữ gìn đạo đức cách mạng, lối sống trong sạch, lành mạnh, kiên định lý tưởng cách mạng của Đảng, có bản lĩnh chính trị vững vàng, tận tuỵ trong công tác, đã chủ động, sáng tạo khắc phục mọi khó khăn; đoàn kết nội bộ, chống bè phái - cục bộ; khoan dung, độ lượng, yêu thương đồng chí, đồng nghiệp và học viên; thực hiện tốt những quy tắc ứng xử của viên chức trường Chính trị tỉnh Bình Thuận; góp phần đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ tỉnh nhà có đủ phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu công tác./.


[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.5, tr. 292.

[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t. 11, tr. 601.

[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.1, tr. 284.

[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.6, tr. 16.

[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.15, tr. 672.

[6] Hồ Chí Minh (1995): Lênin và Cách mạng Tháng Mười, Nxb. Sự thật, Hà Nội, tr.160.


Các tin khác

Kết quả điểm

Tài liệu tuyên truyền

Hướng dẫn tra cứu thư viện số