Tin mới nhất

Nhận diện một số hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc

 

Theo quy định tại khoản 9 Điều 3 Bộ luật lao động[1]: “Quấy rối tình dục tại nơi làm việc là hành vi có tính chất tình dục của bất kỳ người nào đối với người khác tại nơi làm việc mà không được người đó mong muốn hoặc chấp nhận”. Nơi làm việc[2] là bất kỳ nơi nào mà người lao động thực tế làm việc theo thỏa thuận hoặc phân công của người sử dụng lao động. Điều này cũng được cụ thể hóa tại điều 84, 85, 86 Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động.

Một số vụ việc gần đây được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng đã cho thấy mức độ nghiêm trọng của vấn đề này. Nhiều người thường rất dễ nhầm lẫn rằng hành vi quấy rối tình dục với các hoạt động vui đùa, chăm sóc lẫn nhau hoặc cho rằng các hành vi cưỡng hiếp, hiếp dâm mới được xem là quấy rối tình dục, trong khi đây là hình thức quấy rối nghiêm trọng nhất. Như vậy, quấy rối tình dục còn là những hành động không hướng tới hoặc không rõ ràng hướng tới hành vi giao cấu, mà quấy rối tình dục còn gồm cả các hành vi mang bản chất tình dục bằng lời nói và không bằng lời nói. Các hành vi tán tỉnh, trêu ghẹo bằng các từ ngữ nhạy cảm về tình dục, cho xem hình ảnh gợi dục, ôm hôn, quàng vai, áp sát hoặc nhắn tin qua điện thoại, phô bày các tài liệu khiêu dâm, hình ảnh, vật, màn hình máy tính, cấu véo, đụng chạm thể xác… liên quan tới tình dục; đề nghị hoặc cưỡng ép quan hệ tình dục… Hoặc, đề nghị, yêu cầu, gợi ý đổi quan hệ tình dục lấy sự đánh giá ưu ái hoặc sự hứa hẹn công việc, lương, thưởng. Ngoài ra “Hối lộ tình dục” cũng là một hình thức của quấy rối tình dục “trao đổi” diễn ra khi một người thực hiện hay cố gắng gây ảnh hưởng đến quy trình tuyển dụng, thăng chức, tăng lương… hay các lợi ích khác của người khác ở nơi làm việc để đổi lấy sự thỏa thuận về tình dục, làm cho người khác cảm thấy khó chịu, xấu hổ cũng chính là quấy rối tình dục tại nơi làm việc mà nạn nhân chủ yếu là phụ nữ. Còn đối với nam giới, trong mắt xã hội họ là nhóm người khó bị tổn thương hơn bởi những hành vi quấy rối tình dục so với phụ nữ. Nhưng quấy rối tình dục không phân biệt nạn nhân và cũng không phân biệt kẻ phạm tội. Nữ giới cũng có thể là người quấy rối hướng đến nạn nhân nam. Vấn đề ở đây không phải là phái nào có sức mạnh hơn, sức mạnh thể chất không có can hệ gì trong những trường hợp này, dù là phái mạnh hay phái yếu đều có thể là nạn nhân của nạn quấy rối tình dục.

Thực tế, chuyện quấy rối tình dục ở công sở không phải mới. Các hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc rất phong phú, đa dạng. Từ những hành vi tiếp xúc cơ thể, đến những lời chọc ghẹo thiếu đứng đắn, ánh mắt, cử chỉ thô tục… vẫn còn tồn tại ít nhiều trong môi trường làm việc.

Khoản 1, khoản 2 Điều 84 Nghị định 145/2020/NĐ-CP hướng dẫn điều kiện lao động và quan hệ lao động, do Chính phủ ban hành ngày 14/12/2020 (có hiệu lực từ ngày 01/02/2021) đã cụ thể hành vi quấy rối tình dục như sau:

“1. Quấy rối tình dục quy định tại khoản 9 Điều 3 của Bộ luật Lao động có thể xảy ra dưới dạng trao đổi như đề nghị, yêu cầu, gợi ý, đe dọa, ép buộc đổi quan hệ tình dục lấy bất kỳ lợi ích nào liên quan đến công việc; hoặc những hành vi có tính chất tình dục không nhằm mục đích trao đổi, nhưng khiến môi trường làm việc trở nên khó chịu và bất an, gây tổn hại về thể chất, tinh thần, hiệu quả công việc và cuộc sống của người bị quấy rối.

