Tin mới nhất

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về rèn luyện đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên ở nước ta hiện nay

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho dân tộc ta một sự nghiệp cách mạng vẻ vang và là một tấm gương sáng ngời về phẩm chất đạo đức của người cách mạng, tượng trưng cho những giá trị cao đẹp nhất trong tâm hồn, ý chí, nhân cách dân tộc Việt Nam.  Đồng thời, Người đặc biệt chú trọng đến việc xây dựng và rèn luyện đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên. Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về rèn luyện đạo đức cách mạng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với việc xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên và công tác xây dựng Đảng ở nước ta trong tình hình hiện nay.

Bắt nguồn từ chức năng điều chỉnh sự suy nghĩ và hành vi của con người, đạo đức cách mạng tạo ra động cơ đúng đắn, tạo ra ý chí quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ của con người. Từ đó, Hồ Chí Minh coi đạo đức cách mạng là gốc của người cách mạng “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng thì phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”[1]. Cách mạng là sự nghiệp vĩ đại, người cách mạng phải có cái căn bản là đạo đức thì mới hoàn thành sự nghiệp ấy như lời Người khẳng định: “Làm cách mạng để cải tạo xã hội cũ thành xã hội mới là một sự nghiệp rất vẻ vang, nhưng nó cũng là nhiệm vụ rất nặng nề, một cuộc đấu tranh rất phức tạp, lâu dài, gian khổ. Sức có mạnh mới gánh được nặng và đi được xa. Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng, mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng vẻ vang”[2].

Nhận thức đúng đắn vị trí, ý nghĩa và tầm quan trọng của đạo đức đối với người cách mạng cho nên trong suốt cuộc đời hoạt động của mình, trong các thời kỳ của cách mạng nước ta, Người đã có rất nhiều bài nói, bài viết nhằm giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên như: Đường Kách mệnh (năm 1927); Đời sống mới (1947); Sửa đổi lối làm việc (1947);  Cần kiệm liêm chính (1949); Thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, chống bệnh quan liêu (1952); Đạo đức cách mạng (1955); Đạo đức cách mạng (1958); Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân (1969); Di Chúc (1969)…

Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đạo đức cách mạng được thể hiện qua ý thức, trong công việc và bằng kết quả hành động của mỗi cán bộ, đảng viên mà thực tế và hiệu quả nhất vẫn là không ngừng rèn luyện các phẩm chất đạo đức tốt đẹp: Trung với nước, hiếu với dân; Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; Yêu thương con người; Tinh thần quốc tế trong sáng. Tu dưỡng, rèn luyện thường xuyên, suốt đời với những phẩm chất cao quý của người cách mạng mới có thể “Đặt lợi ích của Đảng và của nhân dân lao động lên trên, lên trước lợi ích riêng của cá nhân mình. Hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân. Vì Đảng, vì dân mà đấu tranh quên mình, gương mẫu trong mọi việc.”[3]

Trước yêu cầu, nhiệm vụ của công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ đất nước và hội nhập quốc tế đồng thời dưới tác động của nhiều yếu tố: sự cám dỗ của lợi ích vật chất, mặt trái cơ chế thị trường, hội nhập quốc tế, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, sự kiểm tra, giám sát của tổ chức chưa chặt chẽ, việc tự rèn luyện kém … Quán triệt tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng đều kiểm điểm, đánh giá và đề ra nhiệm vụ cơ bản về xây dựng Đảng trong đó đặc biệt nhấn mạnh xây dựng đạo đức đối với cán bộ và đảng viên như Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (lần 2), khóa VIII (tháng 2/1999) về “Một số vấn đề cơ bản và cấp bách trong công tác xây dựng Đảng hiện nay”; Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”; Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”.

Việc thực hiện trách nhiệm nêu gương và chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên theo tinh thần các nghị quyết, đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, khóa XII đã có chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, hiện nay“việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa thường xuyên, một số suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống;… Một số cán bộ vi phạm đến mức phải kỷ luật, xử lý hình sự, trong đó có cả Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương.”[4]. Vì vậy, nhiệm vụ xây dựng Đảng về đạo đức được Đảng ta hết sức quan tâm, nhấn mạnh trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đó là: “Kiên quyết, kiên trì thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII  về xây dựng Đảng gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh bằng các giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, đồng bộ để ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ…. Đẩy mạnh giáo dục đạo đức cách mạng, làm cho mỗi cán bộ, đảng viên thấy rõ bổn phận, trách nhiệm của mình, luôn vững vàng trước mọi khó khăn, thử thách và không bị cám dỗ bởi vật chất, tiền tài, danh vọng; … Nâng cao ý thức tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng suốt đời, thường xuyên “tự soi”, “tự sửa” và nêu cao danh dự, lòng tự trọng của người đảng viên”[5]

Xây dựng Đảng ta về đạo đức trong giai đoạn hiện nay thực sự là vấn đề có ý nghĩa to lớn, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, làm cho Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh, xứng đáng với sự tin cậy của nhân dân, hoàn thành những trọng trách của mình trước nhân dân và dân tộc. Do đó, một trong ba giải pháp đột phá, Đảng ta đặc biệt quan tâm đó là “Kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, quan liêu…”[6]. Vì vậy, mỗi cán bộ, đảng viên phải không ngừng học tập, rèn luyện đạo đức, nêu cao tính tiên phong, gương mẫu, xây dựng Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng.

Với giá trị bền vững và sức sống mãnh liệt, tư tưởng đạo đức cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục soi đường, chỉ lối cho Đảng và dân tộc ta trên con đường đổi mới. Cán bộ, đảng viên cần quán triệt sâu sắc, vận dụng sáng tạo và phát huy những giá trị to lớn trong tư tưởng đạo đức cách mạng của Người để “giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”[7]./.


[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 5, tr.292.

[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, tập 11, tr.601.

[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, tập 11, tr.603.

[4] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, NXb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2021, tập II, tr.178 - 179.

[5] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, NXb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2021, tập II, tr.236 - 237.

[6] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, NXb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2021, tập II, tr.257.

[7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, tập 15, tr.611-612.


Các tin khác

Kết quả điểm

Tài liệu tuyên truyền

Hướng dẫn tra cứu thư viện số