Tin mới nhất

Nhận thức mới của đảng ta về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa tại văn kiện Đại hội XIII

Từ Đại hội Đảng lần thứ VI đến Đại hội Đảng lần thứ XIII, thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa luôn được Đảng ta nhìn nhận và dần được hoàn thiện. Điều đó đã được chứng minh bằng việc đất nước ta thoát khỏi thời kỳ khó khăn về kinh tế, đạt tốc độ tăng trưởng thuộc nhóm cao nhất thế giới. Từ một nước nghèo, có thu nhập thấp, Việt Nam đã gia nhập nhóm nước có thu nhập trung bình, hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới.

Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa được bắt đầu ngay từ khi tiến hành công cuộc đổi mới. Trải qua các kỳ Đại hội vấn đề này luôn được coi là một nội dung trọng tâm, cần phải được quán triệt cả về nhận thức và hành động. Điểm mới trong Văn kiện Đại hội XIII là làm rõ hơn vai trò, định hướng phát triển các thành phần kinh tế trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; xác định rõ hơn mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội trong cơ chế vận hành nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và đề ra nhiều nhiệm vụ mới, nội dung mới để tiếp tục hoàn thiện toàn diện, đồng bộ thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước trong những năm tới.

Thứ nhất, về vai trò, định hướng phát triển các thành phần kinh tế.

Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế; các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật nhưng mỗi thành phần kinh tế có vai trò khác nhau, có yêu cầu về định hướng phát triển khác nhau. Những quan điểm này đã được khẳng định trong các Văn kiện Đại hội Đảng nhiều nhiệm kỳ. Điểm mới trong Văn kiện Đại hội XIII là xác định rõ hơn vai trò và định hướng phát triển của các thành phần kinh tế, một nội dung rất quan trọng để hoàn thiện thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Văn kiện Đại hội XIII làm rõ hơn vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước: kinh tế nhà nước được khẳng định là công cụ, lực lượng vật chất quan trọng để Nhà nước ổn định kinh tế vĩ mô, định hướng, điều tiết, dẫn dắt, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, khắc phục các khuyết tật của cơ chế thị trường. Đây là chức năng quan trọng của kinh tế nhà nước, đồng thời cũng là điểm đặc trưng khác biệt, tiến bộ của kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác, các hợp tác xã, tổ hợp tác có vai trò cung cấp dịch vụ cho các thành viên; liên kết, phối hợp sản xuất kinh doanh, bảo vệ lợi ích và tạo điều kiện để các thành viên nâng cao năng suất, hiệu quả sản xuất kinh doanh, phát triển bền vững. Tăng cường liên kết giữa các hợp tác xã, hình thành các hiệp hội, liên hiệp hợp tác xã. Nhà nước khuyến khích, hỗ trợ phát triển các hợp tác xã để các hợp tác xã mở rộng, tăng thêm thành viên, mở rộng và nâng cao chất lượng các dịch vụ, tăng thêm tài sản, vốn quỹ thuộc sở hữu tập thể và liên kết với các hợp tác xã khác, hình thành các hiệp hội, liên hiệp hợp tác xã. Đây là cách thức phù hợp để giúp đỡ, hỗ trợ những người sản xuất nhỏ trong nền kinh tế thị trường, là con đường phù hợp để đưa những người sản xuất nhỏ phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Văn kiện Đại hội XIII tiếp tục khẳng định kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế và được khuyến khích phát triển ở tất cả các ngành, lĩnh vực mà pháp luật không cấm, nhất là trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh, dịch vụ được hỗ trợ thành các công ty, tập đoàn kinh tế tư nhân mạnh, có sức cạnh tranh cao; phấn đấu đến năm 2025 có khoảng 1,5 triệu doanh nghiệp, đóng góp khoảng 55% GDP và đến năm 2030 có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp, đóng góp vào GDP đất nước đạt 60% - 65%. Đồng thời, Văn kiện Đại hội XIII chủ trương định hướng phát triển kinh tế tư nhân theo hình thức công ty cổ phần có sự tham gia rộng rãi của các chủ thể xã hội, nhất là người lao động và hợp tác, liên kết với doanh nghiệp nhà nước, các hợp tác xã, kinh tế hộ. Kinh tế tư nhân phát triển theo định hướng đó sẽ không mâu thuẫn mà đóng góp tích cực vào phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa của đất nước.