2. Quấy rối tình dục tại nơi làm việc bao gồm:

a) Hành vi mang tính thể chất gồm hành động, cử chỉ, tiếp xúc, tác động vào cơ thể mang tính tình dục hoặc gợi ý tình dục;

b) Quấy rối tình dục bằng lời nói gồm lời nói trực tiếp, qua điện thoại hoặc qua phương tiện điện tử có nội dung tình dục hoặc có ngụ ý tình dục;

c) Quấy rối tình dục phi lời nói gồm ngôn ngữ cơ thể; trưng bày, miêu tả tài liệu trực quan về tình dục hoặc liên quan đến hoạt động tình dục trực tiếp hoặc qua phương tiện điện tử”.

Như vậy, hành vi quấy rối tình dục được biểu hiện dưới nhiều hình thức như: quấy rối bằng ngôn ngữ, phi ngôn ngữ, hành vi tiếp xúc cơ thể. Trong đó quấy rối tình dục bằng lời nói là phổ biến hơn cả, gồm các nhận xét không phù hợp về mặt xã hội, văn hóa và không được mong muốn bằng những ngụ ý về tình dục như những truyện cười gợi ý về tình dục, những nhận xét về trang phục hay cơ thể của một người nào đó khi có mặt họ hoặc hướng tới họ. Hình thức này bao gồm cả những lời đề nghị và những yêu cầu không mong muốn hay lời mời đi chơi mang tính cá nhân một cách liên tục... mà nạn nhân chủ yếu là phụ nữ. Đây là hình thức phạm tội rất khó chứng minh hành vi, hậu quả, hầu như không để lại sự thương tổn vật lý, tuy nhiên các nạn nhân vẫn có thể phải gánh chịu sự tổn thương lớn và khủng hoảng về tinh thần. Một phần vì nạn nhân e ngại, sợ tai tiếng, mất lòng vì đó là những người đồng nghiệp thường xuyên làm việc với nhau. Cho nên nhiều nạn nhân thường có xu hướng im lặng, nhắm mắt cho qua, chịu đựng mà không dám lên tiếng. Từ đó, sẽ tạo ra môi trường làm việc bất ổn, đáng sợ và khó chịu. Do đó có khả năng những người này sẽ chấp nhận bỏ việc, chuyển nơi làm việc …

Ở mức độ các hành vi quấy rối tình dục chưa đến mức đáng kể tuy không bị xử lý hình sự, nhưng là hành vi cần phải lên án, phải ngăn chặn. Theo Tổ chức Lao động quốc tế, nạn nân của quấy rối tình dục tại nơi làm việc phải hứng chịu tổn thương về tâm lý, bao gồm cảm giác bị xỉ nhục, giảm động lực phấn đấu, mất đi sự tôn trọng bản thân mình. Bên cạnh đó, nạn nhân còn bị thay đổi các hành vi, như: Tự cô lập mình; huỷ hoại các mối quan hệ. Nạn nhân có nguy cơ bị mắc những bệnh về thể chất và tinh thần liên quan đến trầm cảm, bao gồm lạm dụng đồ uống có cồn. Nạn nhân có thể bỏ bê những cơ hội nghề nghiệp, bỏ việc, thậm chí tự tử. Đặc biệt, tác động tiêu cực có thể kéo dài trong nhiều năm.

Pháp luật hiện nay đã có một số quy định về việc xử phạt hành vi quấy rối tình dục như: Các hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực lao động, trong đó có: “Quấy rối tình dục tại nơi làm việc”(khoản 3 Điều 8 Bộ luật lao động 2019).

Hành vi quấy rối tình dục gây ra hậu quả ở mức độ nhẹ thì cá nhân có hành vi quấy rối tình dục sẽ bị xử lý vi phạm hành chính từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng theo điểm a khoản 1 Điều Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đối với một trong những hành vi sau đây: “Có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác”.

Nếu hành vi quấy rối mà xúc phạm nghiêm trọng đến nhân phẩm, danh dự người khác thì cũng có thể bị xử lý hình sự theo khoản 1 Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) về “Tội làm nhục người khác”: “Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm”. Còn đối với trường hợp nạn nhân là người dưới 18 tuổi thì những hành vi quấy rối tình dục dạng này có thể bị khép vào tội dâm ô đối với trẻ em theo theo quy định tại khoản 1 Điều 146 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) về tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi: “Người nào đủ 18 tuổi trở lên mà có hành vi dâm ô đối với người dưới 16 tuổi không nhằm mục đích giao cấu hoặc không nhằm thực hiện các hành vi quan hệ tình dục khác, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm”.

Theo điểm d khoản 2 Điều 35 Bộ Luật Lao động năm 2019, quấy rối tình dục được xem là một căn cứ để người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không cần báo trước trong trường hợp sau đây: “Bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc”.

Theo đó, cá nhân có hành vi quấy rối tình dục sẽ bị xử lý tùy theo mức độ hậu quả mà hành vi đó để lại cho nạn nhân. Hình thức xử lý kỷ luật sa thải được người sử dụng lao động áp dụng theo khoản 2 Điều 125 của Bộ luật Lao động 2019 trong trường hợp sau đây: “Người lao động có hành vi tiết lộ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của người sử dụng lao động, có hành vi gây thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe dọa gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về tài sản, lợi ích của người sử dụng lao động hoặc quấy rối tình dục tại nơi làm việc được quy định trong nội quy lao động”.

Vấn đề bồi thường thiệt hại cho người bị hại (bị quấy rối tình dục) trong trường hợp này được áp dụng theo quy định tại khoản 2 Điều 592 Bộ luật Dân sự 2015. Theo đó, người thực hiện hành vi phạm tội sẽ bồi thường thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm cho người bị hại, cụ thể như sau: “Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì mức tối đa cho một người có danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm không quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định”.

Việc quy định, xử lí nghiêm các hành vi quấy rối tình dục không có nghĩa là tất cả các quan hệ xã hội, quan hệ giao tiếp lành mạnh khác trong cơ quan đều bị nghiêm cấm. Các quan hệ lành mạnh, trong sáng, đúng đắn, thể hiện tình cảm chân thành, phù hợp đạo đức truyền thống và pháp luật, kể cả quan hệ giúp đỡ lẫn nhau, sự giao lưu tình cảm giữa các đồng nghiệp với nhau cần phải khuyến khích, giúp phát triển quan hệ hài hòa, tạo môi trường làm việc năng động, an toàn, năng suất và chất lượng.

Như vậy, để ngăn chặn, hạn chế tình trạng quấy rối tình dục tại nơi làm việc theo tôi cần có các giải pháp sau:

Thứ nhất, thường xuyên tuyên truyền, phổ biến, tập huấn quy định về phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc còn phải nâng cao nhận thức trong vấn đề bảo vệ, chống lại quấy rối tình dục nhằm khuyến khích phụ nữ khiếu nại và giúp người sử dụng lao động hiểu được trách nhiệm của họ nằm ở đâu trong việc bảo vệ không gian an toàn phụ nữ và người lao động nói chung giữ vai trò vô cùng qua trọng.

Thứ hai, ít nhất các nạn nhân của hành vi quấy rối tình dục nên nói với kẻ bắt nạt rằng hành vi này là không phù hợp và không được hoan nghênh. Phản ứng mạnh bằng cách nói to lên, tố cáo hành vi của kẻ đó nhằm đánh động mọi người xung quanh. Cần thiết, hãy giữ đối tượng và giao cho các nhà chức trách.

Thứ ba, các nạn nhân của quấy rối tình dục hãy chia sẻ. Đừng giữ im lặng khi bị quấy rối tình dục, im lặng chẳng giúp giải quyết được vấn đề mà còn khiến bản thân có thể bị quấy rối thêm nhiều lần khác, nghiêm trọng hơn. Hãy nhớ, khi bị xâm hại tình dục (dù là nam đi chăng nữa) thì bạn vẫn đang là nạn nhân của một hành vi lệch lạc.

Thứ tư, đưa vấn đề bảo vệ, chống lại quấy rối tình dục vào trong Luật hình sự với những quy định xử phạt ở mức nghiêm khắc nhất.

Thông qua các quy định hướng dẫn và xử lí cụ thể như đã nêu, hy vọng rằng người lao động tự trang bị, cập nhật cho mình một số kỹ năng, kiến thức pháp lý để đòi lại công lý cho bản thân, thoải mái, tự tin tại nơi làm việc. Đó không chỉ là bảo vệ mình mà còn bảo vệ những người xung quanh, đồng thời là lời cảnh báo nghiêm khắc nhất đối với những kẻ hay có hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc./.


[1] Bộ luật này được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 20 tháng 11 năm 2019 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2021)

[2] Nơi làm việc quy định tại khoản 9 Điều 3 của Bộ luật Lao động là bất cứ địa điểm nào mà người lao động thực tế làm việc theo thỏa thuận hoặc phân công của người sử dụng lao động, bao gồm cả những địa điểm hay không gian có liên quan đến công việc như các hoạt động xã hội, hội thảo, tập huấn, chuyến đi công tác chính thức, bữa ăn, hội thoại trên điện thoại, các hoạt động giao tiếp qua phương tiện điện tử, phương tiện đi lại do người sử dụng lao động bố trí từ nơi ở đến nơi làm việc và ngược lại, nơi ở do người sử dụng lao động cung cấp và địa điểm khác do người sử dụng lao động quy định.


Các tin khác

Kết quả điểm

Tài liệu tuyên truyền

Hướng dẫn tra cứu thư viện số