Tin mới nhất

Việt Nam thực hiện chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường

Hiện nay, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu toàn cầu đã tác động mạnh mẽ, gây ra những tác động, thiệt hại to lớn đối với sự phát triển kinh tế, cuộc sống của nhân dân, ổn định và phát triển của mọi quốc gia, đe dọa sự sinh tồn của cả nhân loại. Nước ta là một trong những nước chịu tác động nghiêm trọng của những yếu tố này. Vì vậy, Đảng ta luôn quán triệt phải không ngừng động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.

Ngày 03/6/2013, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 24-NQ/TW về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Đến nay, nội dung Nghị quyết vẫn được  các cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể các cấp đã nghiêm túc triển khai thực hiện.

Qua thời gian thực hiện, nhận thức trong hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân về chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường được nâng lên. Tổ chức bộ máy, hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách từng bước được hoàn thiện. Năng lực phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu được nâng lên một bước. Tài nguyên thiên nhiên được quản lý chặt chẽ hơn, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả hơn. Công tác bảo vệ môi trường được chú trọng, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, bước đầu hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm.

Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được vẫn còn những hạn chế, yếu kém. Nhiều mục tiêu Nghị quyết đề ra đến năm 2020 dự báo không đạt được. Biến đổi khí hậu diễn biến nhanh hơn dự báo, gây hậu quả ngày càng lớn. Khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai còn thấp, nền kinh tế dễ bị tổn thương và chịu thiệt hại lớn khi có thiên tai xảy ra. Quản lý tài nguyên thiên nhiên còn nhiều yếu kém, sử dụng chưa hiệu quả, nhất là tài nguyên đất đai, tài nguyên nước, một số loại tài nguyên bị lạm dụng, khai thác quá mức dẫn đến suy thoái, cạn kiệt. Ô nhiễm môi trường vẫn tiếp tục gia tăng, nhất là tại các khu đô thị, thành phố lớn, ảnh hưởng lớn tới đời sống, sinh hoạt của người dân.

 Trước tình hình biến đổi khí hậu toàn cầu diễn ra nhanh, phức tạp; thiên tai, dịch bệnh xảy ra ngày càng nhiều, cường độ và tác động tàn phá ngày càng lớn, Đại hội XIII của Đảng đặc biệt quan tâm đề ra nhiều chủ trương, nhiệm vụ ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu: Nâng cao năng lực nghiên cứu, giám sát biến đổi khí hậu, dự báo khí tượng, thủy văn và cảnh báo thiên tai; năng lực chủ động phòng, tránh, giảm nhẹ tác động, thích ứng với biến đổi khí hậu. Huy động, ưu tiên các nguồn lực, thực hiện đồng bộ các giải pháp công trình và phi công trình để ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, tránh, hạn chế, giảm thiểu tác động do biến đổi khí hậu gây ra, như: khô hạn ở các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên; xâm nhập mặn, lún xụt, sạt lở bờ sông, bờ biển ở vùng đồng bằng sông Cửu Long; bão, lụt, lũ ống, lũ quét, sạt lở ở các khu vực đồng bằng trung du, miền núi; tình trạng ngập úng ở các đô thị lớn, nhất là Thành phố Hồ Chí Minh...

Về quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng xác định: đẩy nhanh việc hoàn thiện thể chế, hệ thống luật pháp, cơ chế chính sách, các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch về quản lý, sử dụng tài nguyên. Phát triển thị trường các yếu tố sản xuất; đổi mới, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước; bảo đảm quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài nguyên, nhất là đất đai, nước. Trong đó chú trọng: Phát triển lành mạnh thị trường quyền sử dụng đất, thực hiện định giá đất theo cơ chế thị trường. Hoàn chỉnh việc đánh giá, xây dựng cơ sở dữ liệu về đất đai; tăng cường đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, phát triển các dịch vụ công về đất đai. Quản lý chặt chẽ, sử dụng có hiệu quả đất công, đất giao cho các doanh nghiệp nông, lâm nghiệp, doanh nghiệp nhà nước, các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị, các đơn vị sự nghiệp công lập, các lực lượng vũ trang sử dụng…

 Vấn đề quản lý và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn nước được Đại hội XIII đặc biệt quan tâm, đề ra nhiều yêu cầu mới, như: Hoàn thiện thể chế, luật pháp, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch về quản lý, khai thác, sử dụng nguồn nước, bảo đảm an ninh nguồn nước. Tăng cường tích nước, ngăn chặn suy giảm tài nguyên nước. Đẩy mạnh hợp tác với các quốc gia thượng nguồn và các tổ chức quốc tế trong việc bảo vệ và sử dụng có hiệu quả tài nguyên nước ở các lưu vực sông xuyên biên giới, nhất là sông Mê Công và sông Hồng. Đổi mới cơ chế tài chính về khai thác, sử dụng tài nguyên nước; khuyến khích sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, phát triển công nghệ tái chế nước thải.

