Tin mới nhất

Hành trình tìm đường cứu nước của người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành và bài học sâu sắc cho thế trẻ Việt Nam

Đã hơn một thế kỷ trôi qua, kể từ ngày người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành rời Bến cảng Nhà Rồng ra đi tìm đường cứu nước. Ấy vậy mà, đến nay, và chắc rằng mãi về sau, mỗi khi nhắc đến sự kiện lịch sử trọng đại ấy, hàng triệu trái tim người Việt Nam lại bồi hồi, xúc động, bởi đây là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt đối với vận mệnh của dân tộc ta, gắn với một con người mà “cả cuộc đời Bác chăm lo cho hạnh phúc Nhân dân, cả cuộc đời Bác hy sinh cho dân tộc Việt Nam”.

Cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, dưới ách thống trị của thực dân Pháp và tay sai, Nhân dân Việt Nam bị áp bức, bóc lột nặng nề, phải sống cuộc đời cơ cực, lầm than của thân phận người dân mất nước. Các phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược liên tục diễn ra theo nhiều khuynh hướng khác nhau nhưng tất cả đều thất bại. Việt Nam lâm vào một cuộc khủng hoảng sâu sắc về đường lối cứu nước, về giai cấp lãnh đạo cách mạng. Trong bối cảnh lịch sử ấy, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã quyết chí ra đi tìm đường cứu nước. Khi ấy, anh tròn 21 tuổi!

Ngày 05/6/1911 đã đi vào lịch sử dân tộc Việt Nam bởi đó là ngày lịch sử mở đầu cho cuộc hành trình lịch sử của người thanh niên yêu nước mà sau này trở thành bất tử trong lòng dân tộc. Hành trang anh mang theo chính là lòng yêu nước, thương dân sâu sắc và những giá trị truyền thống tốt đẹp được thừa hưởng từ gia đình, quê hương, Tổ quốc, là lòng nhiệt thành của tuổi trẻ, là ý chí quyết tâm tìm ra con đường cứu nước đúng đắn cho dân tộc, để giành độc lập cho Tổ quốc, tự do cho đồng bào.

Mặc dù rất kính trọng và khâm phục các sĩ phu yêu nước, Nguyễn Tất Thành không đi theo con đường mà những nhà yêu nước đương thời đã đi. Người quyết định sang phương Tây, không phải để để tìm sự giúp đỡ của bên ngoài, mà ra đi để tìm con đường, cách thức đánh đuổi thực dân Pháp: “Tôi muốn đi ra nước ngoài xem nước Pháp và các nước khác. Sau khi xem xét họ làm như thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào chúng ta”. Quyết định này thể hiện bản lĩnh độc lập của người thanh niên yêu nước; Để làm được điều đó phải có ý chí quyết tâm mạnh mẽ, dám nghĩ dám làm, dám dấn thân, nhất là trong bối cảnh xã hội lúc bấy giờ.

Trong hành trình tìm đường cứu nước, Nguyễn Tất Thành đã đi qua nhiều quốc gia, châu lục, làm nhiều nghề lao động để tự kiếm sống, học tập; từ làm phụ bếp đến cào tuyết, đốt lò, làm vườn, làm thợ rửa ảnh... Nhờ đó, anh đã hòa mình, gần gũi với cuộc sống của nhân dân lao động ở các nước, hiểu được nỗi thống khổ, hiểu được nguyện vọng và ý chí, năng lực của họ và đồng cảm với họ. Từ đây cũng giúp Nguyễn Tất Thành rút ra được những kết luận quan trọng, rằng: ở đâu bọn đế quốc cũng tàn bạo, độc ác, ở đâu người lao động cũng bị áp bức, bóc lột dã man và ở đâu các dân tộc bị áp bức cũng có nguyện vọng đấu tranh giải phóng mình.

