Tin mới nhất

Những điểm mới trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng về hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế giai đoạn 5 năm (2021-2025)

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng là sự kiện chính trị trọng đại của Đảng ta, đất nước và dân tộc, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong quá trình tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển đất nước.

Đại hội XIII của Đảng là sự kết tinh trí tuệ và bản lĩnh của một chính đảng có lịch sử 91 năm và đầy bản lĩnh với hơn 5 triệu đảng viên của một đất nước gần 100 triệu dân. Vì vậy, những quyết sách chiến lược của đại hội có tầm ảnh hưởng to lớn đối với phương hướng phát triển của đất nước Việt Nam trong những năm tiếp theo. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng có rất nhiều những điểm mới cơ bản so với văn kiện Đại hội XII của Đảng trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt trong hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế giai đoạn 5 năm (2021-2025).

Tại Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII, quan hệ đối ngoại và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, đạt được nhiều thành tựu nổi bật trên một số điểm mới sau:

Thứ nhất, quan hệ đối ngoại và hội nhập quốc tế tiếp tục được mở rộng và đi vào chiều sâu,  tạo khuôn khổ ổn định và bền vững với các đối tác.

Thứ hai, chủ động tham gia xây dựng các nguyên tắc và các chuẩn mực trong các thể chế đa phương của khu vực và toàn cầu.

Thứ ba, chủ động, tích cực, tạo không gian quan hệ rộng mở, tranh thủ được sự hợp tác, giúp đỡ của cộng đồng quốc tế.

Thứ tư, uy tín, vai trò của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới ngày càng được nâng cao[1].

Và để tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế, Đại hội XIII của Đảng trong giai đoạn 5 năm (2021-2025) xác định triển khai đồng bộ, sáng tạo, hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng với các điểm mới sau:

Lợi ích quốc gia - dân tộc được xác định là mục tiêu trọng yếu trong hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế

Trong Báo cáo chính trị Đại hội XII nhấn mạnh: “Bảo đảm lợi ích tối cao của quốc gia - dân tộc, trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng và cùng có lợi…”[2]. Trong Báo cáo chính trị Đại hội XIII xác định cụ thể hơn: “Bảo đảm lợi ích tối cao của quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hiệp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi”[3]. Nội dung trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng trình bày như trên rất nhạy bén và xác đáng, phù hợp với tình hình thực tế của thế giới. Trong bối cảnh thế giới như hiện nay, sự phụ thuộc của các quốc gia ngày càng tăng lên, tất cả các quốc gia, dân tộc đều chịu ràng buộc bởi luật chơi chung. Vì vậy, các quốc gia, các dân tộc phải bảo đảm lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hiệp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi.

Xác định cụ thể và sâu sắc vị trí, vai trò của hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế

Đây là lần đầu tiên trong văn kiện Đại hội Đảng xác định cụ thể và sâu sắc vị trí, vai trò của hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc. Báo cáo chính trị Đại hội XIII nhấn mạnh: “Tiếp tục phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao vị thế và uy tín của đất nước”[4]. Điều này làm sáng tỏ hơn nhiệm vụ trọng yếu của công tác đối ngoại là tiên phong trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tạo điều kiện thuận lợi cho việc kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh của thời đại, đối ngoại để phát triển đất nước Việt Nam trên tất cả các lĩnh vực: chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh,  nâng cao vị thế và uy tín của đất nước trong khu vực và trên thế giới.

Xác định xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại

Trong Báo cáo chính trị Đại hội XII đã xác định: “...đổi mới nội dung, phương pháp, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền đối ngoại; chăm lo đào tạo, rèn luyện đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại; bồi dưỡng kiến thức đối ngoại cho cán bộ chủ chốt các cấp”[5]. Và đến Đại hội XIII của Đảng, Báo cáo chính trị khẳng định: “Xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại với ba trụ cột là đổi mới đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân”[6]. Như vậy, Đại hội XIII của Đảng đề cập việc xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại trên ba trụ cột là đổi mới đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân. Và để đạt được chủ trương mới trong xây dựng nền ngoại giao hiện đại, Đại hội XIII của Đảng cũng chỉ ra rằng: “Nâng cao bản lĩnh, phẩm chất, năng lực, phong cách chuyên nghiệp, đổi mới sáng tạo của đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại và hội nhập quốc...”[7].

Chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng

Trong văn kiện Đại hội XII của Đảng chủ trương: Triển khai mạnh mẽ định hướng chiến lược chủ động và tích cực hội nhập quốc tế. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã cụ thể hóa thành các định hướng và nhiệm vụ toàn diện và sâu rộng hơn, cụ thể: “Chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, giải quyết tốt mối quan hệ giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế; thúc đẩy hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, linh hoạt, hiệu quả vì lợi ích quốc gia - dân tộc, bảo đảm độc lập, tự chủ, chủ quyền quốc gia . Gắn kết chặt chẽ quá trình chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng với việc nâng cao sức mạnh tổng hợp, huy động tiềm năng của toàn xã hội; đổi mới, hoàn thiện thể chế trong nước, nâng cao năng lực tự chủ, cạnh tranh và khả năng thích ứng của đất nước”[8].

Như vậy, thực hiện hội nhập quốc tế là quá trình một quốc gia, một dân tộc có thể tham gia trên tất cả các lĩnh vực với các quốc gia khác trong phạm vi khu vực và thế giới theo các nguyên tắc cơ bản, thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế, thực hiện đầy đủ hệ thống các công cụ, quyền lực được sử dụng chi phối, kiểm soát trong quá trình hội nhập quốc tế. Muốn thực hiện hiệu quả các vấn đề đó cần tăng cường nội lực, bảo đảm lợi ích quốc gia - dân tộc, giữ vững độc lập, tự chủ, chủ quyền quốc gia.

Chủ động, tích cực đóng góp đối với các hoạt động quốc tế

Trong văn kiện Đại hội XII của Đảng chủ trương: Chú trọng tham gia và phát huy vai trò tại các cơ chế đa phương, đặc biệt là ASEAN và Liên hợp quốc. Và để chủ động, tích cực, hiệu quả trong đóng góp đối với các hoạt động quốc tế, Báo cáo chính trị Đại hội XIII của Đảng nêu rõ các nhiệm vụ cần thực hiện, đó là: “Chủ động, tích cực đóng góp nâng cao vai trò của Việt Nam trong xây dựng, định hình các thể chế đa phương và trật tự chính trị - kinh tế quốc tế, thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế và các hiệp định thương mại đã ký kết”[9].

Những điểm mới trong văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII về hoạt động đồi ngoại và hội nhập quốc tế thể hiện mạnh mẽ tính kế thừa và tinh thần đổi mới tư duy, phù hợp thực tiễn, cũng như với thế và lực mới của đất nước. Đại hội XIII của Đảng một lần nữa khẳng định vị trí, vai trò chiến lược của hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế đối với sự nghiệp phát triển đất nước trong giai đoạn hiện nay. /.


[1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, NXB CTQG Sự thật, Hà Nội, t.1, tr.69-70.

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Sdd, tr.153.

[3] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sdd, t.1, tr.161-162.

[4] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sdd, t.1, tr.162.

[5] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Sdd, tr.156.

[6] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sdd, t.1, tr.162.

[7] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sdd, t.1, tr.165

[8] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sdd, t.1, tr.164

[9] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sdd, t.1, tr.164


Các tin khác

Kết quả điểm

Tài liệu tuyên truyền

Hướng dẫn tra cứu thư viện số