Bảo vệ môi trường ngày càng trở thành vấn đề nóng của thời đại, của toàn cầu. Ở nước ta, vấn đề này ngày càng trở thành vấn đề cấp thiết. Đại hội XIII đặc biệt quan tâm và có nhiều quan điểm, chủ trương cụ thể, mới về vấn đề này, như: Giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với bảo vệ bền vững môi trường. Xây dựng hệ thống và cơ chế giám sát môi trường; nâng cao chất lượng đánh giá tác động môi trường của mọi dự án, hoạt động kinh tế; ngăn ngừa, hạn chế tối đa những ô nhiễm môi trường mới phát sinh. Xử lý dứt điểm ô nhiễm môi trường do hậu quả chiến tranh. Tập trung khắc phục, cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường ở các đô thị, các cụm công nghiệp, làng nghề, lưu vực sông, nhất là những cơ sở ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Có biện pháp bảo vệ, nâng cao chất lượng môi trường không khí, hạn chế ô nhiễm tiếng ồn, nhất là ở các đô thị lớn; xử lý nước thải, chất thải ở nông thôn. Kiểm soát tốt tác động môi trường của các dự án khai thác tài nguyên. Thực hiện nguyên tắc đối tượng gây ô nhiễm môi trường phải chi trả chi phí xử lý, khắc phục hậu quả, cải tạo, phục hồi môi trường; đối tượng được hưởng lợi từ tài nguyên, môi trường có nghĩa vụ đóng góp để đầu tư trở lại cho bảo vệ môi trường.

Cùng với cả nước, tỉnh Bình Thuận đã tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu về đất đai và thực hiện tốt Chương trình quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ, vùng biển và hải đảo. Thực hiện tốt công tác quy hoạch, quản lý, khai thác, phát huy hiệu quả đất đai, nước, khoáng sản, rừng; chú trọng quản lý chặt chẽ đất đai ven biển, hải đảo và khu vực nhạy cảm về quốc phòng - an ninh; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Đẩy mạnh công tác thăm dò, đánh giá tiềm năng nước mặt, nước ngầm và sử dụng tiết kiệm nguồn nước. Triển khai đồng bộ, chặt chẽ các giải pháp bảo vệ môi trường theo hướng bền vững, chú trọng quan trắc hiện trạng môi trường để cảnh báo và ứng phó sự cố kịp thời. Thực hiện nhất quán chủ trương không chấp thuận đầu tư đối với các dự án sử dụng công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường, bảo đảm phát triển bền vững, hướng đến phát triển kinh tế xanh. Khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo trên những vùng đất không thể sản xuất nông, lâm nghiệp hoặc sản xuất kém hiệu quả, trên mặt nước, mặt hồ các công trình thủy lợi, thủy điện và sử dụng tiết kiệm năng lượng. Tạo điều kiện thu hút đầu tư các nhà máy xử lý rác tại các huyện hoặc liên huyện. Đa dạng hóa các hình thức phù hợp để quản lý, xử lý rác thải, chất thải. Thực hiện các biện pháp giám sát, kiểm soát chặt chẽ và xử lý có hiệu quả các nguồn gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt là vấn đề ô nhiễm môi trường của Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân. Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ chất lượng nguồn nước, bảo đảm cấp nước sinh hoạt cho nhân dân trong mùa khô. Nâng cao năng lực và hiệu quả dự báo, cảnh báo, chủ động phòng chống, giảm nhẹ thiên tai, dịch bệnh và thích ứng với biến đổi khí hậu, hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra. Phấn đấu đến cuối năm 2025, bảo đảm an ninh, an toàn nguồn nước và hồ, đập trên địa bàn tỉnh.

Việc chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của các cấp, các ngành, góp phần thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước phù hợp với từng giai đoạn. Vì vậy, từng bước xây dựng các giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng tài nguyên, tăng cường khả năng phòng, chống thiên tai và biến đổi khí hậu; ngăn ngừa, hạn chế, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường; đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường là vấn đề mà Đảng và toàn thể Nhân dân luôn quan tâm./.


Các tin khác

Kết quả điểm

Tài liệu tuyên truyền

Hướng dẫn tra cứu thư viện số