Tin mới nhất

Hồ Chí Minh - người con vĩ đại của dân tộc Việt Nam

Bối cảnh lịch sử xã hội Việt Nam cuối thế kỷ XIX có nhiều thay đổi cơ bản. Từ một nền phong kiến độc lập bị thực dân Pháp xâm lược, Việt Nam trở thành nước thuộc địa, nửa phong kiến. Phong trào yêu nước chống Pháp đang diễn ra mạnh mẽ ở nhiều nơi thì triều đình nhà Nguyễn đầu hàng, chấp nhận sự bảo hộ hoàn toàn của Pháp. Giai cấp phong kiến đã mất đi vai trò lịch sử, giai cấp công nhân Việt Nam tuy hình thành nhưng chưa trở thành một lực lượng chính trị độc lập. Phong trào yêu nước do các sĩ phu tiến bộ lãnh đạo tiếp thu những luồng tư tưởng mới từ bên ngoài theo hai xu hướng: bạo động và cải cách nhưng đều thất bại trước sự đàn áp của thực dân Pháp. Vấn đề đặt ra làm thế nào tìm một con đường cách mạng đúng đắn để lãnh đạo nhân dân ta đánh đuổi thực dân, lật đổ phong kiến.

Ở tuổi thiếu niên, Nguyễn Tất Thành được tiếp xúc với các sĩ phu yêu nước trong vùng và đã tham gia công tác bí mật, nhận công việc liên lạc. Người khâm phục các cụ Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, Phan Chu Trinh và Phan Bội Châu, nhưng không hoàn toàn tán thành cách làm của một người nào. Vì theo Người, cụ Phan Chu Trinh chỉ yêu cầu người Pháp thực hiện cải lương “chẳng khác gì xin giặc rủ lòng thương”. Cụ Phan Bội Châu hy vọng Nhật giúp đỡ để đuổi Pháp. Điều đó rất nguy hiểm, chẳng khác gì “đưa hổ cửa trước, rước beo cửa sau”. Cụ Hoàng Hoa Thám còn thực tế hơn, vì trực tiếp đấu tranh chống Pháp nhưng cụ còn nặng cốt cách phong kiến.

Sinh ra và lớn lên trong cảnh đất nước ta bị đô hộ bởi giặc ngoại xâm, nhân dân cực khổ, lầm than chịu thân phận của kiếp người nô lệ, Hồ Chí Minh đã quyết chí ra đi tìm đường cứu nước, cứu dân. Vượt qua muôn trùng khó khăn, thử thách, Hồ Chí Minh đã hiến dâng trọn đời mình cho dân tộc, như Người đã tự sự: “Cả đời tôi chỉ có một mục đích, là phấn đấu cho quyền lợi Tổ quốc và hạnh phúc của quốc dân. Những khi tôi phải ẩn nấp nơi núi non, hoặc ra vào chốn tù tội, xông pha sự hiểm nghèo là vì mục đích đó”[1]. Cả cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Người chỉ có một tâm nguyện và ham muốn: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn đến tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”[2]; cho đến khi phải từ biệt thế giới này, Người chỉ tiếc: “Suốt đời tôi hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có gì phải hối hận, chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”[3]. Chính ham muốn và mục đích vô cùng cao đẹp ấy, đã tạo cho Người một ý chí và nghị lực vô cùng mãnh liệt để: “Giàu sang không thể quyến rũ, nghèo khó không thể chuyển lay, uy vũ không thể khuất phục”[4]; đó là điểm tựa giúp Người vượt qua mọi khổ ải, khó khăn, dẫn dắt Nhân dân ta đến bến bờ hạnh phúc.

Ngày 05/6/1911, với cái tên Văn Ba, Người lên tàu  Latouche Tréville, rời bến cảng Nhà Rồng (thành phố Hồ Chí Minh ngày nay) để tới nước Pháp, khởi đầu hành trình vĩ đại tìm đường cứu nước, cứu dân. Hai mươi một tuổi, người thanh niên ấy đến nước Pháp hoa lệ để tìm hiểu ý nghĩa đích thực của ba từ: “Tự do – Bình đẳng – Bác ái”. Bôn ba khắp năm châu, bốn biển, trải qua nhiều gian khổ, hiểm nguy, Nguyễn Ái Quốc đã đến với chủ nghĩa Mác - Lênin. Ánh sáng tư tưởng ấy đã giúp Người hiểu rõ nguồn gốc những khổ đau của nhân dân lao động là ở sự áp bức, bóc lột của chủ nghĩa tư bản, đế quốc; thấu suốt những vấn đề cơ bản của đường lối giải phóng dân tộc gắn liền với giải phóng giai cấp, giải phóng con người, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Năm 1930, Người sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam, cùng với Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng, đường lối cách mạng Việt Nam đã cơ bản được hình thành, con đường cứu nước của Việt Nam đã cơ bản được xác định. Sự đúng đắn ngay từ đầu của tư tưởng, đường lối cách mạng Việt Nam do Hồ Chí Minh vạch ra đã được thực tiễn chứng minh và khẳng định; và chính trong quá trình vận động của cách mạng, tư tưởng, đường lối đó ngày càng được bổ sung, phát triển và hoàn thiện dần, trở thành ngọn đuốc soi đường cho cách mạng Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam, cách mạng nước ta đã vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Đó là thắng lợi của cách mạng tháng Tám và việc thành lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà, Nhà nước do dân làm chủ đầu tiên trong lịch sử dân tộc. Đó là thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp mà đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, giải phóng hoàn toàn miền Bắc, xây dựng hậu phương lớn cho công cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà. Đó là thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước kết thúc bằng chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, đưa cả nước vào kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Đó là thắng lợi bước đầu với những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế mà hiện nay Nhân dân ta đang tiến hành.

Trong đọa đày, đau khổ của dân tộc, Người đã ra đi để làm thay đổi hình hài, số phận của một dân tộc; từ vong quốc nô tới độc lập, từ nô lệ tới tự do. Khát vọng độc lập vững bền cho Tổ quốc, tự do và hạnh phúc thực sự cho dân tộc và Nhân dân luôn mãi tỏa sáng để mọi thế hệ người dân Việt Nam hôm nay và mai sau tiếp bước để xứng đáng nhất với tâm nguyện và hoài bão của Người. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho chúng ta di sản tinh thần to lớn, những tư tưởng vô giá, những giá trị nhân văn cao cả, đó là: Tư tưởng Hồ Chí Minh; Thời đại Hồ Chí Minh; Tấm gương về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Tên tuổi và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ còn mãi với non sông đất nước, sống mãi trong lòng mỗi chúng ta “Dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra Hồ Chủ tịch, người anh hùng dân tộc vĩ đại, và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta và non sông đất nước ta”[5].

Có thể khẳng định, cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh là biểu tượng cao đẹp về chí khí cách mạng kiên cường, tinh thần độc lập tự chủ, lòng yêu nước, yêu nhân dân tha thiết, đạo đức cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, tác phong khiêm tốn, giản dị. Bác để lại cho chúng ta một tấm lòng nhân hậu, một tình cảm chan chứa yêu thương, vì nước, vì dân, vì Ðảng; một trí tuệ anh minh, mẫn tiệp; một tầm nhìn xa rộng, sâu sắc; một mẫu mực tuyệt vời về cách sống, cách nghĩ, cách viết, cách nói và cách làm việc. Trong những ngày tháng Năm này, đồng bào, đồng chí, chiến sỹ cả nước và bà con ta ở nước ngoài đang hướng về Bác với tất cả lòng thành kính và xiết bao thương nhớ, càng thấm thía và biết ơn công lao trời biển của Người./.


[1]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 4, tr.272.

[2]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 4, tr.187.

[3]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 15, tr.623.

[4]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 7, tr.50.

[5]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 15, tr. 627.


Các tin khác

Kết quả điểm

Tài liệu tuyên truyền

Hướng dẫn tra cứu thư viện số