Tin mới nhất

Mãi mãi học tập tư tưởng Hồ Chí Minh

Sinh ra và lớn lên khi đất nước không còn chiến tranh, được thừa hưởng những thành quả cách mạng mà cha ông ta đã không quản ngại hy sinh và tổn thất, thế hệ trẻ ngày nay luôn hoài niệm, biết ơn các anh hùng đã quên mình đấu tranh cho đất nước được “độc lập, tự do, hạnh phúc”. Đặc biệt, không thể không nhớ đến lãnh tụ vĩ đại Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị cha già kính yêu của dân tộc, Bác là vĩ nhân đã in đậm dấu ấn vào lịch sử của dân tộc Việt Nam và của nhân loại.

Ngày 02/9/1969, Hồ Chủ tịch đã vĩnh biệt chúng ta, trái tim và khối óc của nhà tư tưởng lỗi lạc nhất đã ngừng đập. Trong Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam tại Lễ truy điệu trọng thể Chủ tịch Hồ Chí Minh vào sáng 09/9/1969 ở Quảng trường Ba Đình lịch sử nhấn mạnh: “Hồ Chủ tịch kính yêu của chúng ta không còn nữa! Tổn thất này vô cùng lớn lao! Đau thương này thật là vô hạn! Dân tộc ta và Đảng ta mất một vị lãnh tụ thiên tài và một người thầy vĩ đại. Phong trào cộng sản quốc tế, phong trào giải phóng dân tộc và cả loài người tiến bộ mất một chiến sĩ lỗi lạc, một người bạn chiến đấu kiên cường và thân thiết. Đồng bào và chiến sĩ cả nước ta thương nhớ Người khôn xiết! Anh em và bầu bạn khắp năm châu cùng chia sẻ nỗi đau buồn sâu sắc của chúng ta” [1].

 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi xa, nhưng Người vẫn mãi sống trong lòng dân tộc Việt Nam. Người không chỉ đấu tranh, mưu cầu cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho Nhân dân, mà còn để lại cho chúng ta một di sản tinh thần vô cùng quý báu - đó là tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Kỷ niệm ngày sinh lần thứ 131 của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2021), để mỗi người cảm nhận sâu sắc hơn về những cống hiến thầm lặng và vĩ đại của Bác, chúng ta cùng nhau tìm hiểu riêng về giá trị tư tưởng của Người, một di sản quý báu như ngọn đuốc soi đường đưa chúng ta đi tới tương lai tươi sáng.

Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, là kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta, sự kế thừa các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc và tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại.

Tư tưởng Hồ Chí Minh bao gồm: Tư tưởng về giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người; về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; về sức mạnh của nhân dân, của khối đại đoàn kết dân tộc; về quyền làm chủ của nhân dân, xây dựng Nhà nước thật sự của dân, do dân và vì dân; về chiến tranh nhân dân, quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân; về phát triển kinh tế và văn hóa, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; về đạo đức cách mạng, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; về chăm lo bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau, về xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; cán bộ, đảng viên vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân. Điểm nhấn mạnh đó là tư tưởng đoàn kết của Hồ Chí Minh, bài học lớn nhất mà lịch sử dựng nước và đấu tranh chống kẻ thù xâm lược của dân tộc ta để giữ vững nền độc lập đó là đoàn kết dân tộc. Khi tìm ra được con đường cách mạng, với tư duy “dân là gốc” và có quan điểm đúng đắn về quần chúng nhân dân, Hồ Chí Minh nhận thấy quần chúng nhân dân có vai trò hết sức to lớn đối với sự nghiệp cách mạng. Chính quần chúng nhân dân là nòng cốt của phong trào cách mạng, là gốc của đất nước “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”[2]. Người luôn nhắc nhở đoàn kết là nền tảng cơ bản, là nguồn sức mạnh to lớn của cách mạng. Người đã không ngừng xây dựng, hoàn thiện một hệ thống quan điểm về đại đoàn kết dân tộc, tích cực truyền bá tư tưởng đoàn kết trong toàn Đảng, các cấp chính quyền và trong các tầng lớp nhân dân. Người nhận thức sâu sắc, đoàn kết không chỉ tạo nên sức mạnh mà còn là vấn đề có ý nghĩa quyết định tới việc sống còn, thành bại, được mất trong cuộc đấu tranh chống kẻ thù. Khối đại đoàn kết toàn dân tộc bao gồm tất cả các giai cấp, tầng lớp, lực lượng, đảng phái, các dân tộc, các tôn giáo, các cá nhân yêu nước, người Việt Nam ở nước ngoài, kể cả những người đã lầm đường lạc lối biết hối cải trở về với nhân dân.

