Bác ra đi tìm đường cứu nước khi ấy mới 21 tuổi, với khát vọng cháy bỏng giành độc lập tự do cho dân, cho nước, Người bôn ba khắp năm châu bốn biển, vừa lao động, học tập, vừa quan sát, nghiên cứu lý luận và kinh nghiệm các cuộc cách mạng điển hình trên thế giới. Đến với chủ nghĩa Mác – Lênin, Người đã tìm thấy ở đó những vấn đề cơ bản của đường lối giải phóng dân tộc gắn liền với giải phóng giai cấp, giải phóng con người; độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Là người có tầm nhìn xa trông rộng, Người có một nhãn quan nhạy bén, mẫn cảm chính trị sắc sảo và một tầm nhìn vượt trước thời đại. Trên cơ sở am hiểu tường tận lịch sử - văn hóa dân tộc, Hồ Chí Minh đã có những dự báo thiên tài, sớm đưa ra những tư tưởng, nhận định, định hướng, giải pháp cho toàn Đảng, toàn dân ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần bộc lộ khả năng ấy. Dự báo của Người về thắng lợi cuối cùng của nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước là một trong số những dự báo như vậy.
Thắng lợi của những cuộc chiến tranh trong lịch sử thường tuân theo quy luật mạnh được, yếu thua. Nhưng thiên tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở chỗ: hiểu ta, hiểu địch. Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước chính Người đã nhìn thấu được sức mạnh tổng hợp mà nhân dân Việt Nam có được, Người nhận định Việt Nam biết đánh và nhất định sẽ đánh thắng Mỹ.
Khi mà cả nước tưng bừng với niềm vui chiến thắng Điện Biên lịch sử năm 1954 “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” đập tan ý chí xâm lược của các thế lực đế quốc, thực dân hiếu chiến, buộc chính phủ Pháp phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình, cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam; những tưởng đất nước ta mau chóng hòa bình, thống nhất thì Bác đã nhìn thấy những âm mưu xâm lược của các thế lực đế quốc. Tại thời điểm đó, việc nhận rõ kẻ thù của cách mạng Việt Nam thật không đơn giản chút nào, Bác dự báo: “Chiến thắng Pháp rồi, phải nhớ trước mắt ta còn kẻ địch hùng mạnh hơn, hung ác hơn đó là đế quốc Mỹ”. Khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp trở về gặp Bác, sau chúc mừng chiến thắng, Người nói ngay “còn phải đánh Mỹ nữa”, hay “Đây chỉ là chiến thắng bước đầu. Chiến tranh chưa kết thúc đâu, không khéo chúng ta phải đánh nhau với Mỹ và cuộc chiến sẽ vô cùng khó khăn, lâu dài, gian khổ nữa đấy!”[1]. “Bây giờ Pháp thì đang nói chuyện với ta, đế quốc Mỹ thì đang biến thành kẻ thù chính và trực tiếp, mũi nhọn của ta phải chĩa vào đế quốc Mỹ”[2]. Quả thật, để thực hiện âm mưu biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự của Mỹ, ngày 17/7/1955, theo chỉ đạo của Mỹ, Diệm tuyên bố không hiệp thương tổng tuyển cử thống nhất đất nước và ngày 23/10/1955 đã tổ chức cái gọi là “trưng cầu dân ý” để phế truất Bảo Đại, đưa Ngô Đình Diệm lên làm Tổng thống. Đế quốc Mỹ chính thức nhảy vào để thay chân Pháp.
