Tin mới nhất

Một số cảm nhận từ công tác xét xử các vụ án tham nhũng lớn

Trong nhiệm kỳ Đại hội XII qua (2016 - 2021), công tác phòng, chống tham nhũng đã được Đảng ta chỉ đạo thực hiện ráo riết, quyết liệt, đạt được nhiều kết quả toàn diện, rõ rệt, tạo sự lan toả mạnh mẽ trong toàn xã hội. Nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận quan tâm được phát hiện, xử lý nghiêm minh, thực hiện đúng quan điểm chỉ đạo của Đảng đó là: “nói đi đôi với làm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không có đặc quyền”[1].

Xét xử là khâu cuối cùng, trung tâm và quan trọng nhất của quá trình tố tụng, khẳng định kết quả của toàn bộ quá trình chứng minh tội phạm. Xác định rõ vai trò của mình, thời gian qua, hệ thống Toà án đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt, nâng cao chất lượng xét xử, đóng góp quan trọng trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Nhiệm kỳ Đại hội XII đã để lại nhiều dấu ấn sâu sắc. Trong đó, dấu ấn rõ nhất là công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và đấu tranh phòng, chống tham nhũng với tinh thần quyết liệt nhất. Hàng loạt các vụ án nghiêm trọng đã được phát hiện, điều tra, truy tố, đưa ra xét xử nghiêm minh. Nhiều vụ án, phiên toà đã đi vào lịch sử tố tụng bởi quy mô lớn, tính chất đặc biệt nghiêm trọng, liên quan đến quyền lực, lợi ích nhóm, sân sau, thậm chí một số vụ án chủ thể tội phạm là người có chức vụ cao trong Đảng, bộ máy nhà nước, tướng lĩnh lực lượng vũ trang. Nhiều phiên toà đưa ra xét xử từ vài chục đến gần 100 bị cáo[2], có phiên toà phải triệu tập tới gần 700 người tham gia tố tụng[3]. Đối với các vụ án đặc biệt nghiêm trọng cần phương thức, cách làm đặc biệt, trong đó sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan tiến hành tố tụng là một trong những yếu tố làm nên thành công của các vụ án. Phối hợp giữa các cơ quan tố tụng trên cơ sở quy định của pháp luật, đảm bảo nguyên tắc Hiến định “phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực”. Qua đó, giúp cơ quan làm tốt chức năng của mình, chủ động tiếp cận hồ sơ vụ án ngay từ giai đoạn đầu, điều này rất cần thiết đối với các vụ án tham nhũng, kinh tế ghiêm trọng, phức tạp.

Một nền pháp lý công bằng và nghiêm minh yêu cầu mọi vi phạm đều phải được phát hiện và xử lý nghiêm minh, không cho phép làm oan người vô tội và bỏ lọt tội phạm. Trên cơ sở đó, thực hiện tốt trách nhiệm của mình, căn cứ vào kết quả xét hỏi và tranh tụng công khai tại phiên toà, Hội đồng xét xử đã khởi tố, kiến nghị khởi tố nhiều trường hợp, điển hình như: tại phiên phúc thẩm vụ án lừa đảo xảy ra tại dự án Thanh Hà – Cienco5 Land, vụ án xảy ra tại Agribank chi nhánh 7, vụ án xảy ra tại Ngân hàng Đại Dương, vụ án xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hoà Bình …). Từ kiến nghị khởi tố của Toà án, Cơ quan điều tra đả điều tra bổ sung và khởi tố thêm nhiều tội danh, bị can đảm bảo việc xử lý tội phạm được triệt để khắc phục bỏ lọt tội phạm và người phạm tội.

Xét xử các vụ án tham nhũng, nghiêm trọng, phức tạp quy mô lớn vừa qua, công tác tổ chức phiên toà và điều hành phiên toà đã được đổi mới  một cách khoa học, chặt chẽ, trở thành hình mẫu để các Toà án dịa phương trong cả nước tham khảo, học tập. đối với những vụ án đông bị cáo và bị truy tố về nhiều tội danh khác nhau, Chủ toạ phiên toà đã áp dụng phương pháp thẩm vấn theo từng nhóm tội danh, nhóm chủ thể để làm rõ nội dung trong cáo trạng buộc tội. Tranh luận trong phiên toà được áp dụng theo hình thức “cuốn chiếu” với từng bị cáo, đảm bảo quá trình tranh luận, chứng minh tội phạm được tiến hành liên tục và giải quyết dứt điểm các nội dung cần làm rõ. Trường hợp, vụ án có nhiều lời khai mâu thuẫn, việc cách ly các bị cáo, nhân chứng được tiến hành khoa học, đúng luật. Đặc biệt, đối với các vụ án có tình tiết phức tạp, Thẩm phán áp dụng việc có trường hợp cho phép nhân chứng khai báo từ phòng cách ly (chưa từng có trong tiền lệ tố tụng nước ta) nhằm tìm ra sự thật khách quan, đồng thời bảo vệ sự an toàn cho nhân chứng. Có thể nói, những đổi mới trong tổ chức và điều hành phiên toà như thời gian qua, cùng với khả năng kiểm soát, nắm chắc chứng cứ và thái độ kiên trì, khách quan  của Hội đồng xét xử đã để lại ấn tượng tốt về quá trình đổi mới Toà án theo tinh thần cải cách tư pháp.

Tranh tụng trong xét xử được bảo đảm trong suốt quá trình xét xử, là yêu cầu của tư pháp tiến bộ trên thế giới và là nguyên tắc Hiến định được ghi nhận trong Hiến pháp năm 2013 của nước ta. Với tinh thần đổi mới được quán triệt, các Toà án không hạn chế thời gian dành cho tranh tụng, bảo đảm bị cáo và những người tham gia tố tụng tối đa quyền tranh tụng, quyền đưa ra chứng cứ và quyền trình bày ý kiến của mình. Những vấn đề được nêu ra trong tranh tụng phải được giải quyết đến cùng, không bị bỏ lửng và phải được thể hiện trong bản án. Hội đồng xét xử yêu cầu Kiểm sát viên đối đáp đến cùng với từng ý kiến. Việc đối chất giữa các bị cáo, giữa những người tham gia tố tụng được thực hiện ngay khi xét thấy lời khai có mâu thuẫn, cần được làm sáng tỏ. Từ kết quả tranh tụng, nhiều phiên toà, Toà án đã kiên quyết trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung vì trước đó các cơ quan tố tụng đã khởi tố, truy tố không đúng, bỏ lọt tội phạm và người phạm tội, điển hình: phiên toà sơ thẩm lần 1 vụ án xảy ra tại Ngân hàng Đại Dương, vụ án Trương Hồ Phương Nga … đảm bảo tính chính xác giai đoạn tiếp theo của vụ án, khắc phục các khiếm khuyết của giai đoạn tố tụng trước.

Trong quá trình xét xử vừa qua, Toà án đã thực hiện tốt yêu cầu đặt ra đối với công tác xét xử là phải nghiêm minh, đồng thời đảm bảo tính nhân đạo, nhân văn. Đối với những người chủ mưu, cầm đầu, lợi dụng chức vụ được giao để cố ý làm trái, chiếm đoạt tài sản của Nhà nước, quanh co, chối tội bị áp dụng hình phạt nghiêm khắc (như: vụ Giang Kim Đạt, vụ Hứa Thị Phấn, vụ Ngân hàng Đông Á, vụ Phạm Bích Lương, vụ Đinh La Thăng, vụ Trịnh Xuân Thanh, …). Đối với những người thực hiện nhiệm vụ theo yêu cầu của cấp trên và không được hưởng lợi trong vụ án, có thái độ ăn năn hối cải, thành khẩn khai báo, tự nguyện khắc phục hậu quả đều được xem xét giảm nhẹ hình phạt (34 bị cáo trong vụ án xảy ra tại Ngân hàng Đại Dương, 06 bị cáo trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí, 22 bị cáo trong vụ đánh bạc trực tuyến nghìn tỷ tại Phú Thọ, …) được Toà án cho hưởng án treo và cải tạo không giam giữ. Hầu hết những bị cáo này đều là người trẻ tuổi, được đào tạo bài bản, có chuyên môn sâu trên một số lĩnh vực, phạm tội lần đầu và có nhân thân tốt. Nhiều bị cáo tại phiên toà đã gửi lời cảm ơn Nhà nước, cảm ơn các cơ quan tư pháp và Hội đồng xét xử dân chủ, khách quan, giúp họ nhận thức rõ sai lầm sớm cải tạo trở thành người có ích cho xã hội. Bản án công tâm, nghiêm khắc với người chủ mưu, cầm đầu, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội sẽ cảnh tỉnh cho những đối tượng manh nha ý đồ lạm dụng quyền lực, cố ý làm trái, tham ô, tham nhũng. Đồng thời, nhân văn đối với bị cáo thực sự ăn an, hối lỗi cho họ cơ hội hướng thiện, sửa chữa sai lầm. Đây chính là tinh thần của nền công lý tiến bộ, tính nhân văn, nhân đạo trong đường lối xử lý của Nhà nước ta.

Bên cạnh việc xét xử nghiêm minh các vụ việc, vụ án tham nhũng theo quan điểm chỉ đạo của Đảng “nói đi đôi với làm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không có đặc quyền”. Việc thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng được chú trọng. Đáng chú ý, tỉ lệ thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng liên tục tăng từng năm như năm 2016 là 26%, đến năm 2020 là 38,43%. Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao Lê Minh Trí cho biết trong giai đoạn 2016 - 2020, gần 80.000 tỷ đồng tài sản tham nhũng được thu hồi. điển hình như: Vụ án “MobiFone mua 95% cổ phần của AVG, đã thu hồi được toàn bộ số tiền thiệt hại của Nhà nước (hơn 6.590.356 tỷ đồng) và số tiền các bị cáo chiếm hưởng là hơn 6 triệu USD; vụ án hai nguyên Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng là Trần Văn Minh, Văn Hữu Chiến và bị cáo Phan Văn Anh Vũ (nguyên Chủ tịch Công ty Bắc Nam 79) cùng đồng phạm trong vụ án thâu tóm nhà, đất công sản tại Đà Nẵng đã thu hồi, xung quỹ Nhà nước 13 nhà, đất và kê biên đối với 39 bất động sản để đảm bảo thi hành án tương đương với tài sản thất thoát của Nhà nước…

Với những nỗ lực bền bỉ, thực hiện các giải pháp quyết liệt của hệ thống Toà án đã làm nên những kết quả quan trọng đóng góp vào công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng và tội phạm, góp phần nâng cao uy tín, sức chiến đấu của Đảng, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và Nhân dân, tạo động lực, khí thế mới để toàn Đảng, toàn dân thực hiện tháng lợi Nghị quyết Đại hội XIII./.


[1] Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng phát biểu trong Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống tham nhũng ngày 25/6/2018.

[2]  Vụ án Hà Văn Thắm và đồng phạm phạm tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”, “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” và “Tham ô tài sản” xảy ra tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại Dương – Ocean Bank với 51 bị cáo bị đưa ra xét xử.

Vụ án Phan Văn Vĩnh (nguyên Trung tướng, Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát), Nguyễn Thanh Hóa (nguyên Thiếu tướng, Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao), Nguyễn Văn Dương và đồng phạm phạm tội “Sử dụng mạng Internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”, “Tổ chức đánh bạc”,“Đánh bạc”, “Mua bán trái phép hóa đơn”, “Rửa tiền”, “Đưa hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại tỉnh Phú Thọ và một số địa phương với 92 bị cáo phạm tội, trong đó có 02 cựu tướng Công an.

[3] Phiên tòa xét xử sơ thẩm Hà Văn Thắm và đồng phạm với số người được triệu tập tham gia tố tụng 727 người.


Các tin khác

Kết quả điểm

Tài liệu tuyên truyền

Hướng dẫn tra cứu thư viện số