Tin mới nhất

Những cống hiến vĩ đại của V.I.Lênin trong phong trào cách mạng vô sản thế giới

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, V.I.Lênin đã có những đóng góp vô cùng to lớn cho sự nghiệp giải phóng nhân dân lao động toàn thế giới, đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc, đấu tranh cho hòa bình, độc lập, tự do của các dân tộc. Di sản của Người để lại cho nhân loại tiến bộ là vô cùng to lớn cả trên phương diện thực tiễn hoạt động cách mạng và lý luận tư tưởng.

V.I.Lênin tên thật là Vladimir ILyich Ulianov, sinh ngày 22/4/1870 trong một gia đình trí thức tiến bộ ở thành phố Simbirsk, Nga (nay là Ulianovsk). V.I.Lênin đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp đấu tranh cách mạng vì sự tiến bộ của nhân loại. Ông là nhà tư tưởng vĩ đại, nhà lý luận chính trị kiệt xuất; lãnh tụ lỗi lạc của giai cấp công nhân và nhân dân lao động toàn thế giới; người bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác trong điều kiện chủ nghĩa tư bản chuyển từ giai đoạn tự do cạnh tranh sang giai đoạn đế quốc chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội hiện thực; người sáng lập Nhà nước Xô viết - nhà nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới.

Cả cuộc đời hoạt động, cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới, Lênin đã để lại một gia tài đồ sộ. Đó là di sản quý báu về tư tưởng và lý luận; đó là tấm gương đạo đức cao đẹp, mẫu mực của người cộng sản chân chính, suốt đời phấn đấu cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng con người khỏi nạn áp bức, nô dịch. Có thể nói, trong cuộc đời hoạt động cách mạng, Lênin đã cống hiến cho nhân loại nhiều thành tựu vĩ đại cả về lý luận và thực tiễn.

Về lý luận, Lênin đã đúc kết toàn bộ chủ nghĩa Mác một cách khoa học, hệ thống, cơ bản và trong khi bảo vệ chủ nghĩa Mác trước sự xuyên tạc của phái dân túy, của những người theo chủ nghĩa Makhơ, theo chủ nghĩa cơ hội, xét lại và luận điệu phản cách mạng của nhiều nhà tư tưởng tư sản khác, Lênin đã bổ sung nhiều nội dung mang tính chân lý bền vững cho cả 3 bộ phận cấu thành chủ nghĩa Mác, trong đó:

Ở triết học, đấy là những nội dung về thế giới quan duy vật biện chứng và phương pháp biện chứng duy vật, về lý luận nhận thức, về nhân tố chủ quan trong cách mạng xã hội, về vai trò của quần chúng nhân dân và cá nhân trong lịch sử, về mối quan hệ giữa tồn tại xã hội và ý thức xã hội, về nhà nước, nhà nước chuyên chính vô sản…

Ở kinh tế học chính trị, Lênin là người đầu tiên đưa ra kế hoạch đi lên chủ nghĩa xã hội ở quốc gia mà giai cấp vô sản đã giành được chính quyền nhưng tiền đề về kinh tế và văn hóa của chủ nghĩa xã hội chưa đầy đủ. Đó là Chính sách kinh tế mới (NEP) với nhiều thành phần kinh tế mà mục tiêu của nó là phát triển sản xuất để giải phóng người lao động trên cơ sở kỹ thuật tiên tiến, quyền làm chủ của nhân dân lao động dưới sự quản lý của nhà nước chuyên chính vô sản. Lênin cũng là người xác định nhiệm vụ kinh tế-xã hội cơ bản có ý nghĩa quyết định trong suốt thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội là thực hiện xã hội hóa sản xuất trong thực tế với những nhiệm vụ cơ bản là công nghiệp hóa, từng bước đưa nền sản xuất nhỏ lên nền sản xuất lớn thông qua con đường hợp tác hóa đồng thời phải tiến hành cách mạng về văn hóa, không ngừng nâng cao ý thức chính trị, trình độ học vấn, khoa học-kỹ thuật cho nhân dân, kiên quyết đấu tranh xóa bỏ tư tưởng, tập quán cũ, làm cho nhiệt tình cách mạng, tinh thần sáng tạo của nhân dân được phát huy mạnh mẽ…