Bước sang năm 1964, mặc dù ra sức chống đỡ, song tình thế của Mỹ - Ngụy ở miền Nam ngày càng nguy ngập, chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” về cơ bản bị thất bại, đứng trước nguy cơ phá sản hoàn toàn. Đêm 04/8/1964 chúng dựng lên “sự kiện Vịnh Bắc Bộ” với sự ngụy tạo: khu trục hạm của chúng tiếp tục bị Hải quân Bắc Việt “vô cớ” tiến công lần thứ hai khi đang hoạt động bình thường trên vùng biển quốc tế. Dựa vào màn kịch vụng này, ngày 05/8/1964, Tổng thống Mỹ Giôn-xơn đã bất chấp dư luận và lẽ phải, bất chấp pháp lí và đạo lí đã bất ngờ huy động 64 lược máy bay ồ ạt đánh phá Bắc Việt Nam, mở đầu cho cuộc chiến tranh phá hoại quy mô lớn vào miền Bắc. Song, nhờ sự chủ động, tinh thần kiên trung, bình tĩnh, quả cảm của dân tộc ta; các đơn vị phòng không, hải quân và dân quân tự vệ, nông dân với “tay cày, tay súng”; công nhân “tay búa, tay súng” đánh trả quyết liệt và giành thắng lợi giòn giã.
Khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta bước vào giai đoạn ác liệt nhất, đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh bằng không quân đánh phá miền Bắc, Ngày 17/7/1966 trên Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam, lời kêu gọi Nhân dân cả nước quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vang lên: “Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập, tự do. Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn!”[3]
Đến tháng 12/1967, khi làm việc với Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không không quân, Bác đã dự báo: “Sớm muộn rồi đế quốc Mỹ cũng đưa B52 ra đánh Hà Nội, rồi có thua nó mới chịu thua. Phải dự kiến mọi tình huống càng sớm càng tốt để có thời gian mà suy nghĩ, chuẩn bị. Nhớ là trước khi thua ở Triều Tiên, đế quốc Mỹ đã hủy diệt Bình Nhưỡng. Ở Việt Nam Mỹ sẽ nhất định thua. Nhưng nó chỉ thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội. Vì thế, nhiệm vụ của các chú rất nặng nề”[4]. Đúng như nhận định của Bác, cuối năm 1972, Mỹ đã tiến hành một cuộc tập kích quy mô lớn đánh phá miền Bắc. Nhưng, nhờ có sự chỉ đạo chu đáo từ trước, quân và dân ta hoàn toàn không bất ngờ. Từ công tác chuẩn bị đánh B-52 công phu theo chỉ thị của Bác Hồ, chúng ta đã chủ động vào trận trong chiến dịch “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, chỉ sau 12 ngày đêm (từ 18 đến 30/12/1972) quân dân ta đã bắn rơi 81 máy bay Mỹ, trong đó có 34 chiếc B-52, có 16 chiếc B-52 bị bắn rơi tại chỗ[5], chịu thất bại thảm hại. Lúc này Mỹ mới chịu trở lại bàn đàm phán ở Pa-ri, rút hết quân về nước. Như vậy ta đã đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại của địch, tạo bước chuyển quyết định để ta bước vào cuộc Tổng tấn công và nổi dậy mùa Xuân 1975. Mỹ đã “thua trên bầu trời Hà Nội” như Bác Hồ tiên đoán.
Những dự báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã góp phần quan trọng giúp chúng ta chuẩn bị lực lượng vững vàng ở Miền Nam, tạo tiền đề cho những thắng lợi quân sự và chính trị sau này, tiến tới thống nhất hoàn toàn đất nước dù phải trải qua thêm hai thập kỷ chiến tranh gian khổ.
Với khao khát hòa bình, mang lại hạnh phúc cho Nhân dân, Người cũng đã tiên đoán chính xác đến ngạc nhiên, điều này dựa trên nền tảng trí tuệ của một thiên tài, một người con tận trung với Tổ quốc, một người luôn đau đáu với vận mệnh quốc gia, dân tộc. Nhân kỷ niệm 30 năm ngày Quốc khánh (02/9/1945 – 02/9/1960) trong diễn văn chào mừng, Bác nói: “Toàn dân đoàn kết nhất trí, bền bỉ đấu tranh thì chậm lắm là 15 năm nữa, Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất, Bắc Nam nhất định sẽ sum họp một nhà”[6]. Đúng 15 năm sau, sau cuộc tổng tiến công nổi dậy và đại thắng mùa Xuân năm 1975, với thắng lợi vĩ đại của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đất nước ta thống nhất, Nam Bắc sum họp một nhà như tiên đoán diệu kỳ của Người.