Đi đến đâu, Nguyễn Tất Thành cũng dày công tự học, tự nghiên cứu, khảo nghiệm, sàng lọc để tìm con đường cứu nước đúng đắn. Anh tìm hiểu sâu sắc các cuộc cách mạng điển hình trên thế giới; đề cao những tư tưởng tự do, bình đẳng, bác ái và quyền con người của các cuộc cách mạng tư sản tiêu biểu nhưng cũng nhận thức rõ bản chất không triệt để của các cuộc cách mạng này. Anh đặc biệt quan tâm, tìm hiểu về Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và rút ra kết luận: “Trong thế giới bây giờ chỉ có cách mệnh Nga là đã thành công, và thành công đến nơi, nghĩa là dân chúng được hưởng cái hạnh phúc tự do, bình đẳng thật, không phải tự do và bình đẳng giả dối như đế quốc chủ nghĩa Pháp khoe khoang bên An Nam...”[1]

Bằng hoạt động thực tiễn và sự dày công học hỏi, nghiên cứu, khảo nghiệm, sàng lọc, Nguyễn Tất Thành đã rút ra được nhiều kết luận quan trọng. Nhờ đó, khi được đọc Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của Lênin, anh đã tìm ra con đường cứu nước đúng đắn – con đường cách mạng vô sản.

Hành trình tìm đường cứu nước của người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành có nghĩa vô cùng lớn lao đối với lịch sử dân tộc Việt Nam khi đã tìm ra con đường cách mạng vô sản, chấm dứt sự khủng hoảng và bế tắt về đường lối cứu nước. Hành trình ấy cũng để lại những bài học sâu sắc để thế hệ trẻ học tập và noi theo. Đó là bài học về lý tưởng cách mạng; về tinh thần độc lập tự chủ, bản lĩnh dãm nghĩ dám làm, dám dấn thân; về tinh thần ham học hỏi, học tập, nghiên cứu không ngừng; ý về chí và tinh thần sẵn sàng vượt mọi gian khó, tự nguyện hòa mình vào cuộc sống của nhân dân lao động…

Học tập tấm gương của người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành, trong chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, bao lớp thanh niên Việt Nam sẵn sàng xếp bút nghiên lên đường tranh đấu, đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì khi Tổ quốc cần. Biết bao tấm gương anh hùng trẻ tuổi mãi mãi được lưu truyền trong sử sách, trong tâm khảm của mọi thế hệ thanh thiếu niên như: Lý Tự Trọng, Nguyễn Văn Trỗi, Nguyễn Viết Xuân, Đặng Thùy Trâm, Mười cô gái thanh niên xung phong ngã ba Đồng Lộc… Các anh, các chị đã đem sức trẻ “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, lấy tuổi xuân tô thắm cờ Tổ quốc. Đất nước hòa bình, thống nhất, thế hệ trẻ Việt Nam lại xung kích, tình nguyện đến mọi miền đất nước; thông qua các phong trào hành động cách mạng của thanh niên, bằng nhiệt huyết và sức trẻ, chung tay góp sức cùng đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo… vượt qua khó khăn, xây dựng cuộc sống mới. Thanh niên miệt mài học tập trên giảng đường, hăng hái đến công trường, làm việc hăng say trong nhà máy, thi đua học tập, lao động, sản xuất, chinh phục những tiến bộ khoa học công nghệ, góp phần vào thành công của công cuộc đổi mới đất nước.

Hiện nay, công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế tạo môi trường hết sức thuận lợi cho sự cống hiến và trưởng thành của mỗi thanh niên; đem đến cho thế hệ trẻ nhiều cơ hội và và cũng không ít thách thức khi muốn vươn lên, đóng góp sức trẻ vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nếu như lòng yêu nước, khát vọng giành độc lập cho dân tộc, tự do cho Nhân dân là động lực mạnh mẽ thôi thúc người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành ngày ấy ra đi tìm đường cứu nước, thì ngày nay, khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc chính là động lực thôi thúc thế hệ trẻ ra sức học tập, rèn luyện, sáng tạo; phấn đấu không ngừng trong nghiên cứu khoa học, ứng dụng khoa học công nghệ, trong lao động sản xuất, chiến đấu… Mỗi thanh niên phải nhận thức sâu sắc, việc góp phần hiện thực hóa khát vọng ấy chính là lẽ sống, lý tưởng phấn đấu của bản thân mình; từ đó nêu cao tinh thần độc lập tự chủ, bản lĩnh dám nghĩ dám làm, dám dấn thân, quyết tâm vượt qua mọi gian khó để thực hiện lý tưởng./.


[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.2, tr.304.

 


Các tin khác

Kết quả điểm

Tài liệu tuyên truyền

Hướng dẫn tra cứu thư viện số