Ở chủ nghĩa xã hội khoa học, Lênin đã làm giàu thêm chủ nghĩa xã hội khoa học bằng lý luận về khả năng thắng lợi của cách mạng vô sản trước tiên ở một số nước, thậm chí ở một nước; về đặc điểm của chủ nghĩa tư bản trong giai đoạn đế quốc chủ nghĩa, về thời kỳ quá độ với các hình thức quá độ, các “bước quá độ”, các mâu thuẫn cơ bản của thời kỳ quá độ; đặc điểm, thực chất của thời kỳ quá độ…

Với những cống hiến của Lênin, Chủ nghĩa Mác đã phát triển thành Chủ nghĩa Mác - Lênin - chủ nghĩa thể hiện trọn vẹn sự thống nhất giữa tính khoa học, tính cách mạng và tính nhân văn của những người đã sáng lập, bảo vệ và phát triển nó.

Về thực tiễn, dưới sự lãnh đạo của Lênin, thắng lợi của Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga 1917 đã làm cho chủ nghĩa xã hội từ lý luận trở thành hiện thực. Khác với các cuộc cách mạng trước đó, Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười ở Nga không thay thế hình thức bóc lột này bằng hình thức bóc lột khác mà cuộc cách mạng này đã thiết lập nền chuyên chính vô sản, thủ tiêu mọi hình thức bóc lột vì vậy đã tạo ra một bước ngoặt căn bản trong lịch sử, mở ra một thời đại mới cho nhân loại - thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đánh giá về tầm vóc và giá trị lịch sử của cuộc cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917: “Giống như mặt trời chói lọi, Cách mạng Tháng Mười chiếu sáng khắp năm châu, thức tỉnh hàng triệu hàng triệu người bị áp bức, bóc lột trên trái đất. Trong lịch sử loài người chưa từng có cuộc cách mạng nào có ý nghĩa to lớn và sâu xa như thế”[1].

Đối với cách mạng Việt Nam, tư tưởng của Lênin đã mở ra những chân trời mới, soi đường cho nhân dân ta trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Trong hành trình tìm đường cứu nước của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vô cùng cảm động và hạnh phúc khi đọc “Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về các vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” của Lênin, Người nói: “Chủ nghĩa Lênin đối với chúng ta, những người cách mạng và Nhân dân Việt Nam, không những là cái “cẩm nang” thần kỳ, không những là cái kim chỉ nam, mà còn là mặt trời soi sáng con đường chúng ta đi tới thắng lợi cuối cùng, đi tới chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản”[2].

Từ đó, Người đi theo Lênin, trở thành người cộng sản Việt Nam đầu tiên đem chủ nghĩa Mác - Lênin về với cách mạng Việt Nam. Nhờ đứng vững trên lập trường của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, như Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) tổng kết, Đảng ta đã lãnh đạo Nhân dân ta tiến hành cuộc đấu tranh cách mạng và giành được những thắng lợi vĩ đại. Đó là thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đập tan ách thống trị của thực dân, phong kiến, lập nên nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, đưa dân tộc ta tiến vào kỷ nguyên độc lập, tự do; thắng lợi của các cuộc kháng chiến chống xâm lược mà đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954, Đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, bảo vệ Tổ quốc, làm tròn nghĩa vụ quốc tế; thắng lợi của công cuộc đổi mới, tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Từ những năm 90 của thế kỷ XX trở lại đây, chủ nghĩa Mác-Lênin nói chung, tư tưởng lý luận của Lênin nói riêng đã và đang bị các thế lực thù địch điên cuồng chống phá bằng nhiều thủ đoạn. Nhưng chính sự chống phá điên cuồng của các thế lực thù địch càng chứng tỏ tinh thần khoa học, cách mạng và sức sống trường tồn của tư tưởng Lênin. Dù hiện nay trên thế giới, sau sự tan rã ở Liên Xô và các nước Đông Âu, một số người tỏ ra hoang mang, dao động, thậm chí từ bỏ hệ thống lý luận cách mạng của chủ nghĩa Mác-Lênin, nhưng tinh thần khoa học, tính cách mạng, sức sống của chủ nghĩa Mác-Lênin vẫn còn mãi trong trái tim, khối óc của hàng triệu người trên toàn thế giới. Điều khẳng định của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc năm 1927: “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin”[3] ngày nay vẫn còn nguyên giá trị./.


[1]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 15, trang 387.

[2]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 12, trang 563.

[3]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 2, trang 289.


Các tin khác

Kết quả điểm

Tài liệu tuyên truyền

Hướng dẫn tra cứu thư viện số