Trước khi ra đi, Người đã viết trong Di chúc: “Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ hy sinh nhiều hơn nữa nhưng nhất định sẽ hoàn toàn thắng lợi. Đế quốc Mỹ nhất định sẽ cút khỏi nước ta. Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất. Đồng bào Nam Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà. Đó là một điều chắc chắn”[7]. Bởi lẽ “Nước Việt Nam là một khối thống nhất về mặt dân tộc, lịch sử và kinh tế, và không một lực lượng nào trên thế giới có thể chia cắt được Việt Nam”[8]. Trong bài thơ chúc Tết Xuân Kỷ Dậu năm 1969 như một lời tiên đoán của Bác cũng đã trở thành sự thật, Mỹ đã cút, Ngụy đã nhào, Bắc Nam đã sum họp:
“Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào
Tiến lên! Chiến sĩ đồng bào
Bắc Nam sum họp xuân nào vui hơn”.
46 năm là quãng thời gian đủ dài để các thế hệ sinh ra, lớn lên và có đủ những chiêm nghiệm. Ngày hòa bình giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước thì Người đã đi xa, dân tộc ta mất đi một người Cha già, cách mạng Việt Nam mất đi một vị lãnh tụ kính yêu, nhưng Nhân dân ta mãi luôn khắc sâu, ghi nhớ những công lao to lớn, những dự báo chính xác của Người đối với vận mệnh của dân tộc. Cố Tổng Bí thư Lê Duẩn đã khẳng định: “Dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra HỒ CHỦ TỊCH, người anh hùng dân tộc vĩ đại, và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta”[9].
Hiện nay, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách của Hồ Chí Minh cũng có nghĩa là mỗi chúng ta hãy tự soi rọi lại mình, tự giác tu dưỡng, rèn luyện, học hỏi, tìm tòi, đổi mới, nói đi đôi với làm, hoàn thành thật tốt nhiệm vụ được giao theo cương vị công tác và chức trách của mỗi người. Mỗi cán bộ, đảng viên hãy xứng đáng là công bộc của Nhân dân, là học trò, con cháu của Bác; xứng đáng là công dân của nước Việt Nam Xã hội chủ nghĩa.
Hơn thế nữa, trước bối cảnh quốc tế hóa, toàn cầu hóa như hiện nay đòi hỏi trong công tác tổ chức, tham mưu, dự báo, yêu cầu mỗi cá nhân, tổ chức phải có cái nhìn tổng thể, phối hợp giữa các ngành, lĩnh vực, bộ phận. Lấy kết quả nghiên cứu, kết quả thực tiễn làm cơ sở, điều kiện để dự báo chiều hướng phát triển của thời đại. Đồng thời, phải có tư duy nhạy bén, nắm bắt được xu thế vận động, biến đổi của xã hội để từ đó làm căn cứ hoạch định tầm nhìn, chủ trương, đường lối đúng, sử dụng nhân lực, vật lực phù hợp với ý chí, nguyện vọng, hạnh phúc của Nhân dân, góp phần thực hiện thắng lợi tất cả các nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân đã tin tưởng giao phó./.
[1] Võ Nguyên Giáp, Những chặng đường lịch sử, Nxb Chính trị Quốc gia, HN 2001, tr.62
[2] Nghị quyết BCHTW Đảng lao động Việt Nam lần thứ 6 (Khóa II) 7/1954.
[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 15, tr. 131
[4] Hồ Chí Minh, Biên niên sự kiện và tư liệu quân sự, Nxb Quân đội nhân dân - Hà Nội, 1990, tr. 203
[5] Nguyễn Minh Tâm (chủ biên). Hà Nội - Điện biên phủ trên không. Nhà xuất bản Quân đội nhân dân. Hà Nội, 2008, tr. 218-221
[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, tập 12, tr. 667
[7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, tập 15, tr. 623
[8] Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, tập 11, tr. 36
[9] Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, tập 15, tr. 627