Tư tưởng Hồ Chí Minh là tài sản tinh thần vô giá, là một di sản quý báu, là ngọn đuốc soi đường cho cuộc đấu tranh vì độc lập tự do, vì chủ nghĩa xã hội của nhân dân Việt Nam. Tư tưởng của Người đã tỏa ra một nền văn hóa của tương lai và trở thành biểu tượng của chủ nghĩa nhân đạo cách mạng.

Trong con người Hồ Chí Minh có đầy đủ phẩm chất của một lãnh tụ thiên tài, Người còn là hiện thân của một lãnh tụ kiểu mới của Nhân dân: Vĩ đại mà không cao xa; thanh cao mà vô cùng giản dị, gần gũi, thân thiết và gắn bó với quần chúng; hết lòng, hết sức chăm lo cho sự nghiệp độc lập dân tộc, thống nhất đất nước; mong muốn xây dựng một nước Việt Nam mạnh giàu; nhân dân ta có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Người thường xuyên giáo dục cán bộ, đảng viên nêu cao tinh thần phục vụ, tinh thần trách nhiệm trước Nhân dân và bản thân Người là tấm gương tiêu biểu.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương mẫu mực về đạo đức cách mạng. Cuộc đời và sự nghiệp của Người là biểu tượng sáng ngời về ý chí, nghị lực và sự rèn luyện vượt qua mọi gian lao, thử thách; nêu cao bản lĩnh cách mạng, tuyệt đối trung thành và kiên định với lý tưởng của Đảng; hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, sống giản dị, gần gũi, thương yêu và quý trọng nhân dân. Người là hiện thân tinh thần nhân ái của dân tộc Việt Nam, là biểu tượng của đạo đức cộng sản cao đẹp. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, của Bác, dân tộc ta đã tự giải phóng mình và giành độc lập, thống nhất non sông, đưa đất nước tiến lên chủ nghĩa xã hội. Tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho mọi hành động của cách mạng Việt Nam.

Năm nay, kỷ niệm 131 năm ngày sinh nhật Bác cũng đúng vào dịp cả nước đã tổ chức thành công tốt đẹp Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Đại hội đã định hướng tiếp tục kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh sao cho phù hợp với thực tiễn Việt Nam trong từng giai đoạn; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc, chủ nghĩa xã hội và đường lối đổi mới của Đảng vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đại hội cũng nhấn mạnh, Đảng phải tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị thật sự trong sạch, vững mạnh; tiếp tục nâng cao bản lĩnh, năng lực lãnh đạo, thực hiện đường lối, chính sách phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu hướng phát triển của thời đại. Do vậy, chúng ta học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh càng có ý nghĩa hơn, nhất là thấm nhuần tư tưởng của Bác về công tác xây dựng Đảng, về mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân; về tinh thần đoàn kết toàn dân. Trên nền tảng tư tưởng của Bác, Đảng ta đang quyết tâm xây dựng, chỉnh đốn Ðảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) gắn với thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh để xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân.

Tiếp tục sự nghiệp đổi mới, với tư duy mới, tầm nhìn mới và khát vọng đưa đất nước phát triển đạt mục tiêu đã đề ra, “Đại hội kêu gọi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, đồng bào ta ở trong nước cũng như ở nước ngoài phát huy cao độ tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, ra sức thi đua thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội với tinh thần năm sau phải tốt hơn năm trước; nhiệm kỳ khoá XIII phải tốt hơn nhiệm kỳ khoá XII”[3].

Mỗi cán bộ, đảng viên càng nhận thấy rõ hơn trách nhiệm của mình trong việc học và làm theo Bác, phải thật sự nêu gương sáng về đạo đức, lối sống, gần dân, lắng nghe dân và có trách nhiệm với dân, xứng đáng là công bộc của nhân dân như sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn.

Tự hào về Đảng Cộng sản Việt Nam, về Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, thế hệ ngày nay và mai sau nguyện mãi mãi đi theo con đường mà Đảng, Bác Hồ và Nhân dân ta đã chọn; tiếp tục phát huy cao độ truyền thống yêu nước, cách mạng của quê hương, đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; nỗ lực phấn đấu xây dựng quê hương, đất nước ngày càng phát triển, tươi đẹp, vì một đất nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc, cùng tiến bước sánh vai với các cường quốc năm châu./.


[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 15, tr.626.

[2] Hồ Chí Minh: Sđd, tập 10, tr.453.

[3] Đảng cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập II, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2021, tr. 352.


Các tin khác

Kết quả điểm

Tài liệu tuyên truyền

Hướng dẫn tra cứu thư viện số