Tin mới nhất

Những nội dung cơ bản của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư

Ngày 18/6/2020, tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV đã chính thức thông qua Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) với 92,75% đại biểu tán thành. Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư gồm 11 chương và 101 điều, là luật thống nhất điều chỉnh hoạt động đầu tư, thu hút khu vực tư nhân tham gia đầu tư một số lĩnh vực hạ tầng quan trọng, thiết yếu theo phương thức đối tác công - tư. Bài viết xin giới thiệu một số nội dung cơ bản của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư.

1. Đầu tư theo phương thức đối tác công tư là gì?

Theo quy định của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Public Private Partnership - sau đây gọi là đầu tư theo phương thức PPP) là phương thức đầu tư được thực hiện trên cơ sở hợp tác có thời hạn giữa Nhà nước và nhà đầu tư tư nhân thông qua việc ký kết và thực hiện hợp đồng dự án PPP nhằm thu hút nhà đầu tư tư nhân tham gia dự án PPP.[1]

2. Lĩnh vực được đầu tư theo phương thức PPP

Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư xác định 5 lĩnh vực đầu tư theo phương thức PPP bao gồm: (1) Giao thông; (2) Lưới điện, nhà máy điện; (3) Thủy lợi, cung cấp nước sạch, thoát nước, xử lý nước thải, chất thải; (4) Y tế, giáo dục - đào tạo; (5) Hạ tầng công nghệ thông tin.[2]

Trong đó, quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu của dự án PPP đối với từng lĩnh vực như sau:

- Không thấp hơn 200 tỷ đồng đối với các dự án thuộc lĩnh vực: Giao thông vận tải; lưới điện; thủy lợi, cung cấp nước sạch, thoát nước và xử lý nước thải, xử lý chất thải và hạ tầng công nghệ thông tin. Trường hợp thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn theo pháp luật về đầu tư thì không thấp hơn 100 tỷ đồng.

- Không thấp hơn 100 tỷ đồng đối với các dự án thuộc lĩnh vực: Y tế, giáo dục - đào tạo.

3. Công khai, minh bạch trong đầu tư theo phương thức PPP

Để đảm bảo tính công khai, minh bạch trong đầu tư theo phương thức PPP, Luật quy định các thông tin phải được công bố trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia. Cụ thể:

- Thông tin về quyết định chủ trương đầu tư; quyết định phê duyệt dự án PPP;

- Thông tin về lựa chọn nhà đầu tư, gồm: Thông báo mời sơ tuyển, thông báo mời thầu, danh sách ngắn, kết quả lựa chọn nhà đầu tư;

- Thông tin về nhà đầu tư được lựa chọn, doanh nghiệp dự án PPP;

- Nội dung chính của hợp đồng dự án PPP, gồm: Tổng vốn đầu tư; cơ cấu nguồn vốn trong dự án; loại hợp đồng; thời hạn thực hiện dự án (nếu có); giá, phí sản phẩm, dịch vụ; hình thức và địa điểm thu giá, phí (nếu có) và các thông tin cần thiết khác;

- Giá trị quyết toán vốn đầu tư công trong dự án PPP trong trường hợp có sử dụng;

- Văn bản quy phạm pháp luật về đầu tư theo phương thức PPP;

- Cơ sở dữ liệu về nhà đầu tư;

- Thông tin giải quyết kiến nghị, xử lý vi phạm pháp luật về đầu tư theo phương thức PPP.

Ngoài ra, các thông tin này còn được khuyến khích đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng khác.[3] 

4. Hành vi bị cấm trong đầu tư theo phương thức PPP

Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư quy định 12 hành vi bị nghiêm cấm trong đầu tư theo phương thức PPP. Cụ thể:

- Quyết định chủ trương đầu tư dự án PPP không phù hợp với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch; không xác định được nguồn vốn Nhà nước trong dự án PPP trường hợp dự án có yêu cầu sử dụng; không đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục;

- Phê duyệt dự án PPP khi chưa có chủ trương đầu tư; không phù hợp với chủ trương đầu tư; không đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục;

- Cơ quan có thẩm quyền, cơ quan ký kết hợp đồng thông đồng với tổ chức tư vấn, nhà đầu tư dẫn tới quyết định chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án PPP gây thất thoát vốn, tài sản của Nhà nước, tài nguyên của quốc gia; làm tổn hại, xâm phạm lợi ích của công dân và của cộng đồng;

- Không bảo đảm công bằng, minh bạch trong lựa chọn nhà đầu tư;

- Tiết lộ, tiếp nhận tài liệu, thông tin về quá trình lựa chọn nhà đầu tư;

- Thông thầu;

- Chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp, quyền và nghĩa vụ không đúng quy định của Luật này và hợp đồng dự án PPP;

- Dừng cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ngoài trường hợp quy định tại hợp đồng dự án PPP;

- Đưa, nhận, môi giới hối lộ;

- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt, vụ lợi, tham nhũng trong quản lý và sử dụng vốn nhà nước trong dự án PPP; can thiệp bất hợp pháp vào quy trình thực hiện dự án PPP;

- Gian lận, làm giả, làm sai lệch thông tin, hồ sơ, tài liệu; cố ý cung cấp thông tin không trung thực, không khách quan;

- Cản trở việc phát hiện, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về đầu tư theo phương thức PPP.[4]

5. Quy trình lựa chọn nhà đầu tưhình thức lựa chọn nhà đầu tư

- Quy trình lựa chọn nhà đầu tư

Theo quy định của Luật, việc lựa chọn nhà đầu tư được thực hiện theo quy trình sau đây:

- Lựa chọn danh sách ngắn (nếu áp dụng);

- Chuẩn bị lựa chọn nhà đầu tư;

- Tổ chức lựa chọn nhà đầu tư;

- Đánh giá hồ sơ dự thầu;

- Trình, thẩm định, phê duyệt và công khai kết quả lựa chọn nhà đầu tư;

- Đàm phán, hoàn thiện, ký kết hợp đồng dự án PPP, công khai thông tin hợp đồng. [5]

- Hình thức lựa chọn nhà đầu tư

Theo quy định tại các điều 37,38,39,40 Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, các hình thức lựa chọn nhà đầu tư được áp dụng trong đầu tư theo phương thức PPP như sau:

- Đấu thầu rộng rãi

+ Là hình thức lựa chọn nhà đầu tư trong đó không hạn chế số lượng nhà đầu tư tham dự.

+ Áp dụng cho tất cả dự án PPP, trừ các trường hợp đàm phán cạnh tranh, chỉ định nhà đầu tư và lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt.

- Đàm phán cạnh tranh

Đàm phán cạnh tranh được áp dụng trong các trường hợp sau đây:

+ Có không quá 03 nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu thực hiện dự án được mời tham dự;

+ Dự án ứng dụng công nghệ cao thuộc danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển theo quy định của pháp luật về công nghệ cao;

+  Dự án ứng dụng công nghệ mới theo quy định của pháp luật về chuyển giao công nghệ.

- Chỉ định nhà đầu tư

Áp dụng theo một trong các trường hợp:

+ Dự án cần bảo đảm về quốc phòng, an ninh quốc gia, bí mật Nhà nước;

+ Dự án cần lựa chọn ngay nhà đầu tư thay thế để bảo đảm tính liên tục trong quá trình xây dựng công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng, cung cấp sản phẩm, dịch vụ công.

- Lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt

Trường hợp dự án xuất hiện các điều kiện đặc thù, riêng biệt mà không thể áp dụng các hình thức lựa chọn nhà đầu tư nêu trên thì cơ quan có thẩm quyền trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định phương án lựa chọn nhà đầu tư.

6. Thành lập và hoạt động của doanh nghiệp dự án PPP

Sau khi có quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn, nhà đầu tư thành lập doanh nghiệp dự án PPP theo mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần không phải là công ty đại chúng, có mục đích duy nhất để ký kết và thực hiện hợp đồng dự án PPP. Hồ sơ đăng ký doanh nghiệp bao gồm các nội dung theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp và quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư.

Doanh nghiệp được phát hành, mua lại trái phiếu riêng lẻ do mình đã phát hành, chứng khoán để huy động vốn thực hiện dự án PPP; không được phát hành trái phiếu riêng lẻ chuyển đổi và trái phiếu riêng lẻ kèm chứng quyền.[6]

7. Uu đãi, chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu

- Ưu đãi đầu tư

Điều 79 quy định: “Nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP được hưởng các ưu đãi về thuế, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và các ưu đãi khác theo quy định của pháp luật về thuế, đất đai, đầu tư và quy định khác của pháp luật có liên quan”. 

- Cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu

Luật đàu tư theo phương thức đối tác công tư quy định về phương án thực hiện cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu như sau:

- Khi doanh thu thực tế đạt cao hơn 125% mức doanh thu trong phương án tài chính tại hợp đồng dự án PPP, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP chia sẻ với Nhà nước 50% phần chênh lệch giữa doanh thu thực tế và mức 125% doanh thu trong phương án tài chính.

-  Khi doanh thu thực tế đạt thấp hơn 75% mức doanh thu trong phương án tài chính tại hợp đồng dự án PPP, Nhà nước chia sẻ với nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP 50% phần chênh lệch giữa mức 75% doanh thu trong phương án tài chính và doanh thu thực tế. [7]

Sự ra đời của của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư đánh dấu một bước phát triển trong công tác xây dựng pháp luật trên lĩnh vực kinh tế. Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư là cơ sở, hành pháp pháp lý điều chỉnh hoạt động đầu tư, thu hút khu vực tư nhân tham gia đầu tư một số lĩnh vực hạ tầng quan trọng, thiết yếu xây dựng đất nước trong thời kỳ CNH-HĐH./.


1. Điều 3 Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư

2. Điều 4 Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư

3. Điều 9  Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư

4. Điều 10 Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư

5. Điều 28 Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư

6. Điều 44 Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư

7. Điều 82 Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư

 


Các tin khác

Kết quả điểm

Tài liệu tuyên truyền

Hướng dẫn tra cứu thư viện số