Văn kiện Đại hội XIII tiếp tục xác định kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là một bộ phận quan trọng của nền kinh tế đất nước, có vai trò quan trọng trong việc huy động vốn đầu tư, công nghệ, phương thức quản lý hiện đại, mở rộng thị trường xuất khẩu, đồng thời chủ trương chuyển trọng tâm thu hút đầu tư từ lượng sang chất, có trọng tâm, trọng điểm, có chọn lọc những dự án có công nghệ mới, tiên tiến, hiện đại, có giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường, kết nối chặt chẽ, hữu cơ với khu vực kinh tế trong nước, chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp trong nước, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước tham gia vào mạng lưới sản xuất, kinh doanh, chuỗi giá trị toàn cầu.

Thứ hai, quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.

Để hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Hội nghị Trung ương 5 khóa XII đã nêu rõ: “Xác định rõ và thực hiện đúng vị trí, vai trò, chức năng và mối quan hệ của Nhà nước, thị trường và xã hội phù hợp với kinh tế thị trường; bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa; tăng cường và giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng”[1]. Đây là một trong những điểm mới trong quan điểm của Đảng về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Có thể thế với xu hướng chung, không một xã hội nào phó mặc cho nhà nước và thị trường việc điều hành đời sống kinh tế - xã hội. Xây dựng nền kinh tế thị trường, củng cố tính hiệu quả của nhà nước và phát huy vai trò của xã hội là những quá trình diễn ra đồng thời, làm tiền đề cho nhau và quan hệ chặt chẽ với nhau.

Văn kiện Đại hội XIII tiếp tục khẳng định trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, giữa Nhà nước, thị trường và xã hội có mối quan hệ chặt chẽ và tiếp tục yêu cầu phải nắm vững và xử lý tốt mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội trong quản lý nền kinh tế; đồng thời, có nhiều nhận thức mới, quan điểm mới làm rõ hơn mối quan hệ này. Văn kiện Đại hội XIII xác định:

Nhà nước xây dựng và hoàn thiện thể chế, bảo vệ quyền tài sản, quyền kinh doanh, giữ ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế; tạo môi trường thuận lợi, công khai, minh bạch cho các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội và thị trường hoạt động; điều tiết, định hướng, thúc đẩy kinh tế phát triển, gắn kết phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, đời sống Nhân dân, bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Nhà nước quản lý nền kinh tế bằng luật pháp, cơ chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, các tiêu chuẩn, định mức và lực lượng kinh tế nhà nước phù hợp với các yêu cầu và quy luật của kinh tế thị trường.

Thị trường đóng vai trò quyết định trong xác định giá cả hàng hóa, dịch vụ; tạo động lực huy động, phân bổ hiệu quả các nguồn lực; điều tiết hoạt động của doanh nghiệp, thanh lọc những doanh nghiệp yếu kém. Những biến động của quan hệ cung - cầu, giá cả trên thị trường là tín hiệu để những người nắm giữ các nguồn lực quyết định đầu tư, đưa các nguồn lực đầu tư vào lĩnh vực nào, sản phẩm nào, địa bàn nào hay rút các nguồn lực khỏi đầu tư, chuyển đầu tư từ lĩnh vực này sang lĩnh vực khác, từ sản phẩm này sang sản phẩm khác để có hiệu quả cao nhất. Thị trường là yếu tố trực tiếp điều tiết sản xuất, lưu thông và hoạt động của doanh nghiệp một cách linh hoạt. Doanh nghiệp sẽ điều chỉnh sản xuất, thu hẹp hoặc đình chỉ sản xuất hàng hóa, dịch vụ cung đã vượt cầu, chuyển sang sản xuất những hàng hóa, dịch vụ cung nhỏ hơn cầu để có hiệu quả cao. Những doanh nghiệp, người sản xuất, kinh doanh nào thích ứng được với những biến động của thị trường, tận dụng được cơ hội sẽ phát triển, ngược lại, doanh nghiệp, người sản xuất, kinh doanh nào không theo kịp sự biến động, phát triển của thị trường sẽ thua lỗ, phá sản.

Các tổ chức xã hội có vai trò tạo sự liên kết, phối hợp hoạt động, giải quyết những vấn đề phát sinh giữa các thành viên; đại diện và bảo vệ lợi ích của các thành viên trong quan hệ với các chủ thể, đối tác khác; cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho các thành viên; phản ánh nguyện vọng, lợi ích của các tầng lớp Nhân dân đối với Nhà nước và tham gia phản biện luật pháp, cơ chế, chính sách của Nhà nước, giám sát các cơ quan và đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước trong việc thực thi pháp luật, đảm bảo thực hiện nghiêm túc, đúng đắn, có hiệu quả, ngăn chặn tình trạng quan liêu, tham nhũng, lãng phí.

Thứ ba, tiếp tục hoàn thiện toàn diện, đồng bộ thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Trong quá trình chuyển sang nền kinh tế thị trường vừa qua đã xác định một trong những cản trở chính là hệ thống pháp luật còn chưa hoàn thiện, chồng chéo, ảnh hưởng đến phát triển nói chung. Đồng thời, trước yêu cầu phát triển mới, đặc biệt là tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhiều ngành nghề mới ra đời cần phải có môi trường pháp lý đảm bảo cho sự phát triển. Vì vậy, Văn kiện Đại hội XIII nêu rõ: “Xây dựng khung khổ pháp luật, môi trường thuận lợi thúc đẩy phát triển, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển kinh tế số; hỗ trợ khuyến khích sự ra đời, hoạt động của những lĩnh vực mới, mô hình kinh doanh mới. Tập trung sửa đổi những quy định mâu thuẫn, chồng chéo, cản trở phát triển kinh tế. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, phân cấp, phân quyền, ủy quyền gắn với tăng cường kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm cá nhân và nâng cao trách nhiệm phối hợp giữa các cấp, các ngành”[2]. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính một cách quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả, cải thiện nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, minh bạch, phấn đấu đến năm 2030 môi trường kinh doanh của Việt Nam được xếp vào nhóm 30 quốc gia hàng đầu.

Cùng với đó, phải hoàn thiện thể chế, phát triển đầy đủ, đồng bộ các yếu tố thị trường, các loại thị trường. Bảo đảm thực hiện đầy đủ quyền tự do kinh doanh, tự do lưu thông hàng hóa, dịch vụ, cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh giữa các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế. Thực hiện nhất quán cơ chế giá thị trường đối với hàng hóa, dịch vụ, kể cả các dịch vụ công cơ bản, thu hẹp những loại hàng hóa, dịch vụ mà Nhà nước quyết định giá. Phát triển đầy đủ, đồng bộ, vận hành thông suốt các thị trường theo chuẩn mực của nền kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại, hội nhập quốc tế. Phát triển thị trường các yếu tố sản xuất để thị trường đóng vai trò quyết định trong huy động, phân bổ, sử dụng các nguồn lực phát triển và quản lý chặt chẽ thị trường đất đai, bất động sản. Phát triển đồng bộ, nâng cao hiệu quả hoạt động của thị trường tài chính, tiền tệ, chứng khoán, bảo hiểm trên nền tảng ứng dụng công nghệ số. Phát triển mạnh mẽ thị trường khoa học - công nghệ để khuyến khích đổi mới sáng tạo, ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ. Phát triển thị trường lao động linh hoạt gắn với cải cách tiền lương, bảo hiểm xã hội. Phát triển thị trường hàng hóa, dịch vụ theo các phương thức tổ chức, giao dịch văn minh, hiện đại. Phát triển thị trường dịch vụ pháp lý hỗ trợ cho hoạt động và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân và doanh nghiệp...

Tiếp tục hoàn thiện thể chế, thúc đẩy phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Đối với doanh nghiệp nhà nước, nhiệm vụ trọng tâm là thúc đẩy nhanh việc xử lý nợ, thoái vốn, cổ phần hóa, cơ cấu lại doanh nghiệp; thúc đẩy đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ, áp dụng chế độ quản trị doanh nghiệp hiện đại. Đồng thời, kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động của doanh nghiệp không để thất thoát, lãng phí vốn, tài sản nhà nước. Sửa đổi, bổ sung luật pháp, chính sách để hỗ trợ, khuyến khích phát triển hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa, kinh tế hộ, trang trại trong nông nghiệp, các ngành, lĩnh vực. Tạo môi trường thuận lợi, thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân, khuyến khích doanh nghiệp tư nhân đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ, phát triển nguồn nhân lực, mở rộng thị trường, cải thiện điều kiện làm việc, thu nhập của người lao động và tham gia các hoạt động xã hội, bảo vệ môi trường, thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Khuyến khích phát triển và nâng cao hiệu quả các dự án đối tác công - tư trong xây dựng kết cấu hạ tầng. Ưu tiên thu hút những dự án đầu tư nước ngoài có trình độ công nghệ cao, thân thiện với môi trường, đầu tư vào những ngành, lĩnh vực cần ưu tiên phát triển, có liên kết, chuyển giao công nghệ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu.

Tóm lại, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam phải theo hướng hiện đại và quốc tế, làm cho nền kinh tế thị trường Việt Nam có khả năng cạnh tranh toàn cầu, làm cho dân giàu, nước mạnh. Muốn vậy, thể chế kinh tế Việt Nam phải được hoàn thiện theo các tiêu chí hiện đại, tiến bộ nhất và đó cũng là điều kiện để Việt Nam có thể hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và toàn cầu./.


[1]. Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2017, tr. 28

[2]. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tập 1, trang 132.


Các tin khác

Kết quả điểm

Tài liệu tuyên truyền

Hướng dẫn tra cứu